Dân tộc kinh nghĩa là gì

Ngày nay, trong các giấy tờ và thủ tục hành chính, người Việt thường phải tự khai tên dân tộc mình là “dân tộc Kinh”, chắc hẳn không ít người Việt khi nghe tới cái tên “dân tộc Kinh” đã tự đặt cho mình những câu hỏi: tại sao mình là người Việt, dân tộc Việt, tự gọi nhau là người Việt, mà trong giấy tờ mang tầm quốc gia và quốc tế lại phải khai tên dân tộc là dân tộc Kinh? Dân tộc Kinh là dân tộc gì, có nguồn gốc từ đâu, tại sao chúng ta lại phải sử dụng tên đó để chỉ dân tộc Việt? Không ai thực sự hiểu được nguyên nhân đằng sau nghịch lý này.

Trong các thống kê dân tộc của Tổng cục thống kê [1], tên gọi Kinh được xem như là tên chính thức của người Việt, tên Việt chỉ được liệt kê như một “tên gọi khác”, đây là một hiện trạng rất nghịch lý, và phần nào đó là đau lòng, khi tên gọi thể hiện ý thức nguồn cội của dân tộc trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, lại chỉ được liệt kê như một “tên gọi khác”, trong khi các dân tộc đều được sử dụng tên tự nhận của chính dân tộc mình.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã được tiếp cận nhiều nghiên cứu di truyền quốc tế, có thể dễ dàng nhận thấy trong hầu hết các nghiên cứu, thì người Việt được ghi là người Kinh, các mẫu di truyền tại người Việt các vùng đều được ghi là Kinh. Việc tên gọi dân tộc là Kinh được sử dụng trong các nghiên cứu tầm quốc tế như vậy, tiềm tàng những mối nguy hại rất lớn, nó giống như một sự xóa bỏ sự tồn tại của một dân tộc có tên Việt trên bản đồ dân tộc quốc tế, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không hề nhỏ tới các vấn đề có tính vĩ mô đối với dân tộc Việt như ngoại giao, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, những ảnh hưởng sẽ xuất hiện cả trong nước và cả trên bình diện quốc tế.

Nhìn nhận một cách tổng quan, trong suốt quá trình hình thành và tồn tại, người Việt luôn luôn tự nhận mình là Việt, đó là ý thức dân tộc được người Việt trân quý, giữ gìn, hầu như là tất cả những gì người Việt cần giữ để có thể trường tồn. Tên gọi này đã được người Việt duy trì qua thời Bắc thuộc, vượt qua những chính sách đồng hóa, áp bức hà khắc của người Hoa Hạ, danh xưng này được nhanh chóng khôi phục khi người Việt giành lại được độc lập, xây dựng nên triều đại tự chủ đầu tiên bởi Đinh Tiên Hoàng, ở các triều đại sau, quốc hiệu của đất nước được đặt với tên Việt là cốt lõi, điều đó cho chúng ta thấy, ý thức dân tộc Việt có sức sống mạnh mẽ như thế nào.

Để làm rõ tầm quan trọng của danh xưng với ý thức dân tộc, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu về nguồn gốc của tên gọi Việt và ý thức Việt, sự kế thừa của tên gọi này trong suốt tiến trình hình thành phát triển của người Việt, tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của khái niệm “kinh” trong lịch sử, cũng như mở rộng phân tích vai trò của ý thức Việt đối với sự trường tồn của dân tộc Việt, xác định những tác động tiêu cực mà tên gọi “Kinh” tạo nên đối với ý thức dân tộc của người Việt, từ đó đề xuất việc cần cấp thiết đưa tên gọi Việt trở lại thành tên chính thức của dân tộc Việt, như một sự chấm dứt, và phần nào đó là khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực mà việc đặt tên “Kinh” đã tạo nên với ý thức dân tộc của người Việt trong suốt những năm vừa qua, bắt đầu xây dựng lại tinh thần, lòng tự tôn dân tộc một cách căn cơ và có nền tảng nhất.

