Hướng dẫn cách sử dụng salbutamol da ng khi dung

Salbutamol là một loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh hen phế quản. Mặc dù là loại thuốc phổ biến nhưng thuốc có nhiều dạng dùng và cách dùng khá phức tạp. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của YouMed để biết được công dụng, cách sử dụng Salbutamol an toàn và hiệu quả nhé!

Thuốc chứa thành phần Salbutamol: Ventolin Nebules, Verahep, Zensalbu nebules 2,5 (dung dịch khí dung), Ventolin Inhaler, Salbutral, Buto-Asma (hỗn dịch khí dung trong bình xịt định liều), Halsabu-2, Salbutamol 2mg/4mg (thuốc viên), Mahimox (bột pha hỗn dịch uống), Ventolin Expectorant, Salmodil Expetorant Syrup (siro), Ventolin Rotacaps 200mcg (thuốc bột hít đóng trong viên nang cứng), Salbutamol Kabi 0,5mg/ml, Salbuthepharm (dung dịch tiêm).

Nội dung bài viết

1. Thuốc Salbutamol được dùng ở những dạng nào?

Salbutamol có các dạng dùng như sau:

  • Bình xịt khí dung định liều: 100 mcg/1 lần xịt.
  • Bình hít bột khô: 90 mcg/liều.
  • Dung dịch để phun sương: 5 mg/ml.
  • Viên nén (2 mg, 4 mg).
  • Viên nén giải phóng chậm (8 mg).
  • Dung dịch uống: 2 mg/5 ml.
  • Thuốc tiêm: 0,5 mg/ml.
    Hướng dẫn cách sử dụng salbutamol da ng khi dung
    Một số dạng thuốc Salbutamol.

2. Salbutamol được chỉ định điều trị bệnh gì?

Salbutamol có tác dụng nhanh trong vài phút và ngắn, kéo dài trong vòng 4 – 6 giờ qua đường hít.

Thuốc được chỉ định để:

  • Điều trị triệu chứng cơn hen cấp tính.
  • Điều trị triệu chứng đợt kịch phát trong bệnh hen hoặc bệnh phế quản mạn tính tắc nghẽn còn phục hồi được.
  • Dự phòng cơn hen do gắng sức.
  • Thăm dò chức năng hô hấp để kiểm tra tính phục hồi của tắc phế quản.

\>> Xem thêm: Thuốc Seretide (salmeterol, fluticasone): Công dụng, cách dùng.

3. Chống chỉ định

Bạn không được dùng Salbutamol nếu thuộc một trong cách trường hợp sau:

  • Dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.
  • Chống chỉ định dùng phối hợp salbutamol và ipratropium bromid cho người có tiền sử mẫn cảm với lecithin đậu nành hoặc thực phẩm có liên quan đến đậu nành, đậu phộng.
  • Phụ nữ mang thai bị động thai trong 3 – 6 tháng đầu thai kì.

4. Lưu ý gì khi dùng Salbutamol

Không được dùng thường xuyên (quá 4 lần hàng ngày) Salbutamol dạng hít để điều trị duy trì bệnh hen. Nếu phải điều trị duy trì lâu dài phải điều trị bằng corticosteroid dạng hít và chỉ dùng salbutamol để điều trị cơn hen cấp.

Dùng quá mức hoặc dùng lâu dài salbutamol có thể dẫn đến nhờn (quen) thuốc. Nếu cơn hen vẫn không cắt được với liều đã từng có tác dụng trước đó, bạn cần phải được đánh giá lại vì có thể bệnh đã nặng lên, cần thay đổi cách điều trị.

Hướng dẫn cách sử dụng salbutamol da ng khi dung
Chú ý đến tình trạng co thắt phế quản (phản ứng nghịch thường) khi dùng salbutamol hít qua miệng.

  • Điều trị bằng salbutamol có thể gây giảm kali huyết gây tác dụng xấu đến tim.
  • Dùng thận trọng salbutamol cho người bị cường giáp, đái tháo đường, động kinh, bệnh tim mạch (suy mạch vành, loạn nhịp tim, tăng huyết áp…)
  • Salbutamol dạng hít có thể gây nghiện, đặc biệt đối với trẻ em, và có thể bị cấm dùng cho các vận động viên trong và ngoài thi đấu vì “doping”.

