Một trong những hạn chế về nội dung của nền giáo dục Nho học ở Đại Việt trong các thế kỉ 16 đến 18 là gì?

Chế độ phong kiến Việt Nam thời Lê sơ hưng thịnh suốt thế kỷ XV và đạt đến đỉnh cao vào thời Lê Thánh Tông. Nhưng, bước sang thế kỷ XVI và tiếp đến thế kỷ XVII, nó bắt đầu khủng hoảng và suy thoái. Điều đó khiến cho Nho giáo, với tư cách hệ tư tưởng thống trị của chế độ phong kiến Việt Nam lúc ấy, cũng phải có những thay đổi cho phù hợp với tình thế. Do đó, vào thời kỳ này, nhiều vấn đề về nội dung và hình thức tồn tại của Nho giáo ở Việt Nam đã xuất hiện.

Như chúng ta đã biết, từ khi Lê Hiển Tông mất (1504) cho đến lúc Mạc Đăng Dung cướp ngôi (1527), có năm đời vua Lê thay thế nhau, gắn liền với những cuộc nội chiến tàn khốc để tranh giành quyền lực. Các vua Lê do không nắm được quyền lực, nên quyền bính của triều đình nhà Lê không rơi vào tay Mạc Đăng Dung thì cũng rơi vào tay tập đoàn phong kiến khác. Do đó, có thể nói, sự kết thúc của vương triều Lê vào lúc này là điều không tránh khỏi.

Nhà Mạc thay thế nhà Lê vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ Nho giáo, coi Nho giáo là cơ sở cho mọi hoạt động chính trị của mình. Nhưng trước sự thay thế vương triều Lê bằng vương triều Mạc, thái độ của các Nho sĩ có sự phân hoá. Nhiều Nho sĩ kiên quyết bộc lộ sự trung thành với triều Lê bằng việc chống đối hoặc phỉ báng Mạc Đăng Dung, rồi sẵn sàng nhận lấy cái chết. Có những Nho sĩ bỏ quan về ẩn cư nơi thôn dã. Nhưng cũng có một bộ phận Nho sĩ tiếp tục làm việc trong bộ máy chính quyền nhà Mạc. Trước thái độ như vậy của các Nho sĩ triều Lê, Mạc Đăng Dung muốn thông qua việc tổ chức thi cử để tuyển người cho bộ máy quan liêu mới, gắn bó hơn với nhà Mạc. Vì thế, nhà Mạc chỉ tồn tại được 65 năm mà đã tổ chức được 22 kỳ thi đại khoa, cứ ba năm một khoa. Năm 1529, dù mới làm vua được hai năm, Mạc Đăng Dung đã mở khoa thi hội đầu tiên, lấy 27 người đỗ. Cũng năm ấy, nhà Mạc bắt chước các vua Lê dựng bia tiến sĩ để khuyến khích việc học tập, thi cử. Tuy nhiên, các Nho sĩ được đào tạo và đỗ đạt trong thời Mạc không phải đều gắn bó với nhà Mạc. Trong đó, có những Nho sĩ từ quan về ở ẩn như Nguyễn Bỉnh Khiêm; có những Nho sĩ chạy sang hàng ngũ của họ Trịnh như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh.

Trong thời Mạc, Nho giáo dù vẫn được coi là đạo trị nước chủ yếu, nhưng giai cấp thống trị, tầng lớp Nho sĩ cũng như dân thường đã giảm sút niềm tin vào Nho giáo và sự biện hộ của Nho giáo đối với những nguyên tắc cơ bản của chế độ quân chủ tập quyền. Lúc này, Nho giáo tỏ ra không đủ sức giúp nhà vua trị nước, yên dân, đưa mọi người tới cảnh thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền, nhân dân hoà mục. Vì thế, nhiều Nho sĩ ít hứng thú với mục đích trị quốc, bình thiên hạ, bởi mục đích này thường gắn với sự tôn quân và trung quân. Nói cách khác, giới Nho sĩ đang phân vân phải theo ai để trị quốc, bình thiên hạ. Điều này là do, vào thế kỷ XVI, ở nước ta, chính quyền đã chuyển từ tay tập đoàn phong kiến này sang tay tập đoàn phong kiến khác, nên quan niệm trung quân trong kinh điển của Nho giáo phải được giải thích lại cho phù hợp với thực tế biến động của thời đại.

Đứng trước sự thay thế của các vương triều và sự biến đổi nhanh chóng của số phận con người, các nhà Nho thời Mạc đã phải khai thác luật biến dịch trong Kinh Dịch, trong tượng số học và cả trong lý học của Tống Nho để cắt nghĩa những biến đổi của xã hội và của mỗi con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà Nho uyên bác, một nhà tư tưởng lớn trong thời Mạc đã nói: "Bát quái tượng suy thiên vãng phục" (Suy tư trong tám quẻ sẽ biết hướng đi rồi lại của trời đất - Trung tân quán ngụ hứng) và "Cơ ngẫu tòng lai doanh cách hư. Âm dương tiêu trưởng nghiệm thừa trừ" (Chu Dịch hữu cảm). Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng nhiều Nho sĩ ở thế kỷ XVI đã cảm thấy sự bất lực của con người, nhất là sự bất lực của người Nho sĩ trước thời cuộc. Vì vậy, họ càng tin vào ý trời, mệnh trời và sự phụ thuộc của số phận con người vào mệnh trời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhiều lần nhắc đến thiên cơ. Ông thường khuyên mọi người: "Được thua phú quý đều thiên mệnh. Chen lấn làm chi cho nhọc nhằn" (Thơ Nôm, tr.87). Không những giới Nho sĩ mà cả đông đảo những người bình dân cũng tin vào số trời, thần thánh và những lực lượng siêu nhiên. Quả thật, trong thời loạn, Nho giáo không giúp con người giải thích được mọi hiện tượng phức tạp trong xã hội, không tạo được niềm tin và thoả mãn được đời sống tinh thần của họ. Vì thế, Phật giáo, Đạo giáo lại có dịp phục hưng và phát triển bên cạnh sự sa sút của Nho giáo.

Lúc này, bọn vua chúa, công hầu đứng ra xây chùa và cúng ruộng vào chùa rất nhiều. Còn với các Nho sĩ, đạo Nho không còn thuần khiết và tồn tại như  quan điểm duy nhất, lập trường duy nhất để nhìn nhận mọi sự vật. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kết hợp Nho gia với Đạo gia, còn Nguyễn Dữ thì kết hợp lý thuyết của Nho giáo với lý thuyết của Đạo giáo. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã nói lên sự kết hợp đó.

Nho giáo thời Mạc không chỉ quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội, đạo đức, mà còn chú ý cả đến những vấn đề triết học, như vận số, tình người, lý trời, âm dương bĩ thái, doanh hư, trị loạn, để giải thích những biến đổi phức tạp, mau lẹ của xã hội và đời sống con người. Vì thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải tiếp thu triết học của Tống Nho, trước hết là tiếp thu lý học của Trình Chu,  tượng số học của Thiệu Ung. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, các học trò của ông đã nói lên điều đó:

"Sáu bộ thi thư suốt nghĩa bơi thuyền đến bến Hoàng Chu (Chu Hy)

Một kinh "Thái Ất thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương Tử (Dương Hùng)

Ngang trời dọc đất, cùng lòng Chu tể (Chu Công) tâm tư

Suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu (Thiệu Ung) môn hộ".

