Hướng dẫn soạn e learning

. Đó chính là tác dụng to lớn của việc ứng dụng bài giảng E - Learning trong trường học, bởi một bài giảng E - Learning bao gồm bài trình chiếu kết hợp âm thanh lời giảng của giáo viên kết hợp với hệ thống bài tập để học sinh có thể tự học tập, theo dõi lại tiết học của giáo viên.

Trong thời gian qua, phong trào thiết kế bài giảng E - Learning được triển khai quy mô từ cấp trường đến cấp Quốc gia và được giáo viên các trường nhiệt tình hưởng ứng. Năm học 2016-2017, với bài giảng: “Da Nang Discovery” của đ/c Nguyễn Thu Phương – GV Tiếng Anh đạt giải Nhất cấp Thành phố, bài giảng “Làng Bát Tràng – Tinh hoa Việt” của nhóm tác giả gồm 3 đồng chí: Đ/c Đặng Thị Hạnh - Phó hiệu trưởng, đ/c Vũ Thị Thu Hương – GVCN lớp 5A2, đ/c Lê Hồng Linh – GVCN lớp 4A4 đạt giải Ba cấp Thành phố được dự chung khảo cấp Quốc gia, chúng tôi cũng xin chia sẻ một vài kinh nghiệm thiết kế một giáo án E - Learning có hiệu quả, sau đây là một vài kinh nghiệm của chúng tôi:

  1. Để làm được giáo án E - learning thì ngoài những kỹ năng soạn giảng thông thường ra người giáo viên cần có kỹ năng xây dựng bài giảng điện tử và khai thác những dịch vụ truyền thông được cung cấp trên Internet như dịch vụ lưu trữ, chia sẻ, email, web, blog…

2. Giáo viên phải hiểu sâu và nắm chắc nội dung bài giảng, trên cơ sở đó mới có thể thể hiện kiến thức với sự phối hợp mô hình hóa cao bằng những biểu bảng, sơ đồ, hình ảnh, phim video… một cách khoa học.

3. Thiết kế giáo án E-learning thường được thiết kế diễn đạt nội dung bài học đầy đủ nhất và học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu và thấy hưng phấn, thích thú trong quá trình học. Những nội dung ấy thường được thiết kế dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa kênh chữ, kênh nói, hình ảnh bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh, phim video... Đối với các hình ảnh, phim video cũng đòi hỏi giáo viên nắm vững kiến thức chuyên môn mới có thể chọn lựa hình ảnh và các đoạn phim "đắt giá" đồng thời biết lồng và đưa chúng vào nội dung bài giảng ở phần nào nhằm phát huy hiệu quả cao nhất quá trình học.

4. Người giáo viên phải làm chủ kiến thức chuyên môn, CNTT của mình mới có thể cụ thể hóa một cách cô đọng, khoa học bằng các bảng biểu, sơ đồ kết hợp các hiệu ứng màu sắc, âm thanh làm cho bài giảng bớt trừu tượng và giúp học sinh dễ hiểu bài hơn và thấy hứng thú hơn trong quá trình học.

Việc đầu tiên của làm giáo án điện tử là:

  1. Lập dàn ý trình bày và liên kết hợp lí các Slide nội dung bài giảng

Trong lúc hình thành dàn ý bài soạn dưới dạng các Slide cần chú ý mối liên hệ hữu cơ về nội dung giữa các Slide, phối hợp có hiệu quả giữa các kênh thông tin. Nếu không, giáo án có thể trở thành một tập các Slide chữ và Slide hình ảnh hơn là một bài soạn.

Ta nên phân đoạn, phân phần kiến thức thích hợp, sau mỗi phần, đoạn nên có câu hỏi tương tác để khắc sâu từng phần cũng như kiểm tra khả năng hiểu bài của học sinh; cuối bài nên có một vài câu hỏi tương tác có nội dung xuyên suốt bài giảng để học sinh hình dung nội dung bài một cách tổng thể. Tránh tình trạng cuối bài mới kiểm tra kiến thức, như vậy học sinh sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi một lúc dẫn đến nhàm chán và không nhớ hết nội dung.

Các câu hỏi tương tác nên đa dạng và phù hợp với từng nội dung. Đối với cấp học sinh Tiêu học, giáo viên dùng kênh hình và kênh chữ tùy theo khối lớp một cách hợp lí (có thể phối hợp giữ kênh chữ và hình ảnh trong những câu hỏi tương tác thêm phần sinh động, mỗi dạng câu hỏi giáo viên cần hướng dẫn kỹ cách thức làm bài.

  1. Lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền, hiệu ứng phông chữ

Chọn hình nền dễ quan sát, phù hợp với nội dung bài học, tránh quá lòe loẹt, nhiều hiệu ứng gây mất tập trung và rối mắt đối với học sinh. Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ. Cần chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Fill color) của các Slide, có độ tương phản cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của học sinh.

