Phân tích bản chất tâm lý của uy tin người lãnh đạo từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân

Phân tích bản chất tâm lý của uy tin người lãnh đạo từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân

Uy tín được nhìn nhận là một trong những yếu tố quyết định sự thành hay bại của người lãnh đạo. Một vài lời khuyên mà CareerLink.vn chia sẻ sau đây phần nào sẽ giúp bạn gây dựng được niềm tin cũng như tạo nên sự tin tưởng từ phía nhân viên của mình, từ đó tạo động lực cho cả bạn lẫn nhân viên cùng nhau hoàn thành và xúc tiến công việc diễn ra thật nhanh chóng và chính xác.

Sự tập trung cao độ là điều không thể thiếu

Để tạo được uy tín, củng cố vai trò - vị trí của bản thân thì người lãnh đạo cần có sự tập trung cao độ ở năng lực quản lý, quán xuyến công việc và khả năng quan sát, nhìn nhận bao quát về sự hiện diện của cá nhân từng nhân viên, từ đó có sự quan tâm và chỉ định nhiệm vụ sao cho phù hợp với trình độ chuyên môn của nhân viên ấy, tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo, góp phần giúp cho sự tương tác giữa cấp trên và cấp dưới trở nên hiệu quả hơn.

Giữ lời hứa, tôn trọng sự thật

Không một ai thích phục tùng một cách vô hạn định dưới sự chỉ đạo mang tính chất cưỡng chế cả, và sẽ chẳng bao giờ được bền lâu nếu như không nhận được sự kính nể với tinh thần tự nguyện từ người khác. Muốn nhận được sự tín nhiệm từ cấp dưới thì người lãnh đạo cần xây dựng niềm tin bằng cách giữ lời hứa và tôn trọng sự thật để nhận được sự tín nhiệm và tạo uy tín cho chính bản thân mình.

“Bẻ nhỏ” công việc để giải quyết

Thật ra, khi một công việc nào đó được hoàn thành xong thì bản thân bạn sẽ có được cảm giác của người chiến thắng và mong muốn chinh phục ở ngưỡng cao hơn so với những gì đã đạt được. Là người lãnh đạo phải đối mặt với khối lượng công việc “kếch xù” thì bạn nên vạch ra danh sách những công việc thật sự quan trọng trong thời điểm hiện tại, muốn hoàn thành tốt thì phải tư duy theo hướng cụ thể hóa trách nhiệm lớn trở thành các mục tiêu nhỏ, bẻ nhỏ công việc ra để giải quyết theo từng giai đoạn cho thật thích hợp và chuẩn xác, bởi hầu hết sự thất bại đều xuất phát từ việc đo lường không chính xác.

Tư duy cầu tiến thay vì bảo thủ

Thay vì cứ nhất mực tư duy theo hướng bảo thủ, luôn nhìn nhận thất bại là một thảm họa, mọi thứ chỉ trở nên tệ hại một cách nghiêm trọng thì hãy lựa chọn hướng tư duy khác, vì bạn không thể nhìn ra được lối đi trong bất kì trường hợp nào nếu vẫn trong trạng thái “rối như tơ vò”. Là lãnh đạo, bạn nên hình thành thói quen tư duy theo hướng tích cực, cầu tiến, bởi tư duy cầu tiến luôn xem thử thách, khó khăn là cơ hội để thể hiện ý chí, theo đuổi ước muốn mang tính chất tự quyết đoán và điều này thật sự là điều kiện lý tưởng để mỗi cá nhân tự hoàn thiện bản thân khi vấp phải vấn đề nào đó trong công việc và cuộc sống, qua đó bạn có thể truyền niềm cảm hứng, đam mê đến nhân viên của mình.

Chưa làm được và không từ bỏ

Là lãnh đạo, bạn chẳng thể nào quản lý nổi ai nếu như luôn mang tư tưởng thoái lui, đùn đẩy trách nhiệm, đồng thời không nên tồn tại suy nghĩ không làm được, mà chỉ là chưa làm được, không từ bỏ mà thôi. Đôi khi, sự quyết đoán, lòng can đảm sẽ chèo lái cả bạn và nhân viên của mình đi theo ngã rẽ hoàn toàn mới mẻ, trái lại, ước tính sai lầm, quyết định thiếu chính xác sẽ gây nên hệ quả nghiêm trọng, gây tổn thất cho chính công ty và còn làm phương hại đến lợi ích của các nhân viên.

