Kinh nghiệm giải quyết án Cố ý gây thương tích

THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM

Một số tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra,

 kiểm sát xét xử án hình sự

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự thấy tại một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện tiến hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra một số vụ án chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông báo đế các đơn vị tham khảo, rút kinh nghiệm chung.

NỘI DỤNG VỤ ÁN VÀ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT.

Vụ thứ nhất:

Khoảng 19 giờ ngày 21/02/2017, tại nhà ông Ngô Văn Nho sinh năm 1967 ở thôn Đại Thành, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, xuất phát từ xô xát giữa ông Nho và ông Nguyễn Hữu Uyên sinh năm 1962, ở thôn 8, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, hai con trai ông Nho là Ngô Văn Nhất, sinh năm 1995 và Ngô Văn Duy, sinh ngày 10/11/2000 đã dùng tay đấm vào mặt và dùng chân đạp vào mặt ông Uyên nhiều lần làm ông Uyên bị ngã dập đầu xuống đường bê tông dẫn dến chấn thương sọ não và đến khoảng 07 giờ sáng ngày 22/02/2017 thì ông Uyên chết tại gia đình. 

Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 19/10/2017 Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương tuyên bố Ngô Văn Nhất, Ngô Văn Duy phạm tội cố ý gây thương tích, về hình phạt: Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46, Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nhất 07 năm tù. Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 33; Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Duy 03 năm tù. 

Vụ thứ hai:

Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 09/3/2017, tại nhà nghỉ Tích 98 thuộc thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, do mâu thuẫn phát sinh, Trần Ngọc Tú, sinh ngày 03/9/1994, trú tại thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư đã có hành vị dùng ghế nhựa đánh vào người và dùng dao chém vào người và khuỷu tay trái của anh Hoàng Công Hà, sinh năm 1977, trú tại số nhà 478, đường Trường Chinh, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định làm anh Hà bị vết thương mặt sau khuỷu trái, gãy mỏm khuỷu xương trụ trái, đứt bán phần dây thần kinh trụ trái, vết thương ngực trái, vết thương vùng cánh chậu trái, xây sát vai trái. 

– Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 24/17/TgT ngày 11/4/2017 của Trung tâm pháp y – Sở y tế Thái Bình kết luận về thương tích của anh Hoàng Công Hà: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 31%(Ba mươi mốt phần trăm).

Ngày 12/8/2017 anh Hoàng Công Hà có đơn xin giám định lại tỷ lệ thương tích với lý do: Anh cho rằng thương tích mà Tú gây ra không thể đến 31%. Ngày 16/8/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư đã ra quyết định trưng cầu giám định lại đối với anh Hoàng Công Hà. 

– Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 4190/C54 – TT1 ngày 05/9/2017 của Viện khoa học hình sự Tổng cục cảnh sát, kết luận giám định lại về thương tích xác định: Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Hoàng Công Hà tại thời điểm giám định lại là: 29% (Hai mươi chín phần trăm).

– Cáo trạng số 92/KSĐT ngày 13/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư truy tố Trần Ngọc Tú về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự. 

– Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 11/01/2018 của Toà án nhân dân huyện Vũ Thư tuyên bố bị cáo Trần Ngọc Tú phạm tội cố ý gây thương tích. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51, điều 56, điều 38 BLHS năm 2015 xử phạt Trần Ngọc Tú 04 năm 6 tháng tù. Tổng hợp hình phạt với bản án số 90/2017/HSST ngày 01/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư xử phạt 06 tháng tù, buộc bị cáo Tú phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 05 năm tù.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Nhìn chung cả hai vụ án trên đều được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng thời hạn, trình tự quy định. Tuy nhiên qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Phòng 7 nhận thấy vẫn còn một số vi phạm, tồn tại trong quá trình điều tra, kiểm sát điều tra cần rút kinh nghiệm như sau:

1. Trong vụ án thứ nhất: 

– Về đánh số bút lục trong hồ sơ vụ án: Trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra Công an huyện Kiến Xương đã thu thập Bản ảnh hiện trường, Bản ảnh tử thi, Bản ảnh dấu vết trên quần áo và Bản ảnh phương tiện do Phòng kỹ thuật hình

sự Công an tỉnh Thái Bình lập. Đây là chứng cứ, được đưa vào hồ sơ vụ án; các tài liệu này đã được đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra và được chuyển theo hồ sơ vụ án giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân ở huyện Kiến Xương, nhưng lại không đánh số thứ tự và không được đưa vào bảng thống kê tài liệu có trong hồ sơ và Biên bản bàn giao hồ sơ là không thực hiện đúng quy định tại tiết a, tiểu mục 20.2, mục 20 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC- BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong thực hiện một số quy định của Bộ luật hình sự năm 2003. Đây là vụ án có kháng cáo nhưng các bản ảnh này cũng không được chuyển theo hồ sơ vụ án đến cấp phúc thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự (sau khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu thì các bản ảnh này mới được chuyển đến cấp phúc thẩm).

