Chữ nôm ra đời có ý nghĩa như thế nào

Lượt xem: 5.752

Tác giả: Tiến sĩ TRẦN TRỌNG DƯƠNG
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

     Việt Nam cũng như các nước Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn hoá Hán, đã sử dụng chữ Hán và tiếng Hán trong một thời gian rất dài. Ở Việt Nam, chữ Hán có mặt từ sớm, có thể kể từ những thế kỷ trước Công nguyên. Từ năm 939 trở về sau, khi Việt Nam giành được độc lập, chữ Hán vẫn được thịnh hành và khẳng định vị trí quan trọng của nó trong đời sống chính trị, văn hoá, xã hội của người Việt. Chữ Hán trở thành một phương tiện quan trọng để nâng cao dân trí, thi cử, đào tạo nhân tài và phát triển văn hoá dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Từ chất liệu chữ Hán, người Việt sáng tạo ra các loại chữ Nôm, và thứ văn tự này được sử dụng và phát triển trong đời sống văn hoá của các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.

     Chữ Nôm là khái niệm dùng để chỉ các loại văn tự khối vuông được xây dựng trên cơ sở chất liệu chữ Hán (các chất liệu gồm có: tự dạng, âm đọc, phương thức kết hợp, phương thức dùng chữ) để ghi lại một số ngôn ngữ của các dân tộc cư trú tại lãnh thổ Việt Nam. Văn tự khối vuông dùng để ghi ngôn ngữ của người Việt (Kinh) thì gọi là Chữ Nôm Việt; văn tự dùng để ghi lại tiếng Tày gọi là Chữ Nôm Tày, loại văn tự dùng để ghi lại tiếng Ngạn gọi là Chữ Nôm Ngạn, loại văn tự dùng để ghi lại tiếng Dao gọi là Chữ Nôm Dao. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tiến hành nghiên cứu chữ Nôm Việt (gọi chung là chữ Nôm) ở các khía cạnh lịch sử, cấu trúc và vị trí của thứ văn tự này trong bối cảnh văn hóa- văn tự của khu vực Đông Á.

1. Vấn đề nguồn gốc của chữ Nôm

     Vấn đề đầu tiên đặt ra cho bất cứ ai muốn học tập, tìm hiểu chữ Nôm vẫn là câu hỏi “Chữ Nôm có từ bao giờ?” Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chữ Nôm đã đưa ra nhiều giả thuyết. Hầu hết các giả thuyết đều được hình thành trên cơ sở các hệ tiêu chí khác nhau với những cứ liệu về chứng tích, ngôn ngữ, văn tự khác nhau, ấy là chưa kể đến các yếu tố văn hóa xã hội và lịch sử chi phối. Từ cái nhìn tổng quan, các các giả thuyết được xây dựng trên hai hệ tiêu chí. Thứ nhất là yếu tố ngôn ngữ – văn tự (cụ thể là âm Hán Việt, văn tự,…), có thể coi đây là giả thuyết được xây dựng theo cứ liệu “nội chứng”. Ngược lại với nó là giả thuyết được xây dựng theo những cứ liệu “ngoại chứng” (gồm các tư liệu của lịch sử, văn hóa dân gian: truyền thuyết, huyền thoại…). Tuy nhiên, đây không phải là bài tổng thuật, mà chỉ tiến hành giới thiệu những thành tựu nghiên cứu mới nhất về loại văn tự này.

     Với những kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua, đến giờ các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng, chữ Nôm là sản phẩm được hình thành trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, sau khi người Việt tách khỏi sự cai trị của nhà Đường. Có ba tiêu chí sau đây. Đó là sự hình thành tiếng Việt, bên cạnh đó là hình thành cách đọc Hán Việt và việc tìm thấy văn bản chữ Nôm ghi tiếng Việt vào thế kỷ XII. Đây là ba cứ liệu quan trọng cho phép thời điểm xuất hiện của chữ Nôm. Cụ thể chúng tôi xin trình bày như sau.

     1.1. Sự hình thành tiếng Việt- tiền đề của chữ Nôm Việt

     Như trên đã nói, chữ Nôm là thứ văn tự dùng để ghi âm tiếng Việt. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để xác định quãng thời gian xuất hiện chữ Nôm phải là sự ra đời của ngôn ngữ mà nó ký tái.

