Xây dựng ý thức bảo vệ tổ quốc cho toàn dân – giải pháp phòng chống diễn biến hòa bình từ sớm từ xa

QPTD -Chủ Nhật, 16/01/2022, 07:40 (GMT+7)

Quán triệt quan điểm “chủ động phòng ngừa là chính” trong phòng, chống bạo loạn

Nhận thức rõ mối quan hệ giữa công tác phòng ngừa và xử lý bạo loạn trong tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ phải lấy “chủ động phòng ngừa là chính”. Đây là vấn đề rất quan trọng trong tình hình hiện nay, cần được tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện.

Quan điểm “chủ động phòng ngừa là chính”1 trong công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của Đảng được kế thừa từ kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”, giữ “trong ấm, ngoài êm” của cha ông trong lịch sử và thực tiễn quá trình củng cố quốc phòng, an ninh, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ thời gian qua của đất nước. Đây là sự phát triển tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Theo đó, nội hàm bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, ngăn chặn, đánh bại địch tiến công xâm lược từ bên ngoài, mà còn bao hàm cả giữ vững ổn định an ninh, chính trị bên trong đất nước; không chỉ chiến đấu bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Hiện nay, hòa bình, hợp tác, liên kết cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại, nhưng bản chất mối quan hệ giữa các nước và bên trong mỗi quốc gia cũng chứa đựng không ít mâu thuẫn. Các vấn đề: xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, ly khai,... vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi. Đối với nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; thậm chí còn có nhận thức sai lệch về các yếu tố lịch sử, văn hóa, quyền tự trị,... trong khi đó, năng lực quản lý, điều hành, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh,... của một bộ phận cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế. Tình hình an ninh trên một số địa bàn chiến lược: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,... và các thành phố lớn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Đặc biệt, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với nhiều thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện và quyết liệt hơn, hòng thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Vì vậy, “chủ động phòng ngừa là chính”, không tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch bên trong cấu kết với lực lượng phản động bên ngoài âm thầm chuẩn bị, xây dựng “nền móng”, tạo cớ tiến hành bạo loạn, nhằm giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước nhanh, bền vững là vấn đề quan trọng, cấp thiết, cần được quán triệt, triển khai thực hiện bằng những nội dung, giải pháp phù hợp.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước đối với nhiệm vụ phòng, chống bạo loạn. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống bạo loạn đúng định hướng, đúng pháp luật, phát huy được sức mạnh tổng hợp và đạt hiệu quả thiết thực. Vì vậy, cần tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng các cấp; chú trọng nâng cao năng lực ban hành nghị quyết lãnh đạo củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống bạo loạn phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cơ quan Quân sự, công an, Biên phòng,… trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành, triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng ngừa bạo loạn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy về quốc phòng, an ninh, phòng ngừa bạo loạn thành các chương trình, kế hoạch, văn bản pháp luật, trọng tâm là cơ chế quản lý, điều hành trong xây dựng, huy động các nguồn nhân lực, vật lực; cơ chế phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng,… trong phòng ngừa bạo loạn, bảo vệ địa phương; trong đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Ngoài ra, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, an ninh viên,… trong nắm tình hình địa bàn, thực hiện các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa bạo loạn ngay từ cơ sở.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao quy trình, phương pháp quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ khâu lập kế hoạch, định hướng hoạt động, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới và kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các khâu, các bước của quá trình xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, phòng ngừa bạo loạn. Theo đó, cần đi sâu bồi dưỡng cho lãnh đạo, chính quyền địa phương nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch; đặc điểm an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự,… địa bàn; mục tiêu, yêu cầu, biện pháp quản lý an ninh chính trị, ngăn ngừa gây rối, bạo loạn; nguyên tắc sử dụng lực lượng vũ trang trong các tình huống, làm cơ sở vận dụng vào thực tiễn địa phương. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành phòng, chống bạo loạn theo pháp luật của cấp ủy, chính quyền các cấp, trọng tâm là năng lực điều hành các lực lượng trong phối hợp nắm, nhận định, đánh giá tình hình; thống nhất biện pháp giải quyết; xác định lực lượng chủ trì, phối hợp theo cơ chế, v.v. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật Nhà nước và các nghị định của Chính phủ về quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Tăng cường các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi bên trong có thể gây đột biến; kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị phản động, đối lập, giải quyết triệt để, tận gốc các mâu thuẫn xã hội, biểu tình, gây rối, mưu đồ chính trị. Gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, chỉ huy các lực lượng vũ trang với kết quả quản lý, phòng ngừa bạo loạn, bảo đảm an ninh, an toàn địa bàn.

Tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm nền tảng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống bạo loạn. Đây là giải pháp có tính nền tảng; là vấn đề căn cơ, gốc rễ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống bạo loạn ngay trong thời bình. Vì thế, các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dư­­­ỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, các chức sắc, chức việc tôn giáo và học sinh, sinh viên; phân biệt rõ đối tượng, đối tác, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa dân với Đảng và chính quyền, từ đó nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội (khóa 14) về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Quốc hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bảo đảm công bằng xã hội giữa các vùng dân cư, không để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá. Nâng cao tính thiết thực, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn chiến lược trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, phải tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những phần tử thoái hóa, biến chất; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu nhân dân. Tập trung thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý và cấp ủy các cấp với đảng viên và nhân dân; xây dựng các thiết chế, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khắc phục tình trạng dân chủ cực đoan, hoặc lợi dụng dân chủ gây rối, chống đối.

Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo cơ sở triển khai các biện pháp phòng ngừa trên từng địa bàn, cơ sở. Các cấp, ngành, địa phương cần khai thác, phát huy tối đa thế mạnh của hai lực lượng quốc phòng và an ninh với vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh quốc gia; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch. Theo đó, cần bố trí lực lượng quốc phòng, lực lượng an ninh tạo thành thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc trên từng địa bàn và quy mô toàn quốc; chú trọng các mục tiêu chiến lược trọng yếu, tuyến biên giới xung yếu, địa bàn an ninh, chính trị phức tạp. Thực hiện đấu tranh từ xa đến gần, từ ngoài vào trong; kết hợp phát hiện, ngăn chặn ý đồ bạo loạn ngay từ trong “trứng nước” với sử dụng các biện pháp nghiệp vụ dập tắt kịp thời các nguy cơ bùng phát, lan rộng. Tổ chức, bố trí lực lượng quốc phòng, lực lượng an ninh thành lực lượng vũ trang nòng cốt ở cơ sở, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời, chú trọng xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc theo phương châm: “ở đâu có dân, ở đó có phong trào quần chúng bảo vệ an ninh”; xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp, cùng với lực lượng quốc phòng toàn dân hình thành thế trận vững chắc ngăn ngừa, không để xảy ra bạo loạn.

Quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm “chủ động phòng ngừa là chính” sẽ trực tiếp góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn gây bạo loạn của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thiếu tướng, TS. LÊ XUÂN THÀNH, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 156.