Uống nước nhớ nguồn nghĩa là gì

Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27 tháng 7 hàng năm là ngày tri ân, dành tất cả tình thương yêu, tôn vinh những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu để đất nước ta có nền độc lập như ngày nay. Những người con ưu tú đó là niềm tự hào của dân tộc, luôn tỏa sáng và sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, được Tổ quốc vinh danh và mãi mãi ghi công.

Uống nước nhớ nguồn nghĩa là gì

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong 76 năm qua, Đảng, Nhà nước, các tổ chức và toàn xã hội ta thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng thụ hưởng, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa [1].

"Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" không chỉ là đạo lý cơ bản trong tư tưởng của dân tộc Việt Nam mà còn là nhân tố quan trọng giúp xây dựng một xã hội đoàn kết và văn minh. Ngày 27/7, hàng năm là dịp quan trọng của các cấp, ngành, các địa phương và người dân Việt Nam tưởng nhớ, ghi ơn và tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người đã dâng hiến tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tư tưởng của người Việt Nam, thể hiện vai trò quan trọng của xã hội trong việc giáo dục đạo lý.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhằm ghi nhận và đền đáp công lao của những người đã hy sinh cho với dân tộc. Chính sách này bao gồm hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người đã có đóng góp cho đất nước. Những biện pháp thiết thực này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống vật chất của các đối tượng, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc từ đất nước và Nhân dân.

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 11/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó từ ngày 1/7/2023, sẽ thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là hơn 400 tỷ đồng. Với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác. Cả nước đã vận động được trên 13 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84 nghìn căn nhà và sửa chữa trên 69 nghìn căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126 nghìn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, theo đó mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ ngày 1/7/2023 [2].

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), tỉnh Tuyên Quang tặng hơn 16.534 suất quà cho gia đình chính sách, người có công; trong đó có 7.934 suất quà của Chủ tịch nước và hơn 8.600 suất quà của tỉnh. Đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Chẩu Văn Lâm khẳng định: Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh luôn ghi nhớ công lao to lớn của các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Công tác đền ơn đáp nghĩa đã trở thành việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, góp phần thiết thực trong việc chăm lo, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định và ngày càng được nâng cao. Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng cho gần 7.000 người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thường xuyên chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng [3].

Phát huy kết quả đầy ý nghĩa đó, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách chăm sóc người có công với cách mạng. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn xã hội, toàn dân và toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng chính sách chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục đạt kết quả tốt, góp phần làm sâu sắc hơn truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam.

Nhìn lại quá trình lịch sử, ta thấy rõ rằng việc giữ gìn và truyền tải truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là nền tảng tinh thần vững chắc để củng cố lòng yêu nước, yêu dân tộc, mà còn là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đỗ Hồng Thanh

1. Sự kiện lịch sử, Tổ quốc mãi mãi ghi công, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, 27/7/2022.

2. Thanh Giang, Ngân Lê, Nỗ lực làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và chính sách đối với người có công với cách mạng, Nhân dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 27/7/2023.

3. Quang Cường - Hữu Chí, Chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, Tuyên giáo, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, 24/7/2023.

Uống nước nhớ nguồn nghĩa đen là gì?

Nghĩa đen: Khi được uống, hưởng dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu cho ta dòng nước đó. Nghĩa bóng: Nguyên nhân dẫn đến, con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó. => Ý nghĩa: Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với con cháu, những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả công lao của người đi trước.

Tại sao chúng ta cần phải uống nước nhớ nguồn?

Hàm ý sâu xa trong câu tục ngữ chính là lòng biết ơn. “Nước” chính là những thành quả mà cha anh ta đã có công xây dựng nên. “Uống nước” chính là sự hưởng thụ những thành quả vật chất và tinh thần; “Nhớ nguồn” là sự tri ân, giữ gìn phát huy những thành quả của người làm ra chúng.

Uống nước nhớ nguồn là câu nói của ai?

“Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đạo đức đó xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam kể từ buổi đầu dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.

Uống nước nhớ nguồn là ẩn dụ gì?

Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ "nước/nguồn" ẩn dụ cho những công ơn, thành quả tốt đẹp mà con người được tận hưởng và phải có ý thức biết ơn và đền đáp những công ơn, thành quả đó. Tác dụng: làm cho tư tưởng của câu tục ngữ được sinh động và giàu tính biểu cảm.