Phương pháp dạy Luyện từ và câu lớp 3

Chương trình Tiếng Việt tiểu học đã sát nhập hai phân môn Từ ngữ và Ngữ pháp thành phân môn Luyện từ và câu. Cơ sở của việc sát nhập này là xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa từ và câu trong giao tiếp đồng thời coi trọng yêu cầu thực hành của môn học. Luyện từ và câu làm giàu vốn từ cho học sinh đặc biệt là hệ thống từ ngữ cung cấp cho học sinh được gắn với chủ điểm ở từng lớp nhằm tăng cường sự hiểu biết của học sinh về nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Để dạy học phân môn Luyện từ và câu có hiệu quả, giáo viên cần sử dụng các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Các thầy cô hãy tham khảo một số phương pháp dạy học sau để vận dụng trong quá trình giảng dạy nhé.

Phương pháp phân tích ngôn ngữ

Bước 1: Giáo viên nêu nhiệm vụ và phổ biến hình thức tổ chức hoạt động.

Thao tác 1: Học sinh đọc to đầu bài, cả lớp đọc thầm bằng mắt.

Thao tác 2: Giáo viên nêu nhiệm vụ: Các em hãy đọc kĩ đề bài.

Thao tác 3: Phổ biến hình thức tổ chức hoạt động [làm việc theo nhóm hoặc cá nhân].

Thao tác 4: Yêu cầu học sinh làm bài.

Bước 2: Học sinh tiến hành phân tích ngữ liệu và ghi kết quả vào vở.

Bước 3: Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả.

Thao tác 1: Giáo viên treo bảng phụ có ghi đề bài.

Thao tác 2: Học sinh báo cáo kết quả. Giáo viên dùng phấn ghi kết quả học sinh tìm được.

Thao tác 3: Học sinh cả lớp theo dõi phân tích kết quả của các bạn, nêu nhận xét bổ sung.

Bước 4: Giáo viên tổ chức cho học sinh rút ra kiến thức cần lưu ý trong bài, thông qua các câu hỏi dẫn dắt, gợi ý.

Phương pháp thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm là phương pháp học tạo điều kiện cho học sinh luyện tập khả năng mạnh dạn đưa ra các cách làm bài; giúp học sinh rèn kĩ năng phân tích bài tập và tìm câu trả lời đúng; thay đổi vị thế của học sinh trong lớp từ vị thế thụ động, tiếp thu thông tin một chiều trở thành vị thế chủ động tiếp thu thông tin đa chiều. Qua thảo luận, ngôn ngữ và năng lực tư duy của học sinh trở nên linh hoạt.

Phương pháp thảo luận nhóm rất phù hợp với các bài dạy thuộc kiểu câu Ai làm gì?. Phương pháp này tạo không khí học tập sôi nổi, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận dụng kĩ năng sử sự ghi nhớ thông tin mà giáo viên đã truyền đạt của học sinh.

Mỗi một bài tập yêu cầu khác nhau và sự biến đổi công thức đòi hỏi phải có sự hiểu biết kiến thức. Chính vì vậy, cần sự vận dụng một cách khéo léo và linh hoạt.

Phương pháp thảo luận nhóm sẽ giúp học sinh tìm ra được câu trả lời tốt nhất, sinh động nhất thông qua trí tuệ tập thể. Học sinh bên cạnh được củng cố được kiến thức, hứng thú học tập cũng được tăng cường.

Phương pháp trò chơi học tập

Trong dạy học môn Tiếng Việt, phương pháp trò chơi học tập được hiểu là hình thức học tập môn Tiếng Việt theo hứng thú vui chơi, dựa trên những bài tập trắc nghiệm.

Việc giải quyết vấn đề bài tập đặt ra nhằm để học sinh lĩnh hội, củng cố, vận dụng kiến thức, kĩ năng sử dụng các cách làm bài hay đã được học, những kinh nghiệm sống đã được tích lũy vào các bài tập một cách tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo.

Yêu cầu khi xây dựng trò chơi học tập như sau:

Về mục đích: Trò chơi phải hướng vào việc củng cố kiến thức về kiểu câu Ai làm gì?, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức trong cuộc sống thực tế.

Về nội dung: Trò chơi phải chứa nội dung về kiến thức về kiểu câu Ai làm gì? Thực chất, đây là những bài tập vui và nhẹ nhàng.

Về hình thức chơi: Các trò chơi thường được tiến hành thi theo nhóm hay cả lớp tùy vào nội dung trò chơi. Trò chơi có thể do GV hướng dẫn hoặc do HS tự tổ chức, góp phần rèn luyện tinh thần tập thể và sự hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.

