Soạn bài luyện tập mục đọc chuyện lương thế vinh

Trạng nguyên Lương Thế Vinh là câu chuyện ca ngợi trí tuệ thông minh cũng như lòng say mê học hỏi của quan trạng Lương Thế Vinh dưới triều Lê Thánh Tông.

Phần I – Cậu học trò tinh nghịch của quan Thám

Nhìn khắp lượt sáu dãy học trò ngồi xếp bằng ngay ngăn trên những chiếc chiếu rải xung quanh cái sập cũ kỹ nơi mình ngồi, quan Thám lên tiếng:

– Sao mãi tới giờ này vẫn chưa thấy trò Lương Thế Vinh tới? – Đám học trò nhớn nhác nhìn nhau không dám trả lời, vì không phải đến lúc này chúng mới biết Lương Thế Vinh vắng mặt. Thiếu Lương Thế Vinh, đứa bạn thường gây được những trận cười đến đau bụng khi cậu ta pha trò, không khí buổi bình thơ sáng nay như tẻ nhạt hẳn đi.

Quan Thám lại đưa mắt nhìn bao quát lớp học lần nữa. Nhưng lần này không nói gì. Quan chỉ với cái điếu bát, bần thần lấy thuốc, châm lửa hút liền hai điếu, rồi ngửa mặt, phả khói lên trần nhà, dấu hiệu tỏ rõ quan đang băn khoăn.

Nhân dân gọi nhà giáo là quan Thám vì nhã giáo đã từng đỗ Thám Hoa [1], từng làm quan nhưng lại cáo quan về nhà dạy học lúc chưa quá bốn mươi tuổi. Nay quan đã ngoại sáu mươi, nhưng cái tiếng ông quan thanh liêm, hay chữ khắp thừa tuyên [1] Sơn Nam này ai cũng biết. Học trò vùng Sơn Nam không mấy ai đã thành đạt mà lại không học quan.

Quan thám tổ chức buổi bình thơ rất chu đáo, vì có đám học trò vùng bên cạnh xin dự. Quan muốn nhân dịp này để học trò thi thố tài năng và kiểm tra lại kết quả dạy học của mình. Tuy không nói ra nhưng quan hy vọng chẳng trò nào hơn được Lương Thế Vinh, cậu bé 14 tuổi, có tài ứng đối, xuất khẩu thành thơ này. Chính vì vậy, việc Thế Vinh vắng mặt khiến cho quan băn khoăn đến lo lắng.

Đám học trò sau những phút yên lặng lại bắt đầu xì xào. Có học trò quả quyết.

– Tính thằng Vinh hay quên. Nó tưởng đến chiều mới học như mọi khi cũng nên!

Một trò khác tự nhận ở gần nhà Thế Vinh, cãi lại:

– Tính nó hay quên thật nhưng việc học bao giờ cũng siêng. Chiều qua không thấy nó thả diều, tối lại đọc sách rất khuya. Chắc nó sửa soạn bài bình hôm nay mệt nên quá giấc đó thôi!

Quan Thám lắng nghe những lời bình phẩm của đám học trò và suy nghĩ lan man. Đã dạy Thế Vinh ngót 4 năm nên quan hiểu tính nết người học trò này hơn ai hết. Hầu như Thế Vinh chưa bỏ buổi học nào và trong giờ học bao giờ cũng chăm chú lắng nghe quan giảng giải. Quan vẫn thầm nhủ: trong gần 20 năm dạy học ở cái làng Cao Lương, huyện Thiên Bản [3] này học trò giỏi và đã thành đạt không ít. Nhưng chưa trò nào chiếm được tình thương yêu sâu sắc của quan như Lương Thế Vinh. Quan Thám yêu Thế Vinh không phải vì Thế Vinh cùng quê, chăm học, có trí đọc thiên kinh vạn quyển. Cũng không phải Thế Vinh hiền lành ngoan ngoãn. Ngược lại, cậu bé rất tinh nghịch, nhiều khi dám pha trò trong lớp; thậm chí có lúc còn vặn lý quan. Quan Thám yêu Thế Vinh vì cậu học đâu nhớ đấy. Hơn thế nữa, câu từ các bài thơ, bài văn của Thế Vinh bao giờ cũng có một cái gì khác lạ, khiến nhiều lúc quan phải giật mình về sự hiểu biết rộng rãi và ý nghĩa táo bạo trong từng câu, từng chữ chọn lọc của cậu. Điều quan Thám không hài lòng là Thế Vinh quá nghịch đến thành tai tiếng cả vùng. Những trò hay thả diều, theo trẻ chăn trâu đi mò cua, tát cá quan không giận, vì Thế Vinh chơi say mê nhưng khi học cũng rất say mê. Cái quan giận hoặc không hài lòng là Thế Vinh hay la cà đi các đình chùa, miếu mạo, nhất là quá say xem hát chèo. Mỗi lần đi xem đình chùa, gặp bài thơ nào trái ý, cậu chê bài rồi dùng than viết bài chữa của mình vào bên cạnh. Xem tối chèo nào không hay, cậu bình phẩm từng vai, chê tích này không hay, tích kia không vui. Dân làng cho Thế Vinh là phạm thượng. Quan Thám cũng đồng tình. Song thâm tâm quan có lúc phải thầm phục những nhận xét tinh tế, táo bạo, xem ra có chiều đúng của cậu. Đôi lúc quan Thám phải quở mắng, bắt phạt nhưng vẫn rất mực yêu cậu. Quan quý thế vinh đến nỗi, không giấu được thất vọng khi thấy cô con gái út, chạc tuổi Vinh, tuy nết na đấy, nhưng lại kém nhan sắc.

