Nội dung đường lối đối ngoại của đảng là gì năm 2024

Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đổi mới và thực tiễn tỉnh Bình Dương

TÓM TẮT BÀI VIẾT

Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nói riêng. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong đổi mới từ tư duy lý luận đến đường lối về đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986 đến nay; Những thành tựu nổi bật từ thực tiễn quá trình thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thành tựu kinh tế của tỉnh Bình Dương. Từ thực tiễn phát triển đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 90 năm ấy trải qua bao thử thách, có những lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm nhưng Đảng đã dũng cảm nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam đến những bến bờ vinh quang mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đại hội thể hiện sự quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam sửa chữa, khắc phục sai lầm, khuyết điểm do giáo điều, chủ quan duy ý chí của giai đoạn 1975 – 1985 bằng việc thực hiện đổi mới tư duy lý luận, đưa cách mạng Việt Nam vào một thời kỳ phát triển mới. Trong đó, tư duy đối ngoại được đổi mới và từng bước hoàn thiện.Từ tư duy mới, Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước và tình hình thế giới.

Tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương của cả nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thành tựu đó là đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng; Từ đường lối đối ngoại của Đảng, tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế cùng với nội lực tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ quá trình đổi mới và phát triển tư duy đối ngoại của Đảng và thực tiễn tỉnh Bình Dương để góp phần khẳng định tính đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng và cơ sở để Bình Dương thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

2. NỘI DUNG

2.1. Những nội dung cơ bản trong đổi mới tư duy và đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI đến nay

2.1.1. Nhận thức mới về tình hình thế giới, chủ nghĩa tư bản và xu thế phát triển của quan hệ quốc tế

Những thập niên cuối của thế kỷ 20, tình hình thế giới nhiều biến động trong đó có sự chuyển biến sâu sắc về quan hệ chính trị quốc tế, ảnh hưởng đến đường lối, chiến lược đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ “chiến tranh lạnh” – một trật tự thế giới 2 cực đang thay đổi. Trong khi “phe” xã hội chủ nghĩa do Liên xô đứng đầu đang trong giai đoạn khủng hoảng, thoái trào và đến năm 1990 hoàn toàn tan rã. Việt Nam là nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong những năm trước khi đổi mới, từ tư duy lý luận đến đường lối đối ngoại của Đảng luôn chịu ảnh hưởng của phe các nước “xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, trong quan điểm đối ngoại, chúng ta chỉ nhấn mạnh quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, trong khu vực Đông Nam Á Việt Nam chỉ có quan hệ ngoại giao với hai nước trên bán đảo Đông Dương là Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, không phải đến khi thế giới kết thúc thời kỳ “chiến tranh lạnh” mà ngay từ năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tư duy đối ngoại của Đảng đã thay đổi, nhận thức về xu thế phát triển của thế giới đã đổi mới. Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm “phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới”. Trong đó ngoài việc khẳng định mối quan hệ hợp tác truyền thống, Đảng còn xác định trong điều kiện mới của thế giới, cần phải thực hiện đa phương hoá các quan hệ đối ngoại, phải xây dựng quan hệ hợp tác với cả các nước có thể chế chính trị khác biệt. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã thể hiện nhận thức mới về vấn đề này, đó là: “Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật ngày nay và xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau cũng là những điều kiện rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[1].

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến nay, Đảng luôn nhận thức, đánh giá đầy đủ về sự phát triển của quan hệ quốc tế, đặc biệt nhận thức đúng đắn về sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối đối ngoại.

Cùng với tư duy mới trong đánh giá về tình hình thế giới, Đảng đã nhận thức về chủ nghĩa tư bản trên quan điểm toàn diện, đánh giá khách quan sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đảng ta đã nhận thức đầy đủ hơn và khẳng định hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa là một giai đoạn phát triển tất yếu của loài người. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản giữ vai trò thống trị xã hội đã có những tiến bộ hơn hẳn so với giai cấp địa chủ trong chế độ phong kiến, tuy nhiên đó vẫn là một chế độ bất công. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ lần thứ XI, Đảng ta đã nhận định: “Hiện tại chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc”[2]. Từ nhận thức đó, Đảng đã xác định, chủ nghĩa tư bản vừa có những hạn chế cần phải đấu tranh để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những yếu tố tích cực cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Ngày nay chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển đặc biệt là về khoa học, công nghệ - yếu tố cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức của đất nước. Vì vậy, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, việc xây dựng quan hệ hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thời đại.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng tiếp tục nhận định tình hình thế giới giai đoạn hiện nay là: “hoà bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn”[3].

