Chủ thể của quan hệ pháp luật ngân hàng

Quan hệ pháp luật tài chính (tiếng Anh: Financial legal relation) là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động tài chính của các chủ thể được các qui phạm pháp luật tài chính điều chỉnh.

Chủ thể của quan hệ pháp luật ngân hàng

Hình minh họa (Nguồn: img.giaoduc.net.vn)

Khái niệm

Quan hệ pháp luật tài chính trong tiếng Anh là Financial legal relation.

Quan hệ pháp luật tài chính là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động tài chính của các chủ thể được các qui phạm pháp luật tài chính điều chỉnh, trong đó các bên tham gia có những quyền và nghĩa vụ pháp lí nhất định và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Các yếu tố của quan hệ pháp luật tài chính

Chủ thể

Chủ thể của quan hệ pháp luật tài chính là những người tham gia vào các quan hệ tài chính được nhà nước công nhận có năng lực chủ thể. Trong kinh tế thị trường, các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tài chính không chỉ là nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước) mà còn bao gồm rất nhiều các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Khách thể

Khách thể của quan hệ pháp luật tài chính chủ yếu là tiền và các giấy tờ, chứng từ có giá có thể chuyển đổi thành tiền, bên cạnh đó, khách thể của quan hệ pháp luật tài chính còn bao gồm cả những lợi ích phi vật chất khác.

Nội dung

Nội dung của quan hệ pháp luật tài chính là quyền và nghĩa vụ pháp lí của các chủ thể, được qui định bằng các qui phạm pháp luật hoặc được pháp luật thừa nhận và được nhà nước bảo đảm thực hiện

Các quan hệ tài chính công khi được pháp luật điều chỉnh, hầu hết quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tài chính công được qui định trước trong các qui phạm pháp luật, chúng không phải là sự thỏa thuận ý chí giữa các chủ thể tham gia.

Khi tham gia vào một quan hệ pháp luật tài chính cụ thể, các chủ thể được hưởng các quyền hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lí mà không được tự ý xác lập hoặc thay đổi trái với pháp luật. Các quan hệ pháp luật tài chính công chỉ có thể phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt trên cơ sở pháp luật.

Các quan hệ tài chính tư được phát sinh giữa các chủ thể độc lập, không bị phụ thuộc, bình đẳng về địa vị, chỉ bị ràng buộc bởi yếu tố quyền lực nhà nước với tư cách nhà nước là tổ chức quyền lực công, quản lí hoạt động tài chính của các chủ thể.

Do vậy, khi tham gia các quan hệ pháp luật tài chính tư, các chủ thể có thể thỏa thuận nhằm xác lập quan hệ, xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ do pháp luật qui định.

Phân loại quan hệ pháp luật tài chính

- Căn cứ vào tính chất của quan hệ tài chính, quan hệ pháp luật tài chính bao gồm:

+ Quan hệ pháp luật tài chính công

+ Quan hệ pháp luật tài chính tư.

- Căn cứ vào nội dung của quan hệ tài chính, quan hệ pháp luật tài chính bao gồm:

+ Quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước

+ Quan hệ pháp luật bảo hiểm

+ Quan hệ pháp luật tín dụng nhà nước

+ Quan hệ pháp luật tín dụng ngân hàng

+ Quan hệ pháp luật tài chính các cơ quan nhà nước

+ Quan hệ pháp luật tài chính các đơn vị sự nghiệp

+ Quan hệ pháp luật tài chính doanh nghiệp

+ Quan hệ pháp luật chứng khoán

...

- Căn cứ vào yếu tố nước ngoài trong quan hệ pháp luật tài chính, quan hệ pháp luật tài chính bao gồm quan hệ pháp luật tài chính không có yếu tố nước ngoài và quan hệ pháp luật tài chính có yếu tố nước ngoài.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)

T.H

Quan hệ pháp luật Ngân sách nhà nước là gì? Trình bày các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật Ngân sách nhà nước?

1. Quan hệ pháp luật Ngân sách nhà nước là gì?

Quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tiền tệ khác của nhà nước được các quy phạm pháp luật ngân sách nhà nước điều chỉnh.

2. Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước?

a) Chủ thể:

Nhà nước: tham gia với 2 tư cách:

+ Chủ thể có quyền lực được nhân dân trao cho.

+ Chủ thể thường: chi mua sắm, đấu thầu.

Các tổ chức kinh tế ( trong và ngoài nước):

+ Chủ thể đóng thuế.

+ Chủ thể thụ hưởng: nhận tiền góp vốn của nhà nước.

Các tổ chức phi kinh doanh

+ Đảng cộng sản, công đòan, Đòan thanh niên: được cấp kinh phí

+ Các tổ chức xã hội nghề nghiệp ( chỉ khi được nhà nước giao nhiệm vụ và cấp kinh phí).

Các cá nhân

b) Khách thể:

Khách thể của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là tiền và các giấy tờ có giá trị có thể chuyển đổi thành tiền nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước.

c) Nội dung:

Nội dung của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là tổng hợp quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước do các quy phạm pháp luật ngân sách nhà nước quy định hay thừa nhận và được đảm bảo thực hiện bởi các biện pháp cưỡng chế của nhà nước.

* Xét về bản chất do phát sinh trong một lĩnh vực đặc thù là lĩnh vực tài chính công nên quan hệ pháp luật NS thuộc loại quan hệ có tính chất hành chính và được điều chỉnh bới các quy phạm pháp luật thuộc ngành luật công. Tính chất hành chính, quyền lực công của quan hệ pháp luật NS thể hiện:

– Chủ thể: thành phần tham gia quan hệ pháp luật NS có ít nhất 1 bên là cơ quan công quyền, thậm chí hầu hết các quan hệ pháp luật NS đều có hai bên tham gia là các cơ quan công quyền.

