Nguyên nhân lạm phát 2008 ở việt nam

Về nguyên nhân lạm phát cao

Mức lạm phát tới hai con số của năm 2007 và tình trạng giá cả leo thang không thể kiềm chế được từ sau Tết Mậu Tý đến nay đã khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Sau hơn một chục năm chặn được lạm phát cao, duy trì mức tăng giá thấp hơn mức bội chi ngân sách nhà nước, việc để tái phát lạm phát cao có một nguyên nhân quan trọng từ chính sách kinh tế vĩ mô. Xin nêu ra một vài thí dụ:

Dễ dãi trong cấp tín dụng nhà nước cho đầu tư phát triển mà hiệu quả thu được thấp. Mặc dù tín dụng cấp cho doanh nghiệp Nhà nước có giảm nhưng tín dụng cho các dự án đầu tư phát triển vẫn cao trong khi hiệu quả của các dự án  thấp. Có một thực tế là ở Việt Nam trong những năm gần đây lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp trong khi lượng phát hành cho tín dụng đầu tư không nhỏ. Ðiều này thoạt nhìn có vẻ khó giải thích, nhưng nếu xét đến những khoản tiền phát hành đưa vào những dự án đầu tư với thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả thấp (có thể liệt kê rất nhiều dự án như vậy, thậm chí có cả dự án thuộc nhóm A là những dự án có số vốn đầu tư lớn) thì những mất mát của nền kinh tế do thất thoát nguồn vốn ngân sách  và tình trạng đầu tư kém hiệu quả chắc cũng không ít hơn những thiệt hại do lạm phát gây ra. Ngoài ra, nếu lạm phát là một hiện tượng tiền tệ có thể khắc phục thông qua những giải pháp ngắn hạn trong khi những sai lầm trong đầu tư dẫn đến những sai lệch về cơ cấu kéo dài và khó khắc phục thì phát hành cho đầu tư còn nguy hại hơn là phát hành cho chi tiêu thường xuyên...

Chính sách tài khóa chậm đổi mới. Quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước vẫn theo lối mòn cốt sao bảo đảm bội chi ngân sách dưới 5% để được Quốc hội chấp thuận chứ chưa thật sự chuyển biến theo quan điểm phát triển bền vững. Ðiển hình là chính sách chi ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đã hầu như không tạo ra được sự chuyển biến trong cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp như đã đề ra trong các lần đại hội đảng. Lĩnh vực thủy sản khởi sắc nhờ nỗ lực của khu vực tư nhân được sự kích thích của nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới nhưng cũng gặp không ít khó khăn do thiếu đầu tư cho những dịch vụ quan trọng ngoài tầm với của doanh nghiệp và nông dân như giống, kỹ thuật, thị trường.

Tính độc đoán, mệnh lệnh cộng với sự thiếu kết hợp giữa các ngành trong việc ra các quyết định hành chính liên quan đến  người dân và doanh nghiệp gây tốn kém cho dân và làm tăng chi phí của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung trong lúc Việt Nam đang bị xếp vào hàng quốc gia có chi phí cao nhất trong khu vực. Chỉ tính từ đầu năm 2008 đã có ít nhất ba quyết định kiểu này là quyết định cấm xe ba bánh tự chế (trên phạm vi cả nước), cấm bán hàng rong (tại Hà Nội) và buộc xe tải nhẹ phải đăng ký vào hợp tác xã. Quyết định cấm bán hàng rong trong lúc chưa tổ chức được các điểm bán lẻ tiện lợi khiến người tiêu dùng phải tăng thêm chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày trong lúc vật giá leo thang. Còn quyết định cấm xe ba bánh tự chế trong khi chưa cung ứng được các kiểu xe thay thế với giá phù hợp khả năng người lao động nghèo khiến các chủ xe lúng túng. Việc bắt buộc xe tải đăng ký vào hợp tác xã tuy không trực tiếp làm tăng chi phí kinh doanh nhưng đi ngược lại tinh thần tự do kinh doanh được luật pháp bảo vệ. Ðáng tiếc là những quyết định độc đoán mang dáng dấp thời bao cấp như vậy lại ra đời vào lúc Việt Nam đã hội nhập đầy đủ vào kinh tế thế giới và trong lúc Chính phủ đang cố gắng kiềm chế lạm phát khi đã bùng lên mức hai con số. Còn nhiều chủ trương nữa ở cả cấp trung ương và địa phương đã và đang được thực thi theo kiểu lấy ý kiến dân một cách hình thức đang được dư luận quan tâm về sự cần thiết và những chi phí khổng lồ nếu các quyết định này được thực thi. Tuy không định lượng được đóng góp của những chủ trương thiếu cân nhắc này vào mức tăng giá, nhưng rõ ràng ảnh hưởng của chúng đến việc tăng chi tiêu của người tiêu dùng và tăng chi phí kinh doanh là không thể chối cãi.

Về một số giải pháp kiểm soát lạm phát

Việt Nam đã trải qua thời kỳ lạm phát cao trong những năm 80, 90 (của thế kỷ 20)  nên đã rút ra được những bài học quan trọng chống lạm phát. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý là khá đầy đủ và bài bản.

Vấn đề còn lại là nghệ thuật vận dụng vào thực tiễn. Việc ngân hàng trung ương mua ngoại tệ để ngăn đà xuống giá của đồng tiền này là bình thường, nhưng mua vào một lượng ngoại tệ lớn trong thời gian ngắn lại kích lạm phát lên. Hay như chủ trương tăng lãi suất ngân hàng để giảm lạm phát cũng là công cụ quen thuộc của chính sách tiền tệ, nhưng bắt buộc các ngân hàng thương mại mua một lượng trái phiếu lớn trong lúc họ đang gặp khó khăn về tính thanh khoản lại dẫn đến những cơn sốt tăng lãi suất ngân hàng một cách thái quá. Việc ban hành các quyết định hành chính không đúng lúc nêu trên cũng là một thí dụ về nghệ thuật điều hành. Lạm phát hai con số bùng phát trở lại liên tục trong hai năm qua cho thấy những khiếm khuyết trong mô hình phát triển nền kinh tế.

Ðể kiểm soát lạm phát  và tiếp tục phát triển kinh tế một cách bền vững cần tiến hành những phân tích cơ bản về điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở tổ chức thông tin, dự đoán và phân tích của các chuyên gia trong và ngoài nước. Rất nhiều cảnh báo của chuyên gia cách đây hàng chục năm đang trở thành hiện thực. Rất mừng là Chính phủ đã chủ trương coi chống lạm phát là ưu tiên số một trong lúc này và chú ý đến trợ cấp cho những đối tượng khó khăn nhất trong xã hội qua khỏi cơn sốt giá. Nhưng bên cạnh những giải pháp cấp bách kiểm soát lạm phát cần bắt tay vào việc đánh giá những yếu kém của nền kinh tế, những sai lầm trong chính sách kinh tế vĩ mô để tiến hành những cải cách tiếp theo theo hướng thị trường, hội nhập.

TSKH Nguyễn Thị Hiền

* Lạm phát và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay (28-4)