Gà ăn phải thuốc diệt cỏ

“Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, lâu nay cỏ dại đã được xem như một trong những nhân tố hàng đầu gây thất thu năng suất cây trồng. Để xử lý vấn đề này, hiện nay, đa phần nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ. Nó như một thứ “bùa phép” vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi, nhanh chóng để biến những đám cỏ rộng lớn, xanh tươi trở nên cháy khô chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất đang dấy lên mối lo ngại sâu sắc về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường, đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Gà ăn phải thuốc diệt cỏ

Nông dân phun thuốc trừ cỏ trước khi gieo trồng vụ mới.

THỰC TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Sử dụng tràn lan

  Nói đến thành phố Tam Điệp, người ta nghĩ ngay đến một vùng sản xuất dứa trù phú với diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, cũng tại đây, thuốc trừ cỏ đang bị lạm dụng, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những lối đi, ruộng, bờ ruộng nhuốm đều một màu vàng úa, chỗ nào để lâu thì chuyển thành màu đen – đây chính là hệ quả sau khi nông dân phun thuốc trừ cỏ.  Với người trồng dứa, chuyện ấy chẳng có gì lạ bởi năm nào cũng như năm nào, cứ thu hết 2 vụ quả là họ phun một lượt thuốc cỏ cháy để tất cả những gì còn sót lại trên ruộng từ cây dứa đến cỏ dại đều chết hết. Sau đó, để một thời gian cho mọi thứ  khô hết, họ bắt đầu đốt, dọn ruộng, trồng vụ mới, rất đơn giản và nhanh gọn. Đó là việc dọn ruộng còn trong quá trình chăm sóc thì sao, trả lời câu hỏi này, một nông dân cho biết: “Trồng xong 1-2 tháng thì bắt đầu phun thuốc trừ cỏ, cứ có cỏ là phun.   Đặc biệt, vào các đợt mưa nhiều, cỏ lên nhanh thì phải phun liên tục. Việc làm cỏ bằng tay chỉ thực hiện ở trong ruộng dứa”.Câu chuyện trên là ở vùng đất đồi, còn tại các vùng trồng màu và lúa nước việc sử dụng thuốc trừ cỏ cũng đang tăng dần theo thời gian. Gia đình ông Lê Văn Hiệu, HTX Yên Lạc, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh có 5 sào đất màu và hơn 3 sào lúa.   Trước đây, để ngăn cỏ mọc, mỗi vụ ông phải mất cả chục công đi nhổ, vạc mới hết. Thế nhưng vài năm trở lại đây, trên cây màu, sau khi xuống giống, lên luống, lấp đất xong, ông phun ngay thuốc trừ cỏ. Trên ruộng lúa, từ khi chuyển từ việc gieo mạ, cấy sang hình thức gieo thẳng, ông không thể không dùng thuốc trừ cỏ. Cứ sau khi gieo 1-3 ngày thì phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, sau đó nếu cỏ vẫn mọc nhiều thì lại mua thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm về phun tiếp.   Thậm chí, có năm cỏ nhiều, lúc lúa đã đứng cái nằm đòng rồi, ông vẫn phải tìm các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn về xử lý lần thứ 3. Giống như ông Hiệu, hiện nay, hàng nghìn hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh cũng đang làm theo cách trên để xử lý cỏ dại.  Ngoài sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay, thuốc trừ cỏ còn được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp như diệt bèo tây trên các tuyến kênh mương, diệt cỏ ven đường giao thông, đường tàu, diệt cỏ trong các khu dân cư... Có không ít trường hợp, để tăng hiệu quả diệt cỏ, người dân còn tăng nồng độ thuốc khi phun và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nằm trong danh mục cấm lưu hành, sử dụng. Thực trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ trên trên địa bàn tỉnh đã đến mức báo động.