     Theo giới ngôn ngữ học Việt Nam hiện nay, Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường, tiểu chi Việt Chứt, nằm trong khối Việt Katu, thuộc khu vực phía đông của ngành Mon-Khmer, họ Nam Á. Tiếng Việt có lịch sử chỉ khoảng hơn 12 thế kỷ1. Sự ra đời của tiếng Việt là hệ quả của những quá trình tiếp xúc và phân tách ngôn ngữ. Sự tiếp xúc với người Hán, tiếng Hán, văn hoá Hánđã xảy ra trước khi Triệu Đà xâm lược, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm vẫn là sự tiếp xúc trực tiếp trong suốt 1000 năm Bắc thuộc. Ảnh hưởng của tiếng Hán, nền văn hoá Hán không tỏ ra đồng đều trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Ảnh hưởng đó ở vùng phía bắc sâu đậm hơn ở vùng phía nam, ở vùng đồng bằng sâu đậm hơn ở vùng núi. Chính vì vậy, sự khác biệt vốn đã có giữa nhóm Pọng Chứt và nhóm Việt Mường ngày càng rõ nét và cuối cùng đã phân hoá thành hai nhóm ngôn ngữ cách đây từ 2000 đến 2500 năm. Trong nội bộ nhóm Việt-Mường về sau lại phân hoá thành tiếng Việt ở miền châu thổ sông Hồng và tiếng Mường ở miền thượng du Hoà Bình, Sơn La, Phú Thọ và một số nơi khác. Sự phân hoá này diễn ra cách đây 1200 năm vào thế kỷ VIII- IX. Như vậy, khái niệm “tiếng Việt” chỉ có thể dùng để trỏ tiếng Việt từ khi nó tách khỏi nhóm Việt- Mường chung. Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy, thời điểm ra đời của tiếng Việt là ngưỡng thời gian quan trọng nhất để tiến hành xác định thời gian hình thành của chữ Nôm. Nói cách khác, những giả thuyết coi chữ Nôm xuất hiện trước thế kỷ VIII-IX đều là không có cơ sở về mặt ngôn ngữ học và lịch sử dân tộc. Chúng tôi cho rằng, chữ Nôm cũng chưa thể ra đời song song đồng thời cùng với tiếng Việt mà cần phải có độ lùi sau đó một chút khi tiếng Việt đã thực sự tách khỏi tiếng Việt Mường và cách đọc Hán Việt đã khá ổn định. Chính vì thế, tiếp dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến cách đọc Hán Việt với tư cách là một điều kiện quan trọng khác cho sự hình thành chữ Nôm.

     1.2. Cách đọc Hán Việt với sự hình thành chữ Nôm

     Chữ Nôm được cấu tạo với những chất liệu mượn từ chữ Hán đọc theo âm Hán Việt (AHV) được hình thành vào sau đời đời Đường trên cơ sở cách đọc chữ Hán của người bản địa tại Giao Châu, tạm gọi là tiếng Hán Giao Châu (Annamese Middle Chinese)2. Do đó, một số học giả đã coi sự hình thành AHV là tiền đề cần thiết cho sự xuất hiện chữ Nôm. Những người đầu tiên đi theo hướng này là H. Maspero3, Trần Kinh Hòa4, Mineya Toru5, Nguyễn Khắc Kham6, Rokuro Kono7 và Nguyễn Tài Cẩn8. Trần Kinh Hòa cũng đã nêu ra bốn tiêu chí để nhận định về thời điểm hình thành chữ Nôm: 1.Niên đại hoàn bị của khải thể chữ Hán. Vấn đề này Văn Hựu đã đề cập đến và Trần Kinh Hòa nhắc lại: “sự hình thành chữ Nôm tuy không nhất quyết là phải sau thế kỷ XIV, nhưng sự thật là nó cũng không thể có từ thời cổ đại, bởi những “bộ thủ” mà chữ Nôm mượn dùng đều thuộc về thành phẩn Khải thể của chữ Hán – là thời kỳ cách xa lối Lệ thể đã lâu”; 2. Sự biến đổi của ngữ hình tiếng Việt (hay thời điểm tiếng Việt tiếp thu các từ Hán Việt.) Trần Kinh Hòa dựa trên những thành quả nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Việt và âm Việt độc (âm Hán Việt) của J.Przyluski9 và đặc biệt của H.Maspéro10 để nhận định rằng chữ Nôm ít nhất phải ra đời sau khi tiếng Hán trở thành tử ngữ ở Việt Nam vào quãng vương triều nhà Lý; và 3.Sự xuất hiện của các loại chữ Hình thanh, còn các chữ Bố Cái11 chỉ là dùng từ Hán giả tá để ghi âm mà thôi; 4.Người Việt đã giành được tự chủ. Ông cho rằng chữ Nôm xuất hiện vào thời Lý. Vì theo ông, AHV được hình thành vào thời này cùng với sự chỉnh đốn vận động văn hóa, sự thiết lập chế độ khoa cử thời Lý và “ta vẫn có thể khẳng định rằng cuối thế kỷ XIII phong trào “quốc âm thi” đồng thời là phong trào thịnh hành của chữ Nôm, ít nhất trong thời kỳ ấy, chữ Nôm đã phát triển và đạt tới hình thái đủ cho các sĩ tử sử dụng để làm thơ quốc âm”12