Như vậy, ngoài việc khẳng định chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, thì trong tư duy, nhận thức của Đảng ta về một thế giới hiện tại với những quan hệ hợp tác đa phương, trong đó có cả sự hợp tác giữa các quốc gia có sự khác biệt về quan điểm chính trị cũng được hình thành và phát triển.

2.1.2. Những nội dung cơ bản trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đổi mới

Có thể khái quát những nội dung cơ bản trong đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới như sau:

  1. Về phương châm đối ngoại

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI, với tư duy mới về đối ngoại, Đảng ta xác định phương châm cơ bản đường lối đối ngoại là đa dạng hoá các hoạt động và đa phương hoá các quan hệ đối ngoại. Ngoài việc tiếp tục và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, hai nước trên bán đảo Đông Dương, cần mở rộng quan hệ hợp tác với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Quan điểm đó được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng: “…sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[4]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII phát triển thành: “…tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối ngoại tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá và đa phương hoá…”[5]. Đồng thời, phương châm của Đảng là đa dạng và phối hợp hiệu quả hoạt động đối ngoại của các chủ thể tham gia: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, quá trình phát triển của đất nước luôn gắn liền với những thay đổi của tình hình thế giới và sự hoàn thiện phương châm đối ngoại của Đảng. Từ quan điểm hợp tác, Đảng đã nâng lên một bước phát triển mới đó là Việt Nam là bạn, là đối tác của các nước trong cộng đồng quốc tế. Quan điểm Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước được xác định từ Đại hội Đảng lần thứ VII, khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ VIII và phát triển quan điểm này qua các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng. Nếu trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, Đảng xác định: “…Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”[6]; thì đến Đại hội XII phương châm đối ngoại của Đảng đã phát triển thành: “Đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[7].

Như vậy phương châm đối ngoại của Đảng là chúng ta không chỉ hợp tác với bên ngoài để tranh thủ ngoại lực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà quan điểm đối ngoại đã từng bước khẳng định Việt Nam là một thành viên của cộng đồng quốc tế, có trách nhiệm vào sự phát triển chung của thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam là bình đẳng với các nước trong quan hệ quốc tế. Điều này cũng khẳng định chúng ta đủ tự tin vào tiềm năng, khả năng, sức mạnh nội lực để đạt được và xứng đáng với uy tín, vị thế trên trường quốc tế hôm nay.

  1. Mục tiêu hoạt động đối ngoại

Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của hoạt động đối ngoại là lợi ích quốc gia - dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc và đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới.

Trong những mục tiêu đó, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu hàng đầu của hoạt động đối ngoại và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Theo quan điểm của Đảng thì lợi ích quốc gia – dân tộc là cơ sở, là điều kiện, là định hướng, là mục tiêu quan trọng nhất của mọi hoạt động đối ngoại. Lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động đối ngoại cũng có nghĩa là mọi người dân Việt Nam, các ngành, các địa phương phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên, trước lợi ích cá nhân, ngành, địa phương mình trong quá trình thực hiện hoạt động đối ngoại. Nhưng mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc không phải mang tính chất dân tộc chủ nghĩa mà lợi ích quốc gia – dân tộc cần bảo vệ đó được dựa trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao nhất không phải duy nhất của hoạt động đối ngoại. Đảng ta luôn xác định hoạt động đối ngoại còn phải hướng tới góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Hoạt động đối ngoại cũng hướng tới mục tiêu cụ thể là góp phần tạo và giữ vững môi trường quốc tế hoà bình, thuận lợi để phát triển đất nước. Đây có thể coi là một trong những nội dung xuyên suốt trong tư tưởng chỉ đạo thực hiện các hoạt động đối ngoại và trong việc giải quyết những bất đồng, xung đột với các nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Mục tiêu đối ngoại được Đảng hoàn thiện và cụ thể hoá trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng xác định mục tiêu đối ngoại là: “Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta phải phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc…”. Đại hội VII, mục tiêu đối ngoại được nêu rõ hơn: “Mục tiêu của chính sách đối ngoại là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của Nhân dân thế giới…”[8]. Tổng kết thực tiễn 30 năm đỗi mới, Đảng ta khẳng định trong bài học rút ra là: “Phải đặt lợi ích phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[9]. Đại hội XII, Đảng đã phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại, xác định mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động đối ngoại là: “Bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế…”; “…giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước…”[10].