Cư xử tử tế, hành động đúng mực

Với cách cư xử tử tế, hành động đúng mực, người lãnh đạo có thể khiến người khác thay đổi cách nhìn theo hướng tích cực và đầy thiện chí, thán phục trước những điều có thể trước đây nhân viên đã từng hoàn toàn phủ nhận. Một lãnh đạo có uy tín sẽ luôn coi trọng cách nhìn nhận và đánh giá của mọi người dành cho chính mình, suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về ý kiến đóng góp, lời đề nghị hay phản hồi nào của nhân viên. Tất cả mọi động thái dường như có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, suy nghĩ trong công việc kể cả cuộc sống của chính cấp dưới và thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn hay trái ngược hẳn so với quan điểm lệch lạc trước đây của họ.

Có tầm nhìn chiến lược và khơi gợi niềm cảm hứng

Có tầm nhìn và biết cách khơi gợi niềm cảm hứng cho nhân viên tin tưởng vào công việc, đó cũng là cách người lãnh đạo nhận được sự tín nhiệm từ mọi người. Chẳng ai có thể chấp nhận đeo đuổi một thứ gì đó hoàn toàn mơ hồ, vô định, không có cơ sở, đường hướng rõ ràng và xác định, huống hồ chi là về công việc. Vì thế, đòi hỏi người lãnh đạo phải giải quyết mọi vấn đề thật thích đáng, rõ ràng, tường tận dựa trên người thật, việc thật. Uy tín sẽ ngày càng được nâng cao và tiếng nói có trọng lượng hơn hẳn khi người lãnh đạo có những hành động thiết thực mang tính chiến lược đem lại kết quả mĩ mãn thay vì chỉ biết “khoa tay múa mép”.

Biết cách tạo nên sự chắc chắn

Bằng năng lực triển khai các ý tưởng thành từng kế hoạch cụ thể để thực hiện, người lãnh đạo có thể làm tăng thêm uy tín của mình khi có khả năng tạo nên sự chắc chắn từ những việc tưởng chừng như không chắc chắn. Điều quan trọng là bạn cần biết chắc chắn điều gì có thể làm được, biết được chắc chắn làm được điều ấy trong bao lâu và sau quá trình luyện tập, thử nghiệm thì cần xác định điều gì vượt ra ngoài khả năng cho phép, và cần có thời gian chuẩn bị nhằm hội đủ các yếu tố tạo điều kiện để biến điều không thể thành có thể.

Hương Giang

Phân tích bản chất tâm lý của uy tin người lãnh đạo từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân

Lãnh đạo không có nghĩa là bạn luôn luôn chỉ áp dụng một phong cách lãnh đạo với mọi nhân viên khác nhau, mà cần lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp với trình độ của họ.

Không ít người thất bại trong việc quản lý đội nhóm vì không nhận thức được điều này, họ đặt ra yêu cầu quá cao đối với nhân viên mới hoặc cho các nhân viên giỏi quá ít không gian để chủ động và sáng tạo trong công việc. Điều đó khiến cho các nhân viên cấp dưới thiếu tin tưởng người đứng đầu, hoặc vẫn phục tùng nhưng không cảm thấy thoải mái để phát huy hết năng lực. Chính vì vậy, nếu mong muốn khai thác nhiều nhất nguồn lực con người của đội nhóm hay công ty (tức là tài năng, trí tuệ, sự nhiệt tình… của người lao động) thì nhà lãnh đạo cần phải hiểu rõ về các phong cách lãnh đạo khác nhau và cách thức để áp dụng chúng trong thực tiễn quản lý nhân viên hay đội nhóm.

Phong cách lãnh đạo là gì?

Phong cách lãnh đạo là cách thức làm việc của nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo giỏi là một nhà lãnh đạo có phong cách lãnh đạo hợp lý để vừa đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhân viên, vừa phát huy được sức mạnh cá nhân và tập thể trong hoạt động đội nhóm hay sản xuất kinh doanh. Từ năm 1939, các nghiên cứu đầu tiên về phong cách lãnh đạo đã được tiến hành bởi Kurt Lewin và cộng sự (Lewin, Lippit, White, 1939). Từ các nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chỉ ra 3 phong cách lãnh đạo chủ chốt:

Phong cách lãnh đạo mệnh lệnh/độc đoán

Với phong cách lãnh đạo này, nhà quản lý là người nắm mọi quyền lực và ra quyết định. Họ thường giao việc và chỉ ra luôn cho các nhân viên của mình cách thực hiện những công việc đó mà không cần lắng nghe những góp ý từ nhân viên.

