Khu du lịch được đánh giá là du lịch xanh năm 2024

Trong danh sách du lịch xanh của năm 2023 công bố ngày 6/4, Wanderlust đã lựa chọn các điểm đến xanh, các tour du lịch xanh ở các châu lục dựa trên các tiêu chí của du lịch bền vững. Trong danh sách 4 điểm đến du lịch xanh (du lịch bền vững) của châu Á, Quảng Nam của Việt Nam là điểm đến xanh hàng đầu của châu lục cùng với Bhutan, Singapore và đảo Ataúro của Đông Timor.

Theo Wanderlust, trong du lịch bền vững, tác động của du lịch đối với các cộng đồng cũng rất quan trọng. Một xã hội được hỗ trợ tốt sẽ được trao quyền và trang bị nhiều hơn để bảo vệ môi trường của mình, tăng cường tái tạo.

Khu du lịch được đánh giá là du lịch xanh năm 2024

Quảng Nam xếp thứ 3 trong danh sách 4 điểm đến xanh hàng đầu châu Á năm 2023 của Wanderlust. (Ảnh chụp màn hình)

Ở những khu vực nơi người bản địa đang nỗ lực bảo vệ môi trường, các sáng kiến du lịch do quốc gia dẫn dắt có thể trao quyền và mang tính giáo dục cho cả du khách cũng như người dân địa phương. Theo những sáng kiến này, tất cả mọi người đều được tiếp cận những trải nghiệm du lịch bền vững. Về bản chất, du lịch bền vững là sự trao đổi và tương tác có lợi cho cả du khách và chủ nhà.

Từ quan điểm này, Wanderlust đã liệt kê một danh sách du lịch xanh để tôn vinh những con người và các địa điểm cam kết tạo ra sự khác biệt: những người đang thực hiện các bước có ý nghĩa để bảo vệ văn hóa, môi trường và động vật hoang dã địa phương. Danh sách của Wanderlust đặc biệt chú ý đến việc các nhà khai thác du lịch cung cấp các hành trình du lịch sâu hơn, có tính tương tác hơn và các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển ưu tiên giảm lượng khí thải.

Với Quảng Nam, Wanderlust đánh giá đây là một trong những điểm đến đáng để ghé thăm ở châu Á nếu du khách đang tìm kiếm một kỳ nghỉ thân thiện với môi trường.

Theo Wanderlust: “Bằng cách đặt các doanh nghiệp địa phương làm trung tâm của du lịch, Quảng Nam đang chứng minh sự bền vững bắt đầu từ chính vùng đất của mình. Tours Hội An Kayak đưa du khách chèo thuyền qua rừng dừa nước, trải nghiệm trên những chiếc thuyền đánh cá và thăm các ngôi làng nổi. Trong phố cổ, cửa hàng Refillables bán các nhu yếu phẩm du lịch thân thiện với môi trường, từ dầu gội đầu đến bàn chải đánh răng, trong khi nhà hàng không rác thải The Field sử dụng các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ của địa phương để chế biến các món ăn dân dã, chẳng hạn như cà tím và canh đậu phụ. Du khách có thể kết thúc bằng việc nghỉ qua đêm giữa những tán cây hoa tại An Villa, nơi giảm thiểu nhu cầu sử dụng đồ nhựa”.

Khu du lịch được đánh giá là du lịch xanh năm 2024

Tour tham quan rừng dừa nước được du khách đặc biệt yêu thích khi đến Quảng Nam. (Ảnh: Duy Hậu)

Từ nhiều năm nay, Quảng Nam đã trở thành hình mẫu của cách làm du lịch xanh khi người dân và doanh nghiệp nơi đây đều hướng tới phát triển bền vững, hạn chế lãng phí tài nguyên và chú trọng đến việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm ngay tại địa phương.

Bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, Quảng Nam đang ngày càng phát triển mô hình du lịch xanh và chú trọng đến phát triển du lịch bền vững. Việc triển khai các mô hình sản phẩm du lịch xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân mà còn là cơ hội để tỉnh Quảng Nam trở thành điểm đến du lịch thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế chung của du lịch thế giới.

Xu hướng du lịch xanh ngày càng phổ biến, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần tăng cường nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và sự cần thiết của phát triển bền vững. Tại Đà Nẵng, nhiều tiêu chí “xanh” đã được ngành du lịch lồng ghép vào các sản phẩm, dịch vụ đi kèm nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách.