– Khách thể: Mục đích của việc xác lập và thực hiện qhpl NS là thỏa mãn nhu cầu thực hiện các chức năng cơ bản của nhà nước (vì lợi ích công cộng).

– Nội dung: Hầu hết các quyền và nghĩ vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật NS đếu đc thiết lập nhằm hướng tới việc thỏa mãn lợi ích chung.

06(109)/2017

Chủ thể của quan hệ pháp luật ngân hàng

Mục lục

  • 1.Đặc điểm chủ thể là tổ chức tín dụng của hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng
  • 2.Năng lực chủ thể trong quan hệ hợp đồng cho vay
  • 3.Những vướng mắc từ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tư cách chủ thể hợp đồng cho vay
  • 4.Kiến nghị
  • 5.Tài liệu tham khảo

Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng

LƯƠNG KHẢI ÂN

06(109)/2017 - 2017, Trang 50-58

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

Hợp đồng cho vay là hình thức pháp lý của quan hệ tín dụng, chiếm vị trí quan trọng, trung tâm của pháp luật ngân hàng. Các chủ thể hợp đồng này đa dạng, chịu sự điều chỉnh, chi phối bởi nhiều ngành luật liên quan. Bài viết phân tích những đặc điểm chuyên biệt về tư cách pháp lý của các chủ thể quan hệ hợp đồng cho vay, chỉ ra những bất cập và kiến nghị để giải quyết các vướng mắc phát sinh.


ABSTRACT:

Loan contract as a legal form of the credit relation plays on important role in banking law. The subjects of the contract are regulated by many related laws. This article analyzes specific legal capacities of these subjects, as well as offers some suggestions for improvement of the law related to this issue.


TỪ KHÓA: cho vay, hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay,

KEYWORDS: credit contract, loan argreement,


Trích dẫn:

×

LƯƠNG KHẢI ÂN, Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng , Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 06(109)/2017, Trang 50-58

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=02bf6ba6-7de5-4868-92f1-e4255a5e03ca

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Đặc điểm chủ thể là tổ chức tín dụng của hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng

Pháp luật Việt Nam hiện hành đề cập các tổ chức tín dụng (TCTD) như là chủ thể bắt buộc của hợp đồng cho vay (HĐCV). Theo khoản 1, Điều 4 Luật các TCTD năm 2010 thì: “TCTD là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng”. Như vậy, nhà lập pháp đã xác lập phạm vi hoạt động của TCTD, một loại hình doanh nghiệp đặc thù trong nền kinh tế. Đồng thời Luật các TCTD năm 2010 cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” trong tên của doanh nghiệp hoặc thể hiện phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nếu không phải là TCTD.

Đây là sự khác biệt cơ bản so với chủ thể hợp đồng vay tài sản (bao hàm cả vay tiền) trong dân sự (Điều 463 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015) vốn dĩ được giao kết giữa bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Điểm tương đồng của các dạng hợp đồng này là nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ tiền vay và lãi suất nhưng mục đích, ý nghĩa cho vay có sự khác biệt. Với quy định mới cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015), pháp luật dân sự hướng đến mục đích bảo vệ quyền lợi vật chất của bên cho vay, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay của ngân hàng nên giao dịch này mang ý nghĩa sinh lời. Ngoài ra, nó có nguy cơ lấn át hoạt động chuyên nghiệp của ngân hàng vì thủ tục đơn giản, thông thường không cần thế chấp để bảo đảm khoản vay.[1]

Về bản chất, các TCTD là những doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ với phương thức huy động vốn và cấp tín dụng. Nguồn vốn mà TCTD chuyển giao cho bên đi vay sử dụng tạm thời (cấp tín dụng) có nguồn gốc do TCTD huy động từ công chúng. Khi chuyển giao nguồn vốn tiền tệ để sử dụng tạm thời theo nguyên tắc có hoàn trả cả vốn và lãi vay,[2] TCTD phải tuân thủ các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt được Nhà nước đặt ra thông qua quy định cấm cho vay, hạn chế cho vay, cho vay có bảo đảm.

Như vậy, chế định HĐCV với chủ thể một bên là các TCTD (chủ thể này có thể có nhiều ngân hàng cùng tham gia khi cho vay hợp vốn, còn gọi là cho vay đồng tài trợ áp dụng đối với khoản vay phức tạp, giá trị khoản vay lớn, được cấp cho người vay bởi một nhóm các ngân hàng),[3] chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngân hàng, phù hợp với bản chất là một chế định trung gian, điều tiết vốn, tách bạch với hợp đồng vay tài sản tương tự như pháp luật thực định ở các nước trên thế giới. Chẳng hạn:

(i) Tại Trung Quốc: Quan hệ hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật Hợp đồng thống nhất Trung Quốc năm 1999,[4] bao hàm cả các hợp đồng thông dụng như vay tài sản (Chương XII, Điều 196). Đối với hành vi cho vay của ngân hàng, pháp luật nước này có đạo luật riêng, quy định khá cụ thể tại Điều 37 Luật Ngân hàng thương mại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1995;

(ii) Tại Đức: Giao dịch cho vay được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành tín dụng (Điều 2, 3 Luật về ngành tín dụng Đức).[5] Vay tài sản nói chung chịu sự điều chỉnh của BLDS Đức (Geman Civil Code).[6] Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các bên được cụ thể hóa từ phần 488 - 490 của luật này.

Trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam, Tòa án vẫn còn nhầm lẫn giữa hai dạng hợp đồng này. Ví dụ, vụ án Ngân hàng Thương mại cổ phần AC kiện khách hàng (bị đơn) ra Tòa án, phía bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do lãi suất ghi trong hợp đồng cao hơn lãi suất do Ngân hàng nhà nước quy định và chế tài ngân hàng áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn không đúng. Hội đồng xét xử vụ án cấp phúc thẩm đã nhận định: “Đây là quan hệ tín dụng giữa một bên là cá nhân và một bên là tổ chức tín dụng, không phải quan hệ giữa cá nhân với cá nhân nên không thể lấy lãi suất trần cơ bản để điều chỉnh” nên tuyên bác kháng cáo.[7]

Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm về phần lãi suất theo chúng tôi là đúng pháp luật bởi lẽ đây là quan hệ cho vay trong lĩnh vực ngân hàng, nên bên đi vay bắt buộc phải chịu lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận phù hợp với cung cầu của thị trường được ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, thay vì xác định đây là dạng tranh chấp HĐCV thì Tòa án xác định đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” chịu sự điều chỉnh của luật dân sự có khống chế trần lãi suất là không đúng, mâu thuẫn với nhận định ban đầu của chính bản cấp phúc thẩm. Sai sót như trên rất phổ biến, là minh chứng cho thấy các Tòa án vẫn chưa phân định hai dạng hợp đồng này vốn dĩ có sự khác biệt cơ bản về đặc điểm chủ thể và đối tượng, luật áp dụng.

Việc nghiên cứu tư cách chủ thể HĐCV không chỉ làm rõ pháp luật điều chỉnh hay đặc điểm chuyên biệt của ngân hàng như đã nêu. Cần thiết phải làm sáng tỏ năng lực chủ thể của các bên tham gia quan hệ HĐCV qua thực tiễn giải quyết tranh chấp để từ đó có những kiến nghị phù hợp.



[1]* NCS.ThS, LS Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Theo tác giả, ngoài quy định xử lý hình sự pháp luật cần quy định chế tài tịch thu sung công phần lãi suất vượt quá mức quy định cho phép thay vì hoàn trả bên cho vay. Xem thêm: Lương Khải Ân, “Một vài khía cạnh pháp lý về tín dụng “đen””, Tạp chí Ngân hàng, số 24, 2012.

[2] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Ngân hàng, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 315

[3] Quy định về việc cấp tín dụng hợp vốn của TCTD đối với khách hàng trong đó vai trò của ngân hàng làm đầu mối có vị trí quan trọng, các ngân hàng tham gia hợp vốn phải đáp ứng yêu cầu nhu cầu cho vay với nguồn vốn lớn, dài hạn nhằm phân tán rủi ro, nâng cao năng lực quản lý vốn vay.

[4] Chinese Contract Law, http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Law/2007-12/11/content_1383564.htm, truy cập lúc 23:34 ngày 30/11/2016

[5] Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Pháp luật ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại một số nước, Nxb. Thế giới, 1997, tr. 387 – 404.

[6] Xem tại: http://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/, truy cập lúc 6:09 ngày 27/11/2016

[7] Bản án số 1413/2010/DS-PT ngày 14/12/2010 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tr. 5.


2. Năng lực chủ thể trong quan hệ hợp đồng cho vay

Năng lực của chủ thể HĐCV bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi của chủ thể đó. Nếu không có năng lực thực sự, các bên khó có thể đạt được mục đích dân sự, kinh tế hướng đến, năng lực này thông thường không tương đồng nhau, nhưng luôn gắn liền với sự tín nhiệm và khả năng quản lý của chủ thể đó.

2.1. Đối với bên cho vay (tổ chức tín dụng)

Chủ thể cho vay là các TCTD gắn liền với hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Theo Điều 20 Luật các TCTD năm 2010, để thành lập hợp pháp, các TCTD bắt buộc phải có “Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng”. Các điều kiện này phải được sự thẩm tra, chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng nhà nước trước khi đăng ký thành lập ngân hàng (Điều 26 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015). Khác với các chủ thể doanh nghiệp khác, chủ thể ngân hàng được thành lập còn phải phù hợp nhu cầu, điều kiện phát triển ngành ngân hàng và đặc thù từng ngân hàng có đối tượng và chức năng cho vay được Nhà nước hoạch định.

Quy định công ty tài chính được phép cho vay trả góp và cho vay tiêu dùng (điểm d, khoản 1, Điều 108 Luật các TCTD năm 2010) vô hình trung như một sự loại trừ phạm vi chức năng kinh doanh, dễ gây nhầm lẫn là các chủ thể ngân hàng khác không được cho vay tiêu dùng trong khi đây là hoạt động truyền thống, thường xuyên của các ngân hàng thương mại. Quy định này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể ngân hàng khi cho vay tiêu dùng, cũng như khó khăn trong việc thiết lập cơ chế pháp lý phù hợp đối với bên đi vay vốn dĩ là bên “yếu thế” được pháp luật hợp đồng ghi nhận bảo vệ theo nghĩa bình đẳng như một thông lệ chung.

Ngân hàng là tổ chức kinh tế đặc biệt có tư cách pháp nhân được ký HĐCV và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình. Các chi nhánh, phòng giao dịch là những đơn vị phụ thuộc (theo quy định hiện nay phòng giao dịch không cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 2 tỷ đồng hoặc ngoại tệ tương đương)[8] không phải là chủ thể của HĐCV.

Việc ghi nhận các TCTD nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam, trong đó, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam bị hạn chế cung ứng một số dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam (khoản 2, Điều 123 Luật các TCTD năm 2010) là phù hợp với đặc thù kinh doanh ngoại tệ nhạy cảm, nhiều rủi ro.[9] Song một thời gian dài trước đây, chính sự phân chia chủ thể này gây khó khăn cho các ngân hàng, làm hạn chế cho vay, hạn chế mở rộng kinh doanh tương tự như các TCTD khác.[10] Hiện nay Nhà nước đã ban hành nhiều quy định “cởi trói”, tạo môi trường cho vay bình đẳng hơn cho các TCTD nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam thông qua việc sắp xếp các quy định cho vay áp dụng chung... củng cố, bảo đảm cho các TCTD nước ngoài này quyền được nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay, làm nền tảng để xoay vòng vốn vay hiệu quả.

