Đặc điểm chung của cách mạng Lào và Campuchia

Biên phòng - Việt Nam, Lào, Campuchia là 3 quốc gia cùng chung mái nhà Đông Dương. Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, vận mệnh của 3 nước gắn bó chặt chẽ với nhau. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đã kề vai sát cánh chống kẻ thù chung, giành được nhiều thắng lợi to lớn, tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ vững bền và không ngừng phát triển.

  • Lễ trao tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam, Lào, Campuchia
  • Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia
  • Campuchia, Lào, Việt Nam hướng tới tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng
Đặc điểm chung của cách mạng Lào và Campuchia
Người dân Campuchia đứng hai bên đường tiễn QTN Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế về nước, năm 1983. Ảnh: Tư liệu

Thời gian đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam thành lập các đội công tác cơ sở, đội vũ trang tuyên truyền thực hiện ba cùng với dân; giáo dục, giác ngộ và tổ chức nhân dân các bộ tộc Lào vào các hội Issara. Ngày 30-10-1949, các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện (QTN). Cho tới thời điểm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ một vài cơ sở đầu tiên ở vùng Nặm Tòn, cơ sở cách mạng và căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng của Lào được mở rộng, nhiều khu căn cứ kháng chiến Lào đã nối liền nhau, tạo thành thế kháng chiến liên hoàn từ Bắc Lào, Trung Lào đến Hạ Lào. QTN còn giúp bạn tổ chức các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, nâng cao đời sống, văn hóa, y tế và đoàn kết các bộ tộc Lào.

Tình hình Campuchia có phần khó khăn hơn. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nhảy dù xuống Phnôm Pênh. Những người yêu nước Campuchia cố gắng tập hợp lực lượng kháng chiến chống Pháp trong Mặt trận Khmer Issarak, thành lập nhiều khu kháng chiến. Cuối năm 1946, các chiến sĩ yêu nước Campuchia phối hợp với Việt kiều chiến đấu đánh chiếm Xiêm Riệp một tuần lễ, mở màn cho sự phối hợp chiến đấu giữa Campuchia và Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen từng nói: Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay. Nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh. Dứt khoát là thế.

Trong 2 năm 1947-1948, các khu căn cứ của phong trào kháng chiến Campuchia ở Tây Bắc, Tây Nam, Đông Nam và Đông Bắc được thành lập. Đến cuối năm 1949, phong trào kháng chiến của Campuchia phát triển tương đối đều khắp. Trong số 15 tỉnh, bạn đã có các căn cứ du kích ở 14 tỉnh, từng bước phát triển xuống đồng bằng, buộc quân Pháp phải điều quân sang để đối phó với lực lượng vũ trang kháng chiến Campuchia và Việt Nam.

Năm 1953, để phá kế hoạch Nava, bộ đội Việt - Lào đẩy mạnh hoạt động trên khắp chiến trường Thượng, Trung và Hạ Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng chiến lược quan trọng, làm rối loạn thế trận của địch trên chiến trường Đông Dương. Tại Campuchia, bộ đội Việt Nam phối hợp với bộ đội Khmer giải phóng Đông Bắc Campuchia, cùng một vùng khá rộng thuộc tỉnh Preah Vihear và Đông Bắc tỉnh Kampong Thom, hình thành các vùng căn cứ kháng chiến, liên kết với vùng giải phóng của Việt Nam ở Nam bộ và vùng giải phóng Hạ Lào.

Do những thắng lợi vang dội của quân và dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21-7-1954, thực dân Pháp phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Genève là một thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân 3 nước Đông Dương, tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược bán đảo Đông Dương đã dùng nước này làm bàn đạp xâm chiếm nước kia, biến Đông Dương thành một chiến trường, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương. Nhận thức đúng đắn về ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thiết lập quan hệ với Chính phủ, nhà vua Lào và Chính phủ, nhà vua Cao Miên trên nguyên tắc: Tôn trọng lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội chính của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình.

Trong Hội nghị liên minh 3 nước Đông Dương họp tháng 9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nhân dân Việt Nam hết lòng thành thật giúp đỡ nhân dân Lào, nhân dân Miên một cách vô điều kiện. Sự thật thì chưa tìm ra chữ gì để thay thế chữ giúp chứ thực ra không phải là giúp mà là nghĩa vụ quốc tế.

Đến năm 1967, số cán bộ, nhân viên Việt Nam tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa ở Lào lên tới 15.000 người, riêng chuyên gia quân sự là 8.500 người. QTN và chuyên gia Việt Nam giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân phù hợp với hoàn cảnh, tình hình cách mạng Lào. Các đoàn QTN đã luôn sát cánh cùng quân và dân Lào chiến đấu, đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ ở Lào, làm cho địch thất bại từng bước tiến tới thất bại hoàn toàn. Tại Campuchia, lực lượng của Việt Nam phối hợp và giúp đỡ lực lượng kháng chiến Campuchia đánh bại các cuộc hành quân của địch, mở rộng vùng giải phóng tại 10 tỉnh Campuchia, tạo nên những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tháng 4-1970, đại diện 3 nước họp Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương. Tuyên bố chung của hội nghị trở thành cương lĩnh đấu tranh chung, hiến chương chung về quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân 3 nước. Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình, QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam góp phần quan trọng cùng quân và dân Lào - Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đặc điểm chung của cách mạng Lào và Campuchia
Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng đến cuối năm 1978, Khmer đỏ tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. Tại Campuchia, Khmer đỏ đã tàn sát cực kỳ dã man những người dân thành thị, thương nhân, trí thức và những người đã hợp tác với QTN Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây. Hơn 2 triệu người (tức 1/4 số dân) Campuchia đã bị giết hại. Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tính mạng của một bộ phận nhân dân Việt Nam, cuối năm 1978, cùng với quân và dân Campuchia, QTN Việt Nam tiến hành cuộc chiến lật đổ chế độ Khmer đỏ, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh ngày 7-1-1979. Đất nước Campuchia được giải phóng khỏi ách thống trị đẫm máu của Khmer đỏ, nhân dân trở về làng xóm phục hồi cuộc sống với sự giúp đỡ chân thành và hiệu quả của Việt Nam. Sau đó, QTN Việt Nam tiếp tục ở lại Campuchia để giúp bảo vệ, xây dựng chính quyền non trẻ. Đến tháng 9-1989, QTN Việt Nam rút toàn bộ khỏi Campuchia, hoàn thành sứ mệnh cao cả mà đáng lẽ ra cả thế giới phải làm. Đó là chống lại chế độ diệt chủng của Khmer đỏ, mang lại cuộc sống, đem lại hòa bình cho nhân dân Campuchia.

Có thể thấy, quán triệt quan điểm và vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm, nguyên tắc của Đảng, các đoàn QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam đã có những đóng góp hết sức to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế với hai nước bạn Lào và Campuchia.

Hải Hà