Cách đánh giá đoạn thơ đây thôn vĩ dạ năm 2024

Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ mới. Tuy nhiên, đối với học sinh THPT, việc tiếp nhận một tác phẩm có tính chất mơ hồ, đa nghĩa dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong đó không tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc và hồ nghi về một cách hiểu bài thơ cho đúng hướng. Đặc biệt là đối với một tác phẩm có nhiều lời bàn luận như bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Ở bài viết này, tôi xin được nhấn mạnh vào một hướng tiếp nhận bài thơ giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta thấy có rất nhiều cách hiểu về bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ”. Có người cho đó là lời bày tỏ tình yêu. Có người cho là bài thơ tả cảnh thôn Vĩ Dạ. Có người gọi là bức tranh xứ Huế. Và học sinh dễ kết luận là tác giả đang viết về mối tình với nhân vật Hoàng Thị Kim Cúc xuất phát từ phần tiểu dẫn. Sau phần đọc văn bản có em đặt câu hỏi: “Sao anh không về chơi Thôn Vĩ? Đó là lời của Hoàng Thị Kim Cúc hỏi nhà thơ? Khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt của đàn ông hay phụ nữ? Hoặc có em còn băn khoăn “áo em trắng quá” là áo của cô gái đã gửi bưu ảnh cho nhà thơ… Và cuối cùng cho rằng tác giả đang làm thơ cho người tình xưa.

Để giúp các em hiểu về bài thơ đúng hướng cần dựa trên những nền tảng, cơ sở:

Cảm thụ một tác phẩm văn chương là cảm thụ một chỉnh thể và là một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của cá nhân thi sĩ. Tác phẩm là con đẻ tinh thần của tác giả. Ở bài thơ này cần nhấn mạnh mấy điểm sau:

Ở phần giới thiệu về Hàn Mặc Tử chúng ta khắc sâu cho học sinh về cuộc đời, con người Hàn Mặc Tử với hai điểm:

Ông là tác giả thơ mới. Là cái tôi lãng mạn thường đòi hỏi cuộc sống một cách cầu toàn. Các thi sĩ thường nhìn cuộc sống bằng tất cả tình yêu mãnh liệt mê say nhưng cuộc sống vốn không phải khi nào cũng đáp lại những tình cảm đó cho nên dễ rơi vào thất vọng bi quan.

Mặt khác, vì ở Việt nam tư tưởng Nho giáo ăn sâu bám rễ trở thành thâm căn cố đế, nên lúc bấy giờ người đọc chưa dễ dàng đón nhận những tư tưởng cách tân táo bạo mới mẻ hiện đại của Thơ mới khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn “Mất chiều rộng ta đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh”.

Đặc biệt ở Hàn Mặc Tử, ông có cuộc đời quá ngắn ngủi, cho nên luôn khát khao giao cảm với cuộc sống một cách mãnh liệt theo một cách riêng. Hồn thơ Hàn Mặc Tử luôn quằn quại đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé dữ dội giữa linh hồn và xác thịt. Linh hồn muốn thoát khỏi xác phàm để bay tới cõi siêu nhiên sáng láng, thơm tho tinh khiết, nhưng thực ra vẫn gắn bó với cuộc đời, với con người bằng tình yêu trần thế.Trong một thời gian hữu hạn nhưng nhà thơ lại muốn ôm trọn cuộc sống này do vậy ông tự tạo cho mình một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái. Và trong thế giới đó thi sĩ nhiều khi lại sáng tạo nên những hình ảnh tuyệt mỹ và hồn nhiên trong trẻo lạ thường. Chẳng hạn: Mùa xuân chín; Đây Thôn Vĩ Dạ.

Đọc bài thơ Đây thôn Vĩ dạ, chúng ta thấy có mấy lớp nghĩa: Tả cảnh - tả người - tả tình, bộc bạch nỗi niềm… Và làm hiện lên bức tranh có vẻ đẹp chói ngời. Vậy sự chung đúc ở bài thơ đó là biểu hiện của tiếng lòng Hàn Mặc Tử với nhiều nét nghĩa phức tạp, đa thanh.

Từ đó Gíáo viên và Học sinh cùng phân tích làm nổi rõ những ý sau:

Khổ 1, Cảnh Vĩ Dạ trong tâm tưởng

Bài thơ bắt đầu bằng câu hỏi:

Sao anh không về chơi Thôn Vĩ ?

