Top 10 ky nang quan trong nhat cho nam năm 2022

Vào tháng 7 năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thực hiện mộtkhảo sátvề thái độ của giới trẻ tại các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với nghề nghiệp và kỹ năng, cũng như tác động của công nghệ đối với tương lai việc làm. Khảo sát thu thập câu trả lời từ 56.000 bạn trẻ trong độ tuổi 15 đến 35, sống tại 6 nước Indonesia, Maylaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Khảo sát này đã cho ra những kết quả hết sức thú vị, trong đó, nhấn mạnh tới việc giới trẻ ASEAN cực kỳ nhận thức được những thách thức và đe dọa tiềm năng mà Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đang mang đến cho triển vọng nghề nghiệp của họ:

  • 9,2% bạn trẻ tin rằng các kỹ năng hiện tại của họ đã lỗi thời. 
  • Hơn 52,4% bạn trẻ tin rằng họ buộc phải nâng cấp kỹ năng của họ ngay lập tức. 
  • Họ cho rằng lý do số một cho việc nhảy việc của họ là để học hỏi kỹ năng mới.
  • 5,7% bạn trẻ cho biết họ mất việc hoặc là bởi các kỹ năng không còn phù hợp với công việc hoặc là bởi công nghệ đã “cướp mất” công việc của họ.
  • Chỉ có 14,1% bạn trẻ cho biết là họ học được các kỹ năng quan trọng nhất thông qua các buổi đào tạo ở công ty. 
  • Các bạn trẻ đang làm việc ở những tập đoàn đa quốc gia lớn cho biết họ có nhiều cơ hội để được đào tạo và phát triển hơn những bạn trẻ làm việc ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các công ty gia đình. 

Những con số trên có khiến bạn cảm thấy lo lắng không? Ít nhất là có một chút. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự tiến bộ của thời đại, cách tư duy cũ hay những kỹ năng trước đây có thể đã trở nên lỗi thời. Điều này bắt buộc chúng ta—những người trẻ phải cập nhật, thay đổi, tích cực rèn luyện và hình thành một tư duy liên tục học hỏi. Nếu như chúng ta thụ động, phụ thuộc quá nhiều vào người khác hoặc chủ trương “nước đến chân mới nhảy” thì… cũng không sao. Lựa chọn là ở bạn, còn như mình thì chắc chắn là mình không thể nào không làm gì được. 

Top 10 ky nang quan trong nhat cho nam năm 2022
69.3% giới trẻ Việt Nam nghĩ rằng các kỹ năng hiện tại của họ đã lỗi thời—tỷ lệ cao nhất so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Source: WeForum ASEAN Youth Survey Report 2019.

Cơ bản là bạn đã nắm được việc cập nhật kỹ năng lại quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết rồi. Bây giờ mình sẽ giới thiệu đến bạn 10 kỹ năng cốt lõi nhất cho giới trẻ trong năm 2020 và trong những năm tới. Những kỹ năng này được mình nghiên cứu, tìm hiểu và chọn lọc từ các báo cáo về việc làm, kỹ năng, nghề nghiệp của Institute For The Future, LinkedIn, Udemy, và Diễn đàn Kinh tế thế giới. Điều thú vị là tất cả các kỹ năng cốt lõi của tương lai đều là kỹ năng mềm chứ không phải kỹ năng cứng. 

Bắt đầu tìm hiểu nhé. 

1. Tư duy phản biện (Critical thinking)

Kỹ năng này chắc bạn đã nghe rất nhiều lần, nhưng mình vẫn muốn làm rõ một chút. 

Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng và có lập luận, hiểu rõ được mối liên hệ logic giữa các ý tưởng/quan điểm. Tư duy phản biện là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận kể từ thời các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên như Plato và Socrates. Đến nay, nó vẫn tiếp tục là một chủ đề được thảo luận hết sức sôi nổi, đặc biệt khi bàn đến việc nhận dạng các tin tứcgiả mạo (fake news). 

Người có tư duy phản biện có thể:

  • Hiểu sự gắn kết logic giữa các quan điểm.
  • Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận.
  • Tìm ra những sự không nhất quán và lỗi sai phổ biến trong cách lập luận.
  • Giải quyết các vấn đề một cách hệ thống.
  • Nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng.
  • Xem xét cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm, niềm tin của người khác.

