Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu những gì trong việc đôn đốc sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp? – Ngọc Thắng (Quảng Nam)

Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2023

Đôn đốc sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 21/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn 9734/BKHĐT-PTDN về việc đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 1479/QĐ-TTg.

Đôn đốc sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để đẩy mạnh công tác sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công văn 1026/TTg-ĐMDN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trương tổ chức thực hiện kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước như sau:

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong đó, theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022, trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ sau:

(i) Quyết liệt thực hiện cổ phần hoá, đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp được liệt kê tại Mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 1479/QĐ-TTg;

(ii) Đẩy nhanh thực hiện thoái vốn theo lộ trình được phê duyệt đối với các doanh nghiệp nêu tại Mục 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định 1479/QĐ-TTg.

Trường hợp thuộc diện thoái vốn trong giai đoạn 2022-2023, phấn đấu hoàn thành thoái vốn ngay trong năm 2023. Trường hợp không đảm bảo tỷ lệ theo khung hoặc/và không thực hiện được trong giai đoạn này do nguyên nhân chủ quan, đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp;

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo tỷ lệ theo quy định tại Quyết định này trong giai đoạn 2024-2025, mục tiêu đến năm 2025 đạt được tỷ lệ như đề xuất.

(iii) Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương sắp xếp đối với các doanh nghiệp quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định 1479/QĐ-TTg (đối với các Bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nội dung này).

(iv) Chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn sớm hơn lộ trình được phê duyệt, đảm bảo công khai, minh bạch và đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nộp tiền thu về NSNN theo đúng quy định.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

- Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về công tác triển khai và kết quả thực hiện.

Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm gửi báo cáo về tình hình thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp theo Quyết định 1479/QĐ-TTg đến Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 10/2023, có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, gồm 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính; Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng và 43 doanh nghiệp thuộc các địa phương.

Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn cũng rất chậm khi 10 tháng của năm 2023, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết: Căn cứ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cụ thể, tập trung rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Tài chính liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan nhất là người đứng đầu...