Về cách chơi: Tùy hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, GV có thể tổ chức cho HS thực hiện trò chơi đơn giản [không cần chuẩn bị công phu] hay trò chơi có phần phức tạp [phải chuẩn bị trước] song phải đạt được cái đích cuối cùng là củng cố kiến thức và tăng hứng thú học tập.

Thực tế khi giảng dạy, các phương pháp trên không hoàn toàn tách biệt nhau mà có sự tương hỗ với nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, các thầy cô hãy vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhé.

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN THỐNG NHẤT

TRƯỜNG TH&THCS LƯƠNG THẾ VINH

—– *** —-

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ THEO NGHIÊN CỨU BÀI HỌC

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÁT HUY TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH LỚP 3 TRONG PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU

I. MỤC TIÊU DẠY HỌC MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU LỚP 3:

– Mở rộng vốn từ theo chủ điểm, củng cố hiểu biết về các kiểu câu [thông qua các mô hình] và thành phần câu [thông qua các câu hỏi] đã học ở lớp 2. Cung cấp cho HS một số hiểu biết sơ giản về các phép tu từ so sánh và nhân hóa [thông qua các BT].

– Rèn luyện cho HS các kĩ năng dùng từ đặt câu và sử dụng một số dấu câu.

– Bồi dưỡng cho HS thói quen dùng từ đúng, nói và viết thành câu; có ý thức sử dụng tiếng Việt văn hóa trong giao tiếp và thích học tiếng Việt.

I. NỘI DUNG DẠY HỌC VÀ CÁC HÌNH THỨC LUYỆN TẬP

1. Nội dung dạy học

a. Mở rộng vốn từ

– Ngoài những từ được dạy qua các bài tập đọc, những thành ngữ được cung cấp qua các bài tập viết, HS được mở rộng vốn từ theo từng chủ điểm [Măng non, Mái ấm, Tới trường, Cộng đồng. Quê hương, Bắc – Trung – Nam, Anh em một nhà, Thành thị – nông thôn, Bảo vệ Tổ quốc, Sáng tạo, Nghệ thuật, Lễ hội, Thể thao, Ngôi nhà chung, Bầu trời và mặt đất. Bước đầu được làm quen với một số từ ngữ địa phương thông qua các bài tập.

– Thông qua các bài tập đọc:

          + Tìm từ ngữ theo chủ điểm

          + Tìm hiểu, nắm nghĩa của từ.

          + Quản lí, phân loại vốn từ.

          + Luyện cách sử dụng từ.

b. Ôn luyện kiến thức đã học ở lớp 2

– Ôn về các từ chỉ sự vật, từ chỉ hoạt động, trạng thái, từ chỉ đặc điểm [ chủ yếu thông qua các bài tập có yêu cầu nhận diện]

– Ôn về  các kiểu câu đã học ở lớp 2: Ai là gì? Ai [ cái gì, con gì] làm gì? Ai thế nào? Các thành phần trong câu đáp ứng các câu hỏi Ai? Là gì? Làm gì? Thế nào? Ở đâu? Bao giờ? Như thế nào?  Vì sao? Để làm gì? Thông qua các bài tập:

          + Trả lời câu hỏi.

          +Tìm bộ phận câu trả lời câu hỏi.

          + Đặt câu hỏi cho từng bộ phận câu

          + Đặt câu theo mẫu, ghép các bộ phận thành câu…

– Ôn về một số dấu câu cơ bản: dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than. Thông qua các bài tập:

          + Chon dấu câu đã cho điền vào ô trống.

          + Tìm dấu câu thích hợp điền vào ô trống

          + Điền dấu câu đã cho vào chỗ thích hợp

          + Tập ngắt câu

c. Bước đầu làm quen với các biện pháp tu từ, so sánh và nhân hóa.

– Về biện pháp so sánh, SGK có nhiều loại hình bài tập như:

+ Nhận diện [Tìm những sự vật được so sánh, những hình ảnh so sánh, các vế so sánh, các từ so sánh, các đặc điểm được so sánh…]

+ Tập nhận biết tác dụng của so sánh

+ Tập đặt câu có dùng biện pháp so sánh.

– Về biện pháp nhân hóa, SGK có những loại hinh bài tập như:

+ Nhận diện phép nhân hóa trong câu; cái gì được nhân hóa? Nhân hóa bằng cách nào.

+ Tập nhận biết cái hay của phép nhân hóa, Tập viết câu, đoạn có sử dụng hình ảnh nhân hóa.

2. Biện pháp dạy học chủ yếu:

– Các bài dạy luyện từ và câu SGK Tiếng Việt lớp 3 được thiết kế tương tự như ở lớp 2 đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và phát huy tính tích cực học tập của HS. Để việc giảng dạy có hiệu quả với đối tượng HS cụ thể, ngoài việc nắm vững các kiến thức về từ và câu trong chương trình môn Tiếng Việt ở cả 2 lớp 2 và 3, GV cần lưu ý vân dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, áp dụng các kĩ thuật dạy học vào trong các tiết dạy.

