Thanh hóa làm gì để trở thành tỉnh kiểu mẫu năm 2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động, động viên mọi người, mọi nhà, mọi địa phương thực hành mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước. Với Thanh Hóa, một tỉnh “đất rộng, người nhiều, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động”, trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bốn lần, đó là các năm 1947; 1957; 1960 và 1961. Trong những lần về thăm ấy, Bác đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Bác luôn động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa làm hậu phương lớn, vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu.

Trong lần về thăm và làm việc lần đầu tiên với Thanh Hóa năm 1947, Bác đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Qua các buổi nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu. Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”[1].Bác cũng chỉ rõ xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước tiên: Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu… Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”. [2]

Đáp lại tình cảm sâu đậm của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lời căn dặn của Người bằng những hành động thiết thực, cụ thể, xuất hiện không ít những tập thể, cá nhân “kiểu mẫu” vừa kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, vừa tập trung xây dựng hậu phương vững mạnh. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ hậu phương Thanh Hóa, từng đoàn dân công gánh bộ, hàng đoàn xe đạp thồ hối hả ra trận. Thắng lợi của các chiến dịch Thượng Lào, Đông Xuân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đều có sự đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa. Để rồi, khi lần thứ hai trở lại Thanh Hóa vào năm 1957, Bác rất đỗi vui mừng, khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó” [3]. Người cũng khen ngợi nhân dân Thanh Hóa mưu lược, dũng cảm, đặc biệt là tuổi trẻ có nhiều đóng góp và hy sinh cho cách mạng, như Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện..., đó là những người rất ưu tú, không những làm vẻ vang cho tỉnh mà còn vẻ vang cho cả nước non ta. Những ngày Mỹ ném bom bắn phá ác liệt, Thanh Hóa tiếp tục xuất hiện không ít tập thể, cá nhân “kiểu mẫu” có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và lao động sản xuất. Đó là hình ảnh nữ dân quân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển vác 2 thùng đạn nặng gấp hơn 2 lần trọng lượng cơ thể mình để tiếp đạn trong cuộc đấu tranh bảo vệ cầu Hàm Rồng, giữ vững huyết mạch giao thông Bắc - Nam; là hình ảnh của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, chủ trương xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là mục tiêu quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa.

Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, mặc dù còn muôn vàn gian khó, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của con người Xứ Thanh đang phấn đấu không ngừng để đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho tỉnh nhà.

Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 18,1% và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư hàng đầu cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư; đã quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, của người dân để tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều, sân bay, cảng biển, y tế, giáo dục… Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 nghìn tỷ đồng, đạt mục tiêu Đại hội, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 – 2015.

Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại thị xã Nghi Sơn đã và đang đi vào vận hành thương mại vào ngày 28-12-2018. Là dự án có vốn đầu tư lớn nhất vào tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước với gần 9,3 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, là 1 trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước. Khi đi vào vận hành, Lọc hóa dầu sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam, đồng thời thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ nói chung. Đến nay, Nhà máy đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước khá tốt.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến nay, toàn tỉnh đã có 10 đơn vị cấp huyện; trong đó 3 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới vào tháng 12/2021đó là huyện Thiệu Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Nông Cống; 397 xã với 1.018 thôn, bản (trong đó có 809 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 05 xã và 152 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Xã hội hóa y tế được đẩy mạnh; đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm…

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã rất thành công trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết: Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy ở các cấp; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm...Thanh Hóa đi đầu cả nước trong việc thực hiện các nghị quyết này, được Trung ương Đảng và các tỉnh, thành khác đánh giá rất cao.

Năm 2021 với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Thu hút được 87 dự án đầu tư trực tiếp (8 dự án FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 23.878 tỷ đồng và 112,7 triệu USD. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả tích cực; đến ngày 25-11, giải ngân đạt 8.211,7 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ và đứng thứ 2 cả nước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%; giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.339 triệu USD, vượt 33,5% so với kế hoạch, tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Thu Ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 37,4% so với dự toán. Thành lập mới hơn 3.600 doanh nghiệp, vượt 20% kế hoạch, đứng thứ 4 cả nước.

Tiếp tục chứng tỏ sức hút của Thanh Hóa - điểm đến đầy tiềm năng, độ tin cậy cao, an toàn và hấp dẫn của nhà đầu tư. “Làn sóng” nghìn tỷ, mà nổi bật với những dự án “khủng” như: Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn, với tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; Dự án Flamingo Hải Tiến tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa có tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng của Công ty CP Flamingo Holding Group... đã cho thấy thành công của Thanh Hóa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội năm 2021 của Thanh Hóa. Đặc biệt, cũng chính bởi tiềm năng, lợi thế và sức bật mạnh mẽ của Thanh Hóa thể hiện qua những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW và gần đây nhất là Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Các chính sách đặc thù chính không chỉ cho thấy sự kỳ vọng của Trung ương dành cho mảnh đất giàu truyền thống và đang phát triển năng động; mà còn góp phần thôi thúc ý chí tự lực tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Có thể nói, Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Tiềm lực, vị thế ấy có được là do sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự liên kết, phối hợp của các địa phương trong cả nước; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao của nhiều thế hệ lãnh đạo; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã chung tay, giúp sức để phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển cường thịnh. Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, Thanh Hóa vẫn đang phấn đấu không ngừng để đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho tỉnh nhà.

Mùa xuân Nhâm Dần 2022 đã và đang về càng làm cho ý Đảng lòng dân thêm hòa quyện. Càng vinh dự tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên càng nhận thức sâu sắc thêm trách nhiệm của mình, cùng khơi dậy khát vọng vươn lên đổi mới sáng tạo xây dựng quê hương Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

--------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1], [2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.62,63

[3] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.400, 403

- Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.