máy chụp x-quang răng

Chụp X-quang là một biện pháp không thể thiếu trong nha khoa. Chụp X-quang giúp nha sĩ đánh giá gần như tất cả các khía cạnh của sức khỏe răng miệng, cũng như nhu cầu nha khoa của bạn, bao gồm cả việc kiểm tra xem bạn có bị sâu răng hay không. Theo như báo cáo của Phòng khám Mayo, chụp X-quang nha khoa được coi là an toàn và có mức độ phơi nhiễm phóng xạ thấp. Tuy nhiên, bạn có thể đang lo lắng về những rủi ro liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ và muốn chắc chắn rằng bạn và gia đình của bạn đều có những hiểu biết cơ bản về các nguy cơ của việc chụp X-quang nha khoa.

Chụp X-Quang Nha Khoa Hoạt Động Như Thế Nào

Theo bệnh viện Stanford Health Care, phương pháp chụp X-quang sẽ sử dụng chùm tia điện từ để chụp ảnh mô bên trong của cơ thể, nội tạng và xương. Phòng khám Cleveland Clinic cho biết tia X nha khoa hoạt động theo hai cách: nội nha và ngoại nha, có nghĩa là hình ảnh được chụp bằng cách sử dụng tấm phim hoặc cảm biến nha khoa được đặt ở bên trong hoặc bên ngoài miệng của bạn.

X-quang nội nha là phương pháp chụp X-quang nha khoa phổ biến nhất, giúp các nha sĩ đánh giá mật độ xương của bạn, sức khỏe của chân răng và sự phát triển của hàm. Chụp X-quang nha khoa cũng có thể giúp nha sĩ xác định nguy cơ mắc bệnh nha chu và xác định dấu hiệu sâu răng. X-quang ngoại nha thường được thực hiện để đánh giá sức khỏe hàm và xương. Theo Phòng khám Cleveland, các bác sĩ chỉnh nha cũng sử dụng phương pháp chụp X-quang nha khoa để xác định phương pháp chỉnh nha phù hợp nhất với bạn.

Chụp X-Quang Nha Khoa Sẽ Diễn Ra Như Thế Nào

Quá trình chụp X-quang diễn tương đối nhanh và có thể được thực hiện dễ dàng. Theo lưu ý của Chính phủ Alberta, kỹ thuật viên nha khoa có thể giúp bạn mặc một chiếc áo bảo hộ và cổ áo có chứa chì với tác dụng như một lớp bảo vệ bạn khỏi bức xạ. Đối với chụp X-quang nội nha, kỹ thuật viên sẽ đặt một miếng nhựa hoặc bìa cứng để giữ phim X-quang hoặc cảm biến kỹ thuật số ở đúng vị trí trong miệng của bạn. Khi phim hoặc cảm biến được đặt đúng chỗ, bác sĩ sẽ di chuyển máy chụp X-quang lên ngang bằng với má của bạn để chụp ảnh. Bác sĩ có thể điều chỉnh phim hoặc cảm biến đến các khu vực khác nhau trong miệng của bạn để chụp được nhiều hình ảnh chất lượng nhất. Các hình ảnh sẽ dần trở nên rõ ràng gần như là ngay lập tức, khiến đây trở thành một cách thuận tiện để nha sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn một cách tốt hơn.

Các Rủi Ro Liên Quan Đến Chụp X-Quang Là Gì

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khẳng định rằng các rủi ro do tiếp xúc với bức xạ trong quá trình chụp X-quang nha khoa là rất thấp. Một số rủi ro là cố hữu trong quá trình chụp X-quang; do đó, một nguyên tắc hướng dẫn được gọi là ALARA, hoặc "thấp nhất có thể thực hiện hợp lý", giúp các nha sĩ xác định cách sử dụng công nghệ một cách thận trọng và chỉ khi cần thiết, theo ADA. Trước khi tiến hành chụp X-quang, nha sĩ sẽ xem xét nhu cầu nha khoa cá nhân và sức khỏe tổng thể của bạn.

Dưới đây là một số rủi ro liên quan đến biện pháp chụp X-quang và phơi nhiễm phóng xạ nói chung, mặc dù bạn thường sẽ không gặp phải bất kỳ biến chứng nào trong hoặc sau khi chụp X-quang nha khoa thông thường.

  • Tiếp Xúc Với Bức Xạ Khi Mang Thai

    Bạn có thể tham khảo trước ý kiến của nha sĩ về nguy cơ của việc tiếp xúc với bức xạ đối với thai nhi đang phát triển.

    Theo ADA, khi cần thiết, thai phụ vẫn có thể chụp X-quang. Nha sĩ sẽ đánh giá nhu cầu thực hiện chụp X-quang của bạn dựa trên tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn.
  • Chụp X-Quang "Dành Cho Trẻ Em

    Theo báo cáo của Mayo Clinic, trẻ em có thể nhạy cảm với phóng xạ hơn người lớn.

    Mặc dù trẻ em thường bị sâu răng và cần chụp X-quang, nhưng bạn không nên cảm thấy ngần ngại khi hỏi nha sĩ về những rủi ro liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ. Học viện Nha khoa Nhi Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em từ 3 tuổi trở lên nên chụp X-quang cứ sau 6 đến 12 tháng nếu có nguy cơ hoặc bị sâu răng, và không quá 12 đến 24 tháng một lần nếu nguy cơ sâu răng thấp. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cũng khẳng định hoàn toàn có thể chụp X-quang cho trẻ em, nhưng thời gian trẻ em tiếp xúc với bức xạ sẽ được hạn chế nhất có thể.
  • Nguy Cơ Ung Thư

    Mặc dù tia X được coi là nguyên nhân gây ung thư, hoặc tác nhân gây ung thư, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những người tiếp xúc với bức xạ thấp sẽ không hề gặp nguy cơ ung thư.

    Lượng bức xạ khi thực hiện phương pháp chụp X-quang nha khoa chỉ có thể gây ra rủi ro rất nhỏ và khó có thể dẫn đến ung thư.
  • Bệnh Tật Liên Quan Đến Phóng Xạ

    Theo Mayo Clinic, phơi nhiễm phóng xạ liều cao có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến phóng xạ, nhưng tình trạng này chỉ phát sinh từ mức độ phơi nhiễm cực kỳ cao, chẳng hạn như từ một vụ tai nạn hạt nhân. Tình trạng này rất hiếm và không thể do phương pháp chụp X-quang nha khoa thông thường gây ra.

Lợi Ích Của Việc Chụp X-Quang Nha Khoa

Bạn có thể cảm thấy vẫn chưa thực sự tin tưởng khi chụp X-quang, khiến bạn cảm thấy cồng kềnh với ống ngậm, máy móc lớn xung quanh và áo bảo hộ nặng nề, nhưng đó là công cụ chẩn đoán vô cùng hữu ích giúp nha sĩ theo dõi sức khỏe của bạn. Nguy cơ do X-quang nha khoa gây ra là rất thấp so với những thông tin quý báu mà công nghệ này cung cấp về tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn. Chụp X-Quang nha khoa có thể phát hiện ra các vấn đề về răng mà không phải lúc nào cũng có thể được phát hiện khi chỉ thực hiện khám lâm sàng.

Lần kiểm tra tiếp theo, hãy hỏi nha sĩ xem bạn hoặc con bạn có cần chụp X-quang không, và yên tâm rằng phơi nhiễm với bức xạ là thấp, an toàn và rất khó có thể gây hại cho cơ thể.