Hạnh phúc của người làm cha làm mẹ là gì

Đời sống

TL;DR

  • Thứ sáu, 24/6/2022 09:00 [GMT+7]
  • 09:00 24/6/2022

Ai cũng muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con, nhưng hướng trẻ đến thành công hay sự vui vẻ vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.

Hành vi, tâm lý con người khi trưởng thành phản ánh những trải nghiệm trong quá khứ, đồng thời có quan hệ mật thiết với phong cách nuôi dạy của gia đình thời ấu thơ. Bởi vậy, các bậc cha mẹ dù ở thời đại nào cũng luôn đau đáu với câu hỏi: Thế nào là tốt nhất với con?

Nhịp sống hiện đại gấp gáp, sự bùng nổ của Internet, công nghệ, các thiết bị thông minh… cùng thực tế “thế hệ trẻ ngày càng giỏi giang” đã tác động mạnh đến tâm lý nuôi dạy con của hàng triệu cha mẹ. Họ bối rối, lo lắng khi lựa chọn hướng giáo dục trẻ: Đưa con vào khuôn khổ để tương lai thành đạt, giỏi giang, không thua kém bạn bè hay để con phát triển tự nhiên, trở thành người vui vẻ, hạnh phúc.

Cha mẹ muốn con thành tài, nhưng trẻ có hạnh phúc?

Trong chuỗi hội thảo chia sẻ kết quả “Báo cáo tiếng nói trẻ em Việt Nam” được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững [MSD] thực hiện vào tháng 4/2021 tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình. Theo đó, các em cho biết chưa thực sự được lắng nghe và tham gia những vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí… Bố mẹ cũng đặt những áp lực về điểm số, sự thành công… lên hành trang khôn lớn của các em.

Bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng lên hành trang khôn lớn của con.

Thực tế, những người làm cha mẹ đều ít nhiều đặt kỳ vọng vào con trẻ. Điều này, về cơ bản, xuất phát từ tình yêu thương, bởi bậc cha mẹ nào cũng nỗ lực dành cho con những gì tốt nhất và mong muốn con có cuộc sống viên mãn, thành công sau này. Áp lực về học hành, nghề nghiệp, giao tiếp… cũng vì vậy mà xuất hiện, bởi theo họ đó là những gì tốt nhất được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân.

Mong muốn, kỳ vọng đó không sai nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu suy nghĩ, ước mơ của con thì sẽ vô tình tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu cho trẻ, từ đó dẫn đến những tổn thương tinh thần.

Theo nghiên cứu năm 2021 của Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội, tỷ lệ trẻ em và vị thành viên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tinh thần là 15-29%. Tại tọa đàm về giải pháp sức khỏe tinh thần cho học sinh do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 8/4, một chuyên gia từ UNICEF cũng chia sẻ: Việt Nam hiện có trên 3 triệu trẻ cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Những số liệu trên cho thấy vấn đề sức khỏe tinh thần và tâm lý trẻ em đang gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó bao gồm sự kỳ vọng từ cha mẹ.

Là mẹ của cậu con trai 15 tuổi, chị Kim Ngân [37 tuổi, Hà Nội] thừa nhận bản thân cũng vô tình đặt nhiều áp lực lên con: “Khi con lên lớp 6 - giai đoạn chuyển cấp quan trọng - cả nhà dành rất nhiều sự quan tâm. Đầu tư cho con học ngoại ngữ từ sớm, tôi muốn con thi vào trường chuyên, lớp chuyên Anh để tạo bước đệm cho việc học chuyên ở cấp 3 và đi du học sau này. Con cũng biết bố mẹ tốn nhiều tiền bạc cho đi học thêm nên dành nhiều tháng tự ôn luyện, không đi chơi hay tham gia các động ngoại khóa ở trường”.

Nhiều trẻ nỗ lực học tập bởi bố mẹ muốn chứ không phải vì bản thân yêu thích.

Sau này, khi con trượt trường chuyên vì thiếu 1 điểm, chị Ngân mới nhận ra con nỗ lực vì bố mẹ muốn chứ không phải điều bé thật sự mong mỏi.

“Khi thi trượt, tâm lý con rất bất ổn, khép mình suốt cả tháng hè nên tôi lo lắng, đã tâm sự cùng con và nhận ra con vốn không thích học chuyên vì nhiều áp lực, thi chỉ bởi bố mẹ muốn. Con trượt nên thấy áy náy với bố mẹ, tự ti rằng mình kém cỏi. Tôi thấy buồn và hối hận vì nghĩ đỗ chuyên sẽ khiến con tự hào, nhưng hóa ra con lại không hạnh phúc”, chị Ngân chia sẻ.

Hạnh phúc là đích đến giúp cuộc sống ý nghĩa hơn

Trường hợp của chị Kim Ngân là ví dụ điển hình trong hàng nghìn câu chuyện về cách cha mẹ nuôi dạy con cái ngày nay. Các bậc phụ huynh loay hoay tìm lời giải cho tương lai con, mà không nhận ra điểm đến cuối cùng mọi người, bao gồm cả con trẻ tìm kiếm trong các mối quan hệ, thu nhập, công việc hay trải nghiệm học tập chính là hạnh phúc. Mỗi người sẽ có một con đường riêng, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu là muốn được hạnh phúc.