     Đào Duy Anh là người tiếp tục hướng nghiên cứu này. Ông cho rằng chữ Nôm được đọc dựa trên chữ Hán đọc theo AHV: “Quá trình ổn định của âm Hán- Việt có thể bắt đầu ngay từ thời họ Khúc dấy nghiệp (905) mà tiếp diễn trong thời gian đầu của thời tự chủ. Nhưng âm Hán – Việt bắt đầu ổn định không có nghĩa là chữ Nôm đã xuất hiện ngay từ đấy… Do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới các triều Đinh Lê và đầu Lý, chữ Nôm đã xuất hiện”13. Ông dẫn 24 chữ Nôm ghi tên làng trong tấm bia Báo Ân thiền tự bi kí ở chùa Tháp Miếu huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phú (1210) làm minh chứng14.

     Nguyễn Tài Cẩn và N. Xtankevic so sánh hai hệ thống ngữ âm tiếng Hán và AHV, căn cứ vào thanh mẫu và vận mẫu để chứng minh rằng AHV tương ứng với âm đời Đường – Tống. Trước hết, Nguyễn Tài Cẩn trong chuyên luận Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việtgiả xác định thời điểm định hình của AHV như sau: “Theo ý chúng tôi thì sớm nhất cũng phải từ đầu thế kỷ XI trở đi, thì những sự Việt hóa trong cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, cộng thêm vào với những sự thay đổi ở trong bản thân tiếng Hán (…) mới đủ tạo ra được một quãng cách đáng kể giữa cách đọc chữ Hán của người Hán và người Việt, làm cho hai bên không thể trực tiếp nghe, hiểu được nhau nữa. Nói một cách khác thì cũng phải từ đầu thế kỷ XI trở đi thì cách đọc Hán Việt mới tách hẳn ra thành một lối đọc độc lập với cách đọc ở Trung Nguyên, và tồn tại độc lập với tư cách là một hệ thống đọc riêng biệt của người Việt”15. Những kết quả nghiên cứu của ông đã góp phần đi đến nhận định rằng, âm Hán Việt là một nguồn quan trọng nhất cho sự ra đời của chữ Nôm.

     1.3. Về văn bản chữ Nôm sớm nhất ghi tiếng Việt tiền cổ thế kỷ XII

     Chữ Nôm, cũng như chữ Hán và các hệ thống chữ vuông khác trong khu vực, không phải thuộc loại những văn tự do một người nào đó sáng tạo ra mà là một hệ thống văn tự được hình thành và hoàn thiện dần dần trong quá trình hành chức và sử dụng của cả cộng đồng, mà ở đây là cộng đồng người Việt. Muốn xác định một thời điểm được coi là đánh dấu sự khai sinh của chữ Nôm Việt, chúng ta phải căn cứ trên những cứ liệu cho thấy khả năng hành chức độc lập tối thiểu của chữ Nôm được xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản nào16. Những cứ liệu như thế không phải là những chữ lẻ tẻ xuất hiện trong các văn bản Hán văn mà phải là một văn bản tiếng Việt hoàn chỉnh đủ để ghi lại một thông tin trọn vẹn.

