Review tâm lý học tích cực

Hãy tưởng tượng cùng tôi nào!

Bây giờ bạn đi ra ngoài đường và quên mang theo Ô, bất chợt cơn mưa mùa Hạ kéo đến làm bạn “Ướt như Chuột”. Bạn sẽ suy nghĩ theo phong cách nào sau đây?

  1. Ôi, chả sao cả mình chả sợ, hãy tận hưởng cơn mưa đầu mùa nào. Ô ư, mình chả cần.
  2. Thật là chán, mình làm gì cũng đen đủi. Ôi số phận mình đã an bài rằng mình là kẻ thất bại.
  3. Ôi, chả sao cả, hãy tận hưởng cơn mưa đầu mùa NHƯNG lần sau ra đường mình sẽ luôn mang theo Ô trong cặp [Vì dính mưa có thể làm mình cảm cúm].
  4. Thật là 1 ngày đen đủi, dính mưa sẽ làm mình ốm mất thôi. Mùa Hạ tới rồi sẽ rất hay mưa, từ mai mỗi khi ra đường mình sẽ mang theo Ô.

 “Hãy để tôi cài đặt tiềm thức cho bạn!”

“Bạn tôi mách nên đọc cuốn Đắc Nhân Tâm để có cuộc sống thành công hơn. Tôi đã thử đọc và thấy cũng hay nhưng thực sự là tôi chưa áp dụng được là bao. Có lẽ tôi chưa có duyên với cuốn sách….”

“Cố vui lên nhé, không bạn sẽ thu hút nguồn năng lượng tiêu cực vây quanh bạn đó. Mình đọc cuốn Bí mật luật hấp dẫn và mình thấy rất đúng!”

Bạn sẽ thấy những review sách này tràn lan trên mọi diễn đàn, hay trong những câu chuyện giữa bạn bè, đồng nghiệp. Chắc bạn cũng giống tôi, mua cuốn sách Đắc Nhân Tâm và cố gắng đọc đi đọc lại một vài lần, để hiểu sâu sắc những lời khuyên bổ ích, cho nó “ngấm vào mình”, “là một phần của mình”… Rồi có những lúc buồn, biết là nên vui lên, nhưng không sao vui nổi, buồn đến nỗi con bạn mình nó mà nói câu “Đừng tiêu cực thế, cố mà vui lên” là mình dị ứng, mình ghét [trong khi chắc nó buồn mình chắc cũng sẽ nói câu đó] và mình nghĩ “Ai mà chả muốnvui!!!!!!! Sao mình lại yếu đuối thế!!!!!!!!!!!”.

Phong trào self-help hay self-improvement được phổ biến rộng rãi nhờ dòng sách self-help với những đầu sách phổ biến ở Việt Nam như Đắc Nhân Tâm, Bảy thói quen của người thành công, Bí mật Luật Hấp Dẫn… Những dòng sách này ĐƯỢC QUẢNG CÁO rằng sẽ giúp người đọc thành công nhanh chóng khi áp dụng theo, và dựa trên Tư duy tích cực.

Nguồn: Internet

Trong bài này, chúng ta hãy điểm qua sự khác biệt giữa Tâm lý học Tích cực và phong trào Self-Help – Tư duy tích cực.                                                                                       

Theo Jeremy McCarthy , trong khi  tư duy tích cực bắt đầu bằng giả định rằng tư duy tích cực là tốt, và dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay các giai thoại rồi ngoại suy cho các khía cạnh khác của cuộc sống như một toa thuốc chung cho một cuộc sống tốt hơn. Hầu hết các thể loại sách self-help đều xuất phát từ kinh nghiệm của tác giả, những kinh nghiệm này có thể có ích, tuy nhiên nó lại không có nhiều dữ liệu chứng minh [Wood, Perunovic & Lee, 2009].  Ngược lại, tâm lý học tích cực bắt đầu với yêu cầu khoa học. Tâm lý học tích cực đưa ra một số giả định về tư duy tích cực và nói, “hãy thử nghiệm chúng” để xem chúng có đúng hay không. Tiến sỹ Christopher Peterson cũng khẳng định rằng: Tâm Lý học tích cực là một bộ môn tâm lý học – tâm lý học là một khoa học – và khoa học yêu cầu kiểm tra lý thuyết bằng các bằng chứng xác thực. Do đó tâm lý học không được nhầm lẫn với phong trào self-help chưa được kiểm chứng. Thêm nữa, Tâm lý học tích cực trong quá trình thực nghiệm luôn tính đến sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo… sẽ ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu như thế nào. Cụ thể là, trong một nghiên cứu của Kim và cộng sự [Kim et al., 2013] khi nghiên cứu về tác động của khả năng tự nhận thức bản thân và tự đề cao bản thân tới động lực làm việc thông qua một bản khảo sát quá trình người tham gia trả lời phỏng vấn, những người tham gia bao gồm người Mỹ đến từ châu Âu, Châu Á, người Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Và kết quả họ nhận được đều ổn định và điều này nhấn mạnh tính đa văn hoá của hiện tượng này. Từ đó, tác giả khẳng định, dù phát sinh từ tri thức hay niềm tin, tự nhận thức chính xác là điều có lợi và giúp sự phát triển và an lạc hình thành trong mỗi người, phù hợp với các mục tiêu của các can thiệp tâm lý tích cực.