\>> Xem thêm: Bạn biết gì về bình hít khô thuốc Bricanyl (terbutalin) trong co thắt phế quản?

5. Có nên dùng Salbutamol với Phụ nữ mang thai và cho con bú

Chưa có nghiên cứu quy mô nào ở người mang thai. Tuy vậy, khi dùng salbutamol cần thận trọng. Thuốc có bài tiết vào sữa mẹ, có thể làm trẻ tim đập nhanh và tăng glucose huyết (đường huyết).

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc là gì?

Nói chung, ít gặp tác dụng phụ khi sử dụng đúng cách và đúng liều điều trị dạng khí dung.

Các triệu chứng thường gặp có thể xuất hiện:

  • Tuần hoàn: Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
  • Cơ – xương: Run đầu ngón tay.

Các triệu chứng hiếm gặp hơn bao gồm:

  • Hô hấp: Co thắt phế quản, khô miệng, họng kích thích, ho và khản tiếng.
  • Chuyển hóa: Hạ kali huyết.
  • Cơ – xương: Chuột rút.
  • Thần kinh: Dễ bị kích thích, nhức đầu.
  • Phản ứng quá mẫn: Phù, nổi mày đay, hạ huyết áp, trụy mạch.

Salbutamol dùng theo đường uống hoặc tiêm có thể dễ gây run cơ, chủ yếu ở các đầu chi, hồi hộp, nhịp xoang nhanh. Tác dụng này ít thấy ở trẻ em. Dùng liều cao có thể gây nhịp tim nhanh. Cũng đã thấy các rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn. Khi dùng dạng khí dung, có thể gây co thắt phế quản.

7. Hướng dẫn cách xử trí tác dụng phụ không mong muốn từ thuốc

Bạn cần thông báo với bác sĩ khi gặp tác dụng phụ lạ không mong muốn. Bác sĩ có thể sẽ giúp bạn thay đổi liều lượng, hoặc thay đổi thuốc nếu cần.

Có thể giảm nguy cơ gây co thắt phế quản nghịch thường bằng cách điều trị phối hợp với corticosteroid hít.

Hướng dẫn cách sử dụng salbutamol da ng khi dung
Để tránh kích thích miệng, họng, nên súc miệng sau khi hít thuốc.

8. Liều lượng sử dụng

Bạn nên tuân thủ liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nhóm liều dưới đây chỉ mang tính tham khảo và dành cho đối tượng người lớn trên 18 tuổi.

Khí dung định liều hít qua miệng:

  • Điều trị cơn hen cấp (cơn co thắt phế quản): Ngay khi có triệu chứng đầu tiên, dùng bình xịt khí dung hít 1 – 2 lần hít. Liều này thường đủ; nếu các triệu chứng không hết, có thể vài phút sau cho hít lại, cho tới 4 lần/ngày.
  • Dự phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức: Cho 2 lần hít 15 – 30 phút trước khi gắng sức.

Hít qua phun sương: Liều ban đầu đối với người lớn tối đa 2,5 mg, 3 hoặc 4 lần/ngày. Tốc độ lưu lượng máy phun được điều chỉnh để salbutamol được cung cấp trong khoảng 5 – 15 phút.

Uống: (thường ít được dùng hơn đường hít): Người lớn: 4 mg (người cao tuổi và người nhạy cảm với thuốc, 2 mg) ngày uống 3 – 4 lần; tối đa 8 mg/liều.

Tiêm và truyền tĩnh mạch liên tục: phải được thực hiện ở bệnh viện.

9. Cách dùng thuốc Salbutamol

Salbutamol sulfat có thể hít qua miệng thông qua bình xịt định liều hoặc qua khí dung. Viên giải phóng chậm salbutamol không được nhai hoặc nghiền nát.

Để đạt hiệu quả, bạn phải tuân theo sự hướng dẫn của thầy thuốc và tham khảo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Dưới đây, YouMed xin hướng dẫn bạn cách sử dụng Salbutamol bình xịt định liều:

Hướng dẫn cách sử dụng salbutamol da ng khi dung

Kiểm tra bình xịt của bạn

Trước khi sử dụng lần đầu tiên hoặc nếu bình xịt không được sử dụng trong 5 ngày trở lên, tháo nắp bình xịt bằng cách bóp nhẹ hai bên nắp, lắc kỹ bình xịt, và xịt 2 nhát vào không khí để chắc chắn rằng bình xịt hoạt động.