2.1 Hướng dẫn học sinh làm bài tập:

a. Dạy các bài tập rèn luyện về từ:

+ Ở hầu hết các dạng bài tập mở rộng vốn từ [ theo chủ điểm,theo ý nghĩa khái quát – từ loại, theo quan hệ cấu tạo từ], bài tập giúp Hs nắm nghĩa của từ , bài tập hệ thống hóa và phân loại vốn từ, … giáo viên đều có thể tổ chức cho học sinh khai thác và phát huy vốn tiếng Việt thông qua việc thực hành luyện tập cá nhân hoặc theo cặp, theo nhóm, chuẩn bị các đồ dùng dạy học và phương tiện thích hợp như tranh ảnh, vật thật, mô hình, băng, đĩa,… bảng phụ, bảng nhóm, giấy khổ rộng, phấn hay bút dạ…] để học sinh hứng thú tham gia thực hành một cách nhẹ nhàng như tham gia các trò chơi, cuộc thi gần gũi với lứa tuổi.

b. Ôn luyện về kiểu câu và các thành phần câu:

– Về kiểu câu,biết đặt các câu Ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào?

– Về thành phần của câu, biết đặt câu hỏi cho các bộ phận câu và mỡ rộng câu bằng trạng ngữ  của câu, phụ ngữ của cụm từ.

c. Ôn luyện về một số dấu câu cơ bản: dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than ; học thêm dấu hai chấm.

       – Các hình thức luyện tập:

d. Các bài tập về từ:

a/ Loại bài tập giúp học sinh mở rộng vốn từ theo chủ điểm;

b/ Loại bài tập giúp học sinh nắm nghĩa của từ;

c/ Loại bài tập giúp học sinh quản lí, phân loại vốn từ;

d/ Loại bài tập giúp học sinh luyện tập sử dụng từ.

e. Các bài tập về câu:

– Trả lời câu hỏi;

– Tìm bộ phận trả lời trả lời câu hỏi;

– Đặt câu hỏi cho từng bộ phận câu;

– Đặt câu theo mẫu.

a] Các bài tập về dấu câu

– Chọn dấu câu đã cho điền vào chỗ trống;

– Tìm dấu câu thích hợp điền vào chỗ trống;

– Điền dấu câu đã cho vào chỗ thích hợp;

– Ngắt câu.

4. Biện pháp dạy học chủ yếu:

a] Hướng dẫn học sinh làm bài tập:

– Giáo viên giúp học sinh nắm vững yêu cầu của bài tập [bằng câu hỏi, bằng lời giải thích].

– Giáo viên giúp học sinh chữa một phần của bài tập để làm mẫu[một học sinh chữa mẫu trên bảng lớp hoặc cả lớp làm bài vào vở hay bảng con].

– Giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài tập.

– Giáo viên tổ chức cho học sinh trao đổi,nhận xét về kết quả, rút ra những điểm ghi nhớ về tri thức.

b] Cung cấp cho học sinh một số tri thức sơ giản về từ,câu và dấu câu

         Các tri thức được hình thành thông qua hệ thống bài tập và sẽ được tổng kết thành bài học ở những lớp trên.

5. Quy trình dạy học:

Hoạt động 1: Khởi động:

       Yêu cầu học sinh giải các bài tập ở nhà hoặc nêu ngắn gọn những điều đã học ở tiết trước, chơi trò chơi

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới:

5.2.1. Giới thiệu bài: Giáo viên nêu yêu cầu của tiết học,cần làm nổi bật mối quan hệ giữa nội dung tiết học này với tiết học khác.

Hoạt động 3: Hướng dẫn luyện tập thực hành:

– Tổ chức cho học sinh thực hiện từng bài tập trong SGK theo trình tự sau:

   + Đọc và xác đinh yêu cầu của bài tập.

   + Giải một phần bài tập làm mẫu.

   + Làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên bằng nhiều hình thức sao cho phù hợp với tình hình học sinh và nội dung bài tập [ theo cặp,nhóm, cá nhân].

+ Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả [bảng phụ, bảng lớp, bằng lời,…].

+ Giáo viên có thể  trao đổi thêm để học sinh giải thích, giúp các em sửa lỗi hoặc gợi ý để học sinh tự trao đổi ,nhận xét,đánh giá và góp ý cho nhau.

+ Tổng kết ý kiến của học sinh, rút ra những điểm ghi nhớ về kiến thức.

