Binh pháp tôn tử ra đời năm bao nhiêu

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Giáo sư Vladimir N. Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg khi cuốn sách “Bàn về binh pháp Tôn Tử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho biết như vậy.

Mới đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt cuốn sách “Bàn về binh pháp Tôn Tử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai ngôn ngữ Việt-Nga. Phần dịch ra tiếng Nga do Giáo sư Vladimir N. Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg, thực hiện. Sách gồm 2 tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu sâu sắc, lược dịch, biên soạn trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là những tư liệu quý được dùng không chỉ vào mục đích quân sự, mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác như ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa…

Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có cuộc phỏng vấn Giáo sư Vladimir N. Kolotov về việc dịch và xuất bản cuốn sách này.

Phóng viên (PV): Thưa ông! Vừa qua tại Hà Nội đã xuất bản cuốn sách “Bàn về binh pháp Tôn Tử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông dịch ra tiếng Nga. Vậy ông có thể cho biết đôi nét về nội dung cuốn sách này?

Giáo sư Kolotov: Vấn đề này được tôi bắt đầu quan tâm vào năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đó, tôi bắt tay vào nghiên cứu kỹ những sách lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Pháp Henri Navarre. Việc tìm hiểu các nguồn tài tiệu và công trình nghiên cứu đã càng củng cố thêm giả thuyết của tôi về việc Bộ chỉ huy Việt Nam sử dụng các mưu lược trong việc lập kế hoạch cho trận đánh này. Sau đó, tôi quan tâm hơn đến các nguồn tư liệu về lịch sử quân sự Việt Nam và đọc cả hai bản dịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh về binh pháp Tôn Tử. Bản đầu tiên là “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” được dịch vào năm 1945, ngay trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Tám. Trong khi đó, bản thứ hai là “Binh pháp Tôn Tử” được đăng thành nhiều phần trên báo Cứu quốc vào năm 1946, ngay trước khi bắt đầu Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Những tác phẩm này ban đầu được xuất bản dưới bút danh là “Q. Th”. Cuốn sách “Bàn về binh pháp Tôn Tử” bao gồm bản dịch của cả hai tác phẩm này.

Trong hai năm 1945 và 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trước nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là giành chính quyền, tiếp theo là bảo vệ thành quả cách mạng, tự do và độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này, cần phải có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, những người không những thực thi mệnh lệnh, mà còn có thể suy nghĩ độc lập về chiến lược và chiến thuật. Tài liệu tốt nhất cho việc này là luận thuyết kinh điển của Tôn Tử về binh pháp, trong đó mô tả những binh pháp cơ bản của chiến tranh. Cuốn sách vĩ đại này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ai tuân thủ binh pháp thì người đó sẽ giành chiến thắng, còn ai coi thường hoặc không tôn trọng thì ắt sẽ chịu thất bại. Đây là những quy luật tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào thời gian và tính chất của cuộc chiến, cũng như vào chế độ chính trị hay loại vũ khí. Các nhà vua phong kiến Việt Nam đã thất bại trong cuộc chiến với thực dân Pháp, bởi lẽ họ đã vi phạm nguyên tắc cơ bản “biết mình, biết người”. Họ không biết và không hiểu kẻ địch. Chế độ mục ruỗng đã đánh mất tầm nhìn chiến lược và không còn khả năng bảo vệ đất nước.

Trong thời kỳ khôi phục nền độc lập dân tộc trong điều kiện chiến tranh cận kề chống lại kẻ thù mạnh hơn, được vũ trang tốt hơn mà không nắm vững chiến lược thì không thể giành được thắng lợi. Vì vậy, là vị lãnh tụ dân tộc có tầm nhìn xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự dịch, hiện đại hóa và đã đưa ra ý kiến của mình về cuốn sách nền tảng này. Vào thời điểm đó, cuốn sách đã được đọc và sử dụng ở nhiều nước. Chẳng hạn tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông từng kể lại rằng, ông đã đọc lần đầu tiên vào năm 1935 và đánh giá rất cao cuốn sách. Nó cũng đã được nghiên cứu tại các học viện quân sự ở Nhật Bản. Tại Liên Xô, bản dịch đầu tiên được thực hiện tại Học viện của Bộ Tổng Tham mưu các Lực lượng vũ trang vào năm 1943, khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đang diễn ra ác liệt. Vì vậy, quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn, kịp thời và xét về tổng thể là phù hợp với xu thế phát triển khoa học quân sự lúc bấy giờ.