Sử dụng bình xịt

  1. Mở nắp bình xịt bằng cách bóp nhẹ hai bên của nắp.
  2. Kiểm tra bình xịt cả bên trong và bên ngoài, kể cả chỗ ngậm vào miệng để xem có chỗ nào bị long ra hay không.
  3. Lắc kỹ bình xịt để đảm bảo các vật lạ bị long ra đã được loại bỏ và các thành phần thuốc trong bình xịt được trộn đều.
  4. Giữ bình xịt thẳng đứng giữa ngón tay cái và các ngón khác, với vị trí ngón tay cái ở đáy bình, phía dưới của chỗ ngậm
  5. Thở ra hết cỡ đến chừng nào còn cảm thấy dễ chịu và sau đó đưa chỗ ngậm vào miệng giữa hai hàm răng và khép môi xung quanh nhưng không cắn miệng bình.
  6. Ngay sau khi bắt đầu hít vào qua đường miệng, ấn bình xịt đồng thời hít vào một cách đều đặn và sâu, càng chậm càng tốt.
  7. Nín thở, lấy bình xịt ra khỏi miệng, tiếp tuc nin thở cho đến khi còn cảm thấy dễ chịu.
  8. Nếu bạn tiếp tục xịt thêm liều khác, giữ bình xịt thẳng đứng và đợi khoảng nửa phút trước khi lặp lại các bước từ 3 đến 7.
  9. Đậy nắp bình xịt.

Vệ sinh bình xịt

Nên lau bình xịt của bạn ít nhất một lần một tuần.

10. Salbutamol tương tác thuốc nào?

Atomoxetin: Tăng nguy cơ tác dụng phụ tim mạch khi tiêm salbutamol cùng với atomoxetin.

Digoxin: Salbutamol có khả năng làm giảm nồng độ digoxin huyết tương.

Methyldopa: Tụt huyết áp cấp khi truyền salbutamol cùng với methyldopa.

Các thuốc khác: Acetazolamid, corticosteroid, thuốc lợi tiểu quai, thiazid, theophylin gây tăng nguy cơ giảm kali huyết khi dùng liều cao.

Tương kỵ: Không được pha thêm, trộn thêm bất kỳ một thứ thuốc nào khác vào salbutamol hay vào dung dịch có salbutamol dùng để tiêm truyền.

11. Cách bảo quản

Bảo quản thuốc nơi kín, tránh ánh sáng.

Nhiệt độ bảo quản:

  • Khí dung là 15 – 25oC.
  • Dung dịch phun sương là 2 – 25oC hoặc 15 – 30oC tuỳ theo nhà sản xuất.
  • Viên nén là 15 – 30oC.
  • Viên nén giải phóng chậm là 20 – 25oC.
  • Dung dịch uống là 20 – 25oC hoặc 2 – 30oC tuỳ theo nhà sản xuất.
  • Thuốc tiêm là dưới 25oC.

Dung dịch đậm đặc hít qua miệng (0,5%) phải bỏ đi nếu thấy đổi màu hoặc vẩn đục. Dung dịch để phun sương phải bỏ đi nếu biến màu.

12. Làm gì khi dùng Salbutamol quá liều?

Khi dùng thuốc quá liều, tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể biểu hiện một số các triệu chứng như: khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, bồn chồn, run các đầu chi, tim đập nhanh, loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp, co giật, có thể hạ kali huyết.

\>> Xem thêm: Thuốc Symbicort (budesonid, formoterol) trong điều trị hen suyễn và những điều cần lưu ý

Cách xử trí trong 2 trường hợp:

  • Khi ngộ độc nặng: ngừng thuốc và nhập viện ngay để được xử lý ngộ độc như rửa dạ dày (nếu dùng loại thuốc uống) và điều trị các triệu chứng.
  • Khi ngộ độc nhẹ: thường ở những trường hợp dùng salbutamol dạng khí dung với liều cao hơn nhiều so với liều cần dùng, cần phải khám ngay, thay đổi cách điều trị và có thể phải nhập viện.

Thuốc Salbutamol là một trong các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh hen phế quản. Việc sử dụng thuốc nên được dùng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Nếu bạn mắc bệnh hen suyễn, hãy khám ngay chuyên khoa Hô hấp để được bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.