Phim cheese in the trap review

Hong Seol nhanh chóng được đưa đi cấp cứu sau tai nạn do Baek In Ha gây ra. Sự cố xảy đến với Seol khiến Yoo Jung (Park Hae Jin) nổi điên và anh thề sẽ... giết Baek In Ha nếu Seol có mệnh hệ gì.

Phim cheese in the trap review

Phim cheese in the trap review

Thế nhưng khi Jung còn chưa kịp động đến Baek In Ha vì còn mải lo cho Seol thì chủ tịch Taerang - cũng là bố của Jung đã ra tay. Ông ta cho người nhốt Baek In Ha vào bệnh viện tâm thần. Thực ra mục đích của vị chủ tịch này cũng là để bảo vệ tập đoàn mình. Ông ta không muốn In Ha phải ra tòa và cái tên tập đoàn Taerang bị nhắc đến.

Phim cheese in the trap review

Phim cheese in the trap review

Trở lại với tình trạng của Hong Seol, may mắn là cô đã phẫu thuật thành công và ít lâu sau đó thì hồi phục. Thế nhưng khi Seol khỏe lại cũng là lúc Yoo Jung tìm đến cô và nói lời chia tay khiến người xem bàng hoàng. Thực ra bản thân Yoo Jung cũng mắc lỗi góp phần dẫn đến tai nạn của Seol. Nếu như anh tìm cách giải quyết ôn hòa hơn với Baek In Ha thì có lẽ cô ta đã không nổi điên và tìm đến bắt Seol gánh tội. Jung chọn cách chia tay với Seol vì 2 lẽ. Thứ nhất, bản thân anh không còn đủ tự tin để đối diện với Seol, và thứ 2, anh không muốn tiếp tục vì mình mà làm tổn thương cô. Anh muốn cô trở lại cuộc sống bình thường như cô đã từng. Chia tay Seol, Jung chỉ nói rằng sau này anh sẽ gặp lại cô nếu anh tìm được cách yêu cô "đúng" hơn.

"Bẫy tình yêu" tập cuối: Jung chia tay Seol

Sau khi chia tay Seol, Jung cũng bay sang châu Âu làm việc. Seol mặc dù biết nhưng lại không thể ra sân bay tiễn người mình yêu. Cô chỉ biết ngồi một mình trong phòng và khóc nức nở, trong khi Jung dù lưu luyến cũng vẫn phải lên đường rời Hàn Quốc.

Phim cheese in the trap review

Phim cheese in the trap review

Về phía Baek In Ho, sau khi biết mọi chuyện chị gái mình đã gây ra với Seol, anh cũng chẳng còn đủ tự tin để ở lại nhà của Hong Seol nữa. Cũng trong tập cuối, hiểu lầm của In Ho và Yoo Jung đã được gỡ bỏ. In Ho đã hiểu ra rằng hóa ra trước giờ, chị em cậu đã khiến Yoo Jung vô cùng khổ sở vì họ giống như 2 tên "gián điệp" cung cấp cho bố Yoo Jung mọi thông tin về cậu con trai. Về phía Jung, anh cũng cảm thấy hối hận vì năm xưa đã nông nổi đánh mất tình bạn. Jung cũng giúp Baek In Ha ra khỏi bệnh viện tâm thần nhưng lại tuyên bố không thể tha thứ cho cô. In Ha và In Ho hội ngộ, họ chính thức rời khỏi gia đình Yoo Jung và bắt đầu một cuộc sống mới.

"Bẫy tình yêu" tập cuối: Baek In Ho tạm biệt Seol

"Bẫy tình yêu" tập cuối: Yoo Jung giảng hòa với Baek In Ho

Sau khi giải quyết mọi chuyện êm thấm, bộ phim lấy bối cảnh 3 năm sau đó, khi Seol đã tốt nghiệp và trở thành một nhân viên văn phòng. Môi trường thay đổi nhưng thực tế thì cô vẫn phải đối mặt với hàng loạt rắc rối, muôn kiểu con người như ở thời đại học. Điều đó cũng giúp Seol hiểu ra rằng cuộc sống chính là chiến đấu. May mắn là bên cô vẫn có những người bạn tốt như Bo Ra hay Eun Tak. Trong cuộc sống bề bộn của mình, câu chuyện buồn năm xưa cũng dần phai nhạt, thế nhưng vẫn có những lúc Seol mở hộp thư của mình và nhìn những email gửi Yoo Jung 3 năm nay chưa hề được đọc. Yoo Jung ở đâu, làm gì, cô vẫn luôn tò mò dù cái tò mò ấy thi thoảng cũng lẫn lộn trong nhớ quên và những bận rộn của đời thường.