Như vậy, kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI, qua mỗi kỳ Đại hội, đường lối đối ngoại được Đảng bổ sung, phát triển đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đất nước và tình hình thế giới.

Đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng đã góp phần quan trọng vào những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong hơn 30 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Những thành tựu đó không chỉ góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội mà còn nâng cao uý tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ những thành tựu đối ngoại chung của đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương.

2.2. Thực tiễn thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Dương

2.2.1.Thành tựu chung thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của tỉnh Bình Dương những năm qua

Bình Dương là tỉnh được tái lập năm 1997 từ tỉnh Sông Bé cũ. Phát triển trong thời kỳ đất nước đã đạt được những thành tựu cơ bản trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập về kinh tế. Đó là điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Dương phát huy và thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng dẫn dắt, tạo cơ hội cho Bình Dương phát huy năng lực sáng tạo, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kết quả là đã thu hút được nguồn ngoại lực đáng kể về vốn, khoa học – công nghệ, nhân lực chất lượng cao khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội.

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ hợp tác với nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Bằng nhiều hình thức, với nhiều chủ thể tham gia, chính quyền tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác trên các lĩnh vực. Một số hình thức đạt hiệu quả cao như: thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở các nước để giới thiệu về tỉnh; tỉnh chủ động mời và đón tiếp các đoàn của các Hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các công ty đa quốc gia của nước ngoài đến thăm, tổ chức hội thảo về đầu tư tại tỉnh cũng như ở nhiều nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu, tiếp cận và tìm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư vào Bình Dương. Ngoài ra, tỉnh chủ động đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị quốc tế, đặc biệt là Hội nghị “Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis-Bình Dương” (năm 2018, 2019), Hội nghị Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới WTA (2018), Hội nghị “Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới” (năm 2019). Đây là những hoạt động đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp của tỉnh nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung trong đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Tỉnh Bình Dương cũng tăng cường các hoạt động tham quan, học tập, tham gia nhiều Hội nghị, Hội thảo tổ chức ở nước ngoài. Đặc biệt, năm 2019, đoàn Lãnh đạo tỉnh đã có chuyến đi trao đổi, học tập kinh nghiệm thành công tại thành phố Daejeon (Hàn Quốc), tham dự Hội nghị WTA 2019 với chủ đề “Hướng tới một Thành phố thông minh từ bối cảnh bền vững”. Hội nghị WTA 2019 tại thành phố Daejeon bao gồm Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019; các phiên họp: phiên khai mạc, 03 phiên họp toàn thể, 04 phiên chuyên đề, Hội nghị bàn tròn; Hội chợ công nghệ cao WTA lần thứ 16. Từ những Hội nghị này, Bình Dương đã tham khảo, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về xây dựng và phát triển mô hình thành phố thông minh từ các mô hình của các thành phố thành viên WTA.