Lớp học bỗng trở nên ồn ào trong giây lát, vì từ xa đám học trò đã nhận ra Lương Thế Vinh đang tới. Quan Thám thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị khi ra lệnh cho học trò trở về chỗ ngồi. Quan định bụng sẽ phạt Vinh vì tội đến chậm, nhân để răn các trò khác.

Nhưng kìa, cùng đi với Lương Thế Vinh còn có một ông già lạ mặt, trông cách ăn vận thì không phải là người vùng này.

Quan Thám định ra đón khách thì Lương Thế Vinh đã bước qua thềm nhà, cúi đầu:

– Kính thưa thầy, con có lỗi vì tội đến chậm ạ!

Liền đó người khách lạ cũng đã vào đến thềm, chắp tay vái chào, nói:

– Tiên sinh miễn thứ cho sự đường đột này của tôi.

Quan Thám cung kính mời khách vào nhà.

Tha tội cho Lương Thế Vinh và để học trò ra chơi, quan Thám quay về phía khách, chậm rãi:

– Tôi hỏi không phải, chắc ngài ở kinh về, và hạ cố tới đây là để dạy bảo kẻ quê mùa này điều gì?

– Tiên sinh quá nhún nhường. Tôi chẳng qua chỉ là thầy địa lý được hầu hạ trong cung cấm. Nhân qua đây gặp cậu bé có tài năng khác người, hỏi ra mới biết là Lương Thế Vinh, học trò của tiên sinh nên mạo muội tới đây.

– Tôi đang giận vì tội đến chậm của nó. Chẳng là hôm nay tôi cho học trò bình thơ, mà bài bình mẫu là của nó.

Khách lúng tùng.

– Xin tiên sinh thứ lỗi. Chính là vì tôi mà cậu bé bị tiên sinh quở trách vậy.

– Ngài dạy quá lời. Nhưng cũng cứ cho được nghe đầu đuôi câu chuyện.

– Tôi quá làm phiền tiên sinh – khách nói to. Lúc sáng trên đường về kinh, đến gốc đa đầu làng ta đây, thấy trẻ con tụ tập rất đông đang chỉ trỏ vào một cái hố sâu bên ven lộ. Tưởng có trẻ bị sa hố tôi dừng lại. Hỏi ra mới biết có một bà gánh bưởi đi bán, vì đường trơn, trượt chân ngã nên gần hai thúng bưởi đều lăn xuống hố. Đám trẻ và tôi đều tìm cách giúp bà nhưng không được. Tôi đang nghĩ chỉ có lấy sào dài vót nhọn chọc từng quả lên, thì vừa may, cậu học trò của tiên sinh tới. Hiểu sự việc và qua một thoáng suy nghĩ, cậu bé giục cả đám trẻ về lấy thùng, chậu chuyên nước đổ vào hố sâu. Quả nhiên bao nhiêu bưởi đều nổi lên hết.

Tiếng xuýt xoa thán phục của đám học trò nổi lên. Khách trìu mến nhìn đám học trò vây quanh mình rồi tiếp, giọng xúc động:

– Thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô, lại nhanh trí, sáng ý, tôi giữ lại và hỏi chuyện. Cậu bé thật là thần đồng, sau này sẽ có tài kinh bang tế thế, giúp ích nhiều cho đời.

Quan Thám vừa bối rối vừa sung sướng:

– Ngài không chỉ bảo cho thì tôi đâu được biết tường hậu vận. Quả thật Vinh có tài học xuất chúng. Bài thơ luận về nghề mà Vinh sẽ đọc để bình hôm nay, có một câu thật lạ – quan Thám đưa bài thơ cho khách và đọc: “Thần cơ diệu toán vạn niên sư” [4].

Lập tức Lương Thế Vinh được quan Thám gọi tới lý luận ý nghĩa của bài thơ.

Vẫn đôi mắt lúc nào cũng rực sáng như đang cười, Lương Thế Vinh trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác của quan Thám và thầy địa lý một cách lưu loát.

Buổi bình thơ không diễn ra theo ý quan Thám đã định, nhưng quan rất hài lòng. Quan định cúi xuống xoa đầu Lương Thế Vinh khi cậu trả lời xong. Nhưng nghĩ rằng con người này sẽ có tài kinh bang tế thế, quan rụt tay lại và tiếp tục gọi trò khác đọc bài.