Khu du lịch được đánh giá là du lịch xanh năm 2024
Ông Abbott Larry Joe (Mỹ), một trong những du khách thân thiết tham gia trồng cây tại Furama Resort. Ảnh: T.Y

Đa dạng tiêu chí “xanh”

Trong khu vườn nhiệt đới quanh năm xanh mát ở Furama Resort, có một cây phượng vỹ trồng năm 2015 gắn tên cặp vợ chồng đến từ nước Đức xa xôi: Mr. Volker và Mrs. Susanne Behle. Mới đây, trong chuyến du lịch trở lại Furama, điều đầu tiên vợ chồng ông Volker làm là đi thăm cây phượng vỹ. Trong khu vườn có hàng ngàn cây xanh tỏa bóng, ông Volker vẫn dễ dàng nhận ra cây phượng mang tên mình bởi “nó thật đặc biệt trong trí nhớ vợ chồng tôi”.

Ông Volker nhớ lại, 8 năm trước, khi khu resort thông báo mình là vị khách nước ngoài đầu tiên được mời tham dự án “Go Green @ Fabulous Furama”, vợ chồng ông rất hào hứng. Thời điểm đó, ông đã trải qua 25 lần lưu trú ở Furama trong khoảng thời gian 15 năm và “đây là món quà bất ngờ và vô cùng đặc biệt vì chúng tôi đều rất thích trồng cây”. Theo ông Volker, sau khi trồng cây phượng vỹ gắn tên mình, ông có thêm động lực quay lại Đà Nẵng nhiều lần sau đó. Mỗi năm, vợ chồng ông thường đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ tháng 4, 5 hoặc tháng 12 để có thể trải nghiệm đa dạng thời tiết vùng nhiệt đới.

“Không phải ngẫu nhiên chúng tôi chọn Đà Nẵng là nơi quay lại thường xuyên trong chuyến du lịch hằng năm của gia đình. Ở đây, chúng tôi có bạn, có biển, có cà phê, có thiên nhiên và có cả một cây phượng vỹ đang lớn lên mỗi ngày”, ông Volker hào hứng nói.

Dự án “Go Green @ Fabulous Furama” được Furama Resort khởi động từ tháng 7-2015, đến nay đã có hàng trăm cây phượng vỹ, bằng lăng, xoài, dừa… được trồng khắp các khu vườn. Bằng cách này, khu nghỉ dưỡng muốn truyền cảm hứng trồng, chăm sóc cây xanh cũng như mang đến cho khu khách những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong suốt thời gian lưu trú.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort khẳng định, đây là sự kiện mang tính nhân văn và ý nghĩa mà Furama mong muốn mang đến cho khách hàng có trên 10 lần lưu trú tại khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, rất nhiều vị khách quốc tế quyết định quay lại hằng năm với mục đích “được nhìn thấy cây mình trồng” và điều này tạo thêm động lực và cảm hứng cho Furama tiếp tục duy trì chương trình trong thời gian tới. Ngoài hoạt động ý nghĩa trên, Furama cũng ký Hiệp ước Bảo vệ tê giác và động vật hoang dã, sử dụng những nguyên liệu có thể tái sử dụng như hộp giấy, ly giấy, rác thải nhà bếp làm phân hữu cơ cải tạo khu vườn và đầu tư các giải pháp tiết kiệm điện.

Có thể nói, tiêu chí “xanh” ngày càng được du khách coi trọng trong quá trình lựa chọn sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch. Trước nhu cầu này, song song với phát triển dịch vụ lưu trú theo hướng tiện nghi, thân thiện, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng chú trọng xây dựng bảng thực đơn xanh, an toàn cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Lân, bếp trưởng khách sạn Hilton Da Nang cho biết, thực đơn xanh được hiểu đơn giản là món ăn sạch từ khâu chọn nguyên liệu đến công thức chế biến, bảo quản. Tại các nhà hàng thuộc Hilton, thực đơn xanh là một trong những tiêu chí quan trọng xây dựng thương hiệu cho điểm đến và cũng là tiêu chí đánh giá năng lực làm việc của đội ngũ nhân viên.