Đã một thời gian khá lâu rồi mình không xem được một drama hay. Hay đến mức « mê muội » như thời 18 tuổi, xem đi xem lại và chìm đắm trong nhạc phim, hay kiếm tất cả các thể loại thông tin liên quan đến diễn viên, phim và nhân vật. « Cheese in the trap » (CITT), với cái tên tiếng Việt làm mình tương đối tò mò là « Bẫy tình yêu », vô tình khiến mình quay trở lại cái thời mơ mộng rất đẹp ấy. Vẫn nhớ vô cùng cái cảm giác xem phim truyền hình. Nó khác hoàn toàn với cảm xúc khi xem phim điện ảnh. Phim truyền hình khiến mình có cảm giác rất đời thường, rất thường nhật, và đem lại sự háo hức cũng như khuếch trương trí tưởng tượng của mình lên gấp bội sau mỗi tập phim. Thời còn bé mỗi lần xem phim tuần 1, 2 tập trên TV là mình lại có cả tuần để mơ mộng không biết tập sau sẽ diễn ra thế nào, kết thúc ra sao. Rồi lại vô cùng bất ngờ hoặc hí hửng với những diễn tiến trong bộ phim thực sự.

CITT có cái tên khá ngộ nghĩnh, nhưng lại chỉ là một bộ phim với cốt truyện rất cổ điển. Câu chuyện xoay quanh khuôn viên trường đại học với những cô cậu sinh viên nửa người lớn, nửa con trẻ. Vẫn là mô-típ anh chàng nhà giàu con nhà tài phiệt và cô gái nhà nghèo chăm chỉ kiếm sống, như mọi phim Hàn vẫn thích khai thác và xây dựng. Nhưng trong những rừng câu chuyện mộng mơ con gái ấy, CITT vẫn không bị chìm nghỉm về nội dung, nhất là khi không « xuất thân » từ những nhà đài gạo cội, và cũng chẳng có toàn những diễn viên đình đám. CITT là một bộ phim tương đối đơn giản và khiêm nhường, nhưng có cái nét đáng yêu rất riêng, và làm nổi bật được hình tượng ngây thơ trong sáng (cả về nhân vật lẫn cốt truyện) mà Hàn Quốc rất giỏi tạo dựng.

Xuyên suốt phim đều là những kịch tính và bí ẩn về các mối quan hệ nên không gây nhàm chán. Và trên hết chúng đều được giải quyết rất ổn thỏa, để khán giả không phải ngồi thắc mắc hay chẹp miệng « Thôi thì, phim Hàn mà ». Nhiều tình tiết được gói ghém kĩ qua 2 tầng che giấu, để lộ ra sự thật một cách khá bất ngờ và thú vị. Để rồi sau khi xem lại phim và ngẫm nghĩ lại, ta thấy mọi điều đều hợp lý và thỏa đáng. Có thể do phim cũng có lợi thế là đã có sẵn cốt truyện đầy đủ (truyện tranh cùng tên), và có thể quay một lèo không nghỉ (chứ không phải quay theo kiểu « ăn sổi », mỗi tuần làm 1, 2 tập và nội dung thì « nương » theo chiều hướng khán giả mong muốn như một số phim thần tượng làm). Dù nhiều tình tiết bị thay đổi hoàn toàn so với cốt truyện chính, nhưng một phần cũng hợp lý vì manhwa này còn chưa kết thúc, và đây cũng là « chuyện thường tình ở huyện » ở các phim chuyển thể Hàn, nhưng chung quy lại CITT vẫn là một bộ phim chặt chẽ về nội dung và thú vị ở cách xây dựng từng nhân vật cũng như đứng vững trước sóng gió bởi một lượng khán giả phản đối biểu tình vì quá yêu thích cuốn truyện tranh. Bộ phim không có bất cứ sự khoe mẽ hay khoa trương nào quá đáng, không lên gân hay đưa những bài học « dạy đời » cho lớp trẻ, mà chỉ đơn thuần tái hiện và khắc họa cuộc sống sinh viên rắc rối, có lúc lắm tiếng cười, và cũng nhiều khi không kém mệt mỏi. Để mỗi người có thể tự do tìm thấy một chút chính mình, bằng những mơ mộng về tương lai, thích thú vì những điểm tương đồng, hay hoài niệm về một thời tuổi trẻ nhiều kỉ niệm.

