Nhà tranh vách đất có nghĩa là gì

Con nhớ căn nhà tranh vách đất hồi mẹ sinh con ra, nuôi con lớn lên bằng bắp ngô, củ sắn; thậm chí là bằng thanh tre mẹ rút vội từ bức vách sập sệ nhà mình, mỗi lần con mắc lỗi!

Con nhớ nhất cái không khí, mà chỉ nhà tranh vách đất mới có, đó là ai làm cái gì, nói câu gì đều gây ảnh hưởng đến sự riêng tư của người khác. Vì vách đất không có chức năng "che giấu" và "bảo kê" cho bất cứ một sự riêng tư nào. Phòng trát vách đất chỉ có ý nghĩa vô hình về chức năng "khoảng trời riêng" - một khoảng không chỉ hiện hữu trong ý thức!

Đố tre, then cài đâu có khả năng từ chối mỗi khi ai đó có ý muốn đột nhập!

Nhà tranh vách đất có nghĩa là gì
Nguồn ảnh: thegioitranhsondau.net

Và hình như chính vì sự mong manh của cái tổ ấm "siêu tạm bợ" ấy, đã hình thành nên ánh nhìn, lời nói và toàn bộ hành vi của anh chị em chúng con? Nhìn lựa mắt, nói lựa lời, làm lựa ý tứ! Từ bố mẹ đến anh chị, rồi đến con, cứ vô hình chung, hình thành tất cả những ý thức vô cùng cần thiết dưới một mái nhà, mà ở trong căn nhà xây kiên cố, khang trang của con bây giờ, không thấy có!

Cứ mỗi khi đến mùa ôn thi, con lại nhớ căn nhà tranh vách đất của nhà mình, và con lại nhớ bố mẹ quay quắt. Những buổi bình thường, con phải học nhờ ánh lửa bếp. Chỉ đến khi con bước vào ôn thi THPT, thi đại học, bố mẹ mới mua cho con một can dầu mazut - can dầu mà bố đã bớt từ tiền mua thuốc lào, mẹ bớt từ tiền trầu vỏ ấy.

Cho đến bây giờ, con vẫn nợ rất nhiều sự kì vọng của bố mẹ! Con nợ cả 5 lít dầu mazut xuất hiện một lần duy nhất và bất thường trong túp lều thân yên của nhà mình nữa, bố mẹ ạ!

Con càng nhớ căn nhà tranh vách đất của nhà mình, càng nhớ bố mẹ bao nhiêu thì lại càng lo lắng cho nhà con bấy nhiêu. Các cháu nhà con bây được sống trong những căn phòng riêng kiên cố và trang hoàng rất đẹp theo ý mỗi đứa. Vì, anh chị em chúng con luôn cố gắng hoàn thành di nguyện của bố mẹ là: "Đừng để con cái các con phải ăn sắn, ăn ngô và phải sống trong những căn nhà tranh vách đất luôn như cái bẫy của bố mẹ!".

Hằng tối, mỗi đứa cháu nội của bố mẹ ôm một chiếc điện thoại hoặc laptop kết nối internet, chui vào "khoảng trời riêng", khóa trái và sống đắm đuối trong "ngôi nhà" facebook, "ngôi nhà" zalo… ảo diệu của chúng. Mỗi căn phòng, bây giờ, là một lô cốt bất khả xâm phạm. Cái lô cốt đúng nghĩa ấy, kể cả khi chúng ốm đau, chúng cũng hào hứng lựa chọn sự cô độc đến ớn lạnh! Cái lô cốt ấy, ngày qua ngày tôn đắp lên một "siêu lô cốt" khác ở trong lòng của chúng.

Các chức năng thiên bẩm trời ban cho, bố mẹ chăm bẵm và gìn giữ là thị giác, thính giác, cảm giác… với chúng, đã vô hình trở thành khuyết tật! Chúng không nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy sự khó chịu, chán nản, suy sụp; và thậm chí là cả đau đớn đang ngày một gặm nhấm, ngày một to lớn cùng cực trong nhau (tất nhiên là không nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy… bất cứ gì ở bố mẹ chúng - đó là con và con dâu út của bố mẹ!).

Chúng trở thành những siêu ma - nơ - canh, siêu rô - bốt không biết rung động, tối ngày ẩn náu trong một dự án siêu phòng thủ ở tại lòng mình, nhưng không phải để tu lòng trắc ẩn! Chúng bỗng nhiên trở thành thế hệ miễn nhiễm với các giá trị tình cảm, tình người, sự nhân ái và lương tâm bảo tồn nòi giống tổ tiên!

Con rất nhớ, hồi còn sống, bố bảo: "Việc làm được của bố mẹ là sự đoàn kết và tấm lòng hiếu thuận, thương quí nhau của các con. Căn nhà tranh vách đất mẹ không có giá trị tranh giành, vì nó không mang quyền năng hồi môn… Bố tự hào vì điều đó!"

Bố nói mà hai mắt đỏ hoe! Bố nói với chúng con và bố nói để an ủi bố!

Hồi môn vô giá của bố mẹ là chín cuộc sống gắn bó, yêu thương nhau của chín anh chị em con, bố mẹ ạ! Đúng như bố nói, khi bố mẹ mất rồi, giá trị lớn nhất chính là lương tâm, tấm lòng và ý thức chúng con hướng về nhau! Bố bảo: "Bố chỉ mong trong lòng mỗi đứa luôn có những đứa còn lại, rồi mới đến bố mẹ!"

Bỗng nhiên, con chỉ muốn đập bỏ căn nhà xây kiên cố mà cả đời con phấn đấu để dựng nên, rồi trở về với nhà tranh vách đất như của bố mẹ thuở nào!

Nhà tranh hay ở châu Âu gọi là nhà gỗ, nhà nhỏ là một loại hình nhà ở được thiết kế xây dựng bằng những vật liệu từ thiên nhiên như tranh (gianh) tre nứa lá, bùn, rơm, gỗ, gạch... với kiểu kiến trúc đơn sơ, không gian nhỏ, hẹp và mang tính tạm bợ, lụp xụp không có tính kiên cố vững chắc. Mái nhà thường lợp bằng tranh, các trụ, giá, xà gồ... thường được làm bằng tre, các bức tường thì được trét bằng rơm trộn bùn. Loại hình nhà này thường tọa lạc ở những vị trí vùng nông thôn hoặc bán nông thôn, tại các trang trại, ngoại ô hoặc ở những vùng hẻo lãnh, heo hút và thường dành cho những người có thu nhập thấp hoặc những người muốn sống cô độc biệt lập.

Ở Việt Nam, nhà tranh thường ở vùng nông thôn bên cạnh những đồng ruộng và là một biểu tượng của nông thôn Việt Nam ngày xưa, thậm chí ngày nay, loại hình này vẫn còn tồi tại tương đối nhiều như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những người ở nhà tranh thường là những người nghèo khổ (nhà tranh vách đất) và những người ở đó được ca ngợi là những người chân thật, hạnh phúc (một túp lều tranh hai trái tim vàng). Trong khi đó ở châu Âu, nhà gỗ không có nhiều hàm ý khinh thường, một số nước châu Âu, những ngôi nhà này được thiết kế rất đẹp và hài hòa với cảnh quan xung quanh có vườn, trồng cây ăn trái, hàng rào... tạo cảm giác ấm cúng nhất là những ngôi nhà trên đồng quê, trang trại hay thảo nguyên.