Không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác. Mặc dù các kỹ năng tư duy phản biện có thể được sử dụng để vạch trần những thiếu sót và cách lập luận sai lầm, nhưng tư duy phản biện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp để đưa ra các cách lập luận đúng đắn và có tính xây dựng. Tư duy phản biện giúp chúng ta thu nạp kiến thức, tăng mức độ thấu hiểu lý thuyết đã biết, củng cố các lập luận, nâng cao hiệu quả xử lý công việc và giải quyết vấn đề.

Mình đã từng chia sẻ hai bài viết khá chi tiết về tư duy phản biện, bạn có thể đọc thêm tại đây nhé:

  • Tư duy phản biện (Critical Thinking)
  • Các bài test và sách hay về rèn luyện tư duy phản biện

2. Kỹ năng thích nghi (Adaptability)

Adaptability là khả năng thay đổi (hoặc bị thay đổi) để thích nghi/thích ứng với hoàn cảnh mới. Kỹ năng thích nghi là một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựngsức bật (Resilience) cho chính bạn. Khi có sức bật tốt, nghĩa là bạn thích nghi tốt với bất hạnh, thảm kịch, tai ương, và các tình huống gây căng thẳng khác—chẳng hạn như vấn đề gia đình, mối quan hệ đi xuống, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng hay các mâu thuẫn, lo lắng trong công việc, căng thẳng tài chính. Sức bật nghĩa là khả năng “phục hồi” sau khi trải qua khó khăn và đau đớn. 

Kỹ năng thích nghi được nhấn mạnh trong năm 2020 và tương lai bởi vì công nghệ ngày càng hiện đại. Thêm nữa, các công ty mà vẫn hoạt động theo cách cũ ngày càng khó cạnh tranh với những đối thủ mới trong ngành, buộc họ phải thanh lọc nhân viên và xây dựng một đội ngũ nhân sự thực sự phù hợp với chiến lược kinh doanh mới. Họ sẽ liên tục săn lùng những người mà có kỹ năng thích nghi cao cả về tư duy lẫn hành động. 

Khi bạn có kỹ năng thích nghi tốt nghĩa là bạn có thể:

  • Kiểm soát nhiều yêu cầu khác nhau với mức năng lượng và thời gian bạn đang có, biết cách ưu tiên và chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng khi cần thiết.
  • Điều chỉnh hành vi và phản ứng theo cách mà phù hợp với tình huống một cách hợp lý.
  • Linh hoạt trong suy nghĩ, xem xét tình huống theo nhiều góc cạnh. 

Kỹ năng thích nghi có thể được thể hiện qua khả năng học hỏi, sự kiên trì, nhẫn nại, tháo vát, và tò mò. Đây cũng là một kỹ năng chuyển đổicho mọi ngành nghề. Bạn có thể đọc thêm một số bài viết liên quan để hiểu thêm về những “sub-skill” của kỹ năng thích nghi nhé:

  • Nuôi dưỡng trí tò mò
  • Kiên trì: Khi kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ

3. Kỹ năng sáng tạo (Creativity)

Sáng tạo là kỹ năng mềm gần như luôn đứng “top” trên bảng xếp hạng các kỹ năng làm việc của tương lai trong những năm gần đây. Rèn luyện được kỹ năng này thì bạn đang có một lợi thế rất lớn để phát triển sự nghiệp đấy.

Tuy nhiên, lưu ý rằng ở đây sáng tạo không phải là nghĩ về các họa sỹ, thiết kế đồ họa, nhà văn, nhà thơ, copywriter… Nếu bạn chỉ nghĩ giới hạn ở những loại công việc này thì bạn nhầm rồi. 

Sáng tạo ở đây không có nghĩa là có năng khiếu nghệ sĩ. Hiển nhiên, là một họa sĩ nghĩa là có sự sáng tạo, nhưng bất cứ nghề nghiệp nào cũng có thể sáng tạo, cho dù bạn là kỹ sư phần mềm, nhà toán học, nhân viên bán hàng hay kế toán. Mình nhấn mạnh, kỹ năng sáng tạo có thể được rèn luyện và hữu ích cho mọi loại công việc.

Theo Stefan Mumaw, chuyên gia giảng dạy trên nền tảng học trực tuyến LinkedIn Learning và là tác giả của 6 cuốn sách về sáng tạo thì “kỹ năng sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề với sự phù hợp và mới lạ.”