Phần II – Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Phải ở hẳn kinh đô sau khi đỗ trạng nguyên [5] và lĩnh chức Hàn lâm trực học sĩ, Lương Thế Vinh cảm thấy bị gò bó quá đỗi. Cuộc sống phóng túng ở quê nhà, lòng ham say toán học và cái thú được đi theo phường chèo xem hát vẫn có sức hấp dẫn Lương hơn quyền cao chức trọng của vua ban.

Nhưng rồi cũng như mọi con sông sau những đoạn đầu hung dữ, đều phải hiền từ chảy về biển cả, Lương Thế Vinh quen dần với cuộc sống ở kinh thành. Và, ở cái tuổi 22 ham hiểu biết, Lương đã nhanh chóng chuyển ước mơ được sống cuộc sống tự do phóng túng thành lòng khao khát công việc để học thêm những điều không có trong sách vở. Lương lao vào các hoạt động phong phú của chốn đế đô. Lương nổi tiếng là người có nhiều thơ hay trong hội tao đàn của vua Lê Thánh Tông và viết “Thiên nam dư hạ tập”. Lương cũng đã có dịp đi thăm nhiều chùa chiền nổi tiếng. Mặc dù Lương theo nho học, nhưng mỗi lần đi, Lương thường bỏ lễ phục và chỉ đem theo một tiều đồng để tiện trò chuyện với các sư sãi. Bằng những chuyến đi ấy, Lương thấy rõ đạo Phật đang suy. Vì vậy, thời gian này, Lương đã soạn cuốn “Thiền môn khoa giáo” rồi “Nam tông tự pháp đồ”, uốn, gò đạo Phật cho gần với đạo Nho để giảng dạy trong các chùa.

Lương giao du rất rộng. Nhưng giới được Lương đặc biệt quan tâm vẫn là các nhạc công của triều đình. Vốn là người thích xem chèo, nên dường như không một tối diễn chèo nào ở kinh đô lại vắng mặt Lương. Việc gần gũi các nhạc công và diễn viên giúp cho Lương hiểu biết sâu hơn về nền nghệ thuật này. Cũng vì Lương gần gũi nhiều phường, biết nhiều tích, nhiều vai nên Lương thấy được chỗ yếu, chỗ mạnh của từng phường. Vì thế, Lương bỏ nhiều công phu tìm hiểu, đọc hết các loại sách viết về chèo, khảo cứu tiểu sử của những vị tổ sư ngành chèo để viết cuốn “Hý phường phả lục” ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát. Lương cũng đề ra nhiều nguyên tắc như nguyên tắc “tứ tương” [6] trong múa chèo, luật “hô ứng tương sinh” [7] trong giao lưu nhân vật sân khấu, quy tắc “sáu chữ” [8] về tiêu chuẩn diễn viên dùng cho các phường chèo.

Tất cả những việc làm của Lương Thế Vinh nhà vua đều biết. Có lần vua cho vời Lương Thế Vinh tới, hỏi rằng:

– Trẫm nghe các phường chèo thán phục sự hiểu biết tường tận của khanh về chèo. Vậy chẳng hay một người như khanh có cần biết hát và biết dùng loại đàn nào không?

Đoán được dụng ý của vua, Lương Thế Vinh mỉm cười đáp:

– Muôn tâu thánh thượng! Kẻ hạ thần vốn ham mê chèo từ thuở nhỏ nên bỏ công biên soạn “Hý phường phả lục” mong các phường chèo xa gần noi theo mà làm, chứ cũng không dám mạo nhận là tinh thông. Ngặt vì, phàm muốn biết sâu rộng việc nào cũng phải biết làm việc ấy, bởi thế, kẻ hạ thần cũng biết hát biết đàn sơ qua.

Lập tức vua sai gọi phường chèo vào công diễn một tích ngắn rồi bảo Lương Thế Vinh kéo nhị.

Vua chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật đầu và khi diễn xong, vua lại hỏi Lương Thế Vinh:

– Chẳng hay phường chèo diễn tích vừa rồi có chỗ nào không hợp ý khanh?

Lương Thế Vinh đáp:

– Người diễn không thể cầu toàn trách bị và người xem cũng cần bỏ qua những sơ xuất nhỏ nhặt. Đó là lẽ thường. Kể như ngụ ý của thần thì tích vừa rồi tuy phường đã dày công luyện tập nhưng cách múa chưa được hoàn hảo.

– Khanh nói rõ cho trẫm nghe – Vua cắt ngang.

– Múa trong hát chèo – Lương Thế Vinh phấn chấn tiếp – là để cho lời hát thêm ý nghĩa, hợp với âm điệu bổng trầm và thần sắc. Lời hát luôn luôn thay đổi nên múa cũng phải luôn luôn thay đổi. Người sắm vai múa nhiều trong tích chèo vừa rồi tuy đẹp mắt mà trước sau chỗ vui, chỗ buồn, lúc tiến lúc thoái không khác nhau là mấy. Nguyên do là chưa biết tường luật “tứ tương” trong múa chèo vậy.

Vua đổi giọng vui hẳn lên.