I. Sự hình thành tên gọi Việt và ý thức Việt:

Tên gọi Việt, ý thức dân tộc và quốc gia của người Việt đã bắt đầu hình thành vào khoảng hơn 5000 năm trước trong vùng Dương Tử, với văn hóa Lương Chử, đây là văn hóa đầu tiên hình thành nên cộng đồng tộc Việt, mà trong đó, người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á ngày nay đóng một vai trò rất quan trọng. Tên Việt được hình thành từ hình chiếc rìu, sau đó dần dần phát triển thành thủ lĩnh cầm rìu, về mặt ý nghĩa, tên Việt có nguồn gốc đại diện cho tộc người sử dụng rìu lễ khí, và nghĩa bóng là vượt qua như nghĩa mà chúng ta ngày nay vẫn sử dụng.

Trên một chiếc bình gốm của văn hóa Lương Chử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 4 ký hiệu khắc trên thân của chiếc bình, tạo thành một câu hoàn chỉnh, thể hiện rõ ý thức về nguồn gốc và tổ chức quốc gia của cộng đồng tộc Việt. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [2], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt.

Dân tộc kinh nghĩa là gì

4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [2]

Dân tộc kinh nghĩa là gì

Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]

Tên gọi Việt bắt nguồn từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Lương Chử, tới thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng trung lưu Dương Tử, đã phát triển lên thành hình ảnh thủ lĩnh đội mũ lông chim cầm rìu, đây là đại diện cho ý thức Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà.

Dân tộc kinh nghĩa là gì

Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu trên chum gốm văn hóa Thạch Gia Hà. [3]

Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu biểu trưng cho tên gọi Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà tiếp tục được người Việt kế thừa trong văn hóa Đông Sơn, với hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn.

Dân tộc kinh nghĩa là gì

Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu và đội mũ lông chim tương tự như văn hóa Thạch Gia Hà xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn. Hoa văn trên là ở trống đồng Ngọc Lũ. [4]

Tên Việt đã có một lịch sử rất lâu đời như vậy, là một ý thức quan trọng đối với người Việt, ý thức này được người Việt tiếp tục giữ gìn sau khi nền văn hóa Đông Sơn sụp đổ, người Việt rơi vào vòng lệ thuộc, phải sống dưới ách cai trị và đồng hóa của người Hán. Tên Việt sau đó đã được khôi phục trong thời Bắc thuộc, khi Triệu Quang Phục (554 – 571) lên làm vua nước Vạn Xuân, ông đã lấy hiệu là Triệu Việt Vương, đây là một biểu trưng quan trọng cho ý thức Việt được lưu truyền âm thầm trong tâm thức của người Việt, vượt qua những giông tố bởi những chính sách đồng hóa, để tới khi giành lại được độc lập, Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chính thức đưa tên gọi, ý thức dân tộc Việt trở lại trong dòng lịch sử dân tộc, với vị thế một quốc gia độc lập, thoát khỏi sự đô hộ trong suốt gần nghìn năm có lẻ của người Hán.

II. Ý thức dân tộc Việt trong lịch sử thời trung đại:

Ngay khi giành lại được độc lập, Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, thể hiện sự phục hưng của ý thức Việt. Trong suốt chiều lại lịch sử của thời trung đại, các ghi chép lịch sử, tên quốc hiệu đều cho thấy người Việt có sự đề cao ý thức Việt, điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu sâu hơn trong các phần sau đây.

1. Quốc hiệu của người Việt trong thời trung đại:

Trong thời kỳ trung đại, ngoại trừ một triều đại độc lập: nhà Hồ đặt tên nước Đại Ngu, và giai đoạn người Việt chìm trong bóng tối dưới sự xâm lược và đô hộ của nhà Minh, thì các triều đại đều tự nhận đất nước có chữ Việt, triều Đinh là Đại Cồ Việt, triều Lý-Trần là Đại Việt, gián đoạn 20 năm thời thuộc Minh, sau đó tiếp tục được sử dụng bởi các triều đại cho tới thời Tây Sơn.

Gia Long đã có ý định đổi tên nước thành Nam Việt, khi ấy người Việt đang phụ thuộc vào các triều đại Hoa Hạ về mặt chính trị, nên phải có sự đồng ý của nhà Thanh mới có chính danh, nhưng nhà Thanh không chấp thuận đề nghị của Gia Long, yêu cầu Gia Long phải đổi thành Việt Nam thì mới chấp thuận. Tên Việt Nam có từ thời này, nhưng trong thực tế, thì trong các ghi chép cổ của Việt Nam đã nhiều lần nhắc tới tên “Việt Nam” như quốc danh, có thể kể tới như tên sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc (thế kỷ XIV), trong tác phẩm Dư Địa Chí vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi cũng nhiều lần nhắc tới tên Việt Nam để chỉ đất Việt, cuối cùng là Trình tiên sinh quốc ngữ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”.