     Theo Gs Nguyễn Quang Hồng, chứng tích xưa nhất về chữ Nôm sẽ thuộc về trường hợp Phật thuyết Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh 佛說大報父母恩重經 (xem phụ lục 1) qua việc tái lập ngữ âm từ chứng tích về chữ Nôm cổ thì tiếng Việt trong bản này thuộc về thời Lý. Ông viết: “Cũng cần lưu ý đến những văn bản chữ Nôm mặc dầu chưa xác minh được niên đại, song xét về mặt ngôn ngữ được ghi chép bằng chữ Nôm trong đó, ta thấy những dấu hiệu của một tiếng Việt cổ xưa, có thể là xưa hơn cả các văn bản thời nhà Trần. Đó phải chăng là trường hợp của văn bản giải âm (trực dịch từ Hán sang Nôm) trong sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, trong đó ngoài những chữ Nôm tự tạo, có hàng loạt từ ngữ tiếng Việt được viết bằng hai chữ vuông Hán, phản ánh tình trạng cấu trúc ngữ âm từ theo kiểu MiS+MaS (âm tiết phụ + âm tiết chính) hoặc CCVC với tổ hợp phụ âm đầu khá đa dạng, như 破 散 “phá tán” *păsanh / psănh > rắn) 破 了 “phá liễu” *pălau / plău > sáu, “cư mãng車 莽 * kămang / kmăng > mắng, “cá nô” 个 奴 *kăno / kno > no, v.v., là những gì đặc trưng cho tiếng Việt sơ kỳ, có thể là vào thời nhà Lý, là thời kỳ đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta”.17

     Đồng thuận với ý kiến của GS Nguyễn Quang Hồng, chúng tôi trong bài viết “Phật thuyết có phải là dịch phẩm Nôm của thế kỷ XII?” đã tiến hành nghiên cứu độ tập trung các yếu tố ngôn ngữ – văn tự đặc dị trong văn bản Phật thuyết theo chiều lịch đại. Kết quả như sau: Độ tập trung loại chữ Nôm ghi cấu trúc âm tiết CvCVC (loại E1, xem bảng phân loại chữ Nôm trong mục 3 của bài này) của Phật thuyết ở phương diện đơn vị gấp 25 lần so với các tác phầm đời Trần và Lê, và ở phương diện tần số là gấp 18.49 lần. Độ tập trung loại chữ Nôm ghi cấu trúc âm tiết CCVC (loại E2) của Phật thuyếtgấp 4.24 lần so với các tác phẩm đời Trần, gấp 7.47 lần so với các tác phẩm thời Lê sơ. Từ những số liệu trên, chúng tôi bước đầu đi đến nhận định rằng: tác phẩm Phật thuyết có lẽ phải sáng tác trước đời Trần với độ lùi thời gian tối thiểu từ 2 hoặc 3 thế kỷ. Như thế, kết quả này phần nào phù hợp với giả thuyết của Gs Nguyễn Quang Hồng, rằng: Phật thuyết là tác phẩm đầu đời Lý. Nếu giả thuyết này có thể chấp nhận được thì có thể coi Phật thuyết là văn bản văn xuôi tiếng Việt sớm nhất hiện còn, và là một bản dịch sớm nhất trong lịch sử dịch thuật kinh sách tôn giáo sang tiếng Việt mà đến nay còn may mắn lưu giữ được18. Và quan trọng nhất, đây là văn bản đánh dấu sự tồn tại của chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự hoàn chỉnh dùng để ghi tiếng Việt tiền cổ (thế kỷ X-XII).

2. Phân kỳ lịch sử chữ Nôm

     Từ khi xuất hiện đến khi bị chữ Latin thay thế và trở thành văn tự chết vào năm 1945, Chữ Nôm đã có lịch sử tồn tại quãng gần 1000 năm. Trước nay đã có một số cách phân kỳ lịch sử khác nhau của một số nhà nghiên cứu như Lê Văn Quán, Nguyễn Quang Hồng. Chúng tôi đề xuất cách phân kỳ theo ba tiêu chí: ngôn ngữ học, văn bản học và văn tự học chữ Nôm. Trong đó, các tiêu chí phân loại này có ý nghĩa như sau. Ở khía cạnh ngôn ngữ học, Chữ Nôm- với tư cách là loại văn tự ghi âm tiếng Việt, sẽ phản ảnh các đặc điểm ngữ âm quan trọng của từng thời kỳ. Dựa trên tính chất này của chữ Nôm, chúng tôi sẽ căn cứ vào sự phân kỳ lịch sử tiếng Việt của Nguyễn Tài Cẩn để tiến hành phân chia các thời kỳ của thứ văn tự này, trong đó có sự điều chỉnh đôi chút khi tham chiếu với các tiêu chí khác. Ở khía cạnh văn bản học, Chữ Nôm sẽ được nhìn nhận, phân loại trên cơ sở các văn bản hiện còn. Những văn bản chữ Nôm này được coi như là những “cứ liệu khảo cổ” cho phép chúng ta xác định được các yếu tố vật chất cụ thể của loại hình văn tự này trong một giai đoạn nhất định. Ở khía cạnh văn tự học, chữ Nôm được nhìn nhận như là một hệ thống có tính chất cơ cấu, các cơ cấu nội tại của chữ Nôm được hình thành từ mối quan hệ của các ký hiệu với cấu trúc âm thanh mà nó ký tái, trong đó bộ ba hình- âm- nghĩa luôn được đặt lên hàng đầu. Tiêu chí cuối cùng là quan trọng nhất. Từ ba tiêu chí trên, chúng tôi chia chữ Nôm làm năm giai đoạn như sau.

      (1) Thời kỳ chữ Nôm tiền cổ (TK X- XII): là thời kỳ chữ Nôm tồn tại như là một hệ thống văn tự với quy cách cấu trúc đa dạng, được xây dựng trên cơ sở chất liệu chữ Hán đọc theo AHV bắt nguồn từ âm Đường, dùng để ghi tiếng Việt tiền cổ (thế kỷ XXII). Giai đoạn này chỉ còn lại văn bản Phật thuyết như đã nêu và một số chữ Nôm tiền cổ trong các văn bản bia ký thời Lý. Đặc trưng nổi trội của chữ Nôm giai đoạn này là việc xuất hiện có hệ thống các chữ Nôm loại E1 và E2 dùng để ghi các từ Việt có cấu trúc ngữ âm CvCVC và CCVC. Không những thế, hai loại chữ Nôm này còn được dùng để ghi các từ gốc Hán đã được Việt hóa thành cấu trúc ngữ âm CvCVC và CCVC. Ví dụ như: {个恒} dùng để ghi âm ca- hằng, vốn là từ gốc Hán có âm HV là hằng(), {阿吟} dùng để ghi âm a-ngâm , vốn là từ gốc Hán có âm HV là ngâm (), {坡栗} dùng để ghi chữ plật, vốn là từ gốc Hán có âm HV là thất (), {車莽} dùng để ghi âm cư- mắng, vốn là từ gốc Hán () có âm HV là mắng,… Đặc điểm đáng chú ý về chữ Nôm giai đoạn này đó là sự định hình hệ thống văn tự từ bối cảnh dịch thuật kinh tạng Phật giáo. Điều này gợi ý rằng, hệ thống văn tự này có khả năng được ra đời do nhu cầu chuyển ngữ từ tiếng Hán sang Tiếng Việt, và đây có khả năng là văn tự được sáng tạo bởi giới tăng lữ nhà chùa. Về mặt thời điểm và bối cảnh như vậy, chữ Nôm có lẽ khá giống với sự ra đời của chữ Katakana (片假名) của Nhật Bản.

     (2) Thời kỳ chữ Nôm cổ (thế kỷ XIII-XV) là thời kỳ chữ Nôm được dùng để ghi tiếng Việt cổ (tk XIII- XV). Giai đoạn này còn giữ được một số văn bản như: Cư trần lạc đạo phú居塵樂道賦, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca 得趣林泉成道歌 của hoàng đế Trần Nhân Tông- Trúc Lâm đệ nhất tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, bài Vịnh Hoa Yên tự phú花安寺賦 của thiền sư Huyền Quang, tập thơ Quốc ngữ thi tập 國語詩集* của Chu Văn An, bản dịch nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục禪宗課虛語錄 và cuốn từ điển Hán Việt cổ nhất (Nam dược quốc ngữ phú 南藥國語賦) của Tuệ Tĩnh19, bài Thệ ngôn 誓言 của hoàng đế Lê Lợi, Quốc âm thi tập 國音詩集 của Nguyễn Trãi, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn十戒孤魂國語文 của hoàng đế Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và Hồng Đức quốc âm thi tập 洪德國音詩集 của vị vua này cùng các triều thần của ông, Hồng Châu quốc ngữ thi tập 洪州國語詩集* của Lương Nhữ Hộc 梁汝鵠, Kim Lăng kí 金陵記* của Đỗ Cận 杜覲. Đặc điểm quan trọng của chữ Nôm giai đoạn này là sự chuyển biến mạnh mẽ từ chữ Nôm E1 sang chữ Nôm E2. Các chữ Nôm E1 vốn được viết bằng hai chữ Hán trong hai khối vuông dần dần được bố cục trong một khối vuông, ví dụ như: {車莽} > {車莽} sự chuyển biến này biểu thị sự thay đổi ngữ âm của tiếng Việt từ cấu trúc CvCVC > CCVC, như ở đây là cư- mắng > kmắng(nghe). Một số ví dụ khác như: {个籠} > {个籠}, cơ-lông> klông (trông).

     (3) Thời kỳ chữ Nôm cổ- trung đại (thế kỷ XVI-XVII) là thời kỳ chữ Nôm được dùng để ghi tiếng Việt cổ- trung đại. Có thể liệt kê một số một số tác phẩm còn lại đến nay như Phụng thành xuân sắc phú 鳳城春色賦 của Nguyễn Giản Thanh 阮簡清, Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn 代擬八甲賞桃解文 của Lê Đức Mao 黎德毛 (1462-1529), Bạch Vân Am thi tập 白雲詩集 của Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙 (1492 – 1587), Đại Đồng phong cảnh phú大同風景賦, Tam Ngung động phú 三嵎峒賦, Tịch cư ninh thể phú 僻居寧體 賦 của Nguyễn Hãng 阮沆 (?-?); Sứ Bắc quốc ngữ thi tập 使北國語詩集, Sứ trình khúc 使程曲, Tứ thời khúc 四時曲, Tiểu độc lạc phú 小獨樂賦 của Hoàng Sĩ Khải 黃仕愷 (tk XVI); và cuối cùng là Ngư phủ nhập đào nguyên truyện 漁 父入桃源傳 của Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613), Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú của Nguyễn Thế Nghi (?-?), Các thánh truyệncủa Majorica (tk XVII),… Thời kỳ này, chữ Nôm đang có những chuyển biến mạnh về hình thể, chuyển từ chữ Nôm E1 và E2 (chữ Nôm một mã ghi cấu trúc âm tiết CCVC) sang các chữ Nôm đơn. Mặc dù, tiếng Việt giai đoạn này vẫn còn khá nhiều các từ có cấu trúc ngữ âm CCVC, song các chữ Nôm đơn được dùng để ghi một phần của cấu trúc ngữ âm này. Ví dụ như: {車莽}/ {車莽} > (mắng) được dùng để ghi âm kmắng (ghi thiếu âm k-), {个籠}/ {个籠} > (trông) được dùng để ghi âm klông(ghi thiếu âm k-). Hiện tượng biến đổi trên chứng tỏ một cuộc “cải cách văn tự” vào giai đoạn này.