Hãy cùng làm rõ ý này:

  • Phù hợp: Phù hợp ở đây nghĩa là thực sự giải quyết được vấn đề đang gặp phải. Giải pháp phù hợp với mục tiêu, ngân sách và nguồn lực của công ty, đồng thời giúp cho tình huống đó được giải quyết một cách hiệu quả. Một giải pháp mà thiếu đi sự phù hợp thì hoàn toàn không phải là giải pháp. 
  • Mới lạ: Mới lạ nghĩa là giải pháp bạn đưa ra ngoài mong đợi và chưa hề xuất hiện trước đó. 

4. Kỹ năng hợp tác (Collaboration)

Kỹ năng hợp tác cần thiết cho gần như tất cả các khía cạnh trong cuộc sống lẫn công việc. Gần như mọi công việc trên thế giới hiện nay đều đòi hỏi ít nhất một vài sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm, trong bộ phận, hoặc trong toàn công ty. Điều này càng khiến cho hợp tác trở thành một kỹ năng bắt-buộc-phải-có đối với người đi làm.

Xây dựng sự hợp tác nghĩa là xây dựng niềm tin. Người biết cách thiết lập niềm tin với những người khác chấp nhận nhiều góc nhìn, thấu hiểu suy nghĩ của họ, kiểm soát các ưu tiên trong nhóm và quyết tâm hoàn thành công việc với tư cách là một thành viên đáng tin cậy.

Kỹ năng hợp tác hiểu nôm na chính là làm việc với người khác hiệu quả để tạo ra thứ gì đó. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn cần phát triển các kỹ năng phụ khác như sự đồng cảm, thấu hiểu, giải quyết mâu thuẫn hay tôn trọng sự đa dạng. 

5. Kỹ năng thuyết phục (Persuasion)

Chắc mình không cần phải nói nhiều rồi—kỹ năng thuyết phục cần thiết trong mọi lĩnh vực. Thuyết phục bạn cùng phòng sắp xếp đồ đạc gọn gàng, thuyết phục bạn cùng lớp tích cực tham gia hoạt động nhóm, thuyết phục sếp chấp nhận ý tưởng của bạn, thuyết phục khách hàng mua hàng, thậm chí là thuyết phục người bán hàng giảm giá cho bạn nữa… Đâu đâu cũng cần kỹ năng thuyết phục. Chỉ là vì đôi khi nó được thực hiện một cách nhẹ nhàng, không cần tốn nhiều công sức, chất xám nên bạn không nhận ra mà thôi. 

Một trong những cuốn sách nổi tiếng để rèn luyện kỹ năng thuyết phục đó là sách Đắc Nhân Tâm. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm đến một số cuốn sách khác như Tạo ra thông điệp kết dính (Made to Stick) hay Từ bản năng đến nghệ thuật bán hàng (To Sell is Human). 

6. Trí tuệ cảm xúc (Emotional intelligence)

Cho dù ở nơi làm việc hay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể đã biết có một số người có kỹ năng lắng nghe rất tốt. Dù tình huống hiện tại như thế nào, họ dường như vẫn luôn biết lúc nào họ cần nói, nói cái gì, và nói như thế nào—chẳng bao giờ họ ngắt lời bạn hay tranh phần bạn nói. Họ tạo ra sự quan tâm, chu đáo. Họ cho bạn hy vọng và sự lạc quan ngay cả khi họ cũng không biết giải quyết vấn đề bạn gặp phải như thế nào. 

Chúng ta có thể cũng đã biết những người mà rất giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của họ. Kể cả khi ở trong tình huống căng thẳng, họ cũng không dễ dàng giận dữ. Thay vào đó, họ nhìn vào vấn đề và bình tĩnh suy nghĩ về giải pháp. Họ xuất sắc trong việc ra quyết định và họ biết khi nào thì nên tin vào bản năng của mình, khi nào thì cần lắng nghe ý kiến của người khác. Mặc dù có nhiều điểm mạnh nhưng họ vẫn thẳng thắn chia sẻ điểm yếu của mình. Mỗi khi bị chỉ trích, họ đón nhận nhẹ nhàng và sử dụng lời phê bình để cải thiện chính họ. 

