Hệ thống nào của máy tính dùng để biên dịch năm 2024

Trong công tác biên dịch thời đại số, các dịch giả đã và đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quá trình làm việc của mình, từ công nghệ dịch máy cho đến công nghệ dịch có sự hỗ trợ của máy tính. Hãy cùng SK Translate tìm hiểu xem những công nghệ này đã được tích hợp trong biên dịch như thế nào nhé!

Công nghệ dịch máy

Dịch máy, hay dịch tự động (machine translation) là công nghệ cho phép chuyển đổi văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không cần đến sự can thiệp của con người. Năm 1954, thành tựu nổi bật của dịch tự động được chính thức ghi nhận, với thí nghiệm của IBM thành công dịch tự động hoàn toàn hơn 60 câu tiếng Nga sang tiếng Anh.

Về cơ chế hoạt động, sau khi tìm hiểu các nghĩa có thể của từng từ, máy dựa theo ngữ cảnh để chọn nghĩa phù hợp nhất. Máy sẽ căn cứ vào các cấu trúc ngữ pháp nhất định để sắp xếp các từ trong câu hợp lý.

Đặc điểm

Ưu điểm của dịch máy là tốc độ nhanh hơn con người rất nhiều lần, chi phí rẻ và hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm cả những ngôn ngữ ít phổ biến. Đổi lại, nhược điểm của công nghệ này là độ chính xác. Các lỗi dịch thuật vẫn có thể xuất hiện, hoặc bản dịch thiếu sự tinh tế, không tự nhiên, sai nghĩa. Vấn đề này xảy ra với các câu phức tạp, văn bản chuyên ngành, văn bản yêu cầu hiểu sâu về ngữ cảnh, ngữ nghĩa và yếu tố văn hoá của bản gốc.

Dịch máy có tốc độ nhanh, chi phí rẻ và hỗ trợ đa ngôn ngữ

Một số công nghệ dịch máy nổi tiếng có thể kể đến như Google Translate hỗ trợ 133 ngôn ngữ (sử dụng công nghệ dịch máy thần kinh – neural machine translation – NMT cho phép dịch toàn bộ câu tại một thời điểm). Hay, Microsoft Translator với 135 ngôn ngữ, được tích hợp vào các ứng dụng của Microsoft (sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp NMT). Ngoài ra còn có DeepL Translator nổi tiếng với độ chính xác cao và chất lượng dịch tốt, đặc biệt là giữa các ngôn ngữ châu Âu (sử dụng NMT và cơ sở dữ liệu dịch song ngữ lớn).

XEM THÊM: 4 ỨNG DỤNG HỖ TRỢ DỊCH THUẬT QUA CAMERA CẠNH TRANH VỚI GOOGLE TRANSLATE

Công nghệ dịch có sự hỗ trợ của máy tính

Dịch thuật với sự hỗ trợ của máy tính (computer-assisted translation hoặc computer-aided translation – CAT) là quá trình dịch thuật do con người thực hiện với sự hỗ trợ của máy tính thông qua một số phần mềm nhất định. Các phần mềm này thường giúp nâng cao hiệu quả dịch thuật, đảm bảo sự nhất quán của bản dịch và tiết kiệm thời gian.

Đặc điểm

Sự khác biệt của dịch tự động và dịch có sự hỗ trợ của máy tính phụ thuộc vào mức độ tham gia của con người trong quá trình dịch. Khác với dịch tự động không có sự tác động của con người, khi thực hiện dịch có sự hỗ trợ của máy tính, các biên dịch viên vẫn là nhân tố chính, làm việc dựa vào gợi ý của các công cụ mang tính chất hỗ trợ.

Trên thị trường có rất nhiều công cụ hỗ trợ dịch thuật (CAT tools) với những đặc điểm, tính năng riêng biệt phù hợp với nhu cầu của các biên dịch viên và công ty dịch thuật. Nổi bật có thể kể đến như SDL Trados Studio, memoQ, Wordfast, Across,…

Sử dụng các công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả quá trình dịch thuật

Theo tác giả Nguyễn Thị Việt Nga và Ngô Đức Quang, phần mềm dịch chuyên dụng có những thành phần điển hình sau: phân mảnh (segments) giúp phân tách tài liệu gốc thành nhiều phân mảnh nhỏ, bộ nhớ (translation memory – TM) lưu trữ tất cả các phân mảnh, kho thuật ngữ bảo đảm tính nhất quán trong bản dịch và sử dụng đúng thuật ngữ, kiểm tra chất lượng và xử lý tập tin với cách xử lý đa dạng để đọc được các dạng tập tin khác nhau.

Tương lai của công nghệ trong biên dịch

Dự báo xu hướng

Công nghệ hiện đang ngày ngày tiến bộ hơn với những tính năng mới ưu việt hơn so với các phiên bản trước. Trí tuệ nhân tạo với phương pháp học sâu (deep learning) sẽ tiếp tục phát triển. Sự kết hợp giữa các hệ thống dịch máy, NMT và CAT tools được dự báo sẽ trở nên phổ biến và tối ưu hơn, cải thiện liên tục thông qua học máy từ dữ liệu người dùng.

Cơ hội và thách thức

Việc tích hợp, ứng dụng công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho công tác biên dịch. Công nghệ giúp cải thiện độ chính xác và chất lượng bản dịch, giảm thời gian làm việc. Đa số các công nghệ này đều hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả các ngôn ngữ ít phổ biến, qua đó mở rộng cơ hội làm việc cho biên dịch viên.

Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn còn những mặt hạn chế. Máy móc không thể kết hợp chặt chẽ ngữ cảnh trong quá trình dịch thuật như con người. Chúng không đủ nhanh nhạy và nhạy cảm về mặt ngôn ngữ. Do đó, chúng khó có thể truyền tải được phong cách riêng như văn phong, giọng điệu của văn bản.

Máy móc có nhiều ưu điểm nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn con người

Ngoài ra, sự xuất hiện của các phần mềm hỗ trợ dẫn đến tình trạng một bộ phận biên dịch viên thiếu chuyên nghiệp quá ỷ lại vào công nghệ, lười tư duy diễn đạt ngôn ngữ. Việc duy trì vai trò của con người trong quá trình biên dịch thời đại số rất quan trọng. Biên dịch viên cần không ngừng rèn luyện thêm những kỹ năng mới phù hợp bối cảnh công nghệ, trong khi vẫn đảm bảo năng lực chuyên môn vững chắc.

XEM THÊM: NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA BIÊN DỊCH VIÊN TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Kết luận

Việc tích hợp công nghệ trong biên dịch đã và đang mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Tuy nhiên, để có thể tận dụng chúng tối đa, cần phải có sự kết hợp hài hoà giữa công nghệ và con người. Sự hợp tác này chính là chìa khoá mở ra những thành tựu đột phá của ngành biên dịch, đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường toàn cầu.

SK Translate – Dịch thuật Sao Khuê là công ty cung cấp các giải pháp dịch thuật chuyên nghiệp và uy tín. Liên hệ với chúng tôi nếu Quý Khách hàng đang có nhu cầu tìm thuê biên phiên dịch ngay hôm nay. HOTLINE: 📞090 558 36 89 (Miền Bắc) | 093 536 56 99 (Miền Nam).

Nguồn tham khảo:

Nguyễn, T. V. N. (2022). Công nghệ dịch thuật và vai trò của biên dịch viên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.