Trả ta kiếp này review

Trả ta kiếp này review

Cũng giống như Họa Quốc, tác phẩm này gây cho mình một số cảm nhận không nhất quán lắm, chẳng hạn như mình khá thích phần đầu, phần kết, nhưng không phải phần giữa.

Cảm giác chung khi bắt đầu đọc truyện khá là bi ai, không phải vì tình cảnh đơn phương vô vọng của nữ chính – Bạch Ngân, cũng không phải vì những yêu hận tình thù day dứt giữa mỗi nhân vật, mà là suy nghĩ về việc sống sao cho hết một kiếp người.

Cũng là con người, mà khác nhau bởi đẹp – xấu, quý – tiện, sang – hèn, thông minh – ngu dốt,…. Với quan niệm duy vật không tin có cái gọi là số mệnh, ở đây ta không cổ súy mê tín dị đoan, nhưng lâu lâu đi xem bói xem số thấy phán cũng “đúng đúng”, cũng làm một việc mà người này lại có quá nhiều may mắn và thuận lợi hơn người kia. Thẳng thắn mà nói, tớ thuộc dạng người vô thần, nhưng lại có chút niềm tin vào nhân – quả, và có rất nhiều lúc phải công nhận đúng là đời người mưu tính đủ đường, cuối cùng cũng không tránh khỏi “cái số”.

Bạch Ngân là con gái của một gia đình nghèo, bố mẹ quá nghèo nên bán cả 2 đứa con gái làm nô tỳ cho nhà giàu, một chữ bẻ đôi không biết, là tầng lớp hạ tiện của xã hội. Sinh trưởng trong một hoàn cảnh như thế, nữ chính không thanh cao, không phóng khoáng, không nhân hậu, đầu óc nàng ban đầu cũng nhỏ nhen, thô lậu và hạn hẹp như những thành viên trong gia đình của nàng. Nhưng ông trời lại ban cho nàng ta một cái đầu khôn ngoan hơn họ và cơ may gặp được tiên nhân. Món quà này không biết là phúc hay họa, nhưng là vốn liếng để một con người không cam tâm với số mệnh. Một đứa con gái 16 tuổi đầu, biết tỉ mỉ quan sát, phân tích được sự bất thường từ những sự việc mình chưa từng bắt gặp, và dám mơ ước một giấc mơ cuồng vọng nhất thiên hạ. Bản chất của nàng đã có sẵn tố chất nhìn được những thứ xa hơn chỗ đứng của mình.

Nhưng đó cũng chính là thứ khiến mình cảm thấy đáng giận, Phật bảo chúng sinh bình đẳng, nhưng sao sinh ra mọi vật lại không giống nhau, con thì săn mồi, con bị ăn thịt. Tự nhiên không có đạo đức, mà nhân gian không có Phật. Nữ chính sống với thân phận là con mồi của người khác, không muốn bị chôn vùi cùng với gia đình mình thì phải học cách phản công, muốn lấy yếu chọi mạnh, đương nhiên sẽ không thể đường đường chính chính. Tự tạo nên số mệnh, nhưng không giành được nó. Bạch Ngân càng cay nghiệt càng để lộ sự tự ti, càng tham vọng càng chứng tỏ sự thiếu thốn, ai bảo nàng ta xuất thân nghèo hèn đói khổ chứ. Chỉ có những người sinh ra đủ đầy mới đủ khả năng để học cách khoan dung. Đẹp đẽ, cao quý, là đặc quyền của một số người, nếu không có cố cũng không đạt được. Bạch Ngân muốn cải số, cuối cùng vẫn chịu thua chính mình

“Đây có lẽ là số mệnh của ta rồi, ta vắt óc tìm kế, suy tính mưu đồ, cuối cùng vẫn bị kẻ khác lật đổ”

Nếu đặt một nhân vật như thế này vào một tiểu thuyết “không phải ngôn tình”, có lẽ mình sẽ cảm thấy nàng ta là một kẻ ác đơn thuần. Nhưng đây là ngôn tình, dùng tình để nói chuyện, dùng cảm tình để nhìn người, nên ta mới nhận ra được người như nàng cũng có thể từng đau đớn, bi thương hay cô độc. Đây cũng là một lý do tại sao mình tương đối thích với thể loại văn học “chả có gì ngoài mớ cảm xúc suông”, mặc dù nó có nhiều hạn chế, nhưng về tính nhân đạo thì rất thỏa mãn. Bạch Ngân là một nhân vật phản diện được làm vai chính, đê tiện, tham lam, đố kị, tàn nhẫn, thậm chí đối với người đàn ông yêu nàng cũng chỉ đổi lại là sự giả dối. Bạch Ngân cũng không tỏ ra đáng thương, không lý do lý trấu thanh minh thanh nga, thực lòng mà nói, muốn ghét nàng ta rất dễ, nhưng không hiểu sao lại khiến mình không thể thẳng thừng mà ghét. May mà cuối cùng nàng ta tỉnh ngộ.

Sau khi đi hết một kiếp nhân sinh, Bạch Ngân tỉnh dậy giữa phố xá ồn ào, lấy A Mộc phiền phức mà thật thà, làm một người đàn bà thường dân đến hết đời. Quân Hoa tiên nhân là thần tiên, là thế lực đứng ngoài xã hội con người, đứng trên cao nhìn xuống, trong mắt ông ta mấy chục năm hỷ nộ ái ố chỉ như xem một vở kịch, kết là hết. Cũng không cần tới thần thánh, trăm ngàn năm sau, giả sử hậu thế nhìn lại chúng ta cũng có cảm xúc tương tự như thế mà thôi. Trải hết hồng trần mới ngộ ra chỉ là Hoàng Lương nhất mộng, có gì khác nhau?

Thông điệp là gì, số mệnh con người đã định, cố chấp tranh giành để hướng nó theo ý mình là sai hay là đúng?

Đi một vòng hóa ra tốt nhất chính là trở về vạch xuất phát, tham lam chiếm giữ những phước phần vượt quá khả năng của mình, rốt cục cũng là của thiên trả địa mà thôi.

Nói thế thôi, giả sử rằng thầy bói phán tương lai bạn chết sớm đấy, kiểu gì cũng chết chả thay đổi được đâu, bạn còn biết bao nhiêu thứ cần làm, thậm chí là những điều vĩ đại đang ấp ủ, bạn có cam tâm không. Bản thân tớ cũng không cam tâm, cũng không thấy có gì sai. Mộ Thiên Âm, Vũ Đoàn đều là người tốt đẹp mà cũng sẵn sàng đánh đổi tuổi thọ để nguyện vọng thành sự thật thôi

Đức năng thắng số, nhân định thắng thiên, mấu chốt nằm ở chữ “đủ”, nhưng đủ là một điều vô cùng khó, chưa đi đến cuối cùng, ai biết đâu mới là đủ, chỉ sợ mình thiếu, không lo mình thừa. Vậy nên cứ tâm niệm gieo nhân gì gặt quả nấy, đừng tưởng bản thân có thể nắm giữ tất cả.

Đọc truyện thôi mà làm lố quá chừng, nhưng mà quả thật đọc Trả ta kiếp này mình hoàn toàn không có ấn tượng lắm về bản thân câu chuyện, tí nữa sẽ chê cho xem, nhưng không hiểu sao lại cứ trằn trọc suy nghĩ về số với lại mệnh. Mỗi chúng ta đều không phải Bạch Ngân, nhưng cũng có thể là một phần của Bạch Ngân, hầu như sẽ có lúc bất lực với hoàn cảnh, thay đổi hay buông xuôi, kiên trì hay bỏ cuộc, rồi phải làm đến mức nào, mình cũng không biết, có lẽ mỗi người chỉ có câu trả lời chính xác nhất khi đến phút cuối cùng mà thôi. Chúng ta không có cơ may để sống lại một cuộc đời mới, nên kết thúc như truyện chính là một lời cảnh tỉnh, một bài học, một lần làm lại mà bất kỳ ai cũng từng ước ao.