Cả hai nhóm người trong hai tình huống này đều là những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc hay trí thông minh xúc cảm (Emotional intelligence – EQ) rất cao. Họ hiểu rõ con người họ và họ cũng cảm nhận được nhu cầu cảm xúc của người khác.

Trí tuệ xúc cảm là khả năng nhận ra cảm xúc của bạn, hiểu rõ những cảm xúc đó đang muốn nói với bạn điều gì và nắm được chúng ảnh hưởng tới những người xung quanh bạn như thế nào. Nó cũng liên quan tới nhận thức của bạn đối với người khác: khi bạn hiểu họ đang cảm thấy ra sao, nó sẽ giúp bạn gìn giữ các mối quan hệ hiệu quả. 

Những người có chỉ số trí tuệ xúc cảm cao thường rất thành công trong hầu hết những gì họ làm. Bởi vì sao? Bởi vì họ là những người mà luôn được chào đón trong các nhóm làm việc. Khi họ gửi đi một email, họ sẽ nhận được câu trả lời. Khi họ cần sự giúp đỡ, họ sẽ có nó. Họ khiến người khác cảm thấy tốt đẹp. Họ vượt qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều so với những người lúc nào cũng giận dữ hay lo lắng. 

Mình sẽ có một bài viết riêng chia sẻ về kỹ năng này trong lần tới nhé (vì có quá nhiều thứ để chia sẻ ấy mà). 

7. Tư duy tăng trưởng (Growth mindset)

Nếu đã từng đọc cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success (Tâm lý học thành công) của tiến sĩ Carol Dweck thì hẳn là bạn đã biết đến thuật ngữ tư duy tăng trưởng (Growth mindset). Một “tư duy tăng trưởng” (growth mindset) thành công hơn qua thử thách và xem thất bại không phải là bằng chứng của sự không thông minh mà là bước đệm cổ vũ cho sự tăng trưởng và mở rộng những khả năng đang có. 

Trái ngược với tư duy tăng trưởng đó là tư duy cố định. Một “tư duy cố định” (fixed mindset) giả định rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo là những thứ chắc chắn ở trạng thái tĩnh mà chúng ta không thể thay đổi theo cách có ý nghĩa, và thành công là sự khẳng định trí thông minh được thừa hưởng đó, một bản đánh giá về cách mà những thứ chắc chắn đó được so sánh với một tiêu chuẩn cố định; nỗ lực thành công và tránh thất bại bằng mọi giá trở thành cách duy trì cảm giác thông minh hoặc có kỹ năng. 

Cả 2 loại tư duy nàythứ mà chúng ta biểu lộ ngay từ đầu đờiđều tác động tới một loạt các hành vi của chúng ta, mối quan hệ của chúng ta với thành công và sự thất bại cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, và cuối cùng đó là khả năng tiếp nhận hạnh phúc của mỗi người.

Nếu bạn muốn biết thêm về tư duy tăng trưởng thì có thể đọc hai bài viết này của mình nhé:

  • Mindset: Tư duy cố định và tư duy tăng trưởng – đâu là chìa khóa để trở thành người học cả đời?
  • Làm thế nào để rèn luyện tư duy tăng trưởng (Growth mindset)?

8. Nhận thức văn hóa (Culture awareness)

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nơi mà các công ty đa quốc gia hay các công ty với nhân viên đến từ rất nhiều đất nước, vùng miền trên thế giới ngày càng được nhân rộng. Sự bùng nổ của công nghệ mới cũng góp phần làm cho môi trường làm việc ngày càng trở nên đa dạng về văn hóa. Những xu hướng này giải thích cho lý do vì sao nhận thức văn hóa (Culture awareness) được đánh giá là một trong những kỹ năng cốt lõi mà giới trẻ cần rèn luyện.

Culture awareness ám chỉ khả năng nhạy bén về những tương đồng và sự khác nhau tồn tại giữa các nền văn hóa, và sử dụng sự nhạy bén đó để giao tiếp một cách hiệu quả với các thành viên đến từ những nền văn hóa đó. Đây là một kỹ năng không hề dễ để rèn luyện bởi vì nó đòi hỏi bạn phải có sự hiểu biết về xã hội nhất định, liên tục đọc, tìm hiểu, nghiên cứu sâu và áp dụng nó vào thực tế. Chưa kể nếu bạn làm việc với 10 người mà mỗi người đến từ một quốc gia khác nhau thì việc phải hiểu rõ nền văn hóa của từng người là điều cực kỳ mất thời gian và công sức. 