Part 2 : Favorites characters

Nếu hỏi về nhân vật yêu thích thì có lẽ rất khó để chọn, vì nhân vật nào cũng có cái riêng rất cuốn hút. Hiếm có drama nào khiến mình thấy mọi diễn viên đều hoàn thành tốt vai diễn của mình đến thế, cả chính lẫn phụ. Không có nhân vật nào bị lu mờ bởi nhân vật nào. Mọi người đều hoàn thành rất tốt vai trò mình đảm nhiệm, và tạo cho nhân vật của mình những nét riêng rất đáng yêu (hoặc đáng ghét :-j). Từ hai bạn thân của cô nhân vật chính Hong Seol, hay trêu chọc lẫn nhau và ngượng ngùng mãi dù « tình trong như đã, mặt ngoài còn e ». Đến cặp chị em quái gở trái tình trái nết nhà họ Baek, In Ho và In Ha, cô bạn hay bắt chước Son Min Soo, các nhân vật tiền bối – hậu bối – bạn học – thầy cô ở trường, hoặc các bậc phụ mẫu của các nhân vật.

Nhưng dù sao một bộ phim hay thì phải kể đến vai trò quan trọng của các diễn viên chính, nếu không chắc chắn phim sẽ trở nên hỏng bét. Hai bạn trẻ đóng cặp đôi rắc rối này rất hợp, và mỗi bạn đều có hình tượng « cứng nhắc và nghiêm túc » nhất trong các nhân vật trong phim, nhưng đều khẳng định được vai trò « chính » của mình. Nhất là khi nam chính có vẻ như cố tình bị cắt bớt đất diễn trong mấy tập cuối để câu chuyện trong phim rẽ sang một hướng khác hẳn với manhwa. Có vẻ như từ sau một số phim thần tượng gần đây, Hàn Quốc đang dần chuyển hướng sang từ 2 nhân vật chính thành 3, và tạo ra hiện tượng « phe phái » giữa các fans ủng hộ các cặp đôi khác nhau.

Nói vòng vo thế tóm lại là mình khoái nhất hai bạn chính. Nhất là bạn Hong Seol chăm chỉ, nghiêm túc, cảm thấy cuộc đời chẳng có gì quan trọng hơn việc học. Cô gái này có lẽ khá gần với những hình tượng sinh viên nghiêm túc ngoài đời : không có ngoài hình nổi bật, ngại đám đông, giao tiếp, tránh thị phi và luôn cần mẫn gánh vác mọi việc. Mình thích cái tính sống thực tế của bản : không mơ mộng đi chơi chừng nào chưa đủ tiền đóng học, không sống buông thả theo kiểu « ta trẻ ta có quyền làm những gì mình thích », hay « hôm nay cứ vậy đi, ngày mai tính sau », không ghen ghét ghen tị với những gì chẳng phải của mình và chẳng ham hố nổi tiếng, gây sự chú ý khắp trường. Cả đời chỉ hát bài ca « Tự túc là hạnh phúc / Lao động là vinh quang » và « Xin cho em cuộc đời bình yên ». Thương nhất là là lúc bản ngồi than thân trách phận « Tại sao bài tập nhóm mà mình lại phải làm hết cơ chứ ?! Thôi kệ đi, có chết thì cùng chết ! ». Rồi lại bật dậy quyết tâm : « Thôi, không được. Bực tức mà làm gì, điểm cao mới là quan trọng ». Và đến học kì II thì thẳng tay gạch tên gã lười ra khỏi nhóm vì hắn thích ăn sẵn không chịu đụng gì đến bài làm. Cả đời đi học làm học sinh nghiêm túc nên mình vô cùng hiểu tâm trạng này. Và cũng cảm động vô cùng cái cảnh tiền bối Yoo Jung (nam chính) ngồi trong căn phòng bé tí của bản, bảo là « Thấy em chăm chỉ cần mẫn trong cuộc sống như thế thực sự là rất tuyệt. Hiện giờ em đang làm rất tốt mà ». Lúc đó ánh mắt bản rưng rưng đã nói lên tất cả. Biết bao đêm thức trắng làm bài nhóm mà chẳng ai tỏ vẻ biết ơn, thầy cô thì cho điểm thấp vì cả nhóm không biết cách cùng nhau làm việc… Tuổi trẻ, ai cùng tự hỏi, không biết mình sống như thế đã đúng cách chưa, sao mọi việc chẳng có gì đi đúng hướng. Chỉ cần một câu nói động viên đơn giản thế thôi, rằng « Em đã làm rất tốt mà », là ta lại tự tin hơn rất nhiều, sau những phút giây hoang mang tự vấn. Thế nên có những lúc Seol có thể bướng bỉnh « Em biết là chẳng ai quan tâm, chẳng ai biết ơn nhưng em vẫn thích tự mình làm ». Phải, làm bất cứ thứ gì là vì mình thấy vui, vì đó là cách sống đúng với bản chất của mình chứ chẳng phải cầu cạnh đòi hỏi gì từ ai hay để làm đẹp lòng người nào đó, đó mới là những việc tuổi trẻ nên làm một cách đúng nghĩa.