Minh Mạng sau đó đã xin nhà Thanh đổi sang tên Đại Nam, nhưng không được nhà Thanh chấp thuận, Minh Mạng đơn phương công bố quốc hiệu Đại Nam khi nhà Thanh suy yếu, trong thực tế, thì Đại Nam cũng chính là Đại Việt Nam. Khi này, nước Việt có song song hai cái tên chính thức: Việt Nam và Đại Nam hay Đại Việt Nam, đều có yếu tố Việt.

Sách Quốc sử di biên chép: “Tháng 3, ngày 2 (Mậu Tuất, 1838, Minh Mạng thứ 19), bắt đầu đổi quốc hiệu là Đại Nam. Tờ chiếu đại lược: … Vậy bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đổi quốc hiệu là Đại Nam, hoặc xưng là Đại Việt Nam cũng được.” [5]

Tựu chung, thì trong hầu hết chiều dài lịch sử, thì quốc hiệu của người Việt hầu như đều chứa tên Việt tự nhận của mình, thể hiện ý thức dân tộc và đất nước thống nhất, không giống như các triều đại Trung Hoa đặt tên quốc hiệu theo triều đại cai trị, hầu như không có tên gọi nào thể hiện ý thức dân tộc giống như người Việt trong tên đất nước của mình.

2. Tên gọi Việt trong các ghi chép lịch sử:

Rất nhiều tác phẩm lịch sử trong thời kỳ trung đại hoặc được đặt tên có chữ Việt trong tiêu đề, hoặc ghi chép nhiều về các khái niệm thể hiện ý thức Việt như “người Việt”, “giống Việt”, thể hiện không gian lịch sử từ thời Bắc thuộc tới thời trung đại.

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nhiều lần nhắc tới danh xưng “Việt”, có thể ví dụ như: “Viện có câu thề: “Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy…”, “Nước Việt ta lại thuộc vào nhà Hán.” [6]

Đại Việt thông sử (1759) của Lê Quý Đôn chép: “Ta giải phóng hết những người Việt ta từng bị chúng ức hiếp phải theo, và thu được hơn trăm chiếc thuyền chiến, cùng rất nhiều khí giới đồ đạc. Quân dân vùng này thảy đều qui phụ quân ta.” [7]

Lam Sơn Thực Lục (1431) do Nguyễn Trãi soạn, được vua Lê Thái Tổ đề tựa chép: “Đất cát lại đất cát nước Nam! Nhân dân lại nhân dân giống Việt!” [8]

Việt Sử Tiêu Án (1775) của Ngô Thì Sĩ chép: “Nhân sĩ Hán đến nương nhờ, thì vui được chỗ ở yên, sứ thần nước Ngô mỗi lần đến, thì khéo thù phụng, cho nên bên trong thì được lòng người Việt, bên ngoài thì được vua Ngô tin yêu, có thể gọi là người khôn đấy.” [9]

Như vậy các ghi chép lịch sử cũng cho thấy về ý thức dân tộc, người Việt cũng tự nhận mình là Việt, giống như tên quốc gia, thì cả về ý thức dân tộc và ý thức quốc gia, người Việt đều sử dụng tên gọi Việt, cho thấy được vai trò rất quan trọng của ý thức này đối với người Việt.

II. Nguồn gốc từ “Kinh” và những hệ lụy khi lấy nó làm tên dân tộc:

1. Nguồn gốc khái niệm kinh trong các ghi chép lịch sử:

Trong các ghi chép từ sách Đại Việt sử ký toàn thư, thì khái niệm “kinh” được sử dụng nhiều lần, ban đầu, nó được sử dụng để chỉ kinh đô, tức là vùng tập trung quyền lực các triều đại của người Việt như kinh đô, kinh thành, kinh sư, kinh phủ, kinh ấp, đại để đều có ý nghĩa là trung tâm. Sau đó, khái niệm “kinh” mới được mở rộng ra thành sự phân biệt các vùng miền, bắt nguồn từ thời nhà Trần, sự phân biệt được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, có thể nằm trong vấn đề phân chia trạng nguyên, chứ không phải phân chia trực tiếp chỉ người Việt tại các vùng.

Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V chép sự phân biệt diễn ra vào khoảng năm 1256: “Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu ban cho [danh hiệu] trạng nguyên. Đến nay, chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại.” [10]

Sau đó, vào năm 1275, thì sự phân biệt kinh – trại đã được xóa bỏ. Đoạn trích này cũng cho thấy đây là một từ được sử dụng để chỉ sự phân chia trạng nguyên, không phải là sự phân chia về toàn bộ vùng miền.

Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V: “Hai Khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có chia kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất.” [11]

Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư cũng có chép về “người kinh”, câu này khá dễ gây hiểu nhầm, nhưng đọc kỹ hơn câu trước đó “chuyển về Đông Kinh”, thì “người kinh” ở đây tức chỉ người ở kinh đô, chứ không phải “người kinh” là dân tộc có tên là “Kinh”.

Đại Việt sử ký toàn thư, quyển XI, chép: “Trước kia, khi Thái Tổ đi đánh châu Phục Lễ, sai vận chuyển lương thực đến cất giữ ở quân doanh Gia Hưng. Đến đây, Tuyên úy đại sứ trấn Gia Hưng Lê Dao tâu là cả kho chứa và lương thực đều bị mục hỏng, xin đưa chuyển về Đông Kinh. Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu: –“Chứa lương ở nơi biên giới thực là phép hay, chuyển về Đông Kinh sợ cũng không tiện”. Vua nghe theo, nên có lệnh này. Ra lệnh cho người Minh phải mặc quần áo người kinh và cắt tóc ngắn“. [12]

Qua các ghi chép được chúng tôi dẫn ra, thì sự phân biệt kinh – trại không có ý nghĩa sử dụng để chỉ trực tiếp các vùng miền của người Việt, mà nó nhiều khả năng là một sự phân biệt về trạng nguyên tại hai miền đất nước. Vì vậy, đây không thể là chi tiết có thể chứng minh về sự phân biệt giữa người Việt các vùng, hay chứng minh về nguồn gốc dân tộc. Thông qua khảo cổ và di truyền học, thì người Việt đã có sự thống nhất cao từ văn hóa Phùng Nguyên cho tới cho tới Đông Sơn, các di chỉ của các văn hóa này phân bố trong khắp vùng Thanh Nghệ, mẫu gen của văn hóa Đông Sơn được sử dụng hiện tại là Núi Nấp cũng là ở vùng Thanh Hóa [13], cho thấy sự tương đồng với gen chung của người Việt, các mẫu di truyền của người Việt tại các vùng có sự đồng nhất cao [14][15]. Việc một số tác giả như K. W. Taylor [16] sử dụng chi tiết này để suy diễn về nguồn gốc của người Việt, cho rằng người Kinh là gốc Hán, người Trại là gốc Việt, là hoàn toàn không có cơ sở.

Nghiên cứu của Wang et al. 2021 [14] cho thấy di truyền người Việt các vùng có sự thống nhất cao, sự khác biệt không thực sự đáng kể, trực tiếp phủ nhận quan điểm cho rằng người Việt các vùng có nguồn gốc khác nhau.

Dân tộc kinh nghĩa là gì

So sánh di truyền giữa người Việt các vùng: Vietnamese (người Việt các vùng), KHV (người Việt tại Hồ Chí Minh), Kinh (người Việt tại Hà Nội). [14]

Nghiên cứu He et al. 2021 [15] cũng cho thấy di truyền của người Việt tất cả các vùng có sự đồng nhất cao, sự khác biệt về di truyền là không đáng kể.

Dân tộc kinh nghĩa là gì

So sánh gen người Việt các vùng theo nghiên cứu của He et al. 2021. [15]

Từ “kinh lộ” được sử dụng nhiều trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi cho rằng từ “kinh lộ” là phát triển từ “kinh”, với ý nghĩa kinh thành, kinh đô, mở rộng ý nghĩa hơn là vùng trung tâm của đất Việt, tức vùng đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, đây cũng là một từ được sử dụng để chỉ vùng miền, không thể hiện gì về nguồn gốc dân tộc.

Trong một không gian rộng hơn, thì từ “Kinh” được sử dụng để chỉ toàn bộ người Việt và “Thổ” được sử dụng để chỉ người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh.