Những con số giật mình

  Theo Bộ Nông nghiệp &PTNT: Thuốc trừ cỏ hóa học ra đời vào năm 1940 nhưng chính thức được thương mại hóa và sử dụng phổ biến vào năm 1976. Việt Nam cho phép sử dụng thuốc trừ cỏ rất muộn (năm 1995) so với nhiều nước. Tuy đi sau nhưng mức độ sử dụng thuốc diệt cỏ của nông dân Việt Nam lại tăng nhanh nhất thế giới.   Khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); trong đó, thuốc trừ cỏ chiếm 48%, tức là khoảng 19 nghìn tấn. Việc sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, không đúng kỹ thuật.Tại Ninh Bình, Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở Nông nghiệp&PTNT) cho biết: Những năm 2005-2010, lượng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh sử dụng không nhiều, chủ yếu là thuốc trừ cỏ không chọn lọc. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, lượng thuốc trừ cỏ sử dụng tăng nhanh.   Nếu như năm 2012, lượng thuốc trừ cỏ nông dân toàn tỉnh sử dụng chỉ vào khoảng 9 tấn, thì 5 năm sau, năm 2017 đã tăng lên hơn 2 lần (khoảng 20 tấn). Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp nên phải sử dụng thuốc trừ cỏ để trừ cỏ nhanh, giảm ngày công.   Kết hợp với các ưu điểm như chi phí thấp và tiện lợi mà trừ cỏ bằng thuốc ngày càng được ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, những thay đổi trong phương thức canh tác lúa, chuyển dần từ cấy sang gieo thẳng cũng khiến lượng thuốc trừ cỏ sử dụng ngày một tăng. Nếu như năm 2011, diện tích gieo thẳng toàn tỉnh có hơn 3 nghìn ha (chiếm khoảng 4%) thì đến nay đã là 34 nghìn ha (chiếm 44,2%).   Trong khi đó, quy trình canh tác lúa gieo thẳng bắt buộc phải phun thuốc trừ cỏ. Bà Đinh Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt &BVTV tỉnh cho biết thêm: Vụ mùa, thường xuyên xuất hiện các đợt mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa phải gieo đi gieo lại nhiều lần, đi cùng với đó là số lần sử dụng thuốc trừ cỏ tăng lên.   Đặc biệt một bộ phận nông dân còn sử dụng thuốc trừ cỏ chưa theo nhãn thuốc, chưa đúng kỹ thuật, còn tăng nồng độ, liều lượng, phun chưa đúng thời điểm dẫn đến phải phun thuốc trừ cỏ nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc, sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường sinh thái.

SIẾT CHẶT KHÂU QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT

  Thuốc trừ cỏ làm ô nhiễm môi trường, phá hủy môi sinh cũng như sức khỏe con người nếu bị lạm dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ cỏ được nhận định sẽ còn cần thiết đối với sản nông nghiệp ở Việt Nam do truyền thống canh tác, do áp lực cỏ dại và xu hướng thiếu nhân lực trong ngành nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng thuốc trừ cỏ như thế nào cho phù hợp, ở đây chính là khâu kiểm soát và quản lý.

Gà ăn phải thuốc diệt cỏ

Cánh đồng dứa bị đầu độc bằng thuốc trừ cỏ.

Không còn lựa chọn nào khác  Việc lạm dụng hóa chất thuốc trừ cỏ trong trồng trọt sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, đầu tiên là người trực tiếp sử dụng, kế đến là người tiêu dùng nếu nông sản có dư lượng thuốc vượt mức cho phép. Càng nguy hiểm hơn sau khi phun xong, nhiều người vứt ngay vỏ thuốc ở đầu bờ ruộng, bờ nương, thậm chí còn vứt luôn xuống mương nước.   Thuốc trừ cỏ còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái… Bộc bạch của một nông dân giấu tên tại xã Thượng Kiệm (Kim Sơn) minh chứng cho chúng ta rõ hơn về những hệ quả đáng sợ của việc lạm dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng: Tôi cấy 4 mẫu lúa và trồng khoảng 5 sào màu. Do thuê mướn lao động khó khăn và muốn tiết kiệm chi phí nên mọi công việc đồng áng tôi tự làm. Cực nhọc thế nào cũng không ngại, tôi chỉ sợ phun thuốc. Mỗi năm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, tôi phun khoảng 15-20 lần tùy tình hình thời tiết, sâu bệnh, đại loại cứ thấy có cỏ là phun, có sâu bệnh là trừ. Sau khi phun không một loại côn trùng có lợi nào sống sót được, con cua, con cá dưới ao cũng chết.   Ngay cả trâu bò, gà, vịt… gia đình nuôi cũng phải nhốt lại vài ngày sau mới dám thả ra bởi đã từng có năm tôi lỡ để bò ăn phải cỏ mới phun thuốc và nó đã bị sảy thai và chết. Riêng bản thân tôi, mỗi lần phun thuốc về đều cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, rát cổ họng, uống rất nhiều nước.  Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia lại cho rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam là không thể khác được. Truyền thống canh tác, áp lực cỏ dại, sâu bệnh và xu hướng thiếu nhân lực trong ngành nông nghiệp buộc chúng ta phải sống chung với thuốc trừ cỏ.  Ngoài ra, việc tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa thì không thể huy động được nhiều người cùng một lúc đi nhổ cỏ cho hàng chục ha đất. Nếu không có các sản phẩm thuốc diệt cỏ hóa học, gần một nửa sản lượng nông nghiệp sẽ bị thiệt hại. Về phương diện hiệu quả và chi phí, hiện tại chưa có giải pháp nào thay thế thuốc trừ cỏ hóa học, ngay tại các khu vực canh tác phát triển như châu Âu, thuốc trừ cỏ vẫn đang được dùng rất phổ biến.

