Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím tồn tại hơn 130 năm được xây dựng vào ngày 25 tháng 12 năm Tự Đức thứ 32 (1879 – 2011) tọa lạc giữa khu rừng dầu tĩnh mịch trên khu cát trắng, nay thuộc xã Tân Tiến, cách trung tâm thị xã LaGi vào khoảng 12 cây số về hướng Tây Bắc.

Từ lâu, lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Lễ hội dinh Thầy Thím

Thiết chế lễ hội ở đây tập trung chính ở 02 nhân vật truyền thuyết là Thầy: “Chí Đức Tiên Sinh” và Thím: “Chí Đức nương nương Tôn Thần”, biểu trưng cho lòng nhân ái, khí tiết, cứu nhân độ thế đã ăn sâu trong lòng người dân địa phương. Cũng từ lòng sùng kính uy linh Thầy Thím để thể hiện sự tri ân tiền nhân dày công khai mở vùng đất này, người dân địa phương chung tay lập đền thờ tại nơi Thầy Thím tạ thế trong khu rừng dầu Bàu Cái và chọn ngày 15/9 âm lịch hằng năm làm ngày lễ Tế Thu kính viếng Thành hoàng.

Hàng năm dinh Thầy Thím tổ chức 2 kỳ lễ lớn: lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng 5 tháng 1 Âm lịch) và lễ Tế Thu (nhằm ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch) thuộc làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã LaGi - Bình Thuận diễn ra trong không khí long trọng, tôn vinh nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Lễ hội ôn lại công đức của vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng thuyền, bốc thuốc chữa bệnh, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… được dân làng mến mộ.

Từ lễ hội nhỏ của làng trở thành lễ hội lớn của khu vực, từ lực lượng hội viên chủ yếu là người làng đến những hội viên trong và ngoài tỉnh, từ dinh Thầy Thím xuống cấp trầm trọng sau chiến tranh đến di tích được bảo tồn chu đáo là cả một quá trình. Quá trình đó đã trải qua bao thăng trầm, bao biến cố của lịch sử, song nó đã thể hiện được một định hướng lâu dài của sự phát triển di tích, thể hiện tư duy đổi mới của những người kế tục.

Tập tục cúng tế là tín ngưỡng dân gian, một sinh hoạt tâm linh truyền thống, dù có những thay đổi về hình thức cũng nhằm phù hợp với quá trình phát triển của xã hội nhưng vẫn bảo tồn được không khí linh thiêng và ý nghĩa nhân văn.

Trong phần nghi thức lễ có những nội dung cơ bản của nghi lễ cúng tế đình làng. Phần lễ chính là lễ Thỉnh sắc, lễ Tĩnh sanh, lễ Túc yết, lễ Tiền hiền hậu hiền… Nhưng với dinh Thầy Thím, lễ Thỉnh sắc được thay bằng lễ Nghinh thần với nghi thức thỉnh linh Thầy Thím từ mộ cách dinh theo đường vòng khoảng 7 cây số.

Trước khi nhập điện thờ tại dinh, đoàn xe kiệu hoa, hương án đi qua làng Tam Tân nơi xưa Thầy Thím đã có thời gian sinh sống và làm việc thiện cứu giúp dân nghèo. Lễ Nhập điện an vị không chỉ diễn ra với những nghi lễ trang trọng mà còn có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian như chèo bả trạo, tuồng cổ, hò vè. Tiếp theo là những nghi lễ khác rất quan trọng như: Cúng ngọ, phát lộc, phóng chim, giỗ tiền hiền…

Đêm khai hội đầy sắc màu văn hóa dân gian, trở thành một phần hội hoành tráng nhất trong chuỗi lễ hội. Nghi thức lễ trang trọng bắt đầu từ lễ dâng hương tri ân công đức Thành hoàng, tiền hiền hậu hậu hiền, với mục đích giáo dục lòng yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối cũng như tạo điểm nhấn văn hóa thu hút du khách. Chương trình sân khấu hóa về sự tích Thầy Thím (được tái hiện trong đêm khai các năm 2008, 2009); mô hình giới thiệu cuộc đời và công đức của Thầy-Thím; quầy khám chữa bệnh và cấp phát thuốc Đông y miễn phí; giới thiệu những kỹ năng đóng thuyền đi biển của Thầy; những địa danh gắn liền với truyền thuyết như: Bàu Cát, tượng Bạch Hổ, Hắc Hổ, nhà ông Hai Hộ... được miêu tả bằng những nội dung, hình thức mang ý nghĩa nhân đạo.

Rạng ngày 16 tháng 9 Âm lịch lễ Thỉnh sanh bắt đầu (thực ra là lễ Tĩnh sanh bởi tĩnh có nghĩa là trong sạch, tinh khiết) bằng một con heo sống thường là heo có bộ lông trắng tuyền đễ làm lễ vật. Heo được thọc huyết là lấy ra một ít với một nhúm lông heo để tế lễ, theo lệ thường với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư an lạc. Nhưng ở đây còn có tính chất lễ bái tế thần (Thầy Thím) truyền thống. Qua ngày hôm sau thì các phẩm vật cúng lễ được làm bằng món mặn cho đến hết chiều 16/9 với nghi thức lễ sanh “Tạ thần cúc cung bái” và cũng là lễ “Tiền hiền hậu hiền” để tưởng nhớ các vị có công với làng mang ý nghĩa “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”.

Huyền thoại về Thầy Thím còn lưu truyền mãi giữa dân gian ý nghĩa và giá trị của lẽ phải, đạo lý, sự công bằng và chuẩn mực xã hội, lưu lại cho mọi thế hệ nét đẹp nhân cách, thuần phong mỹ tục của nếp làng xưa.

Lê Dương
Ảnh: Lệ Yên

Dinh Thầy Thím là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Bình Thuận hằng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và chiêm bái. Dinh có địa chỉ tại xã Tân Tiến, Thị xã Lagi thuộc tỉnh Bình Thuận cách trung tâm Lagi khoảng 13km về phía Nam, thành phố du lịch Phan Thiết hơn 70km về phía Bắc.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Dinh Thầy Thím là điểm tham quan nổi bật ở Lagi.

 

Là một trong những địa điểm du lịch Bình Thuận trọng điểm của tỉnh nên đường đi đến dinh Thầy Thím khá dễ dàng và không khó để tìm kiếm trên bản đồ.

  • Từ trung tâm thị xã Lagi, du khách đi theo tuyến đường Lê Lợi - Huỳnh Thúc Kháng - Tô Hiệu  - CMT8 - Hùng Vương ra đến Lý Thái Tổ, tiếp tục thẳng hướng đến ngã tư gặp đường Ngô Đức Tốn thì rẽ trái, đi đến ngã tư thứ hai thì rẽ phải là đến được với dinh Thầy Thím.
  • Nếu đi từ TP. Phan Thiết, bạn đi vào quốc lộ 1A hướng về TPHCM, chạy khoảng 50km đến ngã ba giao với đường tỉnh 712 thì quẹo trái, thẳng hướng tuyến đường DT712 - Lê Thánh Tôn (đường DT709) - Lý Thái Tổ cho đến khi gặp ngã ba chùa Quảng Hương thì quẹo phải vào. Tiếp tục đi thẳng cho đến khi gặp Dinh Thầy Thím nằm bên tay phải.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Lối vào dinh.

Dinh Thầy Thím Lagi có một lịch sử lâu đời ở mảnh đất Bình Thuận. Dinh được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 32 tức ngày 25/12/1879 (DL) đến nay đã tồn tại hơn 140 năm, để tưởng nhớ hai vị đạo sĩ "Thầy - Thím" đã có công kiến lập nên vùng đất Tam Tân (Tân Ngươn, Tân Quý, Tân Hải) tiền thân của xã Tân Tiến ngày nay. Đến đời vua Thành Thái năm 1906, hai vị này được phong thành: "Chí Đức Tiên Sinh" và "Chí Đức nương nương Tôn Thần". Kể từ đó trở đi, hằng năm người dân vẫn thường tổ chức lễ hội lớn để tôn vinh hai người, chi tiết bạn có thể xem ở phần lễ hội. Dinh đã trải qua nhiều đợt tôn tạo, trùng tu nhưng vẫn giữ được đáng kể kiến trúc thời xưa.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Bên trong dinh Thầy Thím Lagi.

Dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia theo ngày 27/9/1997.
 

Tọa lạc trên khu đất được bao bọc bởi bức tường hình thang có chu vi khoảng 600m, tức diện tích khoảng 0,1ha bao gồm nhiều quần thể kiến trúc khác nhau. Để đến được với cổng dinh, bạn phải đi qua một khu vườn cây xanh, tỏa bóng quanh năm khiến không khí càng trở nên thanh tịnh, nhẹ nhàng. Từ ngoài vào trong ta dễ dàng bắt gặp kiểu kiến trúc đình làng thời nhà Nguyễn. Đầu tiên là cổng tam quan truyền thống, được chạm trổ 2 con rồng đối xứng nhau, bên trên là mái ngói uốn cong như đình chùa thời xưa, phía trước khắc chữ Dinh Thầy Thím, phía sau đề chữ "Giáp Tuất Niên", chứng tỏ cổng này được xây dựng, trùng tu sau vào năm 1994.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Mặt sau cổng tam quan.

Đi vào trong ta thấy một số công trình tương tự như võ ca, chính điện, nhà tiền hiền,...Đặc biệt bức bình phong nổi bật với hình con nghê (sư tử thiêng) truyền thống thời nhà Nguyễn ở mặt ngoài và con rồng ở mặt trong, hiện thân cho sự tối cao, quyền uy. Hai bên là hai con hổ trắng và đen hướng mặt vào chính điện, theo truyền thuyết là hai đệ tử thân tín của Thầy Thím.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Bức bình phong và hai con hổ trắng và đen.