Khâm định Việt sử thông cương giám mục chép: “Cấm thổ tù ở các phiên trấn không được giao thiệp riêng với người quyền quý trong triều đình. Lúc ấy, phụ đạo các phiên trấn phần nhiều vào kinh sư chơi, giao thiệp liên kết với người có quyền lực hoặc người giữ địa vị trọng yếu, vì thế mới hạ lệnh cấm. Nếu triều đình có tiết lễ lớn, các phụ đạo vào kinh, không được đem quá 4 người đi theo, khi lưu ở kinh sư, không được quá 20 ngày. Từ đấy, sự phân biệt người Kinh, người Thổ mới nghiêm ngặt.” [17]

Như vậy, tất cả những cách sử dụng từ “kinh” trong các tài liệu lịch sử đều thể hiện sự phân biệt về vùng miền, không hề được sử dụng để chỉ tên gọi của một dân tộc. Vì vậy, tên gọi dân tộc Kinh được sử dụng để chỉ người Việt là không có cơ sở về lịch sử.

“Kinh” trong tên dân tộc Việt ngày nay có sự tương đồng với châu Kinh, chỉ vùng trung lưu Dương Tử, là cội nguồn của người Việt, châu Kinh cũng nằm trong tên của Kinh Dương Vương, Thủy Tổ của người Việt, với ý nghĩa người làm chủ hai châu Kinh và Dương (trung và hạ lưu Dương Tử), mặc dù họ Hồng Bàng đúng là cội nguồn của người Việt, được người Việt trân trọng và giữ gìn như “kinh thánh” của dân tộc, cho thấy sự chính xác với các nghiên cứu khoa học về nguồn gốc dân tộc, nhưng để kết nối giữa các khái niệm này cần có những tư liệu lịch sử chứng minh, thực tế, trong xuyên suốt lịch sử thời tự chủ, thì khái niệm “kinh” không cho thấy sự liên hệ với châu Kinh, hay Kinh Vương Vương, tên gọi “Kinh” trong tên dân tộc Việt được sử dụng ngày nay có nguồn gốc từ sự phân biệt vùng miền, sau đó mới được đưa lên làm tên dân tộc trong thời gian gần đây. Vậy nên, chúng ta không đủ cơ sở để kết nối tên Kinh trong tên dân tộc người Việt ngày nay với châu Kinh hay Kinh Dương Vương như một số ý kiến đã đề xuất.

2. Tên gọi dân tộc Kinh và những ảnh hưởng của nó:

Tên gọi dân tộc Kinh đã tạo nên những ảnh hưởng, thậm chí là những hệ lụy rất lớn trong việc nhìn nhận nguồn gốc dân tộc. Ý thức Việt vốn là cốt lõi về nguồn gốc dân tộc của người Việt, người Việt trong lịch sử luôn luôn tự nhận mình là Việt, nó giống như một niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, kết nối người Việt với cội nguồn xa xưa của dân tộc mình, nhưng sự kết nối cội nguồn ấy dường như bị đứt quãng khi tên gọi Kinh được sử dụng để chỉ người Việt, được sử dụng làm tên gọi chính thức.

Người Việt đã sử dụng tên gọi Việt trong suốt hơn 5000 năm lịch sử, bắt nguồn từ văn hóa Lương Chử, thì ý thức Việt đã bắt đầu hình thành, tới khoảng 200 TCN, thì người Việt dần chìm trong sự đô hộ của các triều đại Hoa Hạ, quãng thời gian bị đô hộ lên tới gần 1000 năm lịch sử. 1000 năm, đó là quãng thời gian quá đủ để bất cứ dân tộc nào trên thế giới bị đồng hóa bởi dân tộc cai trị, đặc biệt là một dân tộc có sức đồng hóa mạnh mẽ như người Hán. Nhưng người Việt đã không bị đồng hóa, tinh thần độc lập, quật cường, không chấp nhận sự cai trị, sự giữ gìn tiếng nói, văn hóa dân tộc, hay quan trọng nhất, là sự lưu truyền ý thức Việt, sau đó họ vượt qua giông bão, giành lại được độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam, khôi phục ý thức Việt trong tên gọi của đất nước ngay từ triều đại quân chủ đầu tiên, nhà Đinh, với quốc gia Đại Cồ Việt.