– Về Biên bản khám nghiệm tử thi, Bản kết luận giám định tử thi:

Tại biên bản khám nghiệm tử thi ông Nguyễn Hữu Uyên mô tả về vết thương đỉnh thái dương phải như sau: “Đỉnh thái dương phải có đường rạn xương sọ dài 2cm…”. Nhưng Bản kết luận giám định pháp y tử thi kết luận ông Nguyễn Hữu Uyên bị: “Đa chấn thương vùng đầu, mặt do vật tầy tác động, làm vỡ xương sọ vùng đỉnh thái dương phải, máu tụ dưới màng cứng vùng thái dương trái”. Như vậy cùng một vết thương ở đỉnh thái dương phải nhưng được mô tả khác nhau giữa biên bản khám nghiệm tử thi và Kết luận giám định là mâu thuẫn chưa được các Cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Kiến Xương làm rõ.

2. Trong vụ án thứ hai 

Trong vụ án này, kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Thái Bình kết luận anh Hoàng Công Hà bị tổn hại sức khỏe do thương tích gây lên là 31%. Sau khi được thông báo kết quả giám định, anh Hà đã làm đơn xin giám định lại vì cho rằng tỉ lệ thương tích là quá cao so với vết thương. Dựa trên cơ sở đề nghị này, Cơ quan điều tra đã cho anh Hà đi giám định lại tại Viện khoa học hình sự – Bộ Công an và được kết luận tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định lại là 29% và Cơ quan điều tra đã sử dụng kết quả giám định lại làm căn cứ giải quyết vụ án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Trong vụ án này, bị hại không đưa ra căn cứ để nghi ngờ kết luận giám định mà chỉ từ ý chí chủ quan cho rằng tỉ lệ thương tích quá cao so với vết thương, nhưng Cơ quan điều tra vẫn cho bị hại đi giám định lại. Lẽ ra trong trường hợp này, Cơ quan điều tra phải làm Công văn yêu cầu Cơ quan giám định pháp y của Thái Bình giải thích kết luận giám định pháp y về cách tính tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh Hà, nếu thấy có sự nghi ngờ về kết quả mới trưng cầu giám định lại. Nhưng Cơ quan điều tra Công an huyện Vũ Thư chỉ dựa vào đơn yêu cầu của bị hại đã ra quvết định trưng cầu giám định lại và các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Vũ Thư sử dụng kết quả giám định lại đó để giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật. 

Những vi phạm, tồn tại nêu trên tuy chưa phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến xâm hại đến quyền, lợi ích họp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, nhưng là những vi phạm thủ tục tố tụng liên quan đến thu thập, đánh giá chứng cứ và những tình tiết khác của vụ án, có thể là lý do để Luật sư và những ngưòi tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc yêu cầu hủy án ở cấp phúc thẩm. Do đó, Kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát điều tra cần tăng cường trách nhiệm, nghiên cứu kỹ các tài liệu trong hồ sơ vụ án, căn cứ pháp luật để kịp thời phát hiện vi phạm, yêu cầu Điều tra viên thực hiện đúng quy định của pháp luật. 

Để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp mới ban hành, chủ trương tăng cừơng trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Phòng 7 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông báo để các đơn vị rút kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiếm sát xét xử án hình sự trong thời gian tới./.

Theo tks.edu.vn

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) quy định các tội danh khác nhau là căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội; căn cứ vào quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (khách thể của tội phạm); căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi của mình (lỗi); căn cứ vào nhân thân người phạm tội, trong một số trường hợp căn cứ vào giới tính, độ tuổi của người phạm tội và bị hại…

Về lý luận, muốn phân biệt tội này với tội khác thì không chỉ có trình độ pháp lý, nắm vững các yếu tố cấu thành tội phạm, mà còn phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn.

Khi phân biệt tội “giết người” (Điều 123) với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134), cần lưu ý các trường hợp sau:

- Trong trường hợp nạn nhân bị chết:

Ở cả hai tội này, người phạm tội đều thực hiện hành vi là do lỗi cố ý; đều thực hiện hành vi khách quan tương tự như nhau (bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá…) và nạn nhân đều bị chết.

Tuy nhiên, đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”, người phạm tội chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, không mong muốn cho nạn nhân bị chết, cũng không bỏ mặc cho nạn nhân chết; nạn nhân bị chết là ngoài ý muốn của người phạm tội.