Nói đến bạn nam chính, Yoo Jung seon-bae, không biết trong truyện bạn được mô tả thế nào, chứ trong phim thì bản là nhân vật trầm lắng và thú vị nhất. Ngay từ những tập đầu, khán giả (những ai chưa đọc truyện) đã không ít lần đau đầu cùng với cô nàng Hong Seol, không biết anh chàng này thành thật hay mưu mô, có thứ gì ẩn giấu đằng sau khuôn mặt và nụ cười hiền hòa đó. Nhờ có nhân vật Yoo Jung mà những bí ẩn được đẩy đến cao trào với nhiều lần hé lộ bất ngờ. Nhiều lần cô nàng Hong Seol hiểu lầm rồi lại sững sờ vì anh, tự hỏi không biết bao nhiêu lần « Rút cuộc anh là người như thế nào ? ». Sinh trưởng trong gia đình giàu có, nhưng luôn bị nhốt trong chiếc hộp với biết bao rào cản, bị buộc phải cư xử nhã nhặn lịch thiệp, dù có lúc mình không muốn, Yoo Jung nhiều lần lén lút thoát khỏi nó, và vô tình lại tự nhốt mình trong một chiêc hộp lớn hơn và tăm tối hơn nữa. Yoo Jung là một nhân vật rất linh hoạt trong trầm lặng, và với một chút khác thường về tâm lý trong vẻ ngoài bình thường của mình. Yoo Jung có thể không phải là nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho người xem, nhưng là nhân vật then chốt dẫn dắt mọi tình tiết của câu chuyện. Là người tự tay thắt nút, và cũng phải tự mình tháo gỡ từng nút thắt ấy. Yoo Jung có một vẻ ngoài hoàn hảo, nhưng nội tâm phức tạp được che giấu bên trong. Có thể nói là ví dụ minh họa điển hình của việc đừng « trông mặt mà bắt hình dong », hoặc « Họa hổ họa bì nan họa cốt – Tri nhân tri diện bất tri tâm ».

Phim cheese in the trap review

Part 3 : Favorites scenes

Trong phim có rất nhiều cảnh hay và thú vị. Có những cảnh rất bình thường nhưng lại khiến mình ngồi rú rít như trẻ con (như cảnh trở lại trường sau kì nghỉ hè, tiền bối Yoo Jung dõng dạc khẳng định trước lớp rằng hai bạn đang hẹn hò, làm Seol xấu hổ ngồi che mặt nửa buổi, LOL). Như các phim Hàn khác, mấy cảnh kiss scene luôn lãng mạn tung trời, nhưng mình lại thích hơn cả những cảnh hai bạn xấu hổ đi bên nhau hoặc ngại ngùng chia sẻ những gì cả hai suy nghĩ.