Kỳ vừa rồi mình có tham gia một bài giảng về văn hóa trong kinh doanh và được thầy giáo chia sẻ khá nhiều về kỹ năng nhận thức văn hóa này. Mỗi một nền văn hóa trên thế giới đều có những khác biệt rõ rệt mà làm việc trong môi trường toàn cầu bạn cần phải biết. Một ví dụ điển hình của việc phải hiểu rõ về văn hóa đó là liên quan đến Power Distance (khoảng cách quyền lực). Ở các nước phương Tây như Mỹ—là những nước có chỉ số Power Distance thấp—thì kể cả sếp của bạn đã 50 tuổi rồi, bạn vẫn có thể gọi thẳng tên, chẳng hạn John, của ông ấy. Trong khi đó, các nước phương Đông như Việt Nam thì chỉ số Power Distance rất cao—nghĩa là thứ bậc rất quan trọng. Bạn không thể gọi sếp mình chỉ bằng tên của họ mà phải có xưng hô phía trước, ví dụ “thưa sếp”, “ thưa anh”, “thưa chú”. Một cô giáo mình kể rằng cô từng làm việc với người Trung Quốc và cảm thấy rất “đau đầu” khi phải hiểu rõ cách xưng hô của đối tác. 

9. Làm chủ sự tập trung (Focus mastery)

Chúng ta đang sống trong thế giới mà sự chú ý của chúng ta không còn được liên tục như trước nữa. Tâm trí bị kích thích dồn dập bởi những tiếng ồn nơi công trường, tiếng nói chuyện, âm bàn phím, thông báo, cuộc gọi, tin nhắn… Càng bị xao nhãng nhiều bởi những sự phân tán này thì bạn càng dễ bị căng thẳng, mất tập trung, năng lượng hao mòn và kết quả là làm việc kém hiệu quả. 

Trong bối cảnh như vậy, những người nào làm chủ được sự tập trung, chú ý, và thời gian của mình là những người sẽ luôn được săn đón. Đây là kỹ năng mà tất cả những người lãnh đạo xuất sắc, tỷ phú, những người thành công từ trước tới nay đều sở hữu, Bill Gates, Oprah Winfrey, Bill Ford, Steve Jobs… Càng làm chủ sự tập trung của mình thì thể xác, tinh thần và ý chí của bạn càng mạnh mẽ.  

Khi nói đến làm việc tập trung, một trong những cuốn sách không thể không được nhắc đến đó chính là Deep Work (Làm việc sâu) của tác giả Cal Newport. 

Chìa khóa để làm việc Deep Work đó là phát triển những thói quen và “nghi thức” nhỏ, biến chúng thành các hoạt động hàng ngày của bạn nhằm mục đích tối thiểu lượng ý chí cần thiết để chuyển đổi công việc và duy trì sự tập trung không bị gián đoạn. 

Chẳng hạn, nếu vào một buổi chiều không muốn làm việc, chỉ ngồi lướt web, bạn đột nhiên quyết định chuyển sang làm một công việc đòi hỏi phải suy nghĩ, tư duy nhiều thì lúc này lượng ý chí cần để chuyển đổi công việc sẽ rất lớn. Do vậy, bạn sẽ rất khó để có động lực làm việc. 

Ngược lại, nếu áp dụng chiến lược đúng đắn, chẳng hạn hình thành thói quen đặt ra thời gian và lựa chọn một nơi yên tĩnh để làm những công việc “sâu” (Deep task) vào buổi chiều thì ý chí cần sử dụng để bắt đầu và duy trì công việc sẽ ít hơn. Do đó, trong tương lai bạn sẽ thành công hơn nữa với những nỗ lực làm việc sâu này.

Để hiểu hơn về Deep Work, bạn có thể đọc thêm bài viết này của mình nhé: Deep Work: Cách để “làm việc sâu” trong thời đại số có quá nhiều xao nhãng

10. Kỹ năng kể chuyện (Storytelling)

Kỹ năng kể chuyện (Storytelling) giờ đây không còn là một kỹ năng chỉ cần thiết cho những người làm marketing nữa, mà nó cần thiết cho tất cả những ai đang đi làm. 