Đối với tội “giết người”, người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp (cố ý có dự mưu, cố ý xác định) thì cũng là cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất, hoặc cố ý không xác định), tức là không cần quan tâm đến hậu quả.

Ở tội “giết người”, hành vi tấn công của người phạm tội bao giờ cũng quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể như: Vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… Còn đối với tội “cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt, nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: Chân, tay, mông, nếu có tấn công vào nơi xung yếu của cơ thể của nạn nhân thì cũng chỉ tấn công vào nơi đã định như mắt, mũi, tai, miệng.

Thực tiễn, nhiều trường hợp người phạm tội chỉ khai không muốn làm nạn nhân chết. Do đó, phải kết hợp với ý thức chủ quan của họ để xác định là giết người hay cố ý gây thương tích, đồng thời phải căn cứ vào biên bản giám định pháp y về cơ chế hình thành vết thương, đặc biệt là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân.

Thực tế hiện nay, việc phân biệt 02 tội trên trong trường hợp nạn nhân chết chủ yếu đối với những vụ đánh nhau giữa hai hoặc nhiều người dẫn đến có người chết. Trước đây, cũng có quan điểm cho rằng, nếu đánh nhau nhưng nạn nhân không chết ngay, mà phải 04 đến 05 ngày sau mới chết hoặc vài tháng sau nạn nhân mới chết thì đó là cố ý gây thương tích. Tác giả cho rằng, quan điểm này chưa chính xác, vì trên thực tế nhiều trường hợp nạn nhân không chết ngay, nhưng do người phạm tội có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên đã đánh vào chỗ hiểm, một thời gian sau nạn nhân mới chết. Vì vậy, để phân biệt tội “giết người” hay tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” thì phải tổng hợp tất cả các dấu hiệu của vụ án, mà xác định ý thức chủ quan của người phạm tội.

Ví dụ: Chu Ngọc L là nhân viên công ty T, quận B đi xe máy đến trụ sở công ty Đ cùng đóng trên địa bàn để gặp Nguyễn Xuân B. Đến nơi, thấy B đang ngồi ăn ở chiếc ghế cạnh bàn uống nước, L tiến về phía B, đứng trước bàn uống nước cách B 1m nói: “Đưa tiền để em đưa nó, hơn 5h nó gọi em rồi”. Thấy vậy, B phẩy tay nói “đi ra”. L tiếp tục nói “đưa tiền cho em không”? B vẫn nói “đi ra”. Ngay lập tức, L dùng chân phải đang đi giầy đá mạnh vào cổ bên trái khiến B ngửa cổ ra sau tựa vào ghế. Thấy xảy ra va chạm, một số nhân viên công ty Đ chạy đến can ngăn. Lúc này, mặt anh B đã tím tái, người lịm đi, gọi không phản ứng nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến 20h30’ cùng ngày, Nguyễn Xuân B tử vong.

Tại Bản kết luận pháp y xác định, “nguyên nhân chết của B là do chảy máu não, phù não tụt hạnh nhân tiểu não do chấn thương sọ não kín. Cơ chế hình thành thương tích: Thương tích vùng đầu do vật tày tác động gây ra…”.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh A quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Ngọc L về tội “cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A cũng truy tố Chu Ngọc L về tội “cố ý gây thương tích”. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh A đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Với các tình tiết của vụ án như trên thì theo tác giả, rõ ràng hành vi của L là hành vi phạm tội giết người, mặc dù có thể L không mong muốn cho nạn nhân chết, nhưng chỉ vì nóng giận mà đá vào vùng xung yếu của cơ thể nạn nhân, buộc L phải nhận thức được rằng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân nhưng L vẫn hành động với ý thức bỏ mặc, không quan tâm đến hậu quả xảy ra.

- Trong trường hợp nạn nhân không bị chết:

Trường hợp này, ở cả hai tội trên, người phạm tội đều thực hiện hành vi một cách cố ý với hành động tương tự như nhau (như: Bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá…); nhưng nạn nhân không bị chết.

Dấu hiệu để phân biệt giữa hai tội này chủ yếu căn cứ vào mục đích của người phạm tội. Đối với tội “giết người” (theo Điều 123 BLHS năm 2015), người phạm tội thực hiện hành vi của mình dứt khoát phải mong muốn cho nạn nhân chết, còn nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của người phạm tội; còn đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (theo Điều 134 BLHS năm 2015) thì người phạm tội chỉ có ý định gây thương tích cho nạn nhân chứ không mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.