Ý thức dân tộc là mãnh liệt như vậy, người Việt đã cố gắng giữ gìn nó trong một thời gian rất dài, gần như sự tồn tại của nó có thể nói là vĩnh cửu, nhưng, bỗng nhiên, ngày nay chúng ta lại phải tự nhận mình là người Kinh, khai tên dân tộc là Kinh, nó như một hành động trực tiếp cắt đứt sự liên hệ của người Việt hiện tại với quá khứ của dân tộc, không còn những ý thức về lòng tự tôn dân tộc, mà cái tên Việt đã thể hiện.

Từ “kinh” gắn liền với không ít những từ có ấn tượng xấu: “kinh dị”, “kinh tởm”, “kinh hoàng”, “kinh khủng”, “kinh khiếp”…, không khó để nhận ra không ít người đã sử dụng những từ này để nói xấu về người Việt, nó là con đường nhanh chóng dẫn tới sự tự ti, mặc cảm về dân tộc, về ngữ nghĩa câu chữ và ý thức dân tộc được thể hiện trong tên gọi của một dân tộc.

Tên gọi Kinh được sử dụng để chỉ người Việt, đã gián tiếp góp phần tạo nên những nhận định cho rằng người Việt là một dân tộc non trẻ, xuất hiện muộn trong lịch sử, có nguồn gốc lai tạp từ các dân tộc khác nhau. Nó cũng gián tiếp thúc đẩy những giả thuyết bịa đặt, xuyên tạc về nguồn gốc của người Việt hình thành, từ đó, càng làm vấn đề nguồn gốc của người Việt trở nên bất định, rắc rối hơn, người Việt dễ dàng bị những tà thuyết cố ý xuyên tạc về nguồn gốc dân tộc nhằm mục đích bôi nhọ, hạ nhục người Việt ảnh hưởng, khiến họ trở nên tự ti, mặc cảm về nguồn gốc dân tộc, không tin tưởng vào chính bản thân mình, không có lòng tự tôn dân tộc, cũng trực tiếp dẫn tới những tư tưởng vọng ngoại, bài trừ văn hóa dân tộc.

Những ảnh hưởng của tên gọi Kinh đối với toàn thể dân tộc Việt là không thể xem thường, nó gây ra rất nhiều vấn đề trong xã hội của người Việt ngày nay, nếu phân tích chi tiết hơn, chúng ta sẽ còn thấy những ảnh hưởng sâu và rộng hơn nữa. Ý thức dân tộc, ý thức về nguồn gốc, ý thức văn hóa dân tộc, ý thức về ngôn ngữ là những yếu tố quan trọng nhất để một dân tộc có thể tồn tại, người Việt với ý thức Việt đã vượt qua những thử thách gian nan nhất trong lịch sử, mà hiếm dân tộc nào trên thế giới phải trải qua. Ý thức Việt quan trọng như vậy, có thể nói là cốt lõi văn hóa của người Việt, nên việc khôi phục lại tên gọi Việt trong tên dân tộc của người Việt là cấp thiết và rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt.

3. Về tên Việt được sử dụng để chỉ toàn bộ các dân tộc Việt Nam:

Có quan điểm cho rằng tên “Việt” được sử dụng để chỉ toàn bộ các dân tộc tại Việt Nam, nhằm mục đích đoàn kết các dân tộc, nhưng tất cả các dân tộc khác đều có tên tự nhận của mình, được sử dụng tên đó để chỉ dân tộc mình, họ có ý thức dân tộc riêng, chứ không có ý thức dân tộc Việt giống như người Việt. Khi nhắc tới “người Việt”, thì người dân tộc thường mặc định đó là người Việt (Kinh), chứ hiếm khi họ tự nhận mình là Việt. Ý thức dân tộc cũng khác với ý thức quốc gia. Ý thức Việt của người Việt cũng tương đương với ý thức Thái, ý thức Mường, ý thức Nùng, khi nhắc tới “người Việt” với ý tưởng cho rằng là chỉ chung các dân tộc ở Việt Nam, thì nó đã mang hàm ý về ý thức quốc gia, không còn đơn thuần là ý thức dân tộc nữa.