– Lời khanh chính hợp ý trẫm. Trẫm đã đọc “Hý phường phả lục” của khanh. Cho khanh xem tích chèo vừa rồi là để nghe lời bình phẩm của khanh đó. – Ngừng một lát, vua trầm giọng tiếp – Trẫm biết khanh làm việc khó nhọc. Khanh có thỉnh cầu điều gì trẫm sẵn vui lòng.

Lương Thế Vinh vội đáp:

– Ơn thánh thượng như trời biển, kẻ hạ thần đâu dám nài xin điều gì. Thần chỉ hiềm vì nỗi ít thì giờ.

Nghe Lương Thế Vinh nói, vua thầm nghĩ: con người này bao giờ cũng vậy, không lạm dụng quyền cao chức trọng và lòng yêu của ta để mưu cầu việc vinh thân phì gia. Trái lại, cứ mải mê với công việc và sống như một viên tiểu quan vậy. Chỉ có một lần – vua nhớ lại – Lương Thế Vinh làm vua không hài lòng. Hôm ấy, vua và các quan hầu cùng Lương Thế Vinh đi chơi thuyền. Vốn biết Lương thuở bé nghịch ngợm nổi tiếng, lại bơi lội rất giỏi, nên vua giả vờ say rượu, đẩy Lương xuống sông. Không ngờ Lương Thế Vinh rơi xuống sông, liền lặn đi thật xa rồi đến một chỗ vắng lên bờ ngồi núp vào một bụi rậm. Vua chờ mãi không thấy Lương lên mới hốt hoảng cho quân lính xuống tìm vớt. Nhưng tìm mãi cũng không thấy. Vua hết sức ân hận vì lối đùa quá quắt của mình thì tự nhiên Lương Thế Vinh từ dưới nước ngóc đầu lên cười ngất. Vua ngạc nhiên hỏi mãi, cuối cùng Lương Thế Vinh mới tâu:

– Thần ở dưới nước lâu là vì gặp cụ Khuất Nguyên [9]. Cụ hỏi thần xuống làm gì? Thần thưa dối là thần chán đời muốn chết. Nghe qua, cụ Khuất Nguyên tròn xoe mắt mắng thần: “Mày là thằng điên. Tao gặp Sở Hoài vương và Khoảnh Tương vương hôn quân vô đạo, mới phải bỏ nước bỏ dân trẫm mình ở sông Mịch La, chứ mày đã gặp được bậc thánh minh quân đế, sao còn muốn chết”. Nói rồi cụ đá thần một cái, thần mới về đây.

Vua không giận Lương Thế Vinh hóm hỉnh nịnh khéo mình mà giận vì lần ấy vua thưởng cho nhiều vàng lụa mà Lương cố ý chối từ.

Chợt nhớ ra ý định của mình, vua trìu mến nhìn Lương Thế Vinh.

– Trẫm biết khanh có tài ứng đối, tài soạn thảo, nên trẫm đang muốn giao cho khanh một việc khó nhọc hơn. Bấy lâu nay, do sức ta mạnh mà việc bang giao với các nước thuận buồm xuôi gió. Song thực là bằng mặt đó mà chẳng bằng lòng. Chiêm Thành sợ ta mà phải quy thuận. Nhà Minh ngọt nhạt đó mà vẫn bắt ta triều cống và thường xúi bẩy các bề tôi của ta nơi biên cương mưu gây rối. Giao cho khanh việc lớn là để khanh đền ơn và báo ơn cho trẫm đó!

Ngay ngày hôm sau, Lương Thế Vinh được vua giao phong chức Chưởng viện sự kiêm coi cả Sùng văn quán và Cục từ lâm. Lúc dó Lương chẵn 40 tuổi.

Hay tin ấy, các quan đều chúc mừng Lương Thế Vinh. Nhưng Lương tỏ ra không ít băn khoăn. Lương băn khoăn vì nhận trọng trách, Lương không còn thì giờ thực hiện hoài bão về nghiên cứu toán học, ý định đã có từ buổi thiếu thời. Nhưng mới được vua gia phong, từ chối sẽ làm vua mếch lòng, nên Lương không dám. Ngày tháng trôi đi, bị lôi cuốn vào những công việc bề bộn nên ý định tìm hiểu toán học của Lương cũng xẹp xuống. Vả chăng, tính chất bức thiết của công việc, những bức thư thay vua phải thảo gấp, bản phúc thư đòi hỏi phải đấu trí, phải mềm mỏng nhưng không phải là khuất phục, gửi cho nhà Minh và những buổi đón tiếp sứ, những buổi vào trần tình nghe vua phán truyền, khen, chê đã lôi cuốn lòng hăng say của Lương như bản chất ưa hoạt động của Lương vậy. Vì lẽ đó, Lương được trên kính nể, người Minh phục là tài giỏi và vua rất yêu mến.