Đây là câu hỏi của ai? Là lời của người xưa được tác giả nói hộ, là lời trách móc hờn dỗi, là lời mời mọc, là lời tự phân thân của tác giả tự trách mình. Và đằng sau lời trách đó còn là niềm tiếc nuối, nỗi tủi hờn. Không về lại Thôn Vĩ, không về lại, thậm chí không thể trở về cảm nhận cuộc sống đã đi qua với biết bao vẻ đẹp và kỷ niệm.

Từ đó lời thơ tuôn trào, với niềm đam mê cảnh cũ - người xưa

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Nắng ban mai: Đẹp, tinh khôi. Vườn ai “mướt quá”. Vườn “ai” - Vườn trong tâm tưởng, “mướt quá” đó là khu vườn xanh - trong - tươi mới, màu dịu nhẹ nhưng chứa đựng sức sống như được dồn nén để phôi thai.

Cảnh đẹp vì có người

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Mặt chữ điền. Khuôn mặt vuông vức, đẹp, phúc hậu. Theo quan niệm dân gian khuôn mặt được che bởi nhưng lá trúc càng kín đáo bí ẩn.

Khuôn mặt con người là sự hiện diện của chủ nhân bức tranh cuộc sống. Đó có thể là khuôn mặt của con người Vĩ Dạ thân quen, cũng có thể là khuôn mặt của con người đồng loại, gương mặt của con người trở về trong hoài niệm trai tráng đẹp đẽ, phúc hậu gợi nhắc một lần Hàn Mặc Tử về thăm Vĩ Dạ nhưng chỉ đứng ngoài không dám bước vào… Chi tiết làm cho bức tranh Vĩ Dạ thêm nét đẹp dịu nhẹ, kín đáo, bí ẩn nhưng giàu sự sống. Vẻ đẹp này được nhìn qua tâm tưởng của người gắn bó quê hương nhung không có dịp trở về và cũng không hi vọng trở về nên nó hiện ra càng lung linh. Một vẻ đẹp được ánh xạ qua lăng kính của một hồn thơ yêu cuộc sống nhưng không có thời gian để tận hưởng hết vẻ đẹp của nó nên nó càng trở nên xa xôi, trở nên đẹp lạ kỳ.

Khổ 2, Tâm trạng con người qua cảnh

Gió theo lối gió mây đường mây

Gió - mây có sự tách vỡ, chia lìa, lẻ loi.

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Dòng nước buồn thiu là dòng nước mang nỗi buồn tâm trạng con người.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Thuyền, bến, sông, trăng. Không gian của dòng nước vào đêm trăng gợi về không gian rộng, mênh mông.

Sông trăng là cách diễn đạt mới, hiện đại, không gian đẹp vừa gợi tả vừa gợi hình, ánh trăng rọi chiếu xuông dòng sông biến dòng sông trở thành dòng sông trăng lung linh huyền hồ. Đó cũng chính là dòng sông cuộc đời đẹp và đáng yêu. Ta liên tưởng ý thơ của Xuân Diệu xem cuộc đời là một thiên đàng ngay trên mặt đất, một mâm cỗ thời trân thức thức sẵn bày.

Có chở trăng về kịp tối nay?

Câu hỏi thảng thốt thể hiện sự lo sợ, gấp gáp. Tối nay là thời gian xác định nhưng chẳng rõ là tối nào? Nhưng đó phải là thời gian gần nhất. Từ “kịp” diễn tả thời gian của sự lo sợ gấp gáp. Lưu ý rằng, Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là một hình tượng trở đi trở lại, Hàn Mặc Tử yêu Trăng, đuổi theo Trăng, nhảy xuống giếng vớt Trăng lên. Trăng trở thành tri kỷ, trở thành một nỗi đam mê.

Trăng trong thơ ông chính là vẻ đẹp cuộc sống ngoài kia được ấp ủ, được quy tụ, dồn nến, được thanh lọc, được toả sáng.

Vậy nêu câu hỏi có chở trăng về kịp? hay có kịp về để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống trong thời gian gần đây hay không? Nhà thơ có còn kịp về để tận hưởng vẻ đẹp viên mãn thanh bình hay không? Câu thơ gợi về ảo giác diễn đạt niềm tiếc nuối vô hạn cuộc sống. Cũng chính là nỗi xót đau và khát khao cháy bỏng của nhà thơ được cảm nhận hết vẻ đẹp của cuộc sống ở chiều sâu tinh tế nhất.

