Sự hứng thú học tập của học sinh là gì năm 2024

Ở cấp tiểu học hầu như các trường đều tổ chức dạy 2 buổi, từ thứ 2 đến thứ 6; cấp THCS và THPT dạy chương trình chính khóa một buổi, từ thứ 2 đến thứ 7; buổi còn lại dành cho các chương trình bồi dưỡng, rồi giáo dục địa phương, giáo dục thể chất, hướng nghiệp… Mỗi buổi học từ 4 đến 5 tiết, cả tuần các em phải học trên 35 tiết ở tất cả các môn. Học ở trường, học thêm, học các trung tâm ngoại ngữ..., lịch học dày đặc. Vì thế tâm trạng mệt mỏi, uể oải, căng thẳng là điều không thể tránh khỏi.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt chú ý đến mục đích giáo dục toàn diện, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh. Phương pháp dạy học thuyết giảng một chiều, thầy nói - trò nghe, thầy đọc - trò chép không còn phù hợp. Thay vào đó, giáo viên khi lên lớp phải đa dạng hóa hình thức dạy học nhằm tạo niềm say mê, hứng thú, lôi cuốn các em vào bài học. Làm thế nào để mỗi giờ học diễn ra sôi nổi, luôn được học sinh hào hứng chờ đợi? Điều này phụ thuộc vào cái tâm, cái tài, năng khiếu sư phạm và cả nghệ thuật lên lớp của mỗi giáo viên.

Trước hết, người thầy cần chú trọng thiết kế bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh, vận dụng linh hoạt các phương pháp, phương tiện phục vụ bài giảng được sinh động. Điều này phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục hiện hành. Cô giáo Lê Thị Hải Yến, Trường THPT Trần Văn Kỷ (Phong Điền) chia sẻ: “Giáo viên nên đưa ra những câu hỏi gợi mở để kích thích người học; truyền đạt kiến thức không quá hàn lâm, từ cơ bản đến nâng cao để tất cả các em tiếp thu thuận lợi". Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế thì cho rằng, mỗi bài giảng, giáo viên cần liên hệ thực tế để các em cảm thấy gần gũi, đừng quá chú trọng lý thuyết sách vở máy móc".

Để tạo hứng thú, say mê trong giờ học, thầy, cô giáo cần tạo cảm xúc tích cực cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau. Một lời nói, một ánh mắt, cử chỉ thân thiện trong quá trình lên lớp của người thầy sẽ tạo cảm giác thân thương, giúp học sinh có tâm lý thoải mái, từ đó các em dễ "trải lòng" trong khi trao đổi, phát biểu xây dựng bài. Một lời khen, biểu dương kịp thời khi các em trả lời câu hỏi hay trao đổi, thảo luận với bạn có ý nghĩa động viên tích cực khiến học sinh tự tin, hào hứng... Chị Nguyễn Thúy có cậu con trai đang học lớp 5 ở Trường tiểu học Phường Đúc kể, trong giờ học tiếng Việt, cô giáo hỏi một câu khá khó, vài em đứng lên trả lời chưa đúng, cuối cùng con trai chị xung phong và trả lời chính xác; cô giáo đề nghị lớp biểu dương bằng một tràng pháo tay. Vậy là ngay khi tan học, cậu bé đã hớn hở, vui sướng khoe với mẹ về việc được cô giáo khen, được cả lớp vỗ tay biểu dương.

Đừng bao giờ chê bai hay chỉ trích khi các em trả lời sai. Với cô Hải Yến, mỗi khi học sinh phát biểu không đúng, cô vẫn nở nụ cười và đưa ra những lời nhận xét nhẹ nhàng, hài hước để học sinh đó không bị áp lực, xấu hổ trước mặt bạn bè. Còn cô Thu Thủy thì luôn chú ý tạo không khí dân chủ, lắng nghe và trân trọng ý kiến học sinh để khích lệ tinh thần xung phong, tự giác của các em. Không khí dân chủ, cởi mở này sẽ có tác dụng tạo hứng thú cho học sinh và chắc chắn giờ học sẽ trôi qua nhẹ nhàng, sôi nổi.

Tâm thế của giáo viên khi vào lớp cũng rất quan trọng. Người ta hay nói vui rằng, trước khi bước vào lớp học, người thầy cần đặt chiếc áo buồn vui của đời sống ngoài cửa lớp. Lên bục giảng bằng tất cả niềm say sưa, vui vẻ, tâm huyết, sôi nổi… chắc chắn thầy cô sẽ truyền lửa cho người học. Bất kể lý do nào, thầy cô cũng không được tạo không khí căng thẳng cho lớp học. Giữ không khí vui vẻ, tạo tiếng cười và cả những tình huống bất ngờ, thú vị trong mỗi giờ học sẽ giúp học sinh hứng thú hơn và từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giờ học. Cô giáo Mai Thị Lệ Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Dương (Huế) tâm sự: “Chúng tôi quan niệm tiết học hạnh phúc là tiết học khiến cả thầy và trò đều hứng thú, có niềm vui và có những cảm xúc tích cực. Vì thế mỗi thầy cô cần giữ tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng, thân thiện mỗi lần lên lớp”.