Cảnh mà mình thích nhất là phân đoạn trong tập 12, khi bạn Jung vừa đi đánh nhau về mặt mày sứt sẹo, rồi hai bạn ngồi bên nhau và thổ lộ hết những gì mình nghĩ, rằng hồi xưa từng ghét nhau thế nào, nghi kỵ nhau ra sao, nghĩ rằng đối phương kì cục lắm. Nhưng càng tiếp xúc mới biết, chỉ đơn giản là hai cá nhân khác nhau, không hiểu những gì người kia đang nghĩ. Như « một kẻ đau chân chẳng nghĩ được gì khác ngoài cái chân bị đau của mình ». Mỗi chúng ta đều từng là những kẻ ích kỉ nghĩ đến bản thân mình trước nhất, cho đến khi gặp được người mà mình muốn thấu hiểu, gắn bó và ở bên thật dài lâu. Ít nhiều, đã có lúc ta tự tạo cho mình một hình tượng đẹp đẽ hay chiếc mặt nạ mà ta thích khoe mẽ nó với cả thế giới. Và ít nhiều, có lúc ta lưỡng lự thể hiện chính bản chất của mình. Sợ trao nhầm lòng tin, sợ người kia sẽ hoảng sợ bỏ đi mất… Nhưng rồi đến khi mệt mỏi kiệt quệ, chỉ mong có một ai đó ở lại bên mình, chấp nhận mọi vết sẹo xấu xí, và khoan dung ôm mình trong vòng tay.

Có rất nhiều những điều nhỏ nhặt rất bình dị trong cuộc sống mà chỉ cần ngồi lại bên nhau lâu thêm chút, nhìn vào mắt nhau sâu thêm chút, và nắm chặt tay can đảm thêm chút, là sẽ trở thành một bước tiến mới trong mối quan hệ, sẽ gạt bỏ được rất nhiều hiểu lầm khúc mắc, và sẽ trở thành những khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời.

Việc hai người, trong một mối quan hệ, quyết định rũ bỏ mọi cái tôi mà thành thật mọi thứ với nhau, với mình là một điều vô cùng đẹp đẽ và cảm động. Vì thế, nó đương nhiên là cảnh yêu thích nhất của mình trong bộ phim này.

Part 4 : A simple and normal love story

Tựu chung lại, có vô số yếu tố khiến mình say mê bộ phim, xem xong cảm thấy yêu đời và thấy mình trẻ ra như gái 18, hihi. Nhưng trên tất cả điều đã đốn ngã trái tim mình thực sự là vì nó kể về một câu chuyện tình yêu rất đơn giản và bình thường. Từ những bước bỡ ngỡ đầu tiên tìm hiểu nhau, cho đến khi tình cảm ấy lặng lẽ khắc sâu vào từng nhân vật.

Ngay từ lần tỏ tình đầu tiên, Hong Seol có lẽ cũng như biết bao cô gái khác, cảm thấy lưỡng lự, tự hỏi không biết mình có thực sự thích người ta không, tại sao lại gật đầu (mà cũng không có lý do gì để từ chối). Rồi giật mình thon thót mỗi khi có điện thoại, tin nhắn mới gửi đến… Đến những lần hẹn hò « kì cục » đầu, đi về nhà thấy mệt mỏi và bức bối, vì phải giữ kẽ, thích hay không thích thứ gì cũng không dám thể hiện quá đáng. Rồi những lần hiểu lầm tai hại, vì cả hai vẫn chưa quen chia sẻ với nhau những vấn đề riêng của mình. Đó là những bước đi rất thường tình của một mối quan hệ, khi hai cá nhân hoàn toàn xa lạ bắt đầu tìm hiểu và ở gần nhau. Dần dần, vì muốn thấu hiểu nhau và muốn ở bên nhau, hai bạn hứa sẽ thành thật với nhau hơn. Họ hỏi nhau về chuyện tại sao lại đem lòng yêu thích nhau đến thế, rồi tự nghĩ về lần đầu tiên trái tim mình rung động… Điều hay ho khác nữa trong phim là hai nhân vật chính thậm chí còn chưa từng nói yêu nhau. Ngay cả trong lần cả hai thổ lộ mọi điều với nhau, họ cũng chỉ nói “Em thích anh / Anh thích em nhiều lắm”. Bởi vì lời yêu nhau là lời thiêng liêng lắm, và chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Trong bộ phim, không hề có những cảnh lãng mạn « siêu thực », bạn nam chính chưa một lần lao ra đấm vỡ mồm tên khốn đã dám xử tệ với bạn gái mình, cũng không đùng đùng bỏ cuộc họp khẩn ở công ty để chạy đến bên người yêu khi nàng nhập viện. Với những cảnh rất thực tế như thế, CITT càng tỏ rõ sự nhất quán về tính cách nhân vật, cũng như khiến cho câu chuyện khác xa những mơ mộng trên trời như trong các phim Hàn khác, tôn trọng những thực tế mà cuộc đời mỗi người từng trải nghiệm.