Sau đó, tôi có viết một số bài báo khoa học đi sâu phân tích bản dịch binh pháp Tôn Tử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đại hóa, cũng như ý nghĩa của bản dịch này đối với chiến thắng trước thực dân Pháp. Ban đầu, tôi đăng và phân tích những trích đoạn khác nhau từ các bản dịch của Bác Hồ, rồi sau đó bắt đầu nghĩ đến việc dịch đầy đủ những tác phẩm này của Người từ tiếng Việt sang tiếng Nga.

Một bộ sưu tập lớn các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga về lý luận chính trị đã được xuất bản tại Hà Nội năm 1973. Sau đó, một số bài báo riêng lẻ đã được tái bản tại Liên Xô vào các năm 1979 và 1990. Năm 1985, tập thơ “Nhật ký trong tù” được xuất bản. Chính vì vậy, ấn bản dịch các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận chính trị và quân sự này là ấn bản đầu tiên sau 48 năm bị gián đoạn.

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là nhà lý luận quân sự lỗi lạc. Phải chăng đó là lý do và nguồn cảm hứng để ông dịch cuốn sách này ra tiếng Nga?

Giáo sư Kolotov: Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới biết đến trước hết là nhà chính trị kiệt xuất, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, vẫn còn ít người nước ngoài biết đến những đóng góp quan trọng của Người đối với sự phát triển khoa học quân sự ở Việt Nam. Một số đồng nghiệp phương Tây thậm chí còn không hiểu tại sao các tướng lĩnh Việt Nam luôn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy về lý thuyết quân sự. Đó là do họ không biết tiếng Việt và các tác phẩm về lý luận quân sự của Người.

Theo tôi được biết, những tác phẩm này của Người vẫn chưa từng được dịch ra tiếng nước ngoài. Vì vậy, bản dịch sang tiếng Nga này của tôi là đầu tiên. Hy vọng rằng, những đồng nghiệp trong lĩnh vực Việt Nam học ở các nước khác cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này và dịch cuốn sách này sang nhiều ngôn ngữ khác.

Khi dịch sang tiếng Nga, tôi cũng đã hiệu đính nhiều lỗi có trong nhiều bản dịch trước và sau này của “Binh pháp Tôn Tử” sang những ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, trong một số ngôn ngữ (Pháp, Anh, Nga), nhan đề cuốn sách thường được dịch là “Nghệ thuật chiến tranh”, còn trong bản gốc tiếng Trung là 兵法khi dịch chính xác sang tiếng Việt là “Binh pháp”, và dịch từ tiếng Việt ra tiếng Nga là “Quy luật chiến tranh” (“Законы войны”). Nghĩa chính của chữ tượng hình không phải là “nghệ thuật”, mà là “quy luật”. Đây là một sắc thái quan trọng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa ban đầu của cuốn sách.

Tôi tin rằng, việc xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Nga sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về tầm vóc thực sự của một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam như Hồ Chí Minh, người đã có đóng góp vô cùng quan trọng và quyết định vào sự phát triển khoa học quân sự của Việt Nam.

PV: Theo ông, cuốn sách này có ý nghĩa như thế nào trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trước đây, cũng như đối với việc xây dựng và hiện đại hóa quân đội ở Việt Nam, Nga và nhiều nước trên thế giới hiện nay?

Giáo sư Kolotov: Tôi đã đọc kỹ bản gốc bằng tiếng Trung, cũng như các bản dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga, và mỗi lần như vậy tôi đều có cơ hội nhìn thấy những khía cạnh mới về ý nghĩa sâu sắc của cuốn sách vĩ đại này. Không giống như tất cả những bản dịch khác của cuốn sách này, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là bản dịch, mà là sự hiện đại hóa luận thuyết kinh điển của Tôn Tử với những nhận xét rất sáng tạo. Có nghĩa là, đây không chỉ là dịch từ bản gốc, vốn đã là đóng góp quan trọng cho khoa học, mà còn nhằm giải đáp câu hỏi về việc Tôn Tử sẽ lập kế hoạch như thế nào cho chiến tranh hiện đại trong điều kiện như ngày nay. Nội dung chính xuyên suốt cuốn sách này là cách vận dụng binh pháp cũ để giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại. Nói cách khác, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một định hướng thực tiễn cụ thể.