Năng lực chủ thể còn được thực hiện thông qua các bộ phận cấu thành của pháp nhân. Nếu cho rằng hội đồng tín dụng của các ngân hàng hoạt động theo quy chế nội bộ (khoản 1 Điều 91 Luật các TCTD năm 2010) thì vẫn chưa đầy đủ ý nghĩa, vì pháp luật không ghi nhận tư cách hội đồng tín dụng và giá trị pháp lý của văn bản nội bộ do ngân hàng phát hành. Mặt khác, các thành viên hội đồng tín dụng tuy xét duyệt các khoản vay lớn nhưng dựa trên các tài liệu có sẵn, không tiếp xúc, phỏng vấn với người có thẩm quyền xin vay vốn, khi ký HĐCV cũng phải do người đứng đầu pháp nhân hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện nên không phải là chủ thể hay đơn vị phụ thuộc của ngân hàng. Phạm vi trách nhiệm của từng thành viên hội đồng tín dụng trước pháp luật đến đâu, bao hàm cả trách nhiệm dân sự và hình sự đối với khoản vay bị mất vốn cũng là vấn đề đang bỏ ngỏ.

2.2. Đối với bên đi vay (khách hàng)

Pháp luật phân chia các chủ thể bên đi vay như sau:

- Bên đi vay là tổ chức, thông thường là tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân (các điều kiện quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 74 BLDS năm 2015), bao gồm các loại hình doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hợp tác xã.

- Bên đi vay là cá nhân (kể cả chủ doanh nghiệp tư nhân), thành viên hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác. Việc pháp luật không xác định chủ thể hộ gia đình, tổ hợp tác gây nhiều ý kiến trái chiều vì đây là chủ thể dân sự, chiếm số lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.[11] Song có thể thấy việc phân chia như trên là phù hợp với thông lệ chung, phù hợp với nguyên tắc định đoạt tài sản của cá nhân nếu chủ thể đi vay cũng chính bên bảo đảm tiền vay. Cá nhân cũng có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn nếu là chủ hộ (thành viên) kinh doanh, chủ doanh nghiệp, việc sử dụng vốn vào mục đích kinh tế như thế nào, các bên liên quan tự thỏa thuận theo cơ chế kinh doanh. Quy định này khắc phục hạn chế trong việc xác định tư cách thành viên, trách nhiệm của thành viên hộ gia đình kéo dài trước đây, chấm dứt rủi ro khi cho vay đối tượng chủ thể này.

Ngoài điều kiện chung về năng lực chủ thể hợp đồng, bên đi vay phải đáp ứng các điều kiện riêng biệt, bao hàm cả nghĩa vụ chủ yếu của hợp đồng, đó là sử dụng vốn vay hợp pháp, đúng mục đích trong suốt quá trình vay, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tuân thủ sự kiểm tra, giám sát việc sử dụng dòng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Trong thực tiễn ký kết HĐCV, ngân hàng thường phân chia chủ thể này thành nhóm các tổ chức, cá nhân tương ứng với chế độ pháp lý và nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp (business loan) và cá nhân (personal loan) tương ứng với các quy trình, điều kiện riêng.[12] Theo lẽ thông thường thì cho vay doanh nghiệp đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ do vốn vay thường lớn, thời hạn vay kéo dài, nhiều rủi ro bởi những biến động của nền kinh tế. Đối với cho vay cá nhân (không nhằm mục đích kinh doanh), xuất phát từ cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chủ thể “yếu thế”, pháp luật thực định luật hóa điều khoản tín dụng chung hoặc điều khoản mẫu thay vì để các bên tự thương lượng, điều chỉnh hợp đồng làm mất cân xứng quyền lợi và nghĩa vụ.

Về nguyên tắc, bên đi vay nếu là cá nhân phải hội đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự để tham gia giao kết và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong HĐCV. Nếu như việc xác định năng lực hành vi của cá nhân phụ thuộc vào độ tuổi (trừ trường hợp mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự) quy định cụ thể tại mục 1, chương III, BLDS năm 2015, thì việc xác định năng lực của một tổ chức phụ thuộc vào việc tổ chức đó có tư cách pháp nhân, tồn tại hợp pháp, có khả năng chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình hay không (Điều 86, 87 BLDS năm 2015).

Năng lực chủ thể đi vay gắn liền với tư cách chủ sở hữu tài sản bảo đảm tiền vay (trên lý thuyết chủ thể đi vay cũng có thể là chủ thể giao dịch bảo đảm tiền vay) được các ngân hàng lựa chọn, tín nhiệm cho vay. Mối quan hệ pháp lý giữa HĐCV với hợp đồng bảo đảm mang tính phụ thuộc, nên nếu xác định sai tư cách chủ sở hữu tài sản hợp pháp (thông thường là các tài sản chung của vợ chồng, tài sản thừa kế, tặng cho chung, tài sản của tổ hợp tác, hộ gia đình) giao dịch bảo đảm do chính những chủ thể này xác lập thực hiện sẽ bị vô hiệu, gây khó khăn, thậm chí thiệt hại cho chính các ngân hàng khi thu hồi vốn vay.

2.3. Năng lực pháp luật và thẩm quyền của người đại diện ký kết hợp đồng cho vay

Năng lực pháp luật và thẩm quyền của người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo ủy quyền:

- Đại diện theo pháp luật: hình thức đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định (Điều 134, 135, 136 BLDS năm 2015):

(i) Đối với tổ chức: những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân gồm người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án (khoản 1 Điều 137 BLDS năm 2015).