Quãng đời làm quan của Lương thêm dày những trang kỷ niệm đẹp. Ví như lần vua Lê Thánh Tông đi kinh lý vùng Sơn Nam hạ, ghé thăm làng Cao Hương của Lương, có Lương cùng đi. Hôm đến thăm chùa làng, sư cụ đang tụng kinh thấy vua tới hốt hoảng đánh rơi cả chiếc quạt xuống đất. Vị sư đưa mắt ra hiệu cho chú tiểu nhặt quạt lên. Nhưng một vị quan tùy tùng của vua đã nhanh tay nhặt cho sư. Vua Lê Thánh Tông trông thấy liền ra một vế câu đối, rồi trong bữa tiệc hôm đó, thách các quan đối. Vế ấy như sau:

“Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ…” [10]

Câu này oái oăm ở ba chữ: sư sử sứ. Các quan đều chịu. Lương Thế Vinh cứ ung dung uống rượu chẳng nói năng gì. Chưa lần nào thấy Lương có thái độ như thế, vua đắc ý bảo đích danh Lương phải đối, với hi vọng Lương sẽ bí.

Bị giục già, Lương cười trừ rồi cho lính hầu về nhà gọi vợ đến. Bà trạng đến, Lương lấy cơ quá say xin phép vua cho vợ dìu mình về.

Thấy một người có tài ứng đối sắp chuồn, vua thích chí giục gấp, Lương gãi đầu, gãi tai rồi chắp tay ngập ngừng:

– Dạ! Muôn tâu.. Thần.. đối rồi đấy ạ!

Vua và các quan lấy làm lạ bảo Lương đọc thử xem. Lương cứ một mực: “Đối rồi đấy chứ ạ”.

Vua gạn mãi, Lương Thế Vinh mới chỉ vào người vợ đang dìu mình, đọc:

“Đình tiền túy tửu, phụ phù phu” [11].

Vua cười khen và thưởng cho Lương rất hậu.

Trong thời gian giữ việc ngoại giao của triều Lê, Lương cũng có nhiều lúc đắc ý. Nhưng đắc ý nhất vẫn là những cuộc đón tiếp sứ nhà Minh. Một lần sứ thần của vua Minh là Chu Hy sang chầu vua Lê, nhân tiện thăm dò nhân tài của nước Việt. Vua giao cho Lương Thế Vinh tùy tiện tiếp sứ.

Nhân một buổi đi chơi dọc sông Tô Lịch, thấy một con voi lớn. Để thử tài Lương, sứ nhà Minh sai lấy cái cân và bảo Lương Thế Vinh cân xem con voi nặng bao nhiêu. Vốn đã thầm phục tài học uyên bác của Lương Thế Vinh nhưng lần này sứ Minh yên chí sẽ làm nhục được vị trạng nguyên đất Việt.

Biết được ý đồ của viên sứ, bất giác Lương Thế Vinh tủm tỉm cười rồi cầm cân, sai quản tượng dắt voi xuống bến sông. Sau khi mời sứ Minh ngồi yên vị trí trên bờ, và như thể để trả lời cái nhìn lo lắng của những người xung quanh, Lương Thế Vinh cho quân ghép nhiều mảng nứa chồng lên nhau rồi sai người dắt voi xuống mảng.

Sứ nhà Minh và mọi người ngơ ngác nhìn Lương Thế Vinh điều khiển công việc.

Voi vừa đứng vững trên mảng thì theo lệnh Lương Thế Vinh, viên quản tượng lên bờ và đích thân Lương bẻ cây đo độ dài từ mặt thoáng của nước đến chiếc mảng bị chìm.

Sứ Minh chưa hiểu dụng ý của Lương Thế Vinh thì một hàng lính, theo lệnh Lương sau khi cho voi lên bờ, đã nhanh chóng chuyển từng tảng đá lớn xuống mảng.

Sứ nhà Minh vẫn chăm chú nhìn Lương bằng đôi mắt dò xét xen lẫn kinh ngạc. Biết thế, Lương đắc ý mỉm cười và hô quân lính làm nhanh tay. Và khi chiếc mảng đã chìm sâu như con voi đứng. Lương Thế Vinh cho ngừng chuyển và dùng cân, lần lượt cân số đá chất trên mảng.

Chợt hiểu, sứ nhà Minh ngửa mặt lên trời than rằng: “Quả là danh bất hư truyền. Trước khi đi, vua ta chẳng đã từng bảo nhân tài xứ này ít người sánh kịp trạng Lương. Ta đã chẳng lầm lẫn đó sao?”.

Đợi Lương Thế Vinh trở lại, sứ nhà Minh cung kính đứng dậy:

– Xin bái phục! Bản quốc tôi chưa dễ đã có người ăn đứt được tài của quan trạng.

Vẫn mỉm cười, Lương Thế Vinh từ tốn:

– Dùng một chiếc cân cân một con voi là việc người xưa đã làm. Ngài đọc truyện Tam Quốc đã lâu nên quên Tào Thực, con Tào Tháo đã làm cái việc nhỏ đó đấy thôi – Bị Lương Thế Vinh cho ăn đòn theo kiểu lấy “gậy ông đập lưng ông”, Chu Hy tái mặt – Viên sứ nhà Minh bỗng thấy xấu hổ vì trong khi thử tài người khác, lại để lộ sự dốt nát của mình. Hơn thế nữa, lại không biết ngay cả chuyện nước mình bằng viên quan trạng người Việt.