M.Gorki từng nói: Thiên tài nảy nở từ tình yêu đối với công việc. Cùng với tự giác, hứng thú làm nên tính tích cực trong nhận thức, giúp học sinh (HS) học tập đạt kết quả cao, có khả năng khơi dậy nguồn của sự sáng tạo. Trong khi đó, việc khảo sát thực tế dạy học ở tiểu học từ các giáo viên (GV), các bậc phụ huynh và học sinh đã cho thấy nhiều học sinh tiểu học không có hứng thú trong học tập. Điều này được xem như một nguyên nhân cơ bản của việc suy giảm chất lượng dạy học ở tiểu học.

Tôi quan niệm rằng thực chất của việc dạy học là truyền cảm hứng và đánh thức khả năng tự học của người học. Còn nếu quan niệm người dạy truyền thụ, người học tiếp nhận thì người dạy dù có hứng thú và nỗ lực đến mấy mà chưa truyền được cảm hứng cho HS, ch­ưa làm cho người học thấy cái hay, cái thú vị, giá trị chân thực mà tri thức đem lại thì giờ dạy vẫn không có hiệu quả. Người học chỉ tự giác, tích cực học tập khi họ thấy hứng thú. Hứng thú không có tính tự thân, không phải là thiên bẩm. Hứng thú không tự nhiên nảy sinh và khi đã nảy sinh nếu không duy trì, nuôi dưỡng cũng có thể bị mất đi. Hứng thú được hình thành, duy trì và phát triển nhờ môi trường giáo dục với vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, tổ chức của GV. GV là người có vai trò quyết định trong việc phát hiện, hình thành, bồi dưỡng hứng thú học tập cho HS.

Những biện pháp tạo hứng thú cho HS:

1. Tạo hứng thú học tập bằng cách giúp cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học.

Với mỗi bài học cụ thể, giáo viên cần giúp cho học sinh nhận ra tính lợi ích của một nội dung nào đó. Ví dụ: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có chữ viết? Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không biết đọc? Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không biết tính toán? Mỗi một bài học là một thắc mắc thúc đẩy sự ham hiểu biết, ham tìm tói, khám phá đó là mạch nguồn của cảm hứng học tập. Ở lứa tuổi học sinh Tiểu học, các em thường hay suy nghĩ những điều chúng nhìn thấy, nghe thấy để phân định giữa “có”, “không có” theo một hướng tích cực và muốn nhận được câu trả lời thích đáng cho sự tò mò ấy. Vì vậy việc tạo hứng thú học tập bằng cách giúp cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học tạo luôn được đặt lên vị trí quan trọng và đi trước đón đầu trong mỗi bài giảng của thầy, cô giáo.

2. Tạo hứng thú học tập bằng cách tác động vào nội dung dạy học

Nội dung dạy học được chia ra rất nhiều cấp độ. Ví dụ trong môn Tiếng Việt, trước hết đó là các phân môn, các mạch kiến thức - kĩ năng, cụ thể hóa đến nhóm, kiểu, dạng bài tập và cho đến từng bài tập cụ thể.

Trong giờ tiếng Việt, người giáo viên hướng đến hình thành và duy trì hứng thú cho học sinh. Đó có thể là một lời vào bài hấp dẫn cho giờ Tập đọc: Đây là một con chim sẻ rất nhỏ bé. Thế nhưng nhà văn Tuốc-ghê-nhép đã kính cẩn nghiêng mình thán phục trước nó, vì sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đọc bài Con sẻ để trả lời câu hỏi này. Hứng thú của học sinh cũng được khơi dậy từ việc chỉ ra vẻ đẹp của một từ, cái hay của một tình tiết truyện, chẳng hạn: Tiếng hót của chim chiền chiện không phải “ríu rít”, “thánh thót” mà “ngọt ngào”, “long lanh”, “chan chứa” thì mới gây ấn tượng. Hoa sầu riêng nở “tím ngát” chứ không phải chỉ “tím ngắt” hay “ngan ngát”. Như thế thì mới có cả màu hoa, hương hoa chỉ trong một từ. Tình tiết người mẹ cho hồ nước đôi mắt của mình để tìm đường đến chỗ Thần Chết đòi trả lại con trong chuyện Người mẹ của An-đéc-xen đến nay còn lay động tâm can biết bao người...

Ngay cả những vấn đề lí thuyết ngữ pháp khô khan cũng đều có thể gây hứng thú cho HS nếu chúng ta biết lựa chọn ngữ liệu khai thác những đặc điểm thú vị của tiếng Việt.

3. Tạo hứng thú học tập cho học sinh bằng cách phối hợp các phương pháp và các hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp

Ngoài việc khai thác sự lí thú trong chính nội dung dạy học, hứng thú của HS còn được hình thành và phát triển nhờ các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với sở thích của các em.

4. Tạo hứng thú học tập bằng việc xây dựng môi trường thân thiện giữa thầy và trò, trò và trò

Bên cạnh việc tác động vào nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, việc thiết lập được mối quan hệ hợp tác tích cực tốt đẹp giữa thầy và trò, giữa các trò cũng sẽ tạo hứng thú cho học sinh. Hình thức tổ chức dạy học hấp dẫn cùng với một bầu không khí thân ái hữu nghị trong giờ học sẽ tạo ra sự hứng thú cho cả thầy và trò. Bởi vì, học là hạnh phúc không chỉ vì những lợi ích mà nó mang lại, mà hạnh phúc còn nằm ngay trong chính sự học.