Điểm mới là pháp luật hiện nay cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật ghi trong Điều lệ công ty (khoản 2 Điều 137 BLDS năm 2015; khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014), có ý nghĩa “giúp hai loại công ty này có thêm khả năng duy trì năng lực hành vi”.[13] Tuy vậy, quy định này đã làm tăng trách nhiệm của ngân hàng như khuyến cáo “các loại công ty này có nhiều người đại diện theo pháp luật có thể gây rối hoạt động của chúng hay gây nên sự mất an toàn và làm tăng rủi ro tranh chấp trong giao dịch kinh doanh”.[14]

Các ngân hàng giờ đây khi cho vay phải xác định cá nhân nào là người đại diện hợp pháp, có quyền quyết định và ký kết HĐCV thay vì chỉ dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ ghi tên một người đại diện pháp luật duy nhất như trước. Đây là vấn đề phức tạp, khó thực hiện, khó tránh khỏi các doanh nghiệp lợi dụng để tạo “bẫy” vô hiệu đối với giao dịch do người dưới quyền xác lập, nếu giao dịch ấy không đem lại lợi ích.

(ii) Đối với cá nhân: đó là cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 136 BLDS năm 2015).

- Đại diện theo ủy quyền: cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 138 BLDS năm 2015). Ủy quyền phải được lập thành hợp đồng theo Điều 562 BLDS năm 2015 tương tự như pháp luật dân sự trước đây.

Việc xác định năng lực, thẩm quyền của người đại diện luôn là vấn đề khó khăn, nhiều rủi ro kể cả đối với các ngân hàng vốn dĩ có đến hàng trăm chi nhánh, văn phòng đại diện khó xác định thẩm quyền thực sự của người đứng đầu khi ký kết hợp đồng cấp tín dụng nói chung.

Ví dụ: Trong một vụ việc xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á từ năm 2012, ngân hàng này đã từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán các chứng thư bảo lãnh trước đó cho một doanh nghiệp với lý do: “Quyết định số 6935/2011/QĐ-HĐQT ngày 16/5/201 của Hội đồng quản trị ngân hàng này về phân quyền phán quyết phê duyệt tín dụng, theo đó mức bảo lãnh trên 70 tỷ đồng phải có sự phê duyệt của Hội đồng quản trị” đồng nghĩa người ký chứng thư bảo lãnh theo quan điểm của ngân hàng này không có thẩm quyền nên ngân hàng không chịu bất kỳ trách nhiệm vật chất nào.[15]

Những vấn đề ngân hàng đưa ra thuộc về thẩm quyền của người đại diện cấp chứng thư mang tính nội bộ ngân hàng, Bên thụ hưởng khó có cơ hội tìm hiểu thông tin liên quan đầy đủ, kịp thời, chính xác. Vì vậy, cần thiết phải có sự minh bạch về tư cách của người đại diện trong các giao dịch cấp tín dụng kể cả nhận tiền gửi, tránh tình trạng gây thiệt hại cho các bên đi vay nói chung như thực tiễn đã xảy ra.



[8] Điểm a, khoản 3, Điều 3 Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 09/9/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.

[9] Khoản 2, Điều 4 Luật của Liên bang Nga về điều tiết tiền tệ và kiểm soát tiền tệ tại quy định: “Việc mua bán ngoại hối ở Liên bang Nga được thực hiện thông qua các ngân hàng ủy nhiệm theo quy chế do Ngân hàng trung ương Liên bang Nga quy định… Nghiêm cấm việc mua bán ngoại hối không thông qua các ngân hàng được ủy nhiệm”. Xem: Trung tâm thông tin thương mại, Luật thương mại của Cộng hòa liên bang Nga, năm 1992, tr. 81, 82.

[10] Chẳng hạn: (i) quy định Chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế mở điểm giao dịch ngoài địa điểm ghi trong giấy phép; (ii) quy định chỉ cho phép nhận thế chấp nhà ở gắn liền với đất (điểm c, Điều 121 Luật Đất đai năm 2003) làm hiểu rằng pháp luật không công nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất; (iii) vấn đề nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay chưa được ghi nhận trong các văn bản pháp luật bất động sản... gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng khi vay vốn và cả ngân hàng khi cho vay, làm giảm hiệu quả, chất lượng cho vay đối với các TCTD này.

[11] H. Sương, Hộ gia đình sẽ không được vay vốn tại ngân hàng, Thanh Niên, http://thanhnien.vn/kinh-doanh/ho-gia-dinh-se-khong-duoc-vay-von-tai-ngan-hang-790202.html, 2016, truy cập lúc 8:46 ngày 11/2/2017.

[12] Xem thêm tài liệu: “The ACB Credit”, Hongkong Bank (phần B, C. Nguồn: Ngân hàng Hồng Kông (Song ngữ Anh Việt), The ABC Guide to Credit (Cẩm nang tín dụng), Nxb. Khoa học xã hội, 1994, tr. 189 – 261.

[13] Phan Huy Hồng, “Những quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 tác động đến tự do hợp đồng”, tài liệu Hội thảo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014: Những đổi mới nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh (Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh), năm 2015, tr. 190.

[14] Phan Huy Hồng, tlđd, tr. 191.

[15] Đ.Sơn - X.Bính (2012), SeaBank từ chối thanh toán bảo lãnh do nguyên Phó tổng giám đốc “ký chui”,.http://baophapluat.vn/kinh-te/seabank-tu-choi-thanh-toan-bao-lanh-do-nguyen-ptgd-ky-chui-152416.html, truy cập lúc 16:02 ngày 4/2/2017.