Trong cuốn sách Your erroneous zones [tạm dịch: Hãy sống cho chính mình], tiến sĩ Wayne W. Dyer nhấn mạnh hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà nảy mầm từ bên trong. Với trẻ em cũng vậy. Cha mẹ không thể mang hạnh phúc cho trẻ dựa trên các thang đo chủ quan. Hạnh phúc đó cần do trẻ tự khám phá, tìm kiếm trên hành trình trưởng thành. Nhiệm vụ của cha mẹ là đồng hành, bao dung và thấu hiểu để giúp con tìm ra hạnh phúc của chính mình.

Cha mẹ cần đồng hành trên hành trình giúp con tự kiếm tìm hạnh phúc.

Sự đồng hành đó, theo giáo sư chuyên ngành tâm lý Alison Gopnik - Đại học California Berkeley, cần như một người làm vườn chứ không phải một thợ mộc. Thay vì “bào gọt, đục đẽo”, xác định trước con đường tương lai để con thực hiện, cha mẹ có thể ươm mầm, đặt sự thấu hiểu là cốt lõi để kết nối với con, tạo điều kiện để trẻ chủ động khám phá và phát triển. Bởi người làm vườn hiểu rằng không thể gieo một hạt mầm bắp cải rồi kỳ vọng nở ra một đóa hoa hồng, mà cần thuận theo sự phát triển tự nhiên.

Khi được tôn trọng, thấu hiểu và sống đúng với sở thích, đam mê, trẻ sẽ có xu hướng mạnh dạn học hỏi vấn đề mới, tự tin giải quyết các tình huống trong cuộc sống, cũng như tích cực kết nối với mọi người xung quanh.

Con trẻ hạnh phúc và trưởng thành hơn khi được lấm bẩn theo ý muốn.

Theo tiến sĩ Tâm lý học Tô Nhi A - Giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM [UEF], một đứa trẻ hạnh phúc sẽ khiến các ông bố, bà mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc, và tương lai đứa trẻ sẽ trở thành một người trưởng thành hạnh phúc. “Người trưởng thành hạnh phúc là người sống rất vững chãi, tâm trí của họ ổn định và sẵn sàng đón nhận nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống, với khả năng bình tĩnh để giải quyết chính xác các vấn đề mà mình đang gặp”, tiến sĩ nói thêm.

Giá trị từ những đứa trẻ hạnh phúc, cũng là nguồn cảm hứng để chiến dịch “Gieo yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” của Unilever ra đời. Chương trình là sự hợp tác giữa 3 thương hiệu Wall’s, Lifebuoy, OMO cùng Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các chuyên gia tâm lý hàng đầu trong việc khuyến khích cha mẹ nuôi dạy con bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng.

Những đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người trưởng thành hạnh phúc, cùng xây dựng nên một xã hội hạnh phúc.

Qua chuỗi hoạt động trên nhiều nền tảng và chia sẻ thiết thực từ các chuyên gia tâm lý, người nổi tiếng hay chính những ông bố, bà mẹ từng gây áp lực tinh thần lên con, “Gieo yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” truyền cảm hứng để các bậc phụ huynh xóa tan định kiến xưa cũ về việc nuôi dạy con.

Thay vì đóng khung mỗi đứa trẻ trong một khuôn mẫu về học hành hay các chuẩn mực xã hội, cha mẹ có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ vui vẻ bằng cách tôn trọng và thấu hiểu những mong muốn, sở thích của con. Sự đồng hành từ cha mẹ, sẽ mang đến những trải nghiệm tích cực và tình yêu thương mỗi ngày, là nền tảng để trẻ hạnh phúc trong tương lai.

Trong chiến dịch “Gieo yêu thương, ươm mầm hạnh phúc”, các nhãn hàng Wall’s, Lifebuoy và OMO từ công ty Unilever Việt Nam cùng phối hợp thực hiện từ điển mini “Ươm mầm hạnh phúc”. Từ điển mô phỏng các tình huống phổ biến mà cha mẹ dễ cư xử chưa khéo léo, vô tình ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ và gợi ý các cách gieo nụ cười cho con.

Bên cạnh đó, 3 nhãn hàng cùng Zing News thực hiện series podcast lắng nghe chuyên gia tâm lý giải đáp thắc mắc để hiểu rõ về các vấn đề mà trẻ em có nguy cơ gặp phải. Để thông điệp được lan tỏa hơn đến cộng đồng, chiến dịch phối hợp kênh VTV3 mang đến tập phát sóng đặc biệt với chủ đề “Nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc” trong chương trình Vui sống mỗi ngày.

Giang Tiểu San

Unilever trẻ em hạnh phúc sức khỏe

Bình luận

Bạn có thể quan tâm

Chủ Đề