Sử dụng có kiểm soát

  Sử dụng và sống chung với thuốc trừ cỏ là việc bất đắc dĩ ở nước ta hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây là phải sử dụng thuốc trừ cỏ như thế nào cho phù hợp, giảm thiểu những tác động không mong muốn của nó, ở đây chính là khâu quản lý và kiểm soát. Phải siết chặt quản lý từ sản xuất, kinh doanh tới sử dụng thuốc diệt cỏ.   Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thuốc theo hướng chặt chẽ và có chế tài đủ sức răn đe; có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu thuốc hóa học. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn cho bà con nông dân, chỉ sử dụng thuốc diệt cỏ khi thật cần thiết và lựa chọn những loại thuốc có nguồn gốc, thời hạn sử dụng rõ ràng, hiệu lực phù hợp với từng đối tượng.  Bà Đinh Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: Chúng ta đang hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, buộc phải giảm thiểu tình trạng lạm dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp. 

Do vậy thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã quyết định loại bỏ nhiều hoạt chất BVTV độc hại ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, đáng lưu ý có 2 hoạt chất thuốc trừ cỏ là 2.4 D và Paraquat. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Chi cục đã có thông báo rộng rãi đến UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV, các HTX biết và thực hiện.    Đồng thời, Chi cục cũng siết chặt công tác quản lý việc sử dụng, kinh doanh buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, không nhập và bán những loại thuốc đã loại khỏi danh mục. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền tập huấn, nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, người sử dụng hiểu rõ về ưu điểm, nhược điểm của thuốc trừ cỏ, về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả. Chỉ sử dụng thuốc trừ cỏ khi thật cần thiết và lựa chọn các loại thuốc cỏ có tính chọn lọc, có độ độc thấp, thân thiện với môi trường. Khi sử dụng thuốc trừ cỏ phải theo hướng dẫn trên nhãn mác và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 4 đúng. Dần đưa vào sử dụng các dòng thuốc trừ cỏ sinh học.    Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường tập huấn và mở rộng ứng dụng các tiến bộ KHKT mới như: chương trình IPM, 3 giảm 3 tăng, SRI, sản xuất theo hướng VietGap... Khuyến khích nông dân áp dụng các biện pháp làm cỏ bằng tay, canh tác bằng việc che phủ mặt luống, luân canh cây trồng, trồng các loại cây ức chế cỏ dại. Xây dựng các bể chứa bao gói BVTV, tập huấn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng đúng nơi quy định.    Ngoài ra, Chi cục cũng yêu cầu các địa phương không tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ, đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gieo sạ đã có, chỉ những vùng điều tiết được nước mới cho gieo sạ tránh việc phải gieo đi gieo lại nhiều lần, làm tăng số lượt phun thuốc trừ cỏ.

  Được biết, hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang thúc đẩy phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là giải pháp then chốt, lâu dài, cơ bản để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch để xuất khẩu, hội nhập. Tuy vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, thiết nghĩ, bản thân từng người nông dân cũng phải nâng cao kiến thức, ý thức trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ, có như vậy những tác hại của thuốc trừ cỏ mới sớm được kiểm soát.

 Hà Phương
(Báo Ninh Bình)