3. Những vướng mắc từ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tư cách chủ thể hợp đồng cho vay

Thứ nhất, xác định sai tư cách của chi nhánh, văn phòng đại diện. Sự tồn tại trên thực tế nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của một doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước là tất yếu. Các đơn vị này thay mặt TCTD ký kết và thực hiện HĐCV theo ủy quyền của người đại diện pháp luật, trong phạm vi thẩm quyền được pháp luật cho phép. Nhưng trong nhiều trường hợp, các đơn vị này tự xác định chủ thể HĐCV như một pháp nhân độc lập, kể cả trong quan hệ tố tụng là không đúng pháp luật. Vấn đề này được các cấp Tòa án chỉ rõ trong các bản án, quyết định khi giải quyết tranh chấp trước đây. Ví dụ: Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2006/KDTM-GĐT ngày 14/11/2006 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên án một vụ kiện như sau: “1. Về thủ tục tố tụng:… Chi nhánh không phải là pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không thể nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật (trong đó có quan hệ tố tụng dân sự) một cách độc lập”[16] song thực tiễn hiện nay vấn đề này vẫn còn xảy ra.

Theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 84 BLDS năm 2015, trong trường hợp giám đốc chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện ký kết HĐCV tại nơi có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện đó thì cũng phải thực hiện theo ủy quyền, ghi rõ pháp nhân tham gia quan hệ tín dụng. Quy định này luật hóa hướng dẫn chi tiết Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ thực tiễn xét xử của các cấp Tòa án. Theo chúng tôi, nếu hợp đồng giao dịch, ký kết tại chi nhánh ngân hàng (hoặc văn phòng đại diện), thì trên HĐCV phải ghi rõ là: “Ngân hàng X - Chi nhánh (Văn phòng đại diện)…”; nếu chủ thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh thì trên hợp đồng phải ghi: “Ông (bà)… - Chủ doanh nghiệp tư nhân Y” mới đúng.

Thứ hai, xác định sai năng lực, thẩm quyền của người đại diện. Vướng mắc này xảy ra đối với cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ngành Tòa án từng ban hành quy định theo hướng có lợi bảo đảm quyền lợi của bên ngay tình, được áp dụng cả trong giao dịch kinh doanh, thương mại như hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2003 ngày 27/5/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, “hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ, nếu người ký kết hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, người mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế đó chấp thuận”. Nghị quyết này ban hành đã lâu, áp dụng cho các hợp đồng kinh tế theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 đã bị bãi bỏ khi Nhà nước ban hành BLDS năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 nhưng những nội dung của Nghị quyết vẫn được các Tòa án địa phương nghiên cứu áp dụng sau đó.

Với việc nâng cao tính pháp lý từ thực tiễn xét xử, khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2015 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: “a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý…”. Việc “người có thẩm quyền chấp thuận”, “biết mà không phản đối” hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả các hành vi biết được việc thanh toán tiền, hàng; chứng từ giao dịch có trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp… kể cả khi không phải là người đại diện theo pháp luật thực hiện thì doanh nghiệp đó vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới. Thực tế cho thấy, việc chứng minh người đại diện đồng ý giao dịch rất khó khăn, phức tạp. Khi có tranh chấp dẫn đến “bất lợi”, người được đại diện thường “tránh né” không thừa nhận giao dịch của người nhân danh mình xác lập, thực hiện, vì vậy, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Điều cần thiết là các ngân hàng phải xác định ngay từ đầu người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp để xác lập các giao dịch, ràng buộc trách nhiệm giữa các chủ thể.

* Hậu quả pháp lý của việc xác định sai tư cách chủ thể HĐCV:

Một là, chỉ có chủ thể hợp pháp, do người đại diện có năng lực, có thẩm quyền giao kết thực hiện nhằm đạt được mục đích của hợp đồng và tự chịu trách nhiệm về các cam kết mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý. Vì vậy, nếu chỉ sai sót về tên chủ thể ghi trong HĐCV sẽ không làm hợp đồng vô hiệu, nhưng gặp trường hợp này về phía ngân hàng có trách nhiệm tạm ngưng giải ngân, kiểm tra làm rõ tư cách pháp lý để xác định, đánh giá đúng năng lực chủ thể, có biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, ngân hàng được quyền chấm dứt cho vay trước hạn và áp dụng các biện pháp thu hồi tiền vay và lãi suất.

Hai là, trong quan hệ tố tụng, bản án, quyết định xác định sai tư cách chủ thể hợp đồng dẫn đến sai tư cách đương sự tham gia tố tụng sẽ bị Tòa án cấp trên tuyên hủy bỏ vì không thể thi hành bản án, quyết định của Tòa án sau này. Hậu quả tiếp theo là vụ án kéo dài thời gian giải quyết, việc xử lý nợ gặp nhiều khó khăn, rủi ro hơn.

Ba là, trong mối quan hệ với tài sản bảo đảm (tiền vay), HĐCV bị vô hiệu không làm vô hiệu hợp đồng bảo đảm nếu hợp đồng này ký kết đúng pháp luật. Chủ thể HĐCV thông thường chính là chủ thể giao dịch bảo đảm nếu chủ thể này lấy chính tài sản của mình để bảo đảm hoặc thực hiện các giao dịch nhân danh bên thứ ba nên không tránh khỏi giao dịch bảo đảm cũng bị vô hiệu do vi phạm tư cách chủ thể.



[16] Tương tự vụ án trên, Quyết định Giám đốc thẩm số 20/2009/KDTM-GĐT ngày 29/7/2009 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao tuyên hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02 QĐ/TAngày 5/4/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An do xác định sai tư cách của chủ thể ngân hàng.