Hoạt động 4: Tìm tòi, mở rộng:

+ Chốt lại những kiến thức, kĩ năng cần nắm vững ở bài luyện tập [có thể đặt câu hỏi cho học sinh trả lời].

+ Nêu yêu cầu thực hành, luyện tập ở nhà.

+ Nhận xét tiết học.

III. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Thực trạng:
a. Về sách giáo khoa:

          Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 hiện nay nói chung và phân môn Luyện từ và câu nói riêng còn tồn tại một số điểm chưa hợp lý: mặc dù SGK đã chú trọng phương pháp thực hành nhưng những bài tập sáng tạo vẫn còn ít, đơn điệu, kiến thức dạy học sinh còn

mang tính trừu tượng nên học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình lĩnh hội các kiến thức mới.
b. Về giáo viên:
          – Trong giảng dạy giáo viên còn gặp không ít khó khăn như cơ sở vật chất, phương tiện dạy học còn hạn chế.     

          – Một số bộ phận nhỏ giáo viên vẫn chưa chú trọng quan tâm đến việc lồng ghép trong quá trình dạy học giữa các phân môn của môn tiếng Việt với nhau, để khơi dậy sự hứng thú học tập và sự tò mò của phân môn này với phân môn khác trong môn tiếng Việt.

        – Giáo viên đôi khi còn lúng túng trong việc giúp học sinh xác định yêu cầu đề bài, còn ngại tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm, theo cặp làm mất thời gian.

         – Kết hợp vận dụng một số phương pháp dạy- học chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao,phân bổ thời gian chưa hợp lí cho từng hoạt động trong mỗi tiết dạy.

         – Việc nắm nghĩa và giảng từ đôi khi còn lúng túng , chưa rõ ràng nên việc mở rộng vốn từ còn nhiều hạn chế.
c. Về học sinh:

         – Do khả năng tư duy của học sinh còn dừng lại ở mức độ tư duy đơn giản, trực quan nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế.

       – Về đặt câu của học sinh còn hạn chế dẫn còn sai nhiều, đặc biệt là học sinh chậm tiến bộ.

      –  Trong suốt thời gian các em ít chịu khó ôn tập lại các kiến thức đã học.

 IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

      Từ những thực trạng trên, qua dự giờ nhiều tiết dạy của giáo viên để nắm bắt tình hình thực tế, phát hiện những thiếu sót cần điều chỉnh theo yêu cầu. Theo dõi học sinh làm bài [thảo luận và trình bày ý kiến].Tham khảo một số tài liệu, sách hướng dẫn bài soạn, thiết kế bài dạy….Tổ chức dạy một số tiết chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học.

1.Thuận lợi:

– Giáo viên xác định đúng mục tiêu đặc trưng của phân môn nên có kế hoạch dạy – học phù hợp.

– Giáo viên luôn nhiệt tình quan tâm giúp đỡ học sinh chậm tiến bộ. Có hệ thống câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp thu cho từng đối tượng học sinh.

– Giáo viên sử dụng tốt các đồ dùng dạy học có sẵn và tự làm để phục vụ việc giảng dạy.

– Các hoạt động của thầy và trò diễn ra nhịp nhàng hơn. Thể hiện được mục đích của từng hoạt động.

– Việc vận dụng một số phương pháp thuần thục và đạt hiệu quả cao.

– Học sinh tham gia vào các hoạt động luyện tập nhiều nên kết quả tiến bộ hơn.

– Thời gian thực hiện của đa số các tiết chưa đảm bảo do phần đông học sinh còn hạn chế về việc nắm các từ khó  nên giáo viên phải dành nhiều thời gian để giúp các em rèn luyện, sửa sai.

– Đối với các lớp có học sinh chậm tiến bộ về tính chủ động, tự giác học tập của các em chưa cao do khả năng đọc và cảm thụ tiếng Việt còn hạn chế nên việc trả lời câu hỏi theo yêu cầu và hỏi đáp còn thụ động.

– Giáo viên chưa đầu tư nhiều cho tiết dạy; còn sử dụng nhiều phương pháp hỏi đáp, ít sử dụng phương pháp thảo luận theo nhóm, theo cặp.

Trên đây là phần báo cáo về phương pháp dạy học tích cực trong phân môn Luyện từ và câu cho HS lớp 3 .

                                                               Xuân Thạnh, ngày 01  tháng 12 năm 2017.

                                                                          Người viết báo cáo

                                                                          Trần Thị Huyền   

>> Xem bản PDF Chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học luyện từ và câu đầy đủ tại đây. 

>> Xem thêm: Đề Ôn Tập Cuối Học Kì II Môn Toán Lớp 1 Mới Nhất

Related

Video liên quan

Chủ Đề