Rồi, lan man lạc đề từ nãy tới giờ mới vào chuyện chính đây, truyện này nhận định chung là có điều đáng để cảm động, nhưng tách riêng ra một số khúc thì nó hơi bị lợn cợn, đặc biệt mấy đoạn đấu đá làm hơi bị lùng nhùng, thiếu hợp lý. Đọc thấy tụt mood, vì có một số chi tiết cảm tưởng nó “không tới nỗi khổ” mà tác giả lên gân làm mình cảm thấy nó giả dối. Ví dụ thì nhiều lắm:

Phi tần bị phán tội rồi nhốt lãnh cung trong vòng 1 nốt nhạc, không có nhân chứng vật chứng bằng chứng quái gì hết, không thèm điều tra, thậm chí một Chiêu Nghi (theo như trong truyện Chiêu Nghi cấp bậc dưới Tần) không có gia thế, không có mạng lưới tay chân ngoài cung điều tra còn nhanh hơn Hoàng thượng với Thái hậu.

Hoàng cung như cái chợ, đặc biệt lãnh cung mà còn bát nháo hơn cả cái chợ trời, trong lãnh cung mà có cung nữ cung khác ra vào như chốn không người, to gan ngồi tám chuyện giường chiếu của hoàng đế???!! Nữ chính sai cung nữ của mình từ trong lãnh cung đi lung tung gây chuyện? Nếu nói đám cung nữ thái giám đó là phục dịch trong lãnh cung cũng vô lý, lãnh cung là phi tần thất sủng rồi còn cần lắm nô tài vậy làm gì? 

Nữ chính vào lãnh cung mà lôi đâu ra sách để nâng cao tri thức vậy, sách vở ngày xưa không như bây giờ mỗi năm ra mấy chục ngàn cuốn. Vì kỹ thuật in ấn hạn chế, không tính sách tào lao tiểu thuyết dâm thư thì sách thánh hiền là hàng cao giá, ngày xưa đi học là chuyện cực kỳ tốn kém, nho sinh nhà nghèo phải vác xác đi chép sách từ thư viện, chưa kể các loại quốc sử thì biên soạn in ấn xong cất trong kho của triều đình, chị lôi từ cái góc xó xỉnh nào trong lãnh cung mà được toàn sách quý thế, trong khi lúc vào chị đi người không hẳn hoi.

Vụ ông thị vệ là mệt nhất, thống lĩnh thị vệ hoàng cung mà đi canh lãnh cung? Mình tưởng ông Lý Tất ấy là trưởng nhóm thị vệ lãnh cung nghe còn có lý, chứ thủ lĩnh cấm vệ quân là địa vị cỡ nào, chỗ lãnh cung là chỗ nào mà ông ta có mặt ở đấy, sau này đi ra đi vào hậu cung của phi tần thường xuyên không ai biết, nghe nó vô lý đến khó đỡ. Chưa kể nếu là thống lĩnh thị vệ, là cái người quan trọng nhất nắm giữ nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia thì không chỉ là bản lĩnh, mà còn phải có xuất thân, phẩm chất không tầm thường, chứ ai đâu y như thằng đòi nợ thuê ngoài chợ. Tuyển thị vệ mà như trò đùa, đến Dương Lâm từng đầu quân cho phản đảng mà còn được “gia thế trong sạch” thì hỏi sao thích khách vào cung như đi chợ.

Rồi đến vụ đậu mùa, tốt xấu gì cũng là y sĩ trong Thái Y viện, dù là hạng tập sự đi chăng nữa cũng không đến mức như lang băm vậy chứ, đậu mùa có phải bệnh hiếm lạ gì mà chẩn mãi không ra. Vì cái vụ đậu mùa này là nguyên nhân trực tiếp đẩy nữ chính vào con đường mất hết nhân tính, nên lý do không thuyết phục thì mọi sự thương cảm đều vơi hẳn đi, chán tác giả. 

Nhiều nữa, nói chung là phần cung đấu trong này hơi bị bát nháo, không ra dáng cung đình gì cả, âm mưu cũng hời hợt, những khó khăn đều vô lý kiểu rõ mười mươi bị sắp đặt nên thành ra giả tạo, hoàng thượng thì mềm yếu bị một đám đàn bà quay như quay dế, cũng không cảm thấy anh ta thể hiện tình cảm bằng hành động nào hết, lặng lẽ chăm lo hay bảo vệ nữ chính không thấy, vào lãnh cung rồi cho cưng tự sinh tự diệt, đến khúc cuối mọi người nói là si tình thì biết đó là si tình, hây dà….!!!