Giá trị phong cách Hồ Chí Minh

Trang chủ / Tin tức- Sự kiện

Giá trị bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Th.s. Nguyễn Thị Thanh Hương
Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Tâm lý giáo dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Ðảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước.Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi là ngọn đuốc cho cách mạng Việt Nam.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ Bác, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị bền vững bởi nội dung toàn diện và sâu sắc với bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của những năm bôn ba, lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.
Nhìn nhận ở giá trị cốt lõi, Võ Nguyên Giáp cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng cách mạng không ngửng mà cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Bằng cách tiếp cận triết lý Hồ Chí Minh về phát triển ở Việt Nam, giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh có thể hiểu là Độc lập-Tự do- Hạnh phúc; không có gì quý hơn độc lập tự do.
Ở chiều sâu, xuyên suốt, giá trị bền vững, vĩnh hằng của tư tưởng Hồ Chí Minh là vì dân, do dân. Vì dân là mục đích, do dân là phương thức cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh. Cả đời Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ Quốc và hạnh phúc của quốc dân; là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công trước hết phải có Đảng. Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Tóm lại, giá trị vững bền của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ, Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng theo đúng tinh thần của V.I.Lê nin, vì Người biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị, sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát. Tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng đòi hỏi của dân tộc, phù hợp với thời đại, làm rạng rỡ nhân dân ta, non sông đất nước ta và thời đại chúng ta.
Nhân loại đã viết về giá trị Hồ Chí Minh: Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Năm tháng sẽ qua đi nhưng nhân loại tiến bộ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng nhân dân ta giành thắng lợi.
2. Đạo đức Hồ Chí Minh giá trị trường tồn
Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại, trước hết và cơ bản là đạo đức phương Đông trên cơ sở hoàn toàn mới, đó là sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nhân dân dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin.
Theo Người, vai trò, vị trí của đạo đức cũng như các ngôi lớn vũ trụ theo quan niệm của văn hóa phương Đông ( Thiên- Địa- Nhân); như nguồn của sông, gốc của cây. Hồ Chí Minh dạy rằng Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì (6, tr.292) . Lời dạy của Hồ Chí Minh cho thấy, với tư cách một con người, không thể không có đạo đức. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, vì sự nghiệp cách mạng là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Con người không có đạo đức giống như một cái xác không hồn; không có lợi gì mà còn có hại cho cách mạng, cho nhân dân.
Đạo đức Hồ chí Minh là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Đạo đức cũ như người đi đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời; đạo đức mới như người đi chân vững trên đất, đầu ngửng trên trời. Với thái độ khoa học trong sự gạt bỏ và giữ lại đối với di sản của quá khứ, trong đó có đạo đức Nho giáo, Hồ Chí minh đã lật ngược tư tưởng Nho giáo. Nếu cái cốt lõi của đạo đức Nho giáo là trung thành tuyệt đối với ông vua phong kiến và chế độ phong kiến thì đạo đức Hồ Chí Minh trung thành với sự nghiệp của nhân dân, vì mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh trường tồn vì mang những giá trị trường tồn. Đó là đưa nhân dân lên địa vị là chủ và làm chủ đất nước; thực hiện quyền bình đẳng của xã hội, quyền tự do của mỗi người; coi nhân dân là lực lượng chính làm nên lịch sử, còn Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên phải là đầy tớ trung thành của Nhân Dân, phải học hỏi dân, biết làm học trò dân, yêu quý nhân dân, tin tưởng nhân dân, gần gũi nhân dân.
Về phẩm chất chủ chốt nhất, Hồ Chí Minh dạy rằng : mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất đinh phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chí công vô tư. Mà chí công vô tư là đạo đức cách mạng cao nhất. ồ Chđến những tính tốt của con người như Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Nhân, Trí, Dũng. Những đức tính đó tạo thành nhân cách con người. Con người trước hết và xuyên suốt phải có nhân cách. Đỗ vỡ nhân cách là đỗ vỡ tất cả. Giống như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, con người cần phải có đức tính đó. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người.