Các câu chuyện rất dễ nhớ và thú vị. Ai trong chúng ta lớn lên chắc cũng nhớ ít nhiều về những câu chuyện cổ tích hay cruyện dân gian. Có thể không nhớ hết các chi tiết, nhưng chúng ta cũng có thể mang máng trong đầu cốt truyện hay tên các nhân vật. Mỗi khi nghe về chúng, chúng ta lại thốt lên “Ồ, mình đã nghe trước đây rồi này.”

Nhưng các câu chuyện không chỉ hữu ích để giải trí hay kết nối với khách hàng mà nó còn là cách mạnh mẽ để thay đổi tư duy của nhân viên và thúc đẩy sự kết nối mạnh mẽ hơn trong một tổ chức. Nếu biết cách vận dụng kỹ năng kể chuyện trong mọi cuộc trò chuyện ở nơi làm việc thì bạn sẽ dễ dàng truyền tải thông điệp của mình và nhận được tương tác từ những người khác. 

Cùng một vấn đề, nếu chỉ diễn giải bằng vài từ ngữ khô khan thì có thể chẳng ai muốn nghe. Nhưng nếu biến nó thành một câu chuyện thì có thể sẽ khiến người nghe phải chú ý. Đưa ra nhiều thông báo buộc nhân viên phải đi làm đúng giờ có thể sẽ chẳng có tác dụng gì, nhưng nếu kể cho họ nghe một câu chuyện có thật (hoặc có thể không có thật) về một người từng đi làm muộn nhiều năm liền nhưng chỉ nhờ đi làm đúng giờ mà sự nghiệp tiến tới thì có thể tạo động lực cho nhân viên rất tốt. 

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của một câu chuyện hay, cũng như đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của kỹ năng kể chuyện. 

Bonus: Kỹ năng tự học (Self-study)

Thành thực mà nói, chính xác từ self-study (tự học) không hề xuất hiện trong các bản báo cáo về kỹ năng mà mình đã đọc. Nhưng nếu đọc kỹ và suy nghĩ kỹ thì kỹ năng tự học chính là nền tảng giúp chúng ta đạt được 10 kỹ năng trên. Bạn đồng ý với mình chứ?

Làm chủ sự tập trung, nhận thức văn hóa, trí tuệ xúc cảm… tất cả những kỹ năng hoàn toàn có thể tự học và gần như là những người thành thạo về chúng đều tự học. Họ tự học qua đọc sách, đọc báo chí; đọc tài liệu; học từ lắng nghe video, sách nói, phim ảnh; học từ trò chuyện với người khác; học từ trải nghiệm. Họ không ngừng học.

Elon Musk là một ví dụ hoàn hảo của việc tự học. Rõ ràng, anh ấy có bằng cử nhân vật lý, nhưng trước SpaceX hay Tesla, Elon chẳng có tí kinh nghiệm nào về kỹ sư cơ khí hay cơ học vũ trụ cả. Kinh nghiệm ở hai lĩnh vực này đều cần để xây dựng tên lửa, chứ chưa nói gì đến việc đưa tên lửa vào không gian.

Nhưng Elon Musk bắt đầu từ cái cơ bản. Anh đọc sách về những điều cơ bản, hỏi han những người khác và Google khi cần thiết. Anh thử tạo ra tên lửa, không thành công vài lần và đào sâu để tìm ra lý do thất bại. Sau đó, lại tiếp tục thử lần nữa. Ở tình huống này, tôi có thể tưởng tượng ra cảnh Elon Musk ngồi ở nhà trước máy tính, gõ lên Google “cách xây dựng tên lửa” và mày mò từng chút một.

Tobias van Schneider

Tự học không có nghĩa là bạn không cần người hướng dẫn. Nó chỉ đơn giản khác với giáo dục chính thống là bạn không đến trường, lớp hay trung tâm để học. Bạn tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua bất cứ phương tiện nào có sẵn. Sách vở, video, audio, hội nghị, bạn bè, đồng nghiệp… đều là “thầy” của bạn.

Bạn có thể đọc thêm về bí quyết tự học của mình tại đây: Động lực để tự học và cách tự học hiệu quả.

Đến lượt bạn!

Giờ thì bạn đã nắm được 10 kỹ năng mềm quan trọng cho những người trẻ như chúng mình rồi. Bạn có kế hoạch gì để rèn luyện chúng không? Hãy chia sẻ với mình nhé.