Phần III – Về quê

Nhà toán học Lương Thế Vinh

Một tháng nay rồi, người dân Cao Hương nghe sáo diều đã thành lệ. Cứ về chiều, tiếng sáo diều lại văng vẳng cất lên đều đặn. Những lúc được gió, tiếng sáo vút lên tha thiết, đi vào chiều sâu thẳm của tâm hồn mọi người. Khách qua đường nghe tiếng sáo bất giác ngửa mặt lên trời, thầm cảm ơn chủ nhân của nó khéo tay điều khiển. Còn người dân Cao Hương thì yêu tiếng sáo vì nhiều lẽ: tiếng sáo đã đem lại cho họ sự thanh thản sau một ngày làm việc. Tiếng sáo đã làm rộn lên sức sống của một làng yên tĩnh. Nhưng trùm lên tất cả, họ yêu tiếng sáo bởi vì họ yêu người thả sáo. Trẻ con, người lớn gọi chủ nhân chiếc diều là quan trạng với tất cả lòng thành kính, tự hào của họ. Cùng với chủ nhân của nó, tiếng sáo diều đã làm bừng lên ở Cao Hương nguồn sinh lực mới. Ngay cả đêm tối, tiếng sáo vẫn như vọng về nói cảm thông an ủi với người dân Cao Hương.

Nhưng một chiều, trái với  lệ thường, nhân dân Cao Hương không nghe thấy tiếng sáo diều của quan trạng Lương Thế Vinh. Mọi người bồi hồi lo lắng đoán già đoán non. Chỉ có đàm học trò của Lương là biết được nguyên do.

Chiều ấy, theo lệ thường, Lương Thế Vinh vẫn ra chơi quán hàng nước ở làng bên. Lúc trên đường về, Lương gặp một vụ xô xát giữa vợ chồng viên xã quan và vợ chồng một nông dân xã ấy. Lúc Lương đến, viên xã quan đã dùng đòn gánh đánh quỵ người nông dân ngay cạnh đống lúa trên bờ ruộng, còn vợ anh ta thì vừa kêu khóc vừa giành giật từng gồi lúa với vợ viên xã quan, rồi hai người cùng lăn xả vào nhau đánh lộn. Lương Thế Vinh dừng lại can ngăn. Thợ gặt xung quanh cũng dồn lại. Hỏi đầu đuôi câu chuyện, biết rõ là vụ tranh chấp ruộng công và ruộng tự do đo đạc chưa minh bạch. Lương đau lòng lắm. Nhân đó, những người xung quanh cũng tranh nhau nói với Lương tình trạng xô xát do những vụ tranh chấp tương tự gây ra ở các nơi. Không dừng được, Lương quát mắng viên xã quan cậy quyền lực ức hiếp dân và càng quát mắng, nỗi bực ấy càng tăng lên. Chưa ai thấy Lương Thế Vinh cáu gắt như lần ấy.

Rồi Lương không về nhà, cũng không thả diều nữa. Một mình Lương lững thững đi dọc theo bờ đê, ngắm nhìn cánh đồng lúa đang giữa mùa thu hoạch.

Khi cơn bực qua đi nhường cho nỗi buồn, Lương thấm thía cảm thương vợ chồng người nông dân bị đánh đập. Hơn thế nữa, Lương đau lòng trước thực trạng của xã hội và hối hận vì hơn ba mươi năm làm quan, Lương không hề biết tới thực trạng đó. Lương day dứt không tự tha thứ cho mình lỗi lầm lớn này.

Lương đã từ quan về quê. Thực ra thì không phải vì Lương yếu. Lương mới 55 tuổi. Lương về quê vì không chịu được cảnh náo nhiệt của chốn đế đô. Vả chăng, Lương muốn được rảnh rỗi trở về cuộc sống yên tĩnh ở quê hương, làm thêm một việc gì có ích trước khi xuôi tay nhắm mắt. Ý đã quyết, Lương không nghe theo lời nài ép của vua mà cũng không nhận quà của vua ban để giữ lòng cho sạch.

– Ta sẽ làm gì? – Lương tự hỏi – Ngay khi mới từ quan về vừa vì nể vừa là ý thích, Lương đã nhận lời các bô lão để dạy dỗ con em họ. Nhưng nếu chỉ có dạy học thôi, Lương tự thấy còn quá nhàn rỗi. Câu chuyện xô xát được chứng kiến lúc chiều như một gợi ý thôi thúc Lương suy nghĩ.

Lương đứng lại tựa mình vào gốc nhãn cho đỡ mỏi rồi lặng lẽ nhìn cánh đồng bát ngát như rải đến tận chân trời. Xa xa, lẫn trong màn sương chiều, dân quê đang hối hả thu dọn để kịp trở về trước khi trời tối. Lương se lòng nghĩ rằng, biết đâu chỗ ấy chẳng đã xảy ra những vụ tranh chấp như hồi nãy.