Để công tác đối ngoại đạt hiệu quả hơn, tỉnh Bình Dương luôn thúc đẩy xây dựng và phát triển hoạt động hợp tác hữu nghị và kết nghĩa với các địa phương nước ngoài, trong đó có những địa phương ở các nước có trình độ phát triển cao. Việc hợp tác hữu nghị và kết nghĩa với nhiều tỉnh, thành phố các nước khác đã tạo thuận lợi cho Bình Dương cơ hội trao đổi và học tập kinh nghiệm, tiếp cận thành tựu tiến tiến về nhiều lĩnh vực. Đến năm 2019, tỉnh Bình Dương đã và đang phát triển hoạt động hợp tác hữu nghị với 10 địa phương nước ngoài, bao gồm: Thành phố Daejeon (Hàn Quốc), tỉnh Chămpasắc (Lào), tỉnh Kratie (Campuchia), thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), Vùng Emilia – Romagna (Ý), tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), thành phố Eindhoven và thành phố Emmen (Hà Lan), tỉnh Oryol (Liên bang Nga)[11].

Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp năng suất, hiệu quả thấp, đến nay, tỉnh Bình Dương đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai… trở thành điểm sáng về phát triển năng động ở vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,8 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, với tỷ lệ tương ứng là 50,4% - 26,8% - 22,8%. Năm 2019, tổng sản phẩm trong tỉnh của Bình Dương (GRDP) ước tăng 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,8% - 22,4% - 2,6% - 8,2%. Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn ở mức cao; nhiều năm qua, Bìnhh Dương là địa phương có điều tiết hằng năm hàng chục nghìn tỷ đồng về ngân sách trung ương, (năm 2019 khoảng trên 30 nghìn tỷ đồng).[12] Về chăm lo nâng cao đời sống Nhân dân, từ năm 1997 đến nay tỉnh đã 9 lần nâng mức chuẩn nghèo và cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia; giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều với chuẩn về thu nhập gấp khoảng 1,5 lần so với chuẩn nghèo thu nhập của quốc gia[13]. Bình Dương là địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thu nhập quốc gia; đến hết năm 2019 tỉnh có 3.808 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,31%) và 2.790 hộ cận nghèo (chiếm 0,96%) theo tiêu chí đa chiều của tỉnh.

Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã hai lần được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh là một trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới Smart 21- 2019 và 2020)

2.2.2. Một số thành tựu nổi bật về kinh tế đối ngoại

- Về phát triển các khu công nghiệp (KCN)

Phát triển khu công nghiệp ở Bình Dương là khâu đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp (27 khu công nghiệp đi vào hoạt động), diện tích 12.743 ha. Trong các KCN ở Bình Dương có nhiều khu công nghiệp mang dấu ấn của quan hệ hợp tác với nước ngoài như khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), KCN Mapletree, KCN Protrade… là động lực cho sự phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Trong đó, VSIP là khu công nghiệp kiểu mẫu cho sự hợp tác, liên kết với nước ngoài. Được xây dựng từ năm 1996, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương VSIP đã phát triển 03 khu công nghiệp (VSIP-I, VSIP-II, VSIP-III) với tổng quỹ đất khoảng 3.545 ha[14]. Khu công nghiệp VSIP là biểu tượng thành công của sự hợp tác quốc tế, của mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore trong điều kiện mới, khi mà Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Sự hợp tác phát triển khu công nghiệp VSIP Bình Dương là khởi đầu cho quá trình mở rộng VSIP trên lãnh thổ Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá tỉnh Bình Dương những năm qua, đồng thời cũng góp phần củng cố mối quan hệ và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

- Về thu hút đầu tư nước ngoài

Có thể khẳng định, nguồn lực đầu tư nước ngoài một mặt đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, mặt khác tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đầu tư nước ngoài (chủ yếu là đầu tư trực tiếp) đã góp phần khai thác tài nguyên đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh và nhiều địa phương khác.