Nguồn: Internet

Tư duy tích cực khuyến khích nghĩ đến điều tích cực với những ý niệm như “bạn chưa giàu có, khỏe mạnh và hạnh phúc trong cuộc sống, bởi vì bạn để tâm suy nghĩ ý tiêu cực. Chỉ có cách ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực đó và tập chung vào suy nghĩ tích cực thì bạn sẽ thành công”. Ngược lại, cha đẻ của Tâm lý học Tích cực Dr.Martin Seligman [Tierney, 2011] đã khẳng định “Nếu chúng ta chỉ muốn cảm xúc tích cực, thì loài người đã tuyệt chủng từ rất lâu rồi”. Tương tự, Lopez & Snyder [2009] cho rằng “Tâm lý học tích cực là những nghiên cứu khoa học về những gì làm cho cuộc sống đáng sống nhất. Yêu cầu những nghiên cứu khoa học tâm lý và thực hành cần quan tâm tới cả thế mạnh lẫn yếu điểm cá nhân; quan tâm đến việc tạo dựng những điều tốt nhất trong cuộc sống cũng như sửa chữa điều tồi tệ nhất; và liên quan đến việc làm cho cuộc sống của những người bình thường toàn diện hơn cũng như việc chữa trị bệnh lý.” [Lopez & Snyder, 2009]. Theo Fredrickson và Losada [2005], “tích cực quá nhiều cũng phát sinh vấn đề” và “sự tiêu cực trong chừng mực có thể đóng một vai trò quan trọng” cho sự phát triển của con người. Theo đó, các tác giả xác định rằng trạng thái thăng hoa [trạng thái tối ưu nhất của sức khỏe tâm thần] tương ứng với tỷ lệ của tình cảm tích cực và tiêu cực trong khoảng 3: 1 và 13: 1, cho thấy khi vượt quá giới hạn nào đó thì cảm xúc tích cực không còn có ích nữa và rằng một người ở đỉnh cao vẫn còn trải nghiệm một số cảm xúc tiêu cực. Vậy là, rõ ràng khi ta cảm thấy tiêu cực [như ví dụ đầu bài] là hoàn toàn bình thường khi ta hiểu đó là những biểu hiện cho việc đánh giá mục tiêu đã phù hợp với bản thân hay chưa? Và điều chỉnh mục tiêu phù hợp. “Hoàn cảnh khó thăn tiết lộ tính cách”- tiến sỹ Christopher Peterson từng đề cập. Đây cũng chính là một phần trong khả năng tự đánh giá bản thân một cách chính xác mà chúng tôi đã trình bày qua trong phần I của bài viết.

Nguồn: Internet

Tư duy tích cực luôn hướng người ta nhìn tới những viễn cảnh lạc quan cho dù điều đó không được đảm bảo từ hoàn cảnh thực tiễn. Những người ủng hộ xu hướng này có thể được khuyến khích đọc to những “lời tuyên thệ” nói lên những điều mà họ mong muốn mặc dù họ không làm được như thế “Tôi có thể kiếm một trăm triệu một năm!”. Tâm lý học tích cực, ngược lại, nghiên cứu tại sao chủ nghĩa lạc quan sẽ có lợi trong một vài tình huống cụ thể [trong khi ở một số hoàn cảnh khác, thì nó lại không có lợi]. Thông thường các nhà nghiên cứu Tâm lý học Tích cực không khuyến khích chủ nghĩa lạc quan trong mọi tình huống. Thay vào đó, như Fredrickson và Losada [2005] đã nhấn mạnh rằng “tính tích cực phải vừa hợp lý vừa chân thật” hay Sandra Schneider khi nói về “chủ nghĩa lạc quan thực tế” cũng đề cập cố gắng nhìn nhận vấn đề thật sự thực tế, nhưng điều tinh tế là khi đánh giá về ý nghĩa của tình huống đó, hãy ủng hộ những giả định tích cực sẽ giúp cho bản thân mỗi người có trạng thái sức khỏe tâm thần tốt hơn. Đồng thời, chính tính tích cực vừa hợp lý vừa chân thật đó tạo điều kiện cho trạng thái dòng chảy- flow, những khoảnh khắc chúng ta tận hưởng một loạt các hoạt động tối ưu. Về trạng thái dòng chảy – flow và chánh niệm – mindfulness, mời các bạn tìm đọc những bài riêng trên Page về chủ đề này.

Để thay cho lời kết, chúng tôi xin lấy câu trích dẫn này “Positive Psychology is not a self-help movement or a re-packaging of “the power of positive thinking.” It is not American-style “happy-ology,” and it is not a passing fad. Positive Psychology is a science that brings the many virtues of science – replication, controlled causal studies, peer review, representative sampling [to name a few] – to bear on the question of how and when people flourish.” [Robert Biswas-Diener, 2008]

——————-

Người biên soạn: Trần Thanh Hoa
Bản quyền dịch: Nhóm Cánh Diều

Tham khảo:

Positive psychology interventions and self-perceptions: A cautionary tale [ Kasley M.Killam, & Young-Hoon Kim] – The Wileyblackwell handbook of positive psychology interventions – Sổ tay can thiệp Tâm lý học tích cực

//positivepsychologyprogram.com/positive-psychology-criticism/

//psychologyofwellbeing.com/201209/the-difference-between-positive-thinking-and-positive-psychology.html

//www.psychologytoday.com/us/blog/the-good-life/200805/what-is-positive-psychology-and-what-is-it-not

//www.positivepsychologyinstitute.com.au/what_is_positive_psychology.html

View all posts by canhdieuproject

Video liên quan

Chủ Đề