Tiến vào phần chính điện, ta bắt gặp bàn thờ bày trí giống như các đình làng khác ở Việt Nam bao gồm các bàn thờ tiền hiền - hậu hiền, tiền hậu vàng, chúa cậu, cô bà, tả ban âm binh, hữu ban chư đông tướng, quan cờ quan địa. Đi ra bên ngoài, phía bên trái chính điện là Miếu Ông Hổ, bên trái là Miếu Thành Hoàng. Ngoài ra, dinh còn có phòng truyền thống lưu giữ các hiện vật liên quan đến Thầy Thím và một tấm bia lớn kể về sự tích dinh Thầy Thím.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Một phần chính điện và cảnh quan bên ngoài.

Tuy xây dựng theo lối kiến trúc cung đình trang nghiêm nhưng khi vào bên trong lại tạo ra một cảm giác gần gũi giản dị như con người của Thầy - Thím. Khi đi du lịch Lagi thì bạn không thể bỏ qua việc chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của dinh này.
 


Ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân, một làng quê xa xôi và trù phủ trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây những truyền thuyết, đức độ của đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy - Thím.
Thầy sinh vào những năm đầu của triều Gia Long, Thầy cần mẫn dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời nhưng chưa thành thì cha mẹ qua đời. Làng quê Thầy - Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đói kém, Thầy lập đàn khẩn nguyện, trời đang trong xanh bổng sấm chuyển mưa như trút nước, cỏ cây hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh một đạo sĩ có tài dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành. Trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một ngôi đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội báo trước một điềm lạ. Quả nhiên, khi trời yên, đất lặng, moi người thấy ngôi đình mới toạ lạc ngay giữa làng. Dân làng vui mừng chưa được bao lâu thì làng bên trống giục liên hồi, cấp báo về triều tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn. Nhà vua liền nghiêm trị ban án Tam ban triều đỉnh cho thầy (xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ). Thế là Thầy chọn hình thức sau cùng, kỳ lạ thay khi tấm lụa đào đến tay Thấy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ, lụa biển thành rồng nâng Thầy và Thím bay bổng lên không trung. Khi bay qua quê nhà, Thím còn làm rơi xuống chiếc hài như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương Nam.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Tiểu cảnh dựng lại truyền thuyết 'Thầy - Thím".

Thầy - Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân làm nghề đốn củi, chữa bệnh giúp người sau chuyển vào rừng sâu gần Bàu Cái và nhận đóng thuyền cho ngư dân, nhưng kỳ lạ là tiếng đục đẽo cả ngày lẫn đêm nhưng người ta không bao giờ thấy được người giúp việc cho thầy.
Một ngày mùa thu, được tin Thầy - Thím qua đời dân làng vội vã vào thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú dữ vun đắp ở gần nơi Thầy - Thím tạ thế, Hàng năm, cứ đến mùng 05 tháng Giêng âm lịch, thấy có đôi Bạch Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác cho ngôi mộ, Khi Bạch Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy Thím để tường nhớ hai con vật tận trung với người, Tỏ lòng nhớ ơn công đức Thầy - Thím, nhân dân chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái. Ngày 15/9 âm lịch hàng năm là ngày lễ Tế Thu Thầy - Thím, qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy - Thim vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời Thành Thái thứ 18, nhà Vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy - Thím là "Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần".

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Nơi được xem là mộ Thầy Thím cùng với hai con vật trung thành.

Qua câu chuyện này, ta thấy được ý nghĩa nhân văn đằng sau đó, đề cao nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, đạo lý, công bằng và bác ái trong xã hội như là một truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ noi gương về sau.
 

 

Hằng năm, người dân xã Tân Tiến sẽ tổ chức hai lễ hội lớn tại dinh Thầy Thím nhằm tưởng nhớ đến hai ông bà:

  • Lễ Tảo Mộ diễn ra vào 5/1 AL
  • Lễ Tế Thu vào ngày 14 -16/9 AL

Lễ hội được tổ chức trong không gian văn hóa đặc trưng, đậm nét dân gian với nhiều hoạt động đặc sắc. Phần lễ là một chuỗi các nghi thức truyền thống như: lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia… Để tạo sân chơi cho du khách, phần hội gồm các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như: Trò chơi khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co… Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, ca nhạc tạp kỹ và trưng bày hình ảnh về sự tích Thầy Thím. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất ở Bình Thuận nói riêng và vùng Nam Trung Bộ nói chung.

Một số Thông tin nổi bật về Dinh Thầy Thím
Hằng năm lễ hội Thầy Thím quy tụ rất nhiều người về tham dự.


Nếu muốn tham khảo chương trình tham quan Dinh Thầy Thím bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây: Tour Lagi 2 ngày 1 đêm
(bài viết được dựa trên hồ sơ khoa học về di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím của sở VHTT&DL Bình Thuận)