Câu chuyện tình yêu trong CITT không phải là một mối tình sét đánh, không phải mối tình sâu đậm định từ kiếp trước, mà là một trong những câu chuyện tình yêu mà ta thực sự thấy ngoài đời. Không ai có thể trong tích tắc thấu hiểu nhau đến tận xương tủy. Để có được sự thấu hiểu ấy, cũng như để có được cầu vồng sau cơn mưa, cần phải trải qua những mâu thuẫn, hiểu lầm, những sự tổn thương không tránh khỏi. Điều quan trọng là sau tất cả những đau đớn ấy, ta vẫn còn đủ kiên nhẫn ở bên để lắng nghe, nắm chặt tay nhau và cùng đi những chặng đường kế tiếp.

Part 5 : An ending that’s not ended

Có khá nhiều ý kiến trái chiều về cái kết của bộ phim. Phần đông khán giả mong muốn một cái kết có hậu và rõ ràng. Ngay từ đầu, CITT đã xác định rõ ranh giới của mình, đội ngũ sản xuất không ít lần « phũ phàng » để nguyên những sự thật « đời không như là mơ » lên phim. Và điều đó kiên định cho đến tận tập cuối. Đó là điều rất đáng trân trọng của những người làm nghệ thuật. Khán giả là những người họ phục vụ, nhưng ý kiến khán giả không phải là tất cả. Có lẽ dù biết sẽ rất đông người xem phản đối cái kết phim, nhưng đoàn làm phim vẫn không thay đổi, và chấp nhận điều rủi ro đó vì tôn trọng sự hợp lý và logic của câu chuyện.

Thực lòng mà nói, nếu bảo không buồn thì là nói dối. Nhưng quả thực mình cảm thấy bộ phim kết thúc đẹp hơn nhiều so với một cái happy ending khiên cưỡng. Ở tập cuối cảm động nhất là khi Jung nói lời chia xa, Seol khóc như mưa nhưng không hề vật vã níu kéo bản, sau khi nhìn thấy bản đã tháo chiếc nhẫn đính ước giữa hai người. Là một cô gái mạnh mẽ, thông minh và tự lập, Seol hiểu rất rõ việc đó không có ý nghĩa gì khi Jung đã lấy hết mọi quyết tâm. Hình ảnh Seol biết được chuyến bay của Jung lúc 3 giờ chiều, và đã mặc sẵn quần áo khăn quàng, nhưng cuối cùng lại không chạy tất tả ra sân bay mà ngồi trong phòng cầm chiếc điện thoại và lặng lẽ khóc khi đồng hồ chuyển sang 3 giờ 01 phút, là một hình ảnh đẹp và day dứt hơn bất cứ điều gì.

Việc bộ phim chọn một cái kết mở, là hoàn toàn hợp lý cho mối tình còn ngây ngô của hai bạn trẻ chập chững biết yêu đương. Vì « khi còn trẻ, người ta dễ dàng từ bỏ một mối tình ». Khi còn trẻ, ta dễ dàng lóa mắt vì những gì đẹp lung linh trước mắt. Cho nên mới dễ dàng tin tưởng, và dễ dàng sập bẫy. Vì tất cả những gì ta nhìn thấy, chỉ là miếng phô mai treo lửng lơ che lấp chiếc bẫy chuột.

Câu chuyện không kết thúc bởi khung cảnh « happy ever after » hai bạn nam nữ chính hạnh phúc ôm nhau nhìn về phía chân trời xa xa, không có cảnh quyến luyến xé lòng ở sân bay « anh đừng đi nữa, ở lại bên em », không có đám cưới huy hoàng ảo mộng. Mà lại là một nỗi buồn day dứt khi chia tay, bạn nữ vẫn chăm chỉ làm việc và vươn lên trong cuộc sống, còn bạn nam thực hiện cuộc hành trình đi tìm lại chính bản thân mình. Để hẹn nhau một ngày, sau biết bao chờ đợi chôn giấu, khi hai ta đã trưởng thành hơn, biết rằng cuộc đời còn nhiều cánh cửa phía trước, ở đâu cũng đầy những chiếc bẫy rình rập. Lúc đó ta đã có thể kiên định, và vững tin ở bên nhau. Cái kết phim, chính là một niềm hy vọng đẹp như thế.