3. Phong cách Hồ Chí Minh- chính là con người Hồ Chí Minh
Phong cách Hồ Chí Minh chứa đựng trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, phong thái, phong độ, phẩm cách, lề lối làm việc từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn thành nề nếp ổn định, tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt ở lối sống, hành xử hết sức đặc sắc, độc đáo, riêng có, mang đậm dấu ấn, sắc thái, diện mạo Hồ Chí Minh, thể hiện nhân cách lớn của một nhà văn hóa kiệt xuất. Phong cách Hồ Chí minh thể hiện sự sáng tạo thật sự, tự nhiên không giả tạo, chứa đựng giá trị về chân, thiện, mỹ, có sức lan tỏa tới mọi người. Phong cách Hồ Chí Minh chính là đạo làm người, văn hóa làm người, chính con người Hồ Chí Minh.
Phong cách Hồ Chí Minh chứa đựng và chuyển tải tư tưởng, đạo đức, phương pháp Hồ Chí Minh, đem lại lòng tin cho nhân dân và cán bộ, đảng viên. Phong cách Hồ Chí Minh cho ta hiểu ý nghĩa toàn diện về giá trị của một con người, một chính đảng. Người dạy rằng: Muốn biết một chính đảng, hay một con người có phải là Đảng hay chiến sĩ tiên phong của vô sản hay không, ta không nên chỉ xem những tuyên ngôn, nghị quyết và nghe lời nói của họ, ta cần xét hành vi chính trị của họ, lập trường và thái độ của họ trong những cuộc đấu tranh chính trị thế nào? (5, tr.292).
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh phù hợp với mọi thời đại. Đó là cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn với tính cách mạng và khoa học; xuất phát từ thực tế Việt Nam; mở rộng tầm nhìn ra thế giới, nghiên cứu chắt lọc giá trị văn hóa cổ, kim, Đông, Tây để làm giàu cho trí tuệ của mình. Với bản lĩnh, trí tuệ của một người yêu nước, nhà cách mạng chân chính, người cộng sản mẫu mực, Hồ Chí Minh là con người tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác- Lênin nhưng không phải trên câu chữ mà thể hiện ở lập trường. quan điểm, phương pháp, nắm tinh thần cách mạng, học tinh thần xử trí của các bậc thầy. Nhờ đó, Người đã xây dựng được một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Phong cách tư duy đó đã, đang và mãi mãi soi sáng phong cách tư duy cán bộ, đảng viên hiện nay.
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một giá trị trường tồn. Nó thể hiện ở đường lối, tác phong quần chúng như trọng lợi ích nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; có khuyết điểm thì tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Cùng với tác phong quần chúng là tác phong lãnh đạo tập thể - dân chủ; tác phong làm việc khoa học, nêu gương là những nội dung thiết thực cần thiết với mỗi cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ trong mọi hoàn cảnh, thời gian và không gian.
Hồ Chí Minh có một phong cách ứng xử văn hóa, hài hòa, tế nhị, có lý có tình. Đó là phong cách ửng xử ở tầm nghệ thuật, gần như hoàn thiện. Nghiên cứu phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng: Hồ Chí Minh có cách ửng xử rất tự nhiên, bình dị đến hồn nhiên, rất cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt, lại vừa ân cần, tế nhị đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em dù đó là những nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ đảng hay chỉ là những người nông dân, công nhân bình thường Phong cách ứng xử đó cho thấy, với tư cách là chủ thể, Hồ Chí Minh thể hiện thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng khoan dung để nâng con người lên, chứ không vùi dập con người.
Trong cuộc sống thường ngày, phong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ nhân dân, sống trong lòng dân và cuối đời lại muốn về với nhân dân làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi (4, tr.187). Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao. Đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian. Đó là tình yêu thương con người, quyện với tình yêu thiên nhiên, tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ kết hợp với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ. Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh cho thấy người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ.
Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một kho tàng đầy của báu, một di sản chứa đựng biết bao nhiêu giá trị, đó là những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách, nói cho cùng là giá trị văn hóa. Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy,Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đãnhấn mạnh: Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Thời gian càng lùi xa chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi.
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng xứng đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ; mỗi người dân Việt Nam xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị: Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 15/5/2016.
2. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, H.2012.
3. Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên), Phương pháp cách mạng và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1997.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 6.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 8.
Xem tin theo ngày: