Cơ chế chính sách phát triển làng nghề thanh hóa

Một trong những hướng đi để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững là gắn với hoạt động dịch vụ du lịch. Làng nghề truyền thống hiện đang được đánh giá là loại hình tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn và trở thành điểm đến được ưu tiên trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước.

Lợi ích to lớn của việc đưa làng nghề truyền thống vào chuỗi hoạt động du lịch Thanh Hóa không chỉ thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Một số làng nghề gắn với các di tích lịch sử văn hóa, càng có cơ hội phát triển thành “làng nghề du lịch”. Chẳng hạn như làng nghề làm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân gắn với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Lê Hoàn; các cơ sở làng nghề bánh gai Tứ Trụ gắn với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh; sản phẩm chè lam Phủ Quảng ở thị trấn Vĩnh Lộc gắn với sản vật tiến vua (thời nhà Hồ) và những câu chuyện “lương khô” của nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày ở rừng sâu núi thẳm.

Xây dựng mô hình “du lịch làng nghề” đang là xu hướng chung của các địa phương nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, thách thức về ô nhiễm môi trường ngày một lớn, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết triệt để.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngoài các doanh nghiệp, các cụm công nghiệp, làng nghề được quy hoạch xa khu dân cư thì vẫn còn khá nhiều làng nghề xen lẫn trong khu dân cư. Vì thế tình trạng ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi và muốn khắc phục cũng không hề dễ dàng.

Để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đi đôi với hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp, hộ dân cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường làm việc và môi trường cộng đồng. Từ đó góp phần tạo nên không gian làng nghề an toàn cho mọi người cùng phát triển sản xuất đồng thời là cơ hội giới thiệu, quảng bá để mọi người tìm đến các sản phẩm làng nghề nhiều hơn.

Làng nghề ở Thanh Hoá đã phát triển từ rất sớm, nhiều làng có nghề được hình thành từ lâu đời, có đặc trưng và bí quyết nghề riêng như làng đúc đồng Thiệu Trung, làng đúc bạc Đại Bái - Thiệu Hóa; có một số làng nghề phát triển với quy mô thành “xã nghề” như làng nghề xã Hoằng Thịnh - Hoằng Hoá, “huyện nghề” như chiếu cói Nga Sơn. Thực tiễn cho thấy phát triển ngành nghề TTCN sẽ tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống của người

dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, chuyển cơ cấu lao động theo hướng “ly nông bất ly hương”; xây dựng nông thôn phát triển bền vững, góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn [41].

Nhưng đã có một thời kỳ dài các ngành nghề CN-TTCN ở Thanh Hoá phát triển khá chậm chạp và thậm chí có lúc bị mai một. Về căn bản ngành nghề ở nông thôn chỉ được xem như những ngành nghề phụ, để giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn và cho lao động dư thừa ở nông thôn. Vào thời điểm đó Đảng và Nhà nước chưa có chủ trương, đường lối nhằm bảo tồn và phát triển ngành nghề ở nông thôn. Cho nên, nhiều nghề, làng nghề truyền thống bị mai một như làng nghề đúc đồng Trà Đông; làng nghề chạm, khắc đá Nhuệ Thôn; nghề gốm ở thành phố Thanh Hóa… [38]

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN với sự quản lý của nhà nước, nghề thủ công và làng nghề truyền thống được khôi phục trở lại và phát triển mạnh với điều kiện thuận lợi. Ngày 24/11/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển ngành nghề, làng nghề. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 24/11/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá về phát triển ngành nghề TTCN và làng nghề cũng nhấn mạnh. Củng cố, xây dựng và phát triển ngành nghề, TTCN là yêu cầu cấp bách trước mắt, là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, thực hiện CNH, HĐH quê hương, đất nước [41].

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 467/2003/QĐ-UBND về một số chính sách khuyến khích phát triển CN- TTCN; Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI cũng chủ trương "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, phấn đấu 50% số xã có làng nghề". Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 13/6/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển ngành nghề TTCN, làng nghề TTCN giai đoạn 2006 - 2010, định hướng 2015… Những chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã kích thích các làng nghề phát triển nhanh chóng không những cả về quy mô, số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh, số lượng làng nghề mà còn phát triển nhanh về chủng loại, mẫu mã sản phẩm.

Để có bước phát triển mới về ngành nghề TTCN, các làng nghề, cần phải đánh giá đúng tình hình thực trạng sản xuất TTCN của tỉnh trong thời gian qua, từ đó đề ra những chủ trương, giải pháp và các chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển ngành nghề, các làng nghề TTCN theo hướng CNH, HĐH gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

* Những kinh nghiệm được rút ra cho Hà Tĩnh phát triển làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần quan tâm, chỉ đạo và ban hành các chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để khai thác tốt các nguồn lực đầu tư phát triển các làng nghề ở địa phương.

Quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; phát triển đa dạng các hình thức đào tạo như liên kết đào tạo, kết hợp đào tạo dài ngày với đào tạo theo từng ngành nghề cụ thể phù hợp với các điều kiện sản xuất ở từng địa phường; chỉ đạo các tổ chức hội mở các lớp đào tạo ngắn ngày cho đoàn viên, hội viên. Phát huy vai trò của quỹ khuyến công quốc gia, địa phương để đầu tư cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề,

nhất là ưu tiên khuyến khích du nhập các ngành nghề mới vào khu vức nông thôn. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, hội xã hội phát động các phong trào phát triển các ngành, nghề mới. Lựa chọn phát triển những ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển.

Quan tâm công tác quy hoạch phát triển KTXH ở khu vực nông thôn, quy hoạch vùng và nhất là quy hoạch phát triển các làng nghề và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch nhằm tạo sự phát triển đồng bộ, bền vững, hạn chế việc phát triển sản xuất kiểu phong trào.

Phát huy tốt các nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển; thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất ở các làng nghề trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhất là các nguồn vỗn vay ưu đãi. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và các tổ chức nước ngoài, huy động nguồn đóng góp của các tổ chức kinh tế trong nước hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển làng nghề cũng như các dự án, chương trình ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong làng nghề đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp cổ truyền với hiện đại.

Thành lập và tạo điều kiện cho hoạt động các hội, hiệp hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với nhau, giữa người sản xuất, cung ứng nguyên liệu với những người chế biến, tiêu thụ để thống nhất định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh cạnh tranh không lành mạnh gây khủng hoảng thừa, thiếu, sốt giá.

Các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp ở làng nghề, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, xin ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...

Ngoài các chính sách của tỉnh thì ở những huyện, thị xã, thành phố và nhất là ở các xã có làng nghề, nghề truyền thống cần có các giải pháp riêng để thúc đẩy sự phát triển sản xuất ở các làng nghề, nghề ở địa phương.