“Mỗi nhân viên nhà hàng đều phải có khả năng đánh giá chất lượng nguyên liệu bởi chúng tôi không cho phép bất kỳ sai sót nào xảy ra trong quá trình nhập hàng, xuất hàng. Ngoài nguồn nguyên liệu được nhập khẩu và thu mua trực tiếp tại chợ hải sản, Hilton Đà Nẵng lấy phần lớn nông sản từ Noom - một doanh nghiệp canh tác nông nghiệp bền vững theo phương pháp hữu cơ, dựa vào thiên nhiên tại Quảng Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế và giám sát kỹ thuật trồng, chăn nuôi của trang trại nhằm bảo đảm các tiêu chí sạch, lành, giàu dinh dưỡng mà khách sạn đề ra”, anh Lân cho hay.

Hướng đến du lịch bền vững

Theo Hiệp hội Du lịch Sinh thái quốc tế (TIES), du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, môi trường, từ đó thúc đẩy hoạt động giáo dục con người hướng tới các giá trị bền vững. Trải nghiệm mô hình du lịch này, du khách vừa có cơ hội tham quan, vừa đóng góp công sức vào việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, tại Việt Nam, du lịch xanh đang phát triển theo các xu hướng: du lịch không sử dụng đồ nhựa, du lịch đạp xe trải nghiệm, du lịch trekking, du lịch dọn vệ sinh tại điểm đến và du lịch sinh thái về vùng nông thôn.

Ths. Lê Đức Thọ, giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, du lịch xanh là chìa khóa phát triển du lịch có trách nhiệm nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho ngành du lịch nói riêng, thành phố nói chung và cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Theo ông, Đà Nẵng có nhiều lợi thế phát triển du lịch xanh, trong đó đáng chú ý là tiềm năng cảnh quan thiên nhiên như bán đảo Sơn Trà, Bà Nà và các khu du lịch sinh thái khá nổi tiếng như Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài, Suối Lương, Ngầm Đôi, Làng Toom Sara, Yên Retreat, An Phú Farm, Banarita Glaping Farm, Vườn nho thung lũng Nam Yên hay dịch vụ leo núi Wildtrek… Ngoài ra, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và hạn chế xả thải.

“Để thúc đẩy du lịch xanh, Đà Nẵng cần quy hoạch các tour du lịch sinh thái, hạn chế tình trạng bê-tông hóa các địa điểm hai bên bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà và thiết kế điểm sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời. Thành phố cũng cần xem xét hình thành tuyến đạp xe ở đường bao bãi biển Xuân Thiều, Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn, cung đường Sơn Trà hay vòng quanh sông Hàn, đồng thời kêu gọi đầu tư vào dịch vụ cung cấp xe đạp, bến bãi và các dịch vụ kèm theo”, Ths. Thọ hiến kế.

Với thông điệp “Du lịch xanh - Kết nối và phát triển”, nới đây, ngành du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã thống nhất một số nội dung phối hợp phát triển hoạt động du lịch bền vững gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp và du lịch cộng đồng. Theo đó, các địa phương sẽ chú trọng hợp tác quản lý nhà nước về du lịch, thúc đẩy phát triển sản phẩm, hợp tác quảng bá và xúc tiến du lịch…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố khẳng định, hoạt động ký kết hợp tác phát triển du lịch xanh giữa Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế mở ra một chương mới cho du lịch xanh Đà Nẵng phát triển. Việc còn lại là các địa phương, đơn vị lữ hành, khai thác du lịch cần bám sát các tiêu chí “xanh” trong du lịch để triển khai hiệu quả và phù hợp với mong muốn được thụ thưởng sản phẩm du lịch an toàn, thân thiện với thiên nhiên, môi trường của du khách.

Cùng với đó, Đà Nẵng cần tăng cường khả năng liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch xanh. Đồng thời, tái thiết lại các sản phẩm du lịch theo hướng tuần hoàn, nơi doanh nghiệp, người dân lẫn thiên nhiên cùng hưởng lợi và nhìn thấy rõ những giá trị tiềm năng, bền vững từ mô hình du lịch xanh.

Để ngành du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, cơ quan quản lý Nhà nước, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành, khai thác du lịch cần tôn trọng, bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, tôn trọng tính nguyên sơ, bản địa và tôn trọng các giá trị văn hóa, di sản văn hóa dân tộc. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ thế mạnh địa hình, cảnh quan, văn hóa, lịch sử, truyền thống, mỗi địa phương cần đặt ra các nguyên tắc, chính sách khai thác du lịch gắn với trách nhiệm xã hội và tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế.