So sánh tiếng sóng biển rì rào như năm 2024

Biên phòng - Từ "nóc nhà" Đà Lạt, với độ cao 2.167m, trên đỉnh núi Bà có thể nhìn thấy Biển Đông trong sương mờ mênh mang. Quê núi mẹ bao giờ cũng khát vọng về biển quê cha, được đặt bàn chân lên con sóng vỗ bờ cát dài, mà nghe thương nhớ xa xưa... Những đứa con núi đi loanh quanh đồi thung chập chùng, sao biết hết tiếng sóng quê cha nói gì, sao biết hết biển bạc giàu có tới đâu? Chỉ có thể xuống núi, về với biển, đem giọt nước mắt từ buổi "huyền thoại" ấy, so với biển mặn mới thấy hết nhớ thương mênh mông nhường nào!

So sánh tiếng sóng biển rì rào như năm 2024
Tác giả và người lính Hải quân nhân dân Việt Nam.

Đúng 3 giờ 30 phút, chiều 26-11-2014, những đứa con núi được chào đón ở Trạm Mỹ Ca, chiếc xe UAZ của Liên Xô cũ dẫn đường vào nhà khách Vùng 4 Hải quân, đường cát bê-tông ngoằn ngoèo trên 10km. Đón tiếp Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Lâm Đồng là các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Đoàn M46 Hải quân nhân dân Việt Nam. Đêm nằm cạnh biển, nghe rì rào bờ cát hàng dương.

Sáng ra, đi dọc bờ biển dài, dưới chân là cát trắng mịn màng, trước mặt là điệp trùng con sóng bạc đầu vì thương nhớ. Từ xa, mặt trời nhô lên khỏi mặt biển, chiếu những tia sáng đẹp như ánh mắt nhìn vào tâm hồn lồng lộng gió xa khơi. Chợt nghe đâu đây, tiếng hải triều âm vang của hàng triệu năm xô bờ cát vọng về. Tôi cúi xuống lượm một con ốc biếc, con ốc lấp lánh vảy xà cừ ánh xạ tia nắng đầu tiên của ban mai biển Cam Ranh. Tôi đặt con ốc vào tai mình và nghe sóng vỗ...

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Đó là lời của trái tim vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh căn dặn Hải quân nhân dân Việt Nam. Lời Người như tiếng sóng lớn, như lời tiên tri vọng về, nhắc nhở người lính biển phải giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tiếng sóng ấy khắc vào màu xanh của biển, khắc vào Hoàng Sa, Trường Sa và khắc vào tâm khảm bao thế hệ khi nghe thấy tiếng biển rì rào. Chính tiếng rì rào của biển là tiếng nói của cha ông, tiếng nói chủ quyền, là tâm hồn của Tổ quốc chúng ta. Vì vậy, giữ gìn tiếng sóng biển chính là giữ gìn tâm hồn bao la của Tổ quốc!

Trong tiếng sóng biển linh thiêng, ta có thể nghe lời thề 16 chữ vàng: "Chiến đấu anh dũng - đoàn kết chủ động - khắc phục khó khăn - giữ vững chủ quyền". Vâng, giá trị của lời thề truyền thống nằm ngay trong chủ quyền được giữ vững. Chúng ta hiểu rằng, có thể mất mát trong quy luật vô thường của tạo hóa, nhưng đặc biệt chủ quyền của Tổ quốc là không thể mất. Đó là tính nhất quán của dân tộc Việt, người sở hữu biển trời quê cha. Bây giờ và mãi mãi...

Biển đảo trong cơ thể Việt Nam là không thể tách rời, những cái tên thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Đá Lát, An Bang, Thuyền Chài, Nam Yết... nghe thân thương và mặn mà câu hát: "Không xa đâu Trường Sa...". Thật vậy, biển đảo trong trái tim chúng ta không bao giờ xa. Đó là thứ tình cảm mặn mà như muối biển, ấm nồng như mặt trời, nhiều vô kể như cát trắng, gần gũi như da thịt.

Ở đảo phải dành cho nhau từng giọt nước, ví như nắm cơm trong lúc ngặt nghèo. Người lính yêu dân như thuyền yêu biển, sẻ chia rau quả, xăng dầu, nước ngọt từng giây, từng phút. Bởi họ biết rằng, mỗi ngư dân bám biển là một cột mốc chủ quyền. Con người yêu thiên nhiên, yêu các sinh vật trên đảo, không ai có quyền đối xử tệ bạc với cây cỏ và sinh vật. Luật của đảo dạy thế là phải đạo sinh tồn.

Chúng ta dựa vào thiên nhiên, dựa vào loài vật để cùng nhau giữ gìn cuộc sống tự do tươi đẹp, giữ gìn từng tấc đảo quê hương. Có thấy biển trời tươi đẹp, có đi trên con đường ven biển uốn lượn như cánh cung, mới cảm thấu được công lao to lớn của tiền nhân để lại cho cháu con một món quà không gì sánh nổi. Từ đó, lòng tự hào về đất nước ngàn năm sóng vỗ mới thiết tha, mới trào dâng nguồn xúc cảm...

Trở lại cái cảm giác của cha ông được chỉ dụ vua ban đi canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa ngày ấy, lòng chúng ta như trống giục. Và ngọn gió biển vịnh Cam Ranh thổi phừng phực kéo ta về thực tại, nhìn ngắm biển trời mây hình vảy cá mà nhớ câu ca xưa: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về...". Đứng giữa biển khơi thì trời nước là Tổ quốc, cánh buồm là quê hương. Vì vậy, đất liền luôn là nỗi nhớ da diết trong tâm hồn người lính biển. Chúng tôi được nghe kể rằng, lính đảo chia sẻ cho nhau từng giọt nước. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng các anh luôn lạc quan yêu đời.

Cam Ranh là một bán đảo, nó bọc trong lòng hai vịnh Bình Ba và Cam Ranh, có độ sâu lớn, có khả năng neo đậu các loại chiến hạm khổng lồ, tàu hộ tống và tàu sân bay. Đặc biệt, Quân cảng này không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nên nó là nơi trốn bão lý tưởng nhất ở Đông Nam Á. Vị thế chiến lược của vịnh Cam Ranh được nâng lên qua các thời kỳ. Hải quân Pháp, Mỹ và Liên Xô đã từng dùng Cam Ranh làm căn cứ hải quân quan trọng.

Nơi đây còn là địa điểm tập kết của bộ đội và nhân dân đi Trường Sa. Thị xã nay đã lên thành phố, sự trưởng thành từng ngày là một điều đáng mừng của chúng ta. Cam Ranh có một mái chùa nhìn ra biển. Có lẽ, những tiếng chuông chùa lan tỏa trên sóng nước trùng khơi như một thông điệp hòa bình. Ngư dân luôn mong muốn có một cuộc sống trời yên, bể lặng hơn là bão tố phong ba.

Ghé thăm ngôi chùa, chúng tôi không khỏi xúc động vì lính đảo vẫn thường tới lui chăm sóc cho ngôi cổ tự được xanh tươi. Những cây bồ đề từ khắp nơi đem về trồng xanh mát sân chùa. Chúng tôi vào chùa lễ Phật, chùa vắng lặng thinh không, chỉ có tiếng niệm Phật u nhã vang lên trong gió. Tất cả chúng tôi thành kính dâng lên lời nguyện cho Tổ quốc thanh bình, chúng sinh an lạc, biển đảo quê ta lại hùng hồn tiếng sóng chủ quyền vỗ vào bờ mỗi sáng tinh khôi.

Tôi lại nghe tiếng sóng trong hồn mình vang lên từ chiếc vỏ ốc, tiếng sóng hòa theo khói hương quyện nhẹ lên mái chùa tĩnh lặng. Mùi hương thân quen mà linh thiêng cho cõi tưởng nhớ, hướng về các anh hùng liệt sĩ, nơi giá trị tinh thần dân tộc thuần khiết biết bao.

Cam Ranh tươi đẹp quá, không ai nói được ngày trở lại. Đêm chia tay, ai cũng hát, cũng thơ. Tôi vẫn nghĩ đó là bình thường, nhưng bất ngờ hơn, lính đảo hát về đất liền, đất liền hát về biển đảo - tự nhiên mà mênh mông, gần gũi mà sâu thẳm. "Những cánh thư về từ đảo xa", "Tổ quốc gọi tên mình"... như những giọt nước mắt thầm lặng, hào hùng cho "Tổ quốc linh thiêng/Tổ quốc linh thiêng...".

Thế rồi, những bàn tay vẫy. Quân cảng khuất sau những con đường đầy gió mặn. Chúng tôi để lại dấu chân mình trên bình minh cát trắng, nơi không dễ gì gặp lại. Bất giác tiếng sóng biển lại vang lên, sâu thẳm, đâu đó... Tôi chăm chú lắng nghe và chợt nhận ra âm thanh được phát ra từ chính chiếc vỏ ốc bên tai tôi ẩn chứa bàng bạc ký ức.