Ví dụ: Trên đường đi tìm đối thủ trả thù, P, D, Đ và H cùng xông vào đánh hai người đi xe máy trên đường làm một người bị chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật 46% vĩnh viễn, trong đó Đ là người dùng gậy đánh vào đầu nạn nhân. Viện kiểm sát nhân dân quận B truy tố các bị cáo về tội “cố ý gây thương tích”, nhưng Tòa án nhân dân quận B cho rằng, việc Đ dùng gậy đánh thẳng vào đầu anh L là hành vi giết người chứ không phải cố ý gây thương tích nên quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để truy tố Đ về tội “giết người”. Tuy nhiên, sau đó Viện kiểm sát vẫn truy tố Đ về tội “cố ý gây thương tích” và Tòa án nhân dân quận B đã kết án Đ về tội “cố ý gây thương tích”.

Trong trường hợp này, hành vi dùng gậy đánh vào đầu nạn nhân của Đ không xác định với ý thức muốn ra sao thì ra, nạn nhân không bị chết nên cũng chỉ coi hành vi của Đ là hành vi cố ý gây thương tích. Vì về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, nếu ý thức chủ quan của người phạm tội không mong muốn cho nạn nhân chết, thì hậu quả đến đâu xử đến đó.

Đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, BLHS năm 2015 đã căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân là dấu hiệu định tội, nên đối với tội phạm này chỉ có giai đoạn tội phạm đã hoàn thành, không có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội “giết người” chưa đạt với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

 Trường hợp Công an “bắt nóng” một số băng nhóm sử dụng hung khí nguy hiểm như: Mã tấu, súng hơi, súng quân dụng, côn gỗ, dùi cui điện… chuẩn bị đi đánh nhau. Nếu không chứng minh được họ phạm tội giết người thì cũng không thể truy cứu họ về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được.

Khi phân biệt hai tội trên, cũng cẩn phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người phạm tội thực hiện. Trong đó, ở tội “giết người”, hành vi tấn công thường quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, chủ yếu nhằm vào những nơi xung yếu trên cơ thể nạn nhân như: Vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… nhưng vì khách quan nên người phạm tội không thực hiện được hành vi của mình hoặc bị cản trở nên không thực hiện được việc tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Ví dụ: A dùng mã tấu chém vào đầu nạn nhân nhưng vì nạn nhân giơ tay lên đỡ nên chỉ bị thương vào bàn tay. Đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, hành vi tấn công nạn nhân ít quyết liệt hơn, nếu có quyết liệt thì cũng chỉ nhằm vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: Chân, tay, mông, đùi… nếu có tấn công vào nơi xung yếu trên cơ thể nạn nhân thì cũng chỉ tấn công vào nơi đã định (mắt, mũi, tai, miệng…).

Việc phân biệt hành vi giết người hay cố ý gây thương tích trong nhiều trường hợp rất phức tạp. Vì nạn nhân không chết nên không bao giờ người phạm tội thừa nhận rằng mình có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

- Ngoài ra, tác giả cũng lưu ý khi phân biệt tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” với tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong trường hợp hậu quả làm chết người: Giữa hai tội này có một dấu hiệu chung là đều làm chết người, người phạm tội đều là người có chức vụ, quyền hạn và đều thực hiện hành vi trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, đối với tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” (Điều 127 BLHS năm 2015), người phạm tội có thể thực hiện hành vi do cố ý hoặc vô ý, còn tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (chết người) (Điều 360 BLHS năm 2015), thì người phạm tội thực hiện tội phạm chỉ do vô ý.

Đối với tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”, thì bị hại (nạn nhân) bao giờ cũng là đối tượng tác động của tội phạm, tức là người phạm tội trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; còn đối với tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả chết người” (hậu quả nghiêm trọng), thì nạn nhân bị chết hoàn toàn không phải là đối tượng tác động của người phạm tội. Tuy nhiên, trong một vụ án làm chết người trong khi thi hành công vụ có đồng phạm, thì có thể có người không có hành vi tác động trực tiếp đến thân thể của bị hại, mà chỉ có người thực hành có hành vi này. Ví dụ: A, B, C, D là dân phòng do A làm Tổ trưởng đi tuần tra trong khu dân cư. Khi phát hiện có hai thanh niên khả nghi là T và H tưởng là kẻ gian nên yêu cầu T và H cho xem giấy tờ tùy thân nhưng T và H không chấp hành còn có lời lẽ xúc phạm tổ dân phòng nên xảy ra xung đột. A đã ra lệnh cho B ,C, D trói T và H lại rồi đưa về trụ sở Công an xã. Trên đường về, T và H tự cởi trói bỏ chạy thì bị C và D dùng dùi cui đánh nhiều cái vào đầu làm T bị trọng thương. Tổ dân phòng thấy vậy đã đưa T vào trạm xá cấp cứu nhưng vì bị đánh vào chỗ hiểm nên T đã chết./.