Có nhiều ý kiến cho rằng phong cách lãnh đạo mệnh lệnh/độc đoán làm hạn chế hiệu quả làm việc và tạo ra bầu không khí căng thẳng cho đội nhóm. Tuy nhiên, phong cách này không đồng nghĩa với việc thường xuyên quát tháo, sai bảo nhân viên, và nếu áp dụng đúng trường hợp, phong cách này lại phát huy hiệu quả của nó. Phong cách mệnh lệnh có thể áp dụng tốt trong những trường hợp sau:

- Giai đoạn đầu thành lập đội nhóm: Ở giai đoạn này, các thành viên trong đội nhóm còn chưa hiểu rõ về nhau, chưa rõ nhiệm vụ và phương hướng nên nhà lãnh đạo cần sử dụng phong cách độc đoán để tạo sự thống nhất về mục tiêu, cách thức làm việc và các quyết định của đội nhóm.

- Đối với các nhân viên mới, còn non nớt kinh nghiệm làm việc: Các nhân viên này thường cảm thấy bỡ ngỡ với môi trường làm việc mới, chưa hiểu rõ về cách thức làm việc trong công ty. Do vậy, với tình huống này, nhà quản lý phải đóng vai trò là người giao việc và hướng dẫn cho nhân viên một cách cụ thể, chi tiết, giúp nhân viên hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc và các nhân viên khác.

- Những tình huống phải ra quyết định trong thời gian ngắn:  Trong những tình huống này, với áp lực phải ra quyết định và thời gian hạn hẹp, phong cách lãnh đạo độc đoán là cần thiết để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn như trong một trận đánh, các tướng lĩnh thường phải ra quyết định trong gang tấc về việc tiếp tục tấn công hay rút lui của quân mình.

Phong cách lãnh đạo dân chủ

Nhà quản lý theo phong cách dân chủ là biết phân chia quyền lực quản lý của mình, tranh thủ ý kiến cấp dưới và cho phép họ tham gia vào việc thảo luận để đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, người quyết định chính vẫn là người lãnh đạo.

Phong cách lãnh đạo dân chủ được đánh giá là phong cách mang lại hiệu quả làm việc cao nhất. Phong cách này sẽ phát huy hiệu quả trong các trường hợp sau:

- Người quản lý là người đã hiểu rõ vấn đề nhưng cần thêm các ý kiến, thông tin từ cấp dưới để xử lý vấn đề đó.

- Đội nhóm phải tương đối ổn định về nề nếp và nhân sự, các thành viên trong đội nhóm phải là những người đã nắm rõ công việc, nhiệm vụ và cách thức tiến hành công việc.

Phong cách lãnh đạo tự do

Nhà quản lý theo phong cách tự do thường chỉ giao nhiệm vụ hoặc vạch ra kế hoạch chung chứ ít tham gia trực tiếp chỉ đạo công việc. Họ giao khoán và cho phép nhân viên được đưa ra các quyết định cũng như chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước cấp trên.

Phong cách lãnh đạo này cho phép nhân viên cấp dưới có quyền tự chủ rất cao để hoàn thành công việc và nhà quản lý có nhiều thời gian để nâng cao năng suất làm việc của mình. Tuy nhiên, cách quản lý này phải được sử dụng một cách phù hợp, nếu không có thể gây ra sự mất ổn định của đội nhóm. Các nhà quản lý có thể áp dụng phương pháp này trong những điều kiện sau:

- Các nhân viên có năng lực làm việc độc lập và chuyên môn tốt, có thể đảm bảo hiệu quả công việc.

- Các nhà lãnh đạo có những công cụ tốt để kiểm soát tiến độ công việc của nhân viên.

Trong thực tế, mỗi nhà lãnh đạo thường có những cách riêng khi quản lý các nhân viên của mình. Tuy nhiên, mỗi phong cách lãnh đạo nói trên đều có những ưu và nhược điểm, do vậy cần phải biết phối hợp để lãnh đạo hợp lý trong từng giai đoạn, từng trường hợp. Khi lựa chọn phong cách lãnh đạo nào, các nhà quản lý cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố cùng một lúc, chẳng hạn như thời gian cho phép, kiểu nhiệm vụ, mức độ áp lực công việc, trình độ nhân viên, mối quan hệ trong đội nhóm, ai là người nắm được thông tin… Tuy nhiên, các lãnh đạo giỏi là những người phối hợp và sử dụng linh hoạt cả 3 phong cách lãnh đạo nói trên một cách hợp lý trong những trường hợp cụ thể.

Thu Hiền (tổng hợp)