Việc xác lập  vương triều Mạc không giải quyết được những mâu thuẫn xã hội, không chấm dứt được nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến mà trái lại, còn làm cho cuộc nội chiến đó trở nên gay gắt. Sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, các quan lại và tướng lĩnh cũ của nhà Lê đã nổi dậy ở nhiều nơi. Trong đó, nổi bật là cuộc nổi dậy do Nguyễn Kim cầm đầu. Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên làm vua, lấy danh nghĩa là khôi phục nhà Lê để tập hợp lực lượng chống lại nhà Mạc. Nguyễn Kim chiếm lấy vùng Thanh Hoá rồi tấn công ra Bắc. Sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay. Cuộc chiến tranh giữa Trịnh và Mạc là cuộc chiến tranh giữa hai nhà nước phong kiến. Một là nhà nước phong kiến của họ Mạc ở Thăng Long, gọi là Bắc triều. Hai là nhà nước phong kiến của họ Trịnh mang danh nhà Lê trung hưng ở vùng Thanh Hoá trở vào, gọi là Nam triều. Cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc kéo dài mãi đến năm 1592. Trong lúc cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc diễn ra quyết liệt thì mầm mống của cuộc nội chiến thứ hai đã nảy sinh. Đó là mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh - Nguyễn trong tập đoàn phong kiến Nam triều. Khi họ Trịnh diệt xong họ Mạc thì mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh - Nguyễn trở nên gay gắt, dẫn đến cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Cuộc chiến tranh này tiếp tục lôi kéo nhân dân vào vòng binh lửa, chia cắt đất nước làm hai miền là Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Chiến tranh và bạo lực đã trở thành một thủ đoạn phổ biến để tranh bá đồ vương và thanh toán lẫn nhau giữa các tập đoàn phong kiến. Vì vậy, nguyện vọng được sống trong hoà bình, ổn định của nhân dân cũng được phản ánh trong tư tưởng của các nhà Nho đương thời, thể hiện ở những quan điểm về đức trị, về nhân nghĩa. Trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ viết: "Kẻ làm vua chúa nên lấy sự chính lòng mình để làm gốc chính triều đình, chính trăm quan, chính muôn dân"(Câu chuyện đối đáp với người tiều phu ở núi Na). Còn Phùng Khắc Khoan thì nhấn mạnh: "Tranh hùng, tranh bá liên miên không ngớt, ai biết được chí khí hào hùng của nhà Nho ta. Văn hiến không coi trọng việc đánh nhau", "Như nói đến phương sách cứu nước, cứu dân thì nhân nghĩa xin dâng lên nhà vua". Nhưng trước xu thế chiến tranh và bạo lực của thời đại, thì những tiếng nói nhân nghĩa, đức trị như vậy tỏ ra mong manh, yếu ớt, không còn sinh khí, sức mạnh như tiếng nói nhân nghĩa, đức trị của các nhà Nho thời Trần và Lê sơ.

Đứng trước cuộc hỗn chiến của các tập đoàn phong kiến, các Nho sĩ phải nhận thức lại quan niệm trung quân và tư tưởng “trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo cho phù hợp với thời cuộc. Lẽ dĩ nhiên, người Nho sĩ phải chọn chủ mà thờ, phải phục vụ cho một tập đoàn phong kiến nhất định. Tư tưởng chính thống của Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng nhất định trong giới Nho sĩ thế kỷ XVI và XVII. Việc Phùng Khắc Khoan từ bỏ nhà Mạc, lặn lội vào Thanh Hoá để theo nhà Lê trung hưng đã chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, việc họ Trịnh nắm mọi quyền bính mà vẫn phải giương cao ngọn cờ “trung hưng nhà Lê” thì rõ ràng, nó không thoát khỏi sự chi phối của tư tưởng Nho giáo chính thống, mặc dù họ Trịnh qua nhiều việc làm tỏ ra thèm muốn ngôi vua.

Trong thời nội chiến, các tập đoàn phong kiến dù là Bắc triều hay Nam triều, dù là chính quyền của họ Trịnh ở Đàng Ngoài hay chính quyền của họ Nguyễn ở Đàng Trong, tất cả đều giương cao ngọn cờ Nho giáo, coi Nho giáo là cơ sở tư tưởng để đưa ra mọi chủ trương, chính sách, tổ chức và điều hành mọi hoạt động xã hội. Do đó, tập đoàn phong kiến nào cũng lo mở mang việc học hành, thi cử theo Nho học và truyền bá đạo Nho để giáo hoá nhân dân, tuyển lựa nhân tài.

Nhà Lê trung hưng lúc mới lấy được miền Nam từ Thanh Hoá trở vào đã mở ba khoa Chế khoa vào các năm 1553, 1575 và 1577, lấy đỗ 28 tiến sĩ. Sau đó, họ Trịnh lại tiếp tục mở các khoa thi Nho học để lấy nhân tài. Bước sang thế kỷ XVII, chính quyền họ Trịnh ở Đàng Ngoài vẫn tiếp tục thực hiện các quy chế giáo dục và thi cử của thời Hồng Đức, tuy có điều chỉnh, bổ sung chút ít nhưng không đáng kể. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn thực hiện việc  giáo dục và thi cử theo Nho học, tuy có dựa vào quy chế của thời Hồng Đức, nhưng cũng có nhiều sửa đổi cho phù hợp với tình hình chính trị, văn hoá ở đó. Ví dụ, chính quyền đã sửa đổi học vị của những người thi đỗ cũng như tổ chức các kỳ thi. Khoa thi đầu tiên ở Đàng Trong được tổ chức vào năm 1660 lấy đỗ 5 sinh đồ, 15 hoa văn. Năm 1674, cùng với khoa thi chính đồ và hoa văn, Chúa Nguyễn lại tổ chức thi thám phong, lấy đỗ 7 người. Năm 1675, chúa Nguyễn Phúc cho mở khoa thi Chính đồ, lấy đỗ 3 giám sinh, 8 sinh đồ, 15 nhiên học, 22 hoa văn và 10 thám đạo. Những sửa đổi như vậy của việc thi cử là xuất phát từ tình hình văn hoá Đàng Trong và nhu cầu tổ chức bộ máy chính quyền của chúa Nguyễn.

Sự phục hồi Phật giáo và Đạo giáo đã xuất hiện từ thời nhà Mạc thì đến thế kỷ XVII vẫn tiếp tục gia tăng. Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn đều coi trọng đạo Phật. Ở Đàng Ngoài, Trịnh Tạ cho trùng tu chùa Tây Phương. Còn ở Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa Thiên Mụ (1601), chùa Hoà Vang (1667) và sửa chữa chùa Mỹ Am (1692). Cũng vào thế kỷ XVII, một loạt các thiền sư Trung Quốc đã đến nước ta cả Đàng Trong và Đàng Ngoài để truyền đạo. Trong thời gian này, những dấu hiệu chứng tỏ sự hưng thịnh của Đạo giáo ở nước ta cũng xuất hiện. Đó là việc Trịnh Tạ cho trùng tu quán Trấn Võ và đúc tượng đồng Trấn Võ. Hơn nữa, vào lúc này, lại có những Nho sĩ bỏ con đường hoạn lộ đi tu tiên, như Phạm Viện là người tu tiên nổi tiếng.

Sự hưng thịnh của Phật giáo và Đạo giáo ở Việt Nam hồi thế kỷ XVII chứng tỏ rằng, Nho giáo có mặt yếu kém, hạn chế, nên phải lùi bước để giành chỗ đứng cho Phật giáo, Đạo giáo. Sự yếu kém của Nho giáo ở Việt Nam lúc này, trước hết, biểu hiện về mặt nghĩa lý. Điều đó thể hiện ở sự giảm sút niềm tin của giai cấp thống trị, của tầng lớp Nho sĩ vào giá trị và tính hiệu quả của Nho giáo trên bình diện Nho giáo là đạo trị nước và là nhân sinh quan. Với tư cách là đạo trị nước, Nho giáo vẫn không giúp cho người ta chấm dứt được cảnh loạn lạc, thực hiện sự ổn định xã hội. Với tư cách là nhân sinh quan, Nho giáo không giải thích được nguyên nhân của mọi nỗi đau khổ trên trần gian và những số phận bi đát của con người. Trong trường hợp này, thuyết thiên mệnh hay thiên lý của Nho giáo tỏ ra đơn giản, có nhiều hạn chế, không thoả mãn được yêu cầu của con người. Tuy nhiên, suốt từ thời Mạc cho đến Lê trung hưng, Phật giáo, Đạo giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác cũng vẫn không thay thế được Nho giáo ở cương vị của một đạo trị nước, một học thuyết về quản lý xã hội và tổ chức hành chính. Vì vậy, chính quyền của họ Trịnh ở ngoài Bắc hay của họ Nguyễn ở trong Nam vẫn phải đề cao Nho giáo và mở mang giáo dục khoa cử theo Nho học một cách đều kỳ. Do đó, hết thế hệ Nho sĩ này đến thế hệ Nho sĩ khác được tái sản xuất một cách liên tục. Đó chính là cơ sở xã hội vững chắc cho sự tồn tại của Nho giáo trong xã hội phong kiến ở nước ta.

(*) Phó giáo sư triết học.