4. Kiến nghị

Việc phân loại chủ thể HĐCV như hiện nay xuất phát sự đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, hình thức sở hữu tài sản và các yêu cầu quản lý nhà nước. Các quy định mới về tư cách chủ thể hợp đồng dân sự, kinh tế, cũng như trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được bổ sung từ thực tiễn xét xử tòa án, đáp ứng được nhu cầu thực tế đó là nâng cao năng lực của các chủ thể, mở rộng quyền tự chủ, quyết định cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp song vẫn còn những tồn tại một số điểm theo chúng tôi cần khắc phục:

Thứ nhất, minh bạch thông tin về tư cách của chủ thể HĐCV. Hoạt động của các TCTD và các doanh nghiệp ngày càng có quy mô rộng lớn, đa dạng các hình thức sở hữu, cần thiết phải minh bạch thông tin về phạm vi chức năng của doanh nghiệp, năng lực và thẩm quyền của người đại diện. Trên thực tế, năng lực và thẩm quyền của người đại diện do các văn bản nội bộ của chính doanh nghiệp đó ban hành, quyết định và tự kiểm soát lẫn nhau, các bên đối tác hợp đồng khó có cơ hội tìm hiểu, xác định tính hợp pháp. Với quy định mới cho phép doanh nghiệp có nhiều đại diện sẽ gây khó khăn hơn. Mặc dù pháp luật ngân hàng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin như một nghĩa vụ cơ bản của HĐCV (khoản 1 Điều 95 Luật Các TCTD năm 2010) song nghĩa vụ này được đặt ra để chế tài đối với bên đi vay nếu cung cấp thông tin sai sự thật bao hàm cả thông tin về khoản vay là chưa bảo đảm cân xứng về nghĩa vụ này. Điều cần thiết là phải minh bạch thông tin đối với các chủ thể hợp đồng kể cả các ngân hàng thông qua hoạt động đăng ký kinh doanh, lưu trữ thông tin, thông báo công khai, hoặc thông qua nghĩa vụ bắt buộc được luật định hoặc ghi trong hợp đồng.

Thứ hai, xác định năng lực, thẩm quyền của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện. Quy định thẩm quyền của các đơn vị phụ thuộc lâu nay vẫn thực hiện theo pháp luật dân sự, doanh nghiệp. Điều 33 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp quy định cụ thể nội dung, phạm vi; các tài liệu về biên bản họp; quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh vănphòng đại diện; các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện… Đây là những tài liệu, chứng cứ pháp lý tin cậy để chứng minh năng lực và thẩm quyền của của các đơn vị phụ thuộc pháp nhân đã được thẩm tra, đăng ký, xác lập hợp pháp. Việc Tòa án yêu cầu người đại diện tham gia tố tụng của ngân hàng phải có văn bản ủy quyền là không phù hợp. Bởi lẽ giấy phép hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện (ghi rõ năng lực và thẩm quyền của người đứng đầu) là căn cứ chứng minh tư cách của người đại diện hợp pháp của pháp nhân khi tham gia giao kết HĐCV, tham gia quan hệ tố tụng. Pháp luật ngân hàng, pháp luật doanh nghiệp cần quy định rõ hơn vấn đề này, tránh những sai phạm như đã viện dẫn.

Thứ ba, luật hóa vai trò của hội đồng tín dụng (hội sở và chi nhánh). Hội đồng tín dụng được cơ cấu trong hầu hết các ngân hàng hiện nay, có thẩm quyền phê duyệt, quyết định cho vay, công đoạn quan trọng đầu tiên của một quy trình tín dụng an toàn và hiệu quả. Song trách nhiệm pháp lý của hội đồng này đến đâu theo chúng tôi cũng cần được luật hóa, không chỉ dựa trên quy định nội bộ của ngân hàng còn chung chung, thiếu cơ chế pháp lý cụ thể sẽ tạo ra sự tùy tiện khi áp dụng. Đơn cử như trong vụ án “Phạm Công D và các bị cáo khác” xét xử phúc thẩm từ ngày 27/12/2017, đến ngày 24/1/2017 Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên khởi tố thành viên hội đồng tín dụng[17] với lý do xét duyệt 02 khoản vay của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Dịch vụ ĐHP và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Dịch vụ Xây dựng TQ trái các quy định cho vay, gây thiệt hại... Xét quan hệ kinh tế, những rủi ro khi cho vay là tất yếu, hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, cần luật hóa vai trò, vị trí của hội đồng tín dụng, góp phần nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm từng thành viên khi quyết định khoản vay, góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể HĐCV. Xét về phương diện bình đẳng, chủ thể bên đi vay luôn ở vị trí yếu thế, luật hóa các quyền cơ bản của bên đi vay là hết sức cần thiết để tránh lạm dụng cơ chế thỏa thuận gây bất lợi cho một bên khi giải quyết tranh chấp. Ngoài một số quy định hiện hành, cần tiếp tục làm rõ những cơ sở lý luận bao hàm cả các quyền của bên đi vay yêu cầu ngân hàng: (i) cung cấp thông tin tín dụng; (ii) giải ngân theo cam kết hợp đồng; (iii) trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó cần sớm ban hành điều khoản tín dụng chung minh bạch, công khai lãi suất, phí tín dụng và ấn định thời gian hợp lý cho bên đi vay tham khảo khi đề nghị giao kết hợp đồng.

Thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp cho vay tiêu dùng có mức lãi cao gấp nhiều lần theo quy định, vượt khả năng chịu đựng của người vay tiêu dùng như báo đài đã phản ánh,[18] nhiều sản phẩm thương mại có tài trợ vốn vay chất lượng không đúng yêu cầu gây thiệt hại đáng kể nhưng vẫn chưa có công cụ pháp lý hữu hiệu để xử lý. Việc xác định quan hệ pháp luật về cho vay tiêu dùng theo chúng tôi cần dựa trên các quan điểm truyền thống. Chủ thể đi vay là các cá nhân nhằm mục đích tiêu dùng theo như thông lệ. Quy định này được áp dụng không chỉ giới hạn đối với bên cho vay là các công ty tài chính mà cả các chủ thể ngân hàng thương mại.

