Bài văn viết về người lính biển đảo năm 2024

Cuộc sống của người lính trên đảo Trường Sa những thập niên cuối thế kỷ XX thật nhiều hy sinh, vất vả. Trần Đăng Khoa đã thấu hiểu điều đó hơn ai hết, bởi chính anh cũng là người chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển trời Tổ quốc. Tập bút ký "Đảo chìm" và những bài thơ viết về người lính biển như Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đồng đội tôi trên đảo thuyền chài… mãi mãi nằm sâu nơi trái tim người đọc. Đặc biệt, hình tượng người lính đảo một lần nữa hiện lên đẹp đẽ và sống động với tinh thần lạc quan, lòng yêu đời thiết tha trước muôn ngàn khó khăn, thử thách được tái hiện qua Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, sáng tác năm 1982. Bài thơ giàu chất tự sự song vẫn đằm sâu mạch cảm xúc trữ tình, nhờ đó đã lan tỏa tình yêu về quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng đến với mỗi chúng ta.

Nhan đề bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn đã gợi mở cho người đọc về hình ảnh những hòn đảo giữa trùng dương quanh năm thiếu mưa, thiếu nước ngọt, cuộc sống thật gian lao và khắc nghiệt. Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt và cháy khô cát bỏng, những người lính trên đảo đợi mưa như trẻ thơ đợi mẹ chợ về, mỏi mòn và thắc thỏm để rồi cuối cùng niềm hy vọng đó không bao giờ đến, có chăng chỉ là những “ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…”. Dù vậy, vượt qua những nghiệt ngã, gian lao, người lính đảo vẫn hồn nhiên, yêu đời, vẫn “như đá vững bền, như đá tốt tươi”.

Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn bắt đầu bằng một nỗi đợi chờ rất đặc trưng của người lính biển: đợi mưa! Mưa là chuyện bình thường, một quy luật của đời sống tự nhiên trên mặt đất này. Nhưng giữa những hòn đảo tiền tiêu, điều đó lại là ân sủng hiếm hoi của tạo hóa. Hình tượng những người lính ngồi đợi mưa “bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy” rất đặc tả, rất sống động qua cái nhìn hiện thực trụi trần khắc nghiệt. Trong tư thế không phải “chờ giặc tới” mà là chờ mưa với con mắt đăm đăm nhìn về phương trời xa xăm đến tội nghiệp. Phải từng trải và thấu hiểu, Trần Đăng Khoa mới dựng lên chân dung người lính đợi mưa với một tâm trạng khắc khoải mà cũng hồn nhiên đến thế. Trong đoạn thơ đầu, tác giả sử dụng ba lần câu thơ “Ôi, ước gì được thấy mưa rơi” cứ láy đi láy lại đầy ám ảnh. Thêm nữa, cái tư thế đợi mưa đến thắc thỏm được khắc họa bằng những hình ảnh thơ đầy ấn tượng và mãnh liệt về cảm xúc: “Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy/ Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi/ Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…”.

Thêm nữa, cái cảnh đợi mưa đến nỗi “mặt chúng tôi ngửa lên như đất” có gì đó rất tội nghiệp và đáng thương quá! Thế nhưng, mưa vẫn ở đâu nơi chân trời xa lắm. Vậy là cơn mưa trong tâm tưởng lại xuất hiện như một tất yếu cứu cánh nỗi đợi chờ của những người lính đảo: “Những màu mây sẽ thôi không héo quắt/ Đá san hô sẽ nảy cỏ lên xanh... Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt”. Quả là một cảnh đợi mưa đặc biệt ấn tượng, nhờ đó mà làm nên tứ thơ đặc sắc, lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc suốt hơn bốn mươi năm nay.

Cứ thế nhà thơ thỏa sức tưởng tượng cơn mưa sẽ ùa về trên đảo trong tâm trí của biết bao người lính đợi chờ, mong ngóng. Mưa tắm táp mát lành. Mưa như chưa bao giờ được mưa, đùng đùng sấm sét. Người lính đảo cứ “nhảy choi choi trên cát”, cứ úp miệng vào tay mà gào như ếch nhái uôm uôm khắp đảo, rồi mặt ngửa lên hứng nước như đất hạn gặp mưa. Một hạnh phúc vỡ òa trong tưởng tượng, trong cảm xúc miên man và nỗi “thắc thỏm niềm vui không nói hết”.

Hai khổ thơ cuối bài là lời khẳng định đinh ninh của người lính về sự sinh tồn bất diệt của con người và hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ đảo Sinh Tồn vẫn trong vòng tay của Bà mẹ Việt Nam giàu lòng yêu thương và nhân hậu, người chiến sĩ hải quân vẫn “như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người”. Dù đợi mưa mà mưa không đến, người lính vẫn có niềm vui đón đợi mưa như một lẽ sống đàng hoàng trong tư thế hiên ngang của những người lính biết vượt lên thử thách, khắc nghiệt, làm cột mốc tiền tiêu canh giữ biển trời Tổ quốc: “Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người/ Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”.

http://bantuyengiao.cantho.gov.vn/vi/news/bien-gioi-bien-dao-viet-nam/tinh-bien-va-nguoi-linh-1333.html http://bantuyengiao.cantho.gov.vn/uploads/news/2023_08/14-8-linh.jpg

Trang thông tin điện tử Tuyên giáo Cần Thơ http://bantuyengiao.cantho.gov.vn/uploads/logo_1.png

Biển đảo Việt Nam - từ ngữ dung dị gợi lên bao xúc cảm dạt dào trong mỗi người con Lạc cháu Hồng. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ông cha ta đặt cột mốc chủ quyền, để ngày nay, lá cờ đỏ sao vàng hiện diện trên mọi điểm đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Cảm ơn tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho chúng ta non sông gấm vóc vàng son rực rỡ! Lẽ tất nhiên, nốt son rạng ngời ấy được đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt, bằng hy sinh gian khổ, bằng tháng ngày cần lao mà anh dũng của lớp lớp thế hệ cha anh. Bờ biển dài 3.260 km uốn lượn theo dáng đất hình chữ S là niềm tự hào của ta! Vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 là niềm tự hào của chúng ta!