     (4) Thời kỳ chữ Nôm trung đại (thế kỷ XVIII-XIX) là thời kỷ dùng chữ Nôm để ghi tiếng Việt trung đại. Đây là giai đoạn đỉnh cao của chữ Nôm. Giai đoạn này số lượng văn bản Nôm còn lại nhiều nhất, với những tác phẩm văn học, sử học, phiên dịch nổi tiếng và có giá trị, những cụm tác phẩm có giá trị như 200 tác phẩm tuồng Nôm, các văn bản dịch nghĩa kinh điển Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, các văn bản thần phả, hương ước. Một số tác phẩm Nôm tiêu biểu như Giai cảnh hứng tình phú 佳景興情賦 của Nguyễn Bá Lân 阮伯麟 (1700-1785); bản dịch Chinh phụ ngâm 征婦吟 của Đoàn Thị Điểm 段氏點(1705-1748); Cung oán ngâm khúc宮怨吟曲 của Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶(1741-1798); Tự tình vãn 敘情挽 tức hai bài thơ ngắn của Nguyễn Thị Ngọc Vinh 阮氏玉榮, vương phi của chúa Trịnh Doanh 鄭楹; Lí triều Đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca李朝第三皇太后古錄神跡國語演歌 của Trương Ngọc Trong, ái phi của chúa Trịnh Cương 鄭木岡(1686 – 1729); Ngự đề Thiên hòa danh bách vịnh thi tập 御題天和贏百詠詩集 của chúa Trịnh Căn 鄭根(1633 – 1709); Kiền Nguyên thi tập 乾元詩集 của chúa Trịnh Doanh 鄭楹 (1720 – 1767); Tâm thanh tồn dụy tập 心聲存肄集 của chúa Trịnh Sâm 鄭森(1739 – 1782)20, Huê tình truyện 花情傳 của hoàng tử Đán (1699 – 1753), con thứ tám của Hiển Tôn Nguyễn Phước Chú 顯宗阮福澍(1675 – 1725); Ngọa Long cương vãn 臥龍崗挽 Tư Dung vãn 思容挽 của Đào Duy Từ 陶維慈 (1572-1634); Sãi vãi [仕娓], một tác phẩm trào phúng của Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 (tk XVIII); Song tinh bất dạ truyện 雙星不夜傳 của Nguyễn Hữu Hào 阮有豪 (tk XVIII), Đoạn trường tân thanh 斷腸新聲 của Nguyễn Du 阮攸 (1765–1820), Xuân Hương thi tập 春香詩集 của nữ thi nhân Hồ Xuân Hương 胡春香 (đầu thế kỉ XIX); Nhị thập tứ hiếu diễn âm 二十四孝演音, Phụ châm tiện lãm 婦箴便覽, Sứ trình tiện lãm khúc 使程便覽曲 của Lí Văn Phức 李文馥 (1785 – 1840); Mai đình mộng kí 梅庭夢記 của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 (1783-1841); Kim thạch kì duyên 金石奇緣 của Bùi Hữu Nghĩa 裴有義 (1807 – 1872); Lục Vân Tiên 蓼雲仙, Dương Từ Hà Mậu 楊徐, Ngư tiều vấn đáp y thuật 漁樵問答醫術 của Nguyễn Đình Chiểu 阮廷炤 (1822 – 1888); Thánh chế Thập điều diễn ca 聖製十條演歌, Thánh chế Luận ngữ thích nghĩa ca 嗣德聖製論語釋義歌, Thánh chế Tự học giải nghĩa ca 聖製字學解義歌 của vua Tự Đức 嗣德 (1829 – 1883),21… Đặc điểm quan trọng nhất của chữ Nôm giai đoạn này là số lượng nổi trội của loại chữ hình thanh. Số lượng các chữ mượn Hán (thuần biểu âm) giảm dần. Số lượng các chữ hình thanh (có gia cố thêm thành tố biểu ý) tăng lên. Ví dụ: (trong) thay cho , (thay) thay cho

     (5) Thời kỳ chữ Nôm cận đại (từ 1900-1945) được dùng để ghi tiếng Việt cận đại. Một số tác phẩm tiêu biểu của gian đoạn này như 超 神 真 經 (1912), 觀 音 真 經 演 義 (năm 1916), 彌 勒 真 經 演 音 của Nguyễn Phi Thường 阮 非 常(năm 1944),… Đây là thời kỳ tiếp nối giai đoạn cực thịnh của chữ Nôm trước đó, chữ Nôm được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, chữ Nôm được dụng nhiều trong các tác phẩm kêu gọi lòng yêu nước, chấn hưng dân tộc, để chống lại chủ nghĩa thực dân. Chữ Nôm giai đoạn này tiếp tục phát triển theo các hướng: (1) chữ vay mượn giảm; (2) chữ hình thanh tăng; 22 trong đó chữ hình thanh kiểu G2, H1, H2, H3 (xem cách phân loại trong mục 3 của bài này) có xu hướng tăng lên rõ rệt.

     Trên đây là cách phân loại của chúng tôi trên cơ sở tham chiếu những kết quả nghiên cứu về văn tự học và văn bản học chữ Nôm cũng như mô hình phân kỳ lịch sử tiếng Việt của các nhà nghiên cứu đi trước. Cách phân kỳ này chỉ là cơ sở bước đầu để tiến hành những nghiên cứu cụ thể tiếp theo về từng giai đoạn một. Trên thực tế, việc phân loại chữ Nôm còn phải dựa trên quá trình diễn biến của thứ văn tự này, như chúng tôi đã áp dụng trong bài viết này23.

__________
1
Nguyễn Tài Cẩn. Thử phân kỷ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt. Trong “Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa”. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 2001. tr.401.

2 Dương John Phan. 2012. Lacquer words: the Evolution of Vietnamese under Sinitic Influences from the 1st Century BCE through the 17th Century CE. A Dissertation Presented to the Faculty of the Graduate School of Cornell University in Partial Fulfillment of the Requirements for the Degree of Doctor of Philosophy. p. 239-296.