Phải ngăn lại sự hỗn độn đó – Lương thì thào nói với mình – Sức mạnh từ ý chí của tuổi thơ như cùng sống lại. Lương phấn chấn và cảm thấy minh mẫn hẳn lên khi thoáng nghĩ: toán học có thể giúp cho việc đo đạc ruộng đất được chính xác, ngăn chặn tình trạng xô xát từ đó gây ra. Lương rạo rực mường tượng trình tự công việc. Vậy là Lương đã quyết. Ý nghĩ viết cuốn “Đại thành toán pháp” bao gồm cách tính diện tích của các loại hình của Lương Thế Vinh bắt đầu nảy nở từ đó. Và cũng từ đó, người dân Cao Hương ngày ngày thấy Lương lấy dây rừng làm thước, lấy các thửa ruộng trong làng làm mẫu, say mê đo đạc, ghi chép như say mê dạy học, thả sáo diều vậy. Cái tên “trạng Lường” [12] nhân dân Cao Hương yêu mến phong tặng càng thôi thúc Lương dốc sức lực làm việc, để nhanh chóng hoàn thành công trình nghiên cứu toán học của mình.

Đối với Lương, công trình nghiên cứu này không khó những mất công vì phải làm đi làm lại nhiều lần. Ngay cả những loại hình khó tính như hình thang, hình bình hành, hình tròn, Lương cứ cắt nhỏ thành những hình chữ nhật, hình tam giác rồi tính. Trên cơ sở kết quả thu lượm được, Lương tìm ra quy tắc. Tài liệu ghi chép của Lương ngày càng dày. Khi Lương không cần ra đồng làm việc nữa, mà chỉ ở nhà kiểm tra kết quả, là lúc cuốn “Đại thành toán pháp” sắp hoàn thành. Đến lúc giao cho học trò đóng, xén tập sách, Lương nhẩm tính và bàng hoàng thấy gần một năm đã trôi qua.

Vùng Cao Hương là nơi đầu tiên ứng dụng quy tắc tính toán trong “Đại thành toán pháp” của Lương Thế Vinh. Trong những ngày này, Lương lại thêm một mối bận tâm khác. Bên cạnh việc chỉ bảo viên xã quan tính toán diện tích ruộng đất cho đúng, một vấn đề khác lại đặt ra khiến cho Lương suy nghĩ: Có cách nào giúp cho việc tính toán gọn nhẹ, ít nhầm lẫn không?

Xuất phát từ sự thôi thúc đó, sau hơn một năm mầy mò tìm hiểu không nản, Lương đã sáng chế ra chiếc bàn tính, một công trình rất đắc ý. Lương sung sướng thấy hoài bão của tuổi thơ đã được thực hiện [13].

Rèn học trò và răn dạy huyện quan

Tiếng sáo diều vẫn chiều chiều cất lên ở Cao Hương. Tiếng sáo đã thực sự trở thành nỗi nhớ đối với người dân vùng này từ hơn mười năm rồi. Nghe sáo diều, người Cao Hương biết được giờ giấc. Hơn thế nữa, biết được cuộc sống của người ân nhân vui tính, giản dị của họ. Có lẽ vì biết vậy, nên dù có lúc không được khỏe, Lương Thế Vinh vẫn tung bổng cánh diều, say sưa tâm sự với thứ âm thanh quen thuộc đó.

Nhân dân Cao Hương yêu mến Lương Thế Vinh. Nhưng yêu hơn vẫn là đám học trò đã và đang học Lương. Cứ đến mùa sen nở, Lương lại một lần tiễn học trò mình đi thi. Học trò Sơn Nam đến theo học Lương ngày càng đông và không ít người đã thành đạt.

Rút bài học từ bản thân, Lương rèn cho học trò một cách thông minh: khi học ra học, khi chơi ra chơi, không học ngày học đêm theo cách sôi kinh nấu sử. Học trò Lương không ai là không biết câu chuyện trước khi thi đỗ trạng của thầy họ. Câu chuyện đã lâu mà mỗi lần nhắc lại, đám học trò vẫn háo hức, say mê: ngày ấy, cách kỳ thi 3 tháng, ở nhà buồn, Lương Thế Vinh đến thăm Quách Đình Bảo, một học trò cũng nổi tiếng học giỏi ở làng Phúc Khê thuộc xứ Sơn Nam hạ [14]. Mới đến đầu làng Phú Khê, nhân ghé vào quán hàng nước nghỉ chân, Lương Thế Vinh nghe người ta kháo với nhau về việc Quách Đình Bảo học ngày học đêm ráo riết lắm. Lương Thế Vinh góp vào, cười mà nói: “Kỳ thi gần đến nơi mà hãy còn cố sức học, anh này chẳng qua cũng chỉ có tiếng hão thôi, chứ trong bụng cũng chẳng có gì uẩn súc cho lắm”. Vinh còn nói thêm: “Tôi cũng định vào thăm bác Quách chơi đây. Nhưng có lẽ chỉ quấy bác ấy mất học, đành về vậy”.