Với việc mở rộng quan hệ với nhiều địa phương của các nước trong khu vực và thế giới, với nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh Bình Dương năng động, đầy tiềm năng phát triển, những hình thức đa dạng về xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã biết đến Bình Dương như một nơi đầu tư lý tưởng, nhiều triển vọng. Tính đến hết năm 2019, đã có nhà đầu tư của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó, 7 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Samoa, Hàn Quốc, B.V.I và Hồng Kông có tổng vốn đầu tư chiếm trên 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với tổng vốn đăng ký trên 5,61 tỷ đô la Mỹ, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, Bình Dương đã thu hút hơn 10,54 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, vượt 50% so với kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2019, trong 5 địa phương đứng đầu cả nước thì quy mô vốn trung bình dự án đầu tư mới của Bình Dương cao thứ 2 (sau tỉnh Đồng Nai) với 6,36 triệu đô la Mỹ, xếp trên Hà Nội (1,57 triệu đô la Mỹ), thành phố Hồ Chí Minh (1,39 triệu đô la Mỹ) và Bắc Ninh (3,38 triệu đô la Mỹ).

Lũy kế đến hết năm 2019, Bình Dương đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 34,33 tỷ đô la Mỹ, chiếm 9,48% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước, đứng thứ 2 cả nước[15] (sau thành phố Hồ Chí Minh). Quy mô trung bình dự án khoảng 9,11 triệu đô la Mỹ. Trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp là 2.391 dự án với tổng vốn đầu tư là 23,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm 67% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh.[16]

- Về xuất - nhập khẩu

Trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Bình Dương duy trì tăng trưởng cao và luôn xuất siêu; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo hướng tăng các sản phẩm chế tạo, chế biến, hàng nông sản. Trong đó nhiều sản phẩm xuất khẩu mang đậm dấu ấn của đất và người Bình Dương như: các sản phẩm chế biến từ trái mít, điều, bưởi, cao su, sơn mài, gốm sứ...Bên cạnh giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống (Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN), nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã có bước tiếp cận, phát triển một số thị trường mới như: Cuba, Mexico, các tiểu Vương quốc Ả Rập, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan. Đến nay sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đã có mặt ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 27 tỷ 781 triệu đô la Mỹ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20 tỷ 795 triệu đô la Mỹ; thặng dư thương mại của tỉnh năm 2019 đạt gần 07 tỷ đô la Mỹ[17]. Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau nhiều năm liền nhập siêu (giai đoạn 1997 – 2005) thì đến nay đã có nhiều doanh nghiệp luôn đóng góp vào thặng dư thương mại của tỉnh.

3. KẾT LUẬN

Với nhận thức đúng đắn, đầy đủ về xu thế của thời đại và cục diện thế giới, khu vực, đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn trên thực tế. Đó là, tạo được môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước tiếp tục được giữ vững; góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

23 năm tái lập và phát triển, những thành tựu mà Bình Dương đã đạt được, có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, có sự đóng góp của nhiều nguồn lực, nhưng phải khẳng định vai trò quan trọng của nguồn ngoại lực (nguồn lực đầu tư từ nước ngoài).

Trong thành công chung của đất nước, thành tựu đối ngoại của tỉnh Bình Dương cũng đã góp phần tạo nên những thành tựu về kinh tế - xã hội của địa phương ngày hôm nay. Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhưng với đường lối đổi mới của Đảng, trong đó có đường lối đối ngoại; cùng với những quyết sách đúng đắn, sáng tạo của địa phương, Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế để trở thành một tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. “Ngày nay, Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động, là đầu mối quan trọng gắn kết các tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trung tâm công nghiệp – đô thị hiện đại và đang khởi động lộ trình hướng đến đô thị thông minh trong tương lai. Bình Dương đang tiếp tục khẳng định những đổi thay vượt bậc để trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư”[18]. Thực tế Bình Dương hôm nay đã trở thành nơi đáng sống, đáng làm việc, đáng đầu tư và Bình Dương hôm nay cũng đã có thể vững bước, hãnh diện, tự tin trước bạn bè trong nước và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Bình Dương,(2016), Đề cương tuyên truyền “Bình Dương 20 năm xây dựng và phát triển”

2. Đảng CSVN, (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2005

3. Đảng CSVN, (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011

4. Đảng CSVN, (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016

5. Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương, (2020), Báo cáo Đánh giá tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

6. UBND tỉnh Bình Dương,(2019), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

7. UBND tỉnh Bình Dương,(2019), Báo cáo Tình hình thực hiện công tác đối ngoại năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

8. Becamex.com.vn (trang thông tin điện tử Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Bình Dương).