So sánh màn hình super amoled với ips lcd

Trong giới sản xuất smartphone luôn tồn tại một cuộc “chạy đua ngầm” về màn hình hiển thị và có những lúc được đẩy thành cao trào khi nổ ra tranh luận xem loại màn hình nào là tốt nhất!? Trước đây, có hai loại màn hình OLED và TFT là những “nhân vật chính” có mặt ở hầu hết các dòng điện thoại Android. Tuy nhiên, sự ra đời của AMOLED và IPS LCD với nhiều ưu điểm cải tiến đã tạo nên “cuộc cách mạng”, thay thế hoàn toàn cho OLED và TFT. Vì thế, trên thị trường hiện nay chỉ còn hai cái tên AMOLED và IPS LCD thống trị màn hình hiển thị cho các dòng smartphone. Các nhà sản xuất cũng khai thác triệt để ưu nhược điểm của hai loại màn hình này để nâng vị thế của hãng và “dìm” đối thủ cạnh tranh. Vậy thực hư ưu nhược điểm của từng loại màn hình là như thế nào? Bạn có thực sự đang cầm trong tay chiếc điện thoại với màn hình tốt nhất?

Màn hình Super AMOLED

So sánh màn hình super amoled với ips lcd

AMOLED là công nghệ màn hình phát triển từ OLED, sử dụng các diode phát quang hữu cơ (tự phát sáng) và không cần đèn nền. Cũng bởi cơ chế tự phát sáng nên màn hình AMOLED có một số ưu điểm nổi trội hơn so với màn hình IPS LCD. Đầu tiên cần kể tới là khả năng tiết kiệm pin của màn hình AMOLED hơn hẳn so với màn hình IPS LCD. Thứ hai là về độ mỏng, các thiết bị sử dụng màn hình AMOLED có bề mỏng vô cùng ấn tượng nhờ vào thiết kế không sử dụng đèn led.

Tuy nhiên, AMOLED không phải là không có nhược điểm. Thế hệ đầu tiên của màn hình AMOLED hiển thị sắc màu không chính xác và nét như màn hình IPS LCD. Nhưng rất nhanh chóng, Super AMOLED ra đời sau đó đã khắc phục nhược điểm này và đạt mức hiển thị màu sắc chính xác và đẹp hơn. Độ tương phản trên màn hình Super AMOLED cũng sắc nét hơn hẳn so với IPS LCD. Ngược lại, khả năng xem hình ngoài trời của IPS LCD lại tỏ ra vượt trội hơn so với AMOLED bởi lợi thế đèn nền.

Màn hình IPS LCD

So sánh màn hình super amoled với ips lcd

Trước đây, smartphone sử dụng TFT – một dạng màn hình hiển thị LCD có chung nhược điểm là thời gian phản hồi cảm ứng chậm. Khắc phục nhược điểm này, IPS ra đời đã cải thiện đáng kể tốc độ tương tác màn hình. Bên cạnh đó, màn hình TFT cũng bị hạn chế góc nhìn, không có khả năng nhìn rộng. Ngược lại, màn hình IPS cho hình ảnh sắc nét từ mọi góc. Vì thế, người dùng điện thoại màn hình IPS có thể quan sát ảnh từ mọi phía vẫn cảm nhận được hình ảnh và màu sắc như nhau, không bị sai lệch màu. Chưa hết, màn hình IPS còn tự hào bởi khả năng hiển thị chi tiết vô cùng sắc nét và màu sắc chân thực hơn so với màn hình AMOLED. Tuy nhiên, nếu người dùng không phải là các chuyên gia công nghệ, mà chỉ dùng ở mức sử dụng phổ thông thì sự khác biệt về khả năng hiển thị giữa IPS và AMOLED cũng không quá đáng kể.

Bên cạnh những lợi thế về hiển thị, IPS cũng có những nhược điểm nhất định. Do vẫn sử dụng đèn nền để chiếu sáng cho các điểm ảnh nên một chiếc điện thoại sử dụng màn IPS cần ít nhất 3 lớp: lớp cảm ứng, lớp hiển thị và lớp đèn nền. Vì thế, các loại điện thoại này có bề dày “dày dặn” hơn hẳn so với các điện thoại sử dụng công nghệ AMOLED. Bên cạnh đó, những tín đồ của các các smartphone tiết kiệm pin chắc hẳn sẽ không ủng hộ lớp đèn LED của màn hình IPS vốn có tiếng là “ngốn” nhiều pin.

Xét về tổng thể, màn hình công nghệ Super AMOLED hiện có nhiều ưu điểm hơn so với màn hình IPS LCD. Tuy nhiên, cán cân này được kỳ vọng là sẽ đổi chiều khi công nghệ màn hình IPS + ra đời. Chắc hẳn khi đó, giới công nghệ sẽ có nhiều điều để so sánh về hai loại màn hình hiển thị hiện đại nhất. Hãy cùng chờ xem!

Độ phân giải của màn hình hiển thị

So sánh màn hình super amoled với ips lcd

Độ phân giải của màn hình là thông số cho biết số lượng điểm ảnh (pixel) được đặt trên lớp màn hiển thị. Thông thường, bạn sẽ thấy độ phản giải được viết dạng như 1080 x 1920. Trong đó, con số đầu là biểu thị cho chiều rộng và số tiếp theo là biểu thị cho chiều dài. Từ thông số này, bạn sẽ biết được màn hình có bao nhiêu điểm ảnh.

Khi nói đến các loại màn hình hiển thị của điện thoại Android, có một vài “thuật ngữ” được sử dụng để thay thế cho dãy số dài x rộng truyền thống của độ phân giải. Dưới đây là danh sách những độ phân giải phổ biến đã được thuật ngữ hóa:

  • - 720p – độ phân giải 480 x 720 pixel
  • - HD – độ phân giải 1080 x 1920 pixel
  • - Quad HD – độ phân giải 1440 x 2560 pixel
  • - 4K – độ phân giải 3840 X 2160 pixel

Trong năm 2015, hầu hết các dòng điện thoại cao cấp đều cho ra mắt điện thoại có độ phân giải nằm trong khoảng từ HD và Quad HD giúp màn hình hiển thị của điện thoại sáng và rõ nét. Vì lẽ đó, những màn hình có độ phân giải dưới chuẩn HD dần trở nên “lỗi mốt” bởi không đáp ứng được yêu cầu hiển thị ảnh sắc nét và sống động. Với những ai quan tâm đến chất lượng hiển thị thì những thông số trên thực sự đóng vai trò vô cùng quan trọng khi chọn mua một chiếc điện thoại mới. Ngược lại, việc cân nhắc giữa màn hình IPS hay AMOLED không mang tính quyết định cho một chiếc điện thoại có màn hình hiển thị tốt. Thông tin về loại màn hình có lẽ chỉ hữu ích với những ai cực kỳ quan tâm về cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các hãng.