Từ thực tiễn kinh nghiệm tài phán ở nước ngoài,[19] các quy định về bảo vệ quyền lợi chủ thể là cá nhân tham gia tín dụng tiêu dùng cần định hướng hoàn thiện như sau: i) cơ chế lãi suất phù hợp với đối tượng “yếu thế”, tránh tình trạng làm tăng thêm số tiền lãi đáng kể người tiêu dùng phải trả. Đối với lãi suất nợ quá hạn, pháp luật chỉ nên áp dụng tỷ suất 130% lãi suất cho vay trong hạn (mức lãi suất này hiện nay thường được ngân hàng ấn định và pháp luật cho phép là 150% lãi suất trong hạn); ii) mối quan hệ pháp lý giữa HĐCV với hợp đồng thương mại tiêu dùng cần được xây dựng nhằm tăng cường trách nhiệm của các TCTD khi liên kết với các doanh nghiệp thương mại tiêu dùng; iii) nghĩa vụ đánh giá khả năng tài chính của bên đi vay của các TCTD;[20] iv) bảo đảm quyền lợi của người vay tiêu dùng nếu thỏa thuận bất lợi, không rõ ràng.



[17] Bản án hình sự sơ thẩm số 322/2016/HSST ngày 09/9/2016 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Tại phiên Tòa xét xử cấp phúc thẩm ngày 24/1/2017 Tòa án tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[18] Bùi Nhơn, Dính bẫy vay tiêu dùng trả lãi đến 28%/năm,.http://plo.vn/kinh-te/dinh-bay-vay-tieu-dung-tra-lai-toi-28-nam-5873.html, 2013, truy cập lúc 6:03 ngày 01/12/2016.

[19] Ví dụ: Vụ kiện giữa ông Durkin với Công ty CDSG Retail Limited, Tòa tối cao (Anh) đã nhận định: Durkin (Nguyên đơn) mua 1 máy tính xách tay PC World ở Aberdeen giá 1499 £ vào ngày 28/12/1998. Các bên ký thỏa thuận giữa chủ nợ, nhà cung cấp với Ngân hàng HFC để cho vay tài trợ mua hàng theo mục 12 (b) Đạo luật tín dụng tiêu dùng (1971). Ông Durkin từ chối nhận máy tính vì không phù hợp với hợp đồng, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán hàng và cả hợp đồng tín dụng. Phía ngân hàng HFC yêu cầu ông Durkin truy thu 326,22 £ và nếu ông không tiếp tục thanh toán sẽ gặp khó khăn trong việc có được một thế chấp, tín dụng khác. Phán quyết Tòa án đã chấp thuận cho ông Durkin hủy bỏ HĐTD với lý do: “Khi con nợ không có quyền giữ lại hoặc sử dụng cho các mục đích khác vốn vay cho các giao dịch cụ thể, chủ nợ cũng có thể hủy bỏ hợp đồng tín dụng.” (mục 26 của phán quyết). Xem thêm: The UK Supreme Court, Judgment (2014) UKSC 21, Durkin v DSG Retail Limited and another, ukscblog.com/new-judgment-durkin-v-dsg-retail-limited-anor, truy cập lúc 22:41 ngày 3/1/2017.

[20] Xem thêm: Chỉ thị số 2008/48/EC, ngày 23/4/2008 của Nghị viện châu Âu ngày 23/4/2008 tại Điều 8 quy định các chủ nợ (ngân hàng) còn phải đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng khi cho vay.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quyết định số 20/2009/KDTM-GĐT ngày 29/7/2009 của Tòa án nhân dân tối cao [trans: Decision No. 20/2009/KDTM-GĐT dated 29 July 2009, Supreme People’s Court]

[2] Bản án số 322/2016/HSST ngày 09/9/2016 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh [trans: Judgment No. 322/2016/HSST dated 9 September 2016, Ho Chi Minh City People’s Court]

[3] Phan Huy Hồng, “Những quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và luật đầu tư năm 2014 tác động đến tự do hợp đồng”, Hội Thảo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, 2015 [trans: Phan Huy Hong, “The provisions of Bussiness Law and Investment Law 2014 impact to Contract Freedom Rights”, Conference on Bussiness Law and Investment Law 2014, Ho Chi Minh City Law University, 2015]

[4] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp luật ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại một số nước, 1997, Nxb. Thế giới [trans: Vietnam State Bank, Law on Central Bank and Commercial Bank in Several Countries, The Gioi Publising, 1997]

[5] Bùi Nhơn, “Dính bẫy vay tiêu dùng trả lãi đến 28%/năm”, 2013 [trans: Bui Nhon, “Trapping Consumer Loans, Pay an Interest Rate up to 28% per Year”, 2013], source: http://plo.vn/kinh-te/dinh-bay-vay-tieu-dung-tra-lai-toi-28-nam-5873.html>, accessed on 01/12/2016

[6] The UK Supreme Court, Judgment, UKSC 21, Durkin v DSG Retail Limited and another, 2014, source: ukscblog.com/new-judgment-durkin-v-dsg-retail-limited-anor

[7] Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, 2009, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. [trans: Ho Chi Minh City Economics University, Commercial Banking, National University Publising, 2009]

[8] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Ngân hàng, 2015, Nxb. Hồng Đức [trans: Ho Chi Minh City Law University, Curriculum on Banking Law, Hong Duc Publising, 2015]


©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Chủ thể của quan hệ pháp luật ngân hàng

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref