Chia sẻ công việc gia đình ở Việt Nam hiện nay

Trách nhiệm chung

Như thành thói quen, gần 10 năm nay, hết giờ làm việc ở cơ quan về nhà, anh Ngô Văn Ninh, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) không ngần ngại cùng vợ nấu cơm, tắm rửa cho con, dọn dẹp nhà cửa. Cả hai vợ chồng đều là công chức, vợ anh thường xuyên phải trực cơ quan, trong khi hai con còn nhỏ. Hàng xóm, bạn bè, người thân ai cũng khen anh là người chồng tâm lý, chịu khó, có trách nhiệm với gia đình.

Chia sẻ công việc gia đình ở Việt Nam hiện nay

Anh Ngô Văn Ninh, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) chia sẻ việc gia đình cùng vợ.

Về phần chị Thương - vợ anh cũng cảm thấy hãnh diện về chồng mình. Sở dĩ tôi san sẻ việc nhà vì muốn giảm gánh nặng cho vợ. Tôi nghĩ khi đã chung sống dưới một mái nhà thì cả vợ, chồng đều có trách nhiệm vun vén gia đình, không phân biệt việc của người này hay của người kia, anh Ninh tâm sự.

Anh Hoàng Văn Dương, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) cũng thường xuyên san sẻ việc nhà cùng vợ. Lấy nhau một thời gian, vợ chồng anh chị được bố mẹ cho ra ở riêng. Chị Hương làm công nhân khu công nghiệp phải rời nhà từ sáng sớm, nhiều hôm tăng ca đến khuya mới về.

Làm nghề xây dựng, công việc cũng khá vất vả song anh Dương vẫn dành thời gian làm việc nhà, từ nấu ăn, băm bèo, chăn lợn, cho con ăn mà không nề hà. Ngày Chủ nhật, vợ chồng lại cùng vào bếp chế biến các món ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa, chuyện trò hỏi han công việc của nhau.

Ngày nay, đàn ông làm việc nhà không còn là chuyện hiếm đối với nhiều gia đình, nhất là khi xã hội ngày một phát triển, văn minh, vấn đề bình đẳng giới được đề cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mẫu đàn ông như anh Ninh, anh Dương, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các ông chồng có tư tưởng gia trưởng, cho rằng việc nhà là của phụ nữ, đàn ông chỉ làm những việc lớn và họ nghiễm nhiên phó mặc cho người vợ đảm đương, cáng đáng. Với quan niệm đó, nhiều ông chồng thờ ơ hoặc thậm chí không muốn động tay vào bất cứ việc gì mỗi khi về đến nhà.

Chị Nguyễn Thị M, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) bộc bạch, chị lập gia đình cách đây 20 năm song cũng chừng ấy thời gian anh T-chồng chị chưa bao giờ cầm chổi lau nhà hoặc rửa bát đĩa, phơi quần áo cho vợ con. Chị làm công nhân, ngày nào cũng xẩm tối mới về đến nhà nhưng việc cơm nước của gia đình anh không đả động.

Anh ấy lái xe, công việc không vất vả lắm, một tháng kiếm được vài triệu đồng cũng chỉ đủ chi tiêu cho bản thân và trang trải vặt nhưng tính khí rất gia trưởng. Hầu như các buổi chiều tối, anh ấy hay sang nhà hàng xóm chơi cờ tướng, khi thì hát karaoke, chẳng phụ giúp gì cho gia đình. Có khi tôi giục về tắm rửa cho con để mình tranh thủ nấu cơm, giặt giũ thì bị anh ấy quát mắng, chị M nói.

Rất nhiều phụ nữ phàn nàn, chồng họ cứ hễ về đến nhà là ôm khư khư cái điện thoại lướt Facebook, Zalo hoặc vắt chân chữ ngũ, nằm dài xem ti vi chờ vợ nấu cơm; nhà cửa bề bộn nhưng không bao giờ dọn dẹp.

Không ít bà vợ đi làm về muộn chứng kiến cảnh bếp núc vẫn nguội tanh, quần áo bẩn của chồng con chất đống. Nhiều ông chồng hết giờ làm việc lại giao lưu, nhậu nhẹt cùng bạn bè, phó mặc việc nhà cho vợ. Không ít phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến những cuộc cãi vã, to tiếng, tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà rạn nứt, nhiều cặp tan vỡ cũng chỉ vì những mâu thuẫn vặt tích tụ lâu ngày không hóa giải được.

Thay đổi nhận thức

Thực tế, phụ nữ ngày nay làm việc như nam giới, họ công tác, lao động, bươn chải kiếm tiền, gánh vác công việc xã hội, sinh đẻ, nuôi dạy con cái nên không có lý do gì để cho rằng việc nhà chỉ dành cho người vợ, người mẹ trong gia đình. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi nhận thức, hành vi đối với nam giới.

Các tổ chức đoàn thể ở địa phương, cơ quan, doanh nghiệp cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình để mọi người cùng có trách nhiệm vun đắp.

Thạc sĩ tâm lý học Hán Thị Hương Giang, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang bày tỏ, để người chồng làm việc nhà một cách tự nguyện, thoải mái, người vợ nên lựa lúc vui vẻ, tâm sự, trao đổi với chồng về việc mình cảm thấy hạnh phúc và đỡ vất vả như thế nào khi có người chia sẻ việc nhà. Chồng tham gia làm việc nhà cùng v cũng để làm gương cho con cái trong gia đình học tập.

Chia sẻ công việc gia đình ở Việt Nam hiện nay

Dù bận rộn song anh Nguyễn Văn Hưng, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) vẫn thu xếp thời gian cùng vợ làm việc nội trợ.

Chị Nguyễn Thị Hưng, Trưởng Ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Ban Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh nêu quan điểm, khi chồng con chia sẻ việc nhà sẽ giúp người phụ nữ giảm bớt mệt mỏi, các thành viên có thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện gần gũi với nhau nhiều hơn, người vợ cũng có thời gian chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của bản thân hơn, từ đó tình cảm gia đình cũng thêm gắn kết.

Tuy nhiên, việc nhà cũng không nên phân chia rạch ròi, cứng nhắc mà cả vợ và chồng nên xử lý một cách linh hoạt. Đôi khi, nếu chồng bận công việc, hay vì lý do sức khỏe không thể giúp được thì vợ cũng không nên cằn nhằn, trách móc. Mặt khác, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mỗi gia đình thống nhất bố trí, sắp xếp việc nhà sao cho hợp lý để vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.

Chia sẻ công việc gia đình ở Việt Nam hiện nay
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp Bắc Giang: Đổi mới nội dung hoạt động, thu hút hội viên
(BGĐT) - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang đã chú trọng chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, chất lượng hoạt động hội nâng lên rõ rệt, đồng thời góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Chia sẻ công việc gia đình ở Việt Nam hiện nay
Phó Giáo sư Hồ Thị Thanh Vân - người phụ nữ của khoa học
Trong số 3 nhà khoa học nữ xuất sắc được trao Giải thưởng LOréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019, trong đó có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh

Công Doanh