Để chỉ toàn bộ các dân tộc trên đất nước Việt Nam, chúng ta đã có khái niệm “người Việt Nam”, “người Việt Nam” chính xác hơn, toàn diện và bao quát hơn nhiều so với khái niệm “người Việt”. Sự đoàn kết dân tộc qua đây vẫn rất vẹn toàn và cũng không hề thay đổi về giá trị, ý nghĩa. Nếu chúng ta chỉ sử dụng khái niệm “người Việt” nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, mà bỏ qua lợi ích dân tộc mà chúng ta cần đặt lên trước tiên, tự tước bỏ đi tên gọi và ý thức dân tộc của mình, là chúng ta đang tự tay cắt đứt đi mối liên hệ của người Việt hiện tại với cội nguồn của dân tộc, tạo nên sự đứt gãy văn hóa nghiêm trọng đối với tương lai của dân tộc Việt, hành động tưởng chừng như tốt đẹp, nhưng kết quả đạt được không mấy giá trị so với những gì chúng ta đã mất đi.

III. Kết luận:

Thông qua việc khảo cứu về nguồn gốc dân tộc, chúng ta đã biết rằng ý thức Việt khởi nguồn từ hơn 5000 năm trước ở văn hóa Lương Chử, sau đó, người Việt tiếp tục kế thừa xuyên suốt lịch sử, qua thời Bắc thuộc và tiếp tục giữ gìn cho tới hiện tại. Trong các tài liệu lịch sử, thì khái niệm “kinh” không được sử dụng để chỉ dân tộc, mà vốn có nguồn gốc từ sự phân biệt vùng miền, nó cũng không có nguồn gốc từ tên Kinh Dương Vương hay châu Kinh tại vùng Dương Tử. Việc sử dụng tên gọi Kinh để chỉ dân tộc Việt không có đủ cơ sở về lịch sử, khảo cổ.

Người Việt luôn luôn ý thức mình là dân tộc Việt, đó không chỉ là danh xưng, mà còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc đầy kiêu hãnh được người Việt duy trì trong suốt hơn 5000 năm. Vì vậy, chúng tôi rất khẩn thiết đề nghị chính phủ, bộ chính trị xem xét đưa tên gọi Việt trở lại làm tên gọi chính thức của dân tộc Việt, nó sẽ có vai trò rất lớn trong xây dựng lại ý thức, lòng tự tôn dân tộc đã bị mai một bởi những ảnh hưởng từ quá khứ, góp phần thay đổi nhận thức về nguồn gốc, từ đó tạo nên nội lực và sức bật giúp dân tộc có thêm tinh thần và sự vững vàng để hướng tới tương lai, vươn tới những nấc thang mới trong dòng lịch sử đầy hào hùng của dân tộc.

Lang Linh

Tài liệu tham khảo:

[1] Tổng cục Thống kê, Các dân tộc Việt Nam.
https://www.gso.gov.vn/phuong-phap-thong-ke/danh-muc/cac-dan-toc-viet-nam/

[2] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.

[3] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[4] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[5] Phạm Thúc Trực, Quốc sử di biên, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, tr.337, Hà Nội, 2009.

[6] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ – Kỷ thuộc Đông Hán, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 22.

[7] Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, Quyển I – Đế Kỷ Đệ Nhất, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, 1978, tr. 12.

[8] Nguyễn Trãi (biên soạn), Lê Lợi (đề tựa), Lam Sơn Thực Lục, Tân Việt xuất bản, 1956.

[9] Ngô Thì Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, Ngoại thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Văn Sử xuất bản. 1991.

[10] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển V, Kỷ Nhà Trần: Thái Tông Hoàng Đế, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 172.

[11] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển V, Kỷ Nhà Trần: Thái Tông Hoàng Đế, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 172. tr. 182

[12] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển XI – Kỷ nhà Lê – Thái Tông Văn Hoàng Đế, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 401.

[13] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[14] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2

[15]  He G, Wang M, Zou X, Chen P, Wang Z, Liu Y, Yao H, Wei L-H, Tang R, Wang C-C and Yeh H-Y (2021) Peopling History of the Tibetan Plateau and Multiple Waves of Admixture of Tibetans Inferred From Both Ancient and Modern Genome-Wide Data. Front. Genet. 12:725243. doi: 10.3389/fgene.2021.725243

[16] K. W. Taylor. A History of the Vietnamese. Cambridge University Press. 2013

[17] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên, Quyển XXXV. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản, 1995, tr. 770.