Không nên vận dụng một cách mù quáng kinh nghiệm của các trận chiến đã diễn ra trước đó với những đội quân khác, bởi vì nhiều yếu tố có thể khác nhau đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rõ là ai, khi nào và giành chiến thắng ra sao, để sử dụng sự hiểu biết này vì lợi ích của mình trong các điều kiện khác nhau. Tôi cho rằng, chính sự nghiên cứu kỹ về lịch sử chiến lược đã giúp xây dựng nên quân đội Việt Nam kiểu mới “bách chiến bách thắng”, đội quân đã bảo vệ được nền tự do và độc lập của Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh Đông Dương. Hơn một thế hệ các nhà chiến lược quân sự Việt Nam đã nghiên cứu cuốn sách này và nhiều cuốn sách khác về chiến lược quân sự. Nhờ đó mà họ đã phát triển được tư duy chiến lược của riêng mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dịch về binh pháp, chỉ ra cách sử dụng chúng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, mà còn bổ sung vào đó rất nhiều kinh nghiệm từ lịch sử của các cuộc chiến tranh nổ ra sau khi Tôn Tử qua đời. Để minh họa cho binh pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn ra những ví dụ cụ thể từ thời Tam Quốc, Xuân Thu, Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, cũng như nhắc đến Khổng Minh – Gia Cát Lượng, Napoleon Bonaparte, Đô đốc Nelson và các tướng lĩnh quân sự kiệt xuất khác.

PV: Trong quá trình dịch, điều ông tâm đắc nhất ở cuốn sách “Bàn về binh pháp Tôn Tử” là gì?

Giáo sư Kolotov: Trước hết, tôi rất tâm đắc trước việc Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tin tưởng vào chiến thắng thực dân Pháp ngay từ khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất còn chưa bắt đầu. Thông qua cuốn sách này, Người muốn dạy cho các đồng chí của mình khả năng tiên lượng. Ngay đầu cuốn sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “phải biết xét đoán trước”. Sau khi học được binh pháp thì có thể nhìn thấy tương lai. Người không những tin vào chiến thắng, mà còn chắc chắn Việt Nam sẽ giành chiến thắng. Và đây là kiến thức khoa học thực thụ. Nội dung chính xuyên suốt cuốn sách cho rằng, chiến tranh trước hết là trận chiến của trí tuệ. Kẻ nào chiến thắng thì kẻ đó thông minh hơn và có thể xây dựng kế sách tối ưu, tức là kế hoạch có tính đến tất cả các ưu và nhược điểm của cả mình và đối phương. Từ đó, trong bản dịch ra tiếng Việt của Hồ Chí Minh luôn có câu “biết mình, biết người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vận dụng những mưu kế đánh lừa kẻ địch mà không có trong “Binh pháp Tôn Tử”. Chẳng hạn, kế sách “sai sứ sang trá hàng” đã được Lê Hoàn sử dụng thành công vào năm 981.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu nổ ra ngày 19-12-1946, khi thực dân Pháp ra tối hậu thư cho Lực lượng vũ trang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mở một cuộc tấn công ở miền Bắc Việt Nam. Chương cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đại hóa và đăng trên báo Cứu quốc ngày 13-12-1946. Như vậy, bản dịch phù hợp đã được xuất bản đầy đủ trước khi cuộc chiến chính thức bắt đầu. Khi dịch và nhận xét về binh pháp Tôn Tử lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những phương pháp chiến lược của vị quân sư Trung Hoa cổ đại, cũng như học cách tiên lượng kết quả của các trận đánh trong chiến tranh dựa vào kiến thức và vận dụng sáng tạo binh pháp Tôn Tử. Nhờ đó mà ngay từ đầu chuẩn bị cho cuộc chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không hề mảy may nghi ngờ về chiến thắng của Việt Nam. Thông qua những chương sách do mình viết, Người đã gửi gắm niềm tin chiến thắng đến các binh lính và sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam.

PV: Thông qua cuốn sách này, ông muốn gửi gắm điều gì đến những bạn đọc là người Nga và người Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế?

Giáo sư Kolotov: Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với một nhà sử học là nghiên cứu các nguồn tài liệu và diễn giải đúng những tài liệu đó. Như vậy, lần đầu tiên những người Nga quan tâm đến lịch sử có cơ hội tìm hiểu nội dung hai tác phẩm về lý luận quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Nga.

Tôi cũng bày tỏ lời cám ơn đến Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách song ngữ Việt-Nga này, để những người quan tâm lịch sử ở hai nước một lần nữa được tiếp cận tư liệu quan trọng về lý luận quân sự, mà nhờ đó đã viết nên những trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng, những độc giả đã nghiên cứu kỹ bản dịch này sẽ lĩnh hội được binh pháp trong chiến tranh như Tôn Tử và Chủ tịch Hồ Chí Minh, học được khả năng tiên lượng, coi trọng hòa bình hơn và học được nguyên tắc cơ bản, đó là chiến thắng mà không cần đến chiến tranh.