Lúc Quách Đình Bảo ra chơi hàng, bà chủ hàng kể chuyện lại, Đình Bảo nói: “Người ấy chính là Lương Thế Vinh”. Đình Bảo liền sửa soạn hành trang sang thăm Lương Thế Vinh. Đến nơi, Lương Thế Vinh không có nhà. Quách Đình Bảo được nhà Lương đưa ra ngoài cánh đồng xa, thì thấy Lương Thế Vinh đang thả diều giấy, nô đùa với trẻ con trong làng. Quách Đình Bảo thất kinh nói: “Thôi, tài học người này ta không thể nào theo kịp”. Nói rồi lủi thủi ra về, không gặp Lương nữa, mà từ đó cũng không dùi mài sách vở khắc khổ nữa. Khóa ấy Lương Thế Vinh đỗ trạng, Quách Đình Bảo đỗ thứ ba [15].

Tuổi ngày càng cao nhưng cũng như cái thích thả diều, hàng ngày Lương Thế Vinh vẫn thường la cà ở các quán nước, nhất là quán có cây đa cổ thụ tỏa bóng râm mát cả một vùng rộng ở làng bên. Đối với Lương đó cũng là một cách giải trí có ý nghĩa. Lương có thể nghe được nhiều điều hay, dở để răn đe học trò, răn dạy người đời và cũng để sửa mình nữa. Đối với việc răn dạy người đời, Lương cũng rất hóm hỉnh.

Có một lần, vừa từ quán nước làng bên trở về Lương gặp một đoàn người đang thay nhau võng một viên quan huyện, trống kèn inh ỏi. Thấy Lương Thế Vinh không cúi đầu chào, viên huyện quan cho võng dừng lại quát mắng Lương; thậm chí bắt Lương phải vào khiêng quan.

Không tỏ thái độ bực bội, Lương Thế Vinh thong thả vào cáng tên huyện quan và nhẫn nhục nghe tên này mắng thêm nhiều điều độc địa.

Cáng được một đoạn dài, nhân gặp người quen, Lương Thế Vinh xin được dừng lại nghỉ và bảo người đó:

– Anh về bảo thằng thám Bảng, học trò ta ở làng này ra cáng ngài huyện quan thay cho ta tuổi già sức yếu.

Nghe thấy người đỗ đến Thám Hoa lại là học trò của ông già này, viên huyện quan hoảng hốt, quỳ sụp trước mặt Lương Thế Vinh, cất giọng chua như dấm:

– Xin đại quan tha tội cho con. Con thực không biết.

Thấy viên quan nước da vàng khè như người có chứng đau gan nặng, Lương Thế Vinh bỗng động lòng, nhưng vẫn nói:

– Nhà ngươi hãy đứng dậy, đừng có sụp lạy như thế. Ta là thằng Lương Thế Vinh mà ngươi không biết sao?

Nghe tên Lương Thế Vinh, viên huyện quan tái mặt đi và lại quỳ xuống.

– Lạy quan Trạng! Con đáng tội chết ạ.

Một lần nữa, Lương Thế Vinh nhắc viên huyện quan đứng dậy:

– Ta chỉ muốn nhà ngươi từ nay trở đi không được hống hách sách nhiễu thiên hạ mà thôi.

Từ đó viên quan huyện không dám ức hiếp, bắt người dân võng cáng như trước.

Mùa hè năm đó, người dân Cao Hương không còn được nghe tiếng sáo diều thân thương nữa. Lương Thế Vinh bị mất sau một trận ốm dài ngày, để lại lòng thương tiếc vô hạn đối với người dân Cao Hương…

Truyện Trạng nguyên Lương Thế Vinh – LichSu.Org
Theo Quỳnh Cư

Chuyện kể danh nhân Việt Nam

Chú thích trong câu chuyện

  1. Đỗ thứ ba trong kỳ thi đình.
  2. Đơn vị hành chính tương đương như tỉnh hiện nay.
  3. Nay là huyện Vụ Bản, Nam Định.
  4. Kẻ nào tính toán giỏi là thầy muôn thuở.
  5. Đỗ đầu trong kỳ thi Đình.
  6. Bốn sự tương quan.
  7. Thế giằng co.
  8. Thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.
  9. Nhà thơ lớn đời Chiến quốc ở Trung Quốc.
  10. Trên bục đọc kinh sư khiến sứ (Sư sai khiến được quan).
  11. Trước sân say rượu vợ dìu chồng.
  12. Trạng đo đạc
  13. Theo Trần Quốc Vượng (Tạp chí Tổ quốc năm 1964).
  14. Nay là vùng Thái Bình, Nam Định.

Tiểu sử Lương Thế Vinh

Lương Thế Vinh sinh ngày 17 tháng 8 năm 1441, mất vào ngày 02 tháng 10 năm 1496, là một nhà toán học, Phật học, và chính trị gia thời Lê sơ.

Năm 1463, ông đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông khi mới 22 tuổi và làm quan tại viện Hàn Lâm.

Ông sinh tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên, còn gọi là Trạng Lường.

Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim. Nhờ khả năng về toán học và đo lường mà sau này ông còn được người dân gọi là Trạng Lường.