Bài văn viết về người lính biển đảo năm 2024

Chiến sĩ Hải quân ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo

Biển như lòng mẹ bao la. Biển cho ta cá tôm, nuôi lớn bao con người và ôm ấp che chắn vạn làng chài. Biển cho ta nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Biển uốn mình phô trọn vẻ đẹp của nước xanh, cát trắng, nắng vàng níu chân du khách gần xa…

Lật giở từng trang sử, 14 cuộc chiến tranh xâm lược đem cơn đau thương cho dân tộc thì 10 trận chiến bắt đầu từ hướng biển. Biển trở thành nhân chứng hùng hồn nhất cho lòng yêu nước nồng nàn cùng ý chí quật cường của nhân dân. Chiến thắng ở cửa biển Bạch Đằng, Vân Đồn… mãi mãi vang danh làm rạng rỡ trang sử vàng của dân tộc.

Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của biển và đại dương, chúng ta đối diện với nhiều thách thức. Tranh chấp trên biển tạm lắng nhưng dã tâm, tham vọng thống trị biển Đông của một số nước vẫn âm ỉ cháy. Chúng ta có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ XVII, khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Đó là lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền, nhắc nhở chúng ta hãy kiên quyết, bình tĩnh bảo vệ non sông gấm vóc!

Yêu lắm đảo xa ơi! Những cái tên Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… luôn gợi lên bao tình cảm mến thương. Hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ rải đều từ Bắc xuống Nam có ngàn vạn con dân Việt Nam sinh sống.

Sau bao nhiêu năm, những thay đổi ở đảo thật kỳ diệu! Đảo xanh biếc với những hàng cây nối dài. Đảo hiện đại với những con đường bê-tông thẳng tắp. Đảo trang trọng mà thân thương với nhà tưởng niệm Bác Hồ. Đảo thanh bình, yên ả với mái chùa ẩn hiện dưới tán cây, đủ đầy trường học, trạm y tế. Đảo xa thật bình dị như bất kỳ nơi đâu trên đất liền.

Nhớ về biển, nghĩ về đảo, tâm trí hiện ra dáng đứng của người lính đảo xa. Các anh là chiến sĩ Hải quân với tình yêu đất nước vô bờ, luôn chắc tay súng bảo vệ sự bình yên Tổ quốc. Giữa mênh mông sóng nước, thời tiết khắc nghiệt, bão táp bủa vây; giữa những nhà giàn cheo leo giữa đại dương; giữa nỗi cô đơn, sự thiếu thốn và cả cái chết là ý chí kiên định người lính. Tất cả đều không khuất phục được các anh.

Nhắc đến lịch sử Hải quân Việt Nam, chúng ta nghẹn ngào hồi tưởng sự kiện năm 1988. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng. Những chiến sĩ giữ đảo Gạc Ma ngày ấy mãi nằm lại giữa lòng biển khơi. Năm 1993, một cơn bão lớn làm đổ nhà giàn, 7 chiến sĩ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ... Các anh đã hy sinh anh dũng để gìn giữ biển trời, giữ cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay phấp phới.

Trong khi triệu triệu người đang hít thở bầu không khí thanh bình và hối hả mưu sinh thì nơi đảo xa, các chiến sĩ Hải quân vẫn ngày đêm lặng lẽ canh gác, thầm lặng cống hiến tuổi xuân của mình.

Màu áo trắng của các anh là mây trời. Màu quần xanh của các anh là nước biển. Chiếc yếm xanh sọc trắng viền quanh vai, ngực tượng trưng cho trọng trách gánh vác, là biểu tượng cho tinh thần không sợ nguy nan, sẵn sàng đón nhận phong ba, bão táp, sóng gió đại dương. Bộ quân phục của các anh thật ý nghĩa!

"Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau"... Xin nghiêng mình gửi tới những người lính lời cảm ơn chân thành và những người mẹ bao dung, người vợ tảo tần của các anh niềm cảm phục sâu sắc. Ngày giông bão, căn nhà thiếu vắng một bờ vai vững chãi. Ngày lễ, Tết, gia đình ngóng trông tiếng cười nói của một người. Ngày trái gió trở trời, cha mẹ ốm đau thiếu hụt bàn tay anh chăm sóc. Ngày sinh con đầu lòng, vợ anh vượt cạn một mình... Vậy mà những cánh thư ra biển luôn ấm áp, dạt dào niềm vui. Làm vợ, làm mẹ những người lính biển, tự hào thay!

Cảm xúc về biển đảo quê hương và hình ảnh người lính giữ bình yên giữa mênh mông sông nước trở thành nguồn tư liệu phong phú cho trang giáo án thêm sinh động. Là người kỹ sư tâm hồn, tôi luôn khao khát bắc nhịp cầu nối tình biển, tình người lính biển với các em học sinh…