3 H. Maspero 1920. Le dialecte de Tch’ang Ngan [Phương ngữ Tràng An (Hà Nội)], B.E.F.E.O.

4 Trần Kinh Hoà 陳 荆 和. 1949.字 喃 之 形 態 及 其 產 生 年 代,人文科學論叢, 第一輯,台北.

5 Mineya Toru 三根谷徹, 越南漢字音の研究[Nghiên cứu âm đọc chữ Hán ở Việt Nam], 東洋文庫, 昭和 47 3 25 .

6 Nguyễn Khắc Kham. 1969. Foreign Borrowings in Vietnamese [Những yếu tố vay mượn từ nước ngoài trong tiếng Việt], Area and Culture Studies, no 19, Tokyo University of Foreign Studies. 142-175.

7 Rokuro Kono. 1969. The Chinese Writing and Its Influence on the Scripts of the Neighbouring Peoples with Special Reference to Korea and Japan [Chữ Hán và ảnh hưởng của nó tới chữ viết của các nước lân cận, đặc biệt là Triều Tiên và Nhật Bản], Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko (The Oriental Library) No 27. The Toyo Bunko, Tokyo, 117-123.一要解國語, 國文法辭典, 文學博士湯氵尺 幸吉郎監介參, 寺瀨光男編, 東京堂出版, 66.

8 Nguyễn Tài Cẩn.2001. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học Quốc gia.

9 J.Przyluski.?. Langúe du monde. (les langues tibetobirmarnes, les langues austroasiatiques, les langues mon khmer, l’annamite etc…) 395-398. [Chuyển dẫn theo Trần Kinh Hoà 陳荆和, 1949, chú 29].

10 H.Maspéro. 1916. Quelques mots annamites d’origine, chinoise. BEFEO. T.xvl 1916, No.3. 39.

11 Ông còn đưa thêm cứ liệu chữ “Đại Cồ Việt”- quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam, là một cứ liệu chữ Nôm. Nhưng theo kết quả nghiên cứu gần đây thì các chữ trên là các từ Hán. [Trần Trọng Dương. 2009. Khảo về Đại Cồ Việt- nước Việt- nước Phật giáo. Tc Hán Nôm số 02/2009.tr.53-75, 22.trang.

12 Trần Kinh Hoà 陳荆和, 1949.字喃之形態及其產生年代, 人文科學論叢, 第一輯, 台北. 1963. Hình thái và niên đại sản xuất của chữ Nôm. Đại học 35-36.730-773. 1991. Hình thái và niên đại sáng chế chữ Nôm (Đoàn Khoách dịch). Tc Đại học số 01/07/1991. USA. 81-123.

13 Đào Duy Anh.1975. Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Hà Nội. Nxb. KHXH. 52-53.

14 Đào Duy Anh.1975. sdd. 18.

15 Nguyễn Tài Cẩn.2001. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học Quốc gia.353

16 Nguyễn Quang Hồng. 2008. Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb Giáo dục Hà Nội.

17 Nguyễn Quang Hồng.2004. 32-33.

18 Trần Trọng Dương. Phật thuyết có phải là dịch phẩm Nôm thế kỷ XII? TC Ngôn ngữ số 04/2011.

19 Trần Thái Tông. 禪宗課虛語錄. Tuệ Tĩnh dịch, Trần Trọng Dương (khảo cứu, phiên chú). Nxb Văn học. Hà Nội. 2009.

20 Dương Quảng Hàm, tài liệu đã dẫn, tr. 302-306. Nguyễn Văn Tố, Poésies inédites de l’époque des Lê [Thơ ca thời Lê chưa từng được công bố]. Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, Tome XIV, no 1, Janvier-Mars 1934, tr. 30-36; Tome XIV, no 2, Avril-Juin 1934, pp. 182-190; Tome XIV, no 3, Juillet-Sept. 1934, tr. 460-463.

21 Nguyễn Khắc Kham. Chữ Nôm or the Former Vietnamese Script and Its Past Contributions to Vietnamese Literature, Area and Culture Studies 24, Tokyo University of Foreign Studies 1974.

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

     Còn tiếp: Mời Quý độc giả xem:

Nguồn gốc, lịch sử và cấu trúc của chữ Nôm từ bối cảnh văn hóa Đông Á (Phần 2)