Ngoài ra, khi chọn hiệu ứng cho phông chữ, giáo viên không nên dùng quá nhiều hiệu ứng làm cho học sinh chỉ chú ý đến các hiệu ứng mà không chú ý đến nội dung bài học, dẫn đến không nắm được trọng tâm của bài và không nên chèn ảnh động chỉ mang tính trang trí trong bản giảng.

  1. Sử dụng hợp lý hình ảnh, âm thanh, các đoạn video, lập sơ đồ, bảng biểu

Có thể thấy, các trang bài giảng chỉ thực sự phát huy được ưu thế của nó so với bảng phấn khi khai thác được các yếu tố đặc thù như hình ảnh, video hoặc các sơ đồ, bảng biểu gắn với nội dung bài giảng. Các tư liệu này hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet, các đĩa CD, DVD, sao chụp từ sách, báo hoặc qua quay video đóng phim tình huống... Tuy nhiên, một điều lưu ý là hình ảnh và âm thanh đưa vào bài giảng phải giải thích, diễn giải, mô tả... nội dung của bài học, phải phù hợp với mục tiêu học tập mà người học cần đạt, hướng đến trọng tâm kiến thức của bài. Việc lạm dụng hoặc thiếu chọn lọc hình ảnh, âm thanh trong khi biên soạn sẽ gây nhiễu cho quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh.

Ngoài ra, những tranh, ảnh hay đoạn phim minh họa dù hay nhưng mờ nhạt, không rõ ràng thì cũng không nên sử dụng vì không có tác dụng cung cấp thông tin chính xác như ta mong muốn. CNTT cũng là phương tiện phát triển trí tuệ, giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ, phát triển thể chất và có sự tác động mạnh đến sự tự tin của học sinh . Để làm giáo án E - learning có hiệu quả cần tạo:

- Một số bài tập trắc nghiệm.

- Tạo âm thanh, chỉnh sửa âm thanh và chèn vào bài giảng.

- Tạo hình nền, màu chữ.

* Kinh nghiệm tạo một số bài tập trắc nghiệm.

- Để tạo các bài tập trắc nghiệm trên phần mềm Ispring Siute, trước tiên phải thực hiện thao tác Việt hoá cho các thông báo, nút lệnh trong bài trình chiếu trong Quizt Manager/ Default Labels

- Thiết kế các bài tập trắc nghiệm xong tiến hành chỉnh sửa cỡ chữ, đổ màu và tạo nền cho các bài tập để làm nổi bật các bài tập, gây hứng thú cho học sinh khi học bài, chẳng hạn như hình vẽ dưới đây:

*Kinh nghiệm tạo âm thanh, chỉnh sửa âm thanh và chèn vào bài giảng.

- Sau khi đã thiết các bài tập xong, công việc tiếp theo là phải tạo âm thanh cho bài giảng. Việc tạo âm thanh cho bài giảng có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn:

+ Ghi âm trực tiếp khi máy tính có hỗ trợ âm thanh.

+ Ghi âm bằng phương tiện hỗ trợ âm thanh khác (máy ghi âm, điện thoại di động có hỗ trợ ghi âm, ….) sau đó chèn vào bài giảng.

* Kinh nghiệm tạo hình nền, màu chữ.

- Để thiết kế một bài giảng E - learning thành công thì việc tạo hình nền và màu chữ cho các slide là cũng rất cần thiết. Do vậy cần chọn các hình nền tươi sáng và phải tương phản với màu chữ trên các slide để làm nổi bật các nội dung cần truyền đạt trên các slide, gây hứng thú cho học sinh khi học bài.

- Với các nội dung bài học tôi thường tạo nền và viền (thường là viền màu đỏ hoặc màu xanh non) tuy nhiên cần phù hợp với các nội dung câu hỏi, bài tập để làm nổi bật trên các slide

- Chữ và màu chữ tôi thường sử dụng là cỡ chữ 24 và màu đỏ cho các tiêu đề, màu xanh lam cho các nội dung câu hỏi, màu xanh non cho các phương án trả lời.

- Một số slide tôi chèn thêm một số biểu tượng đơn giản để trang trí góc, cuối các slide gây hứng thú cho học sinh.

Trên đây là một số kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ để thiết kế một giáo án E - learning có hiệu quả. Từ kết quả đáng ghi nhận mà các đồng chí đã đạt được, Ban giám hiệu trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng đã bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của nhà trường qua các lớp học dạy trên bảng tương tác, ứng dụng các phần mềm mới nhất trong dạy và học như Violet 1.9, xây dựng bài giảng E-learning với Ispring Suite 8. Năm học 2017 – 2018, đội ngũ giáo viên nhà trường lại nô nức xây dựng các bài giảng mới để đem về những thành tích mới cho trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng – Một ngôi trường đang vươn lên trên tầm cao mới.