Khổ 3, Nỗi thất vọng

Mơ khách đường xa khách đường xa

Khách đường xa là ai? Là người xưa, là cái tôi tác giả phân thân, càng thấy cuộc sống đẹp xưa xa mờ, khuất nẻo.

Hình ảnh “áo em”. Em là đại từ phiếm chỉ. Áo của giai nhân hay vẻ đẹp một thời trở về trong tâm tưởng; “trắng quá” - màu trắng tà áo dài thanh khiết của một thời nữ sinh Đồng Khánh trở về trong hoài niệm, trong sự đánh thức quá khứ thời trai trẻ. Nhìn không ra - vì đó là màu của tâm tưởng của hoài niệm nó làm mờ nhoè cảm xúc không rõ, không minh định được.

Ở đây, là nơi tác giả đang ở, nơi xa cách vườn Vĩ Dạ xưa. Là khi nỗi lòng tác giả đang nặng trĩu suy tư và tiếc nuối về không gian thôn Vĩ.

Sương khói mờ nhân ảnh: Không gian bị bủa vây bởi hiện tại đầy bi kịch. Sương khói hay màu của thời gian đã phủ mờ, che lấp quá khứ. Hay đó là niềm xót xa tiếc nuối làm xoá mờ mọi ranh giới của một hồn thơ yêu cuộc sống.

Ai biết tình ai có đậm đà? Câu hỏi day dứt diễn tả niềm tiếc nuối, băn khoăn, và là lời nhắn nhủ con người, lời khát khao con người hãy đậm đà tình cảm. Đó còn có thể hiểu là trạng thái tuyệt vọng, lời van lạy, hờn dỗi, trách móc, của một trái tim yêu đời yêu người mà chỉ nhận về những hờ hững, khơi trêu. Đó cũng còn là nỗi âu lo khi lòng người đổi thay và rơi vào sự lạc lõng.

Vậy, xét cho cùng “Đây thôn Vĩ Dạ” là tiếng nói khát khao giao cảm với người với cuộc sống với đồng loại. Niềm khát khao giao cảm của Hàn Mặc Tử được gửi qua thế giới cuộc sống trong tâm tưởng, nó hiện lên đẹp đẽ, chói ngời, tinh khiết sáng láng hơn bao giờ hết.

Và chúng ta cần khẳng định rằng, vẻ đẹp bức tranh phong cảnh, tình người Vĩ Dạ là tiếng lòng, là hồn thơ, là tài năng Hàn Mặc Tử thăng hoa. Và đó chính là niềm yêu đời tha thiết mãnh liệt của một hồn thơ đầy bi kịch và rất đỗi cô đơn.

Biết bao ý kiến bàn luận, nhưng bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và ẩn chứa bên trong bao điều mới mẻ, trắc ẩn. Tôi cho rằng giữa rất nhiều ý kiến thì tác giả Chu Văn Sơn đã đưa ra ý kiến xác đáng “Muốn thấu đáo tác phẩm, dứt khoát phải am tường tác giả”. Và ông nói tiếp “Trong nhiều điều cần soi sáng thôn Vĩ Dạ, không thể không nói đến một “Tình yêu tuyệt vọng”, “Lối thơ điên” và “Lớp trầm tích những biểu tượng”.

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ mới, yêu đời ham sống nhưng bi quan, bế tắc. Nếu Xuân Diệu có cách thể hiện vội vàng cuống quýt đến cuồng nhiệt thì Hàn Mặc Tử nhìn cuộc sống bằng ảo giác để tạo ra một thế giới cuộc sống trong trẻo lạ thường. Nơi đó ông sẽ cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn, viên mãn, trong khoảnh khắc thời gian hữu hạn.

Yêu đời, yêu cuộc sống như Hàn Mặc Tử cũng là một khát vọng đầy nhân bản đáng được trân trọng nâng niu. Thơ là tiếng lòng của thi sĩ. Trong thơ ranh giới giữa hiểu được và không hiểu là rất mong manh: “Khả giải bất khả giải chi nan”. Nhưng chính Gíáo sư Trần Đình Sử cũng khẳng định: “Nhờ sự mơ hồ bí ẩn ấy mà thơ ca đưa con người vào những cuộc tìm tòi bất tận". Và chính điều đó tạo nên sức hấp dẫn riêng, tạo nên hiện tượng thơ Hàn Mặc Tử./.