Soạn văn 8 Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Văn tự sự là văn kể chuyện, trình bày một chuỗi các sự việc nối tiếp và có liên hệ mật thiết với nhau. Cuối mỗi bài văn luôn là những kết thúc có ý nghĩa về một phương diện nhất định trong cuộc sống. 

Mục đích chính của văn tự sự là giúp người đọc hiểu hơn về sự việc, sự vật, và con người trong mỗi câu chuyện. Từ đó, mang đến cho họ góc nhìn hoặc bài học hữu ích.

Văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm là bài văn tự sự có sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm để làm bài văn thêm sinh động.

Bố cục làm bài văn tự sự thường gồm 3 phần chính:

  • Mở bài: Giới thiệu sơ lược sự việc và nhân vật chính trong câu chuyện.
  • Thân bài: Trình bày diễn biến các sự việc theo một trình tự liền mạch và có mối liên kết mạch lạc với nhau. Trong đó, đan xen cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật hoặc người kể chuyện cho bài văn thêm sinh động. 
  • Kết bài: Nêu phần kết truyện và bày tỏ thái độ cũng như ý nghĩa muốn truyền đạt của người kể đến đọc giả. 

 

2. Bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

2.1. Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích

Hồi nhỏ, tôi sống cùng cha mẹ và em trai trong một căn nhà ở nông thôn, có sân vườn rộng. Lúc ấy, gia đình tôi được một người quen tặng một con cún rất dễ thương. Tôi đặt tên chú cún là Hạt Dẻ.

Tôi nhớ khi về nhà tôi, Hạt Dẻ là một em cún nhỏ dễ thương với bộ lông xù màu hạt dẻ xù rất dễ thương, khiến ai nhìn em cũng thấy mến ngay từ lần đầu gặp gỡ. Không những vậy, sự đáng yêu ấy còn được tô điểm thêm với đôi mắt đen long lanh và tròn xoe như hạt nhãn. Chiếc mũi của chú cún bé bé xinh xinh lúc nào cũng ướt cùng với đôi tai to, thính, lúc nào cũng vểnh vểnh lên như nghe ngóng điều gì. Càng đáng yêu hơn là em có một cái đuôi tí xíu, nho nhỏ lúc nào cũng ngoe nguẩy theo nhịp những bước chân ngắn, mập mạp đi một cách uyển chuyển. Thời gian thấm thoát trôi qua, Hạt Dẻ ngày càng lớn thành một em cún cứng cáp, khỏe mạnh, song vẫn rất dễ thương.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày thơ bé, mỗi lần tôi đi học mẫu giáo về, từ xa, Hạt Dẻ đã đứng ngay sau cánh cổng đợi, ánh mắt lấp lánh nhìn về phía em, cái đuôi quẫy quẫy mừng. Khi bố mẹ tôi mở cửa, Hạt Dẻ nhảy cẫng lên, hai chân trước của em với lên người tôi, cái đuôi càng vẫy mạnh hơn, thật là đáng yêu! Bố tôi khép cửa còn tôi ngồi ngay xuống ôm lấy Hạt Dẻ, chú chó nhỏ cũng rúc ngay vào lòng tôi. Tôi vui lắm, trông Hạt Dẻ với đôi mắt lấp lánh, kêu ư ử như muốn chào hỏi với tôi. Tôi nói với Hạt Dẻ: "Em chờ chị cất cặp sách nhé!" Nói rồi tôi vào nhà cất cặp sách. Sau đó, mẹ đưa cho tôi một gói đồ ăn nhẹ buổi chiều cho Hạt Dẻ. Tôi gọi Hạt Dẻ đến bên và cho em ăn. Tôi bèn cho Hạt Dẻ ăn. Hạt Dẻ rất ngoan, em chỉ ăn khi được tôi hay bố mẹ cho phép và ăn rất chậm rãi, không để vương vãi ra ngoài. Sau đó,  tôi lấy một hộp sữa trong tủ lạnh đổ vào chén của Hạt Dẻ một nửa cho em uống, nửa còn lại sẽ để dành cho bữa tối. Ăn xong, tôi ôm Hạt Dẻ và chúng tôi chơi với nhau. Sau đó, bố ra tắm cho Hạt Dẻ rồi mặc đồ cho em một chiếc váy xinh xắn.Trông em thật đáng yêu làm sao, giống như một cô “công chúa nhỏ”! Và ngày nào cũng thế, tình bạn của chúng tôi ngày càng khăng khít hơn. Đối với tôi, Hạt Dẻ là một chú cún nghịch ngợm nhưng cũng rất đáng yêu, thân thiện.

Hạt Dẻ là chú bảo vệ nhỏ của nhà tôi. Tuy “nhỏ nhưng có võ”. Mồi lần có tiếng động hay người lạ, Hạt Dẻ sẽ sủa vang ầm ĩ cả nhà và đuổi bằng được kẻ xấu đi mới thôi.

Nhưng rồi, vào một ngày thật đáng buồn! Khi ấy, tôi mới chỉ học lớp 5, vào buổi tối cỡ chín giờ hơn, khi gia đình tôi đã cho Hạt Dẻ ăn cơm và em đang nằm dài ngoài sân. Lúc đó, cửa chính đang mở hé nhỏ vì mẹ tôi mới ra ngoài mua đồ gần nhà sẽ về nhà liền nên đóng cửa hờ lại. Sau đó, bố tôi định ra ngoài sân để xích Hạt Dẻ lại thì không thấy em đâu cả. Bố hỏi mọi người Hạt Dẻ đâu nhưng ai cũng nói không biết. Tôi chợt nhớ ra lúc nãy khi mẹ vừa đi ra ngoài, tôi nghe tiếng Hạt Dẻ sủa rất to nhưng tôi mải học bài và nghĩ là mấy người hàng xóm hay lũ trẻ gần nhà đi chơi qua nhà tôi vào buổi tối nên tôi không quan tâm lắm, sau đó thì không nghe tiếng chó sủa nữa. Tôi vội cùng bố mẹ ra ngoài hỏi mọi người có thấy không, có người nói là tôi không biết, tôi không thấy, có cô kia thì nói: “Khi nãy có thấy một đứa con trai tầm hai mươi vào nhà rồi ra có mang theo cái ba lô, tôi tưởng người nhà anh nên không để ý lắm”. Cô nói thêm là: “Đứa con trai đó mặc áo đen hay xanh gì đó tại tối quá tôi nhìn không rõ với không nhớ kĩ lắm”. Nhưng hôm đó nhà tôi không ai mặc áo như vậy cả. Sau đó bố tôi cám ơn cô xong ba nói: “Thôi về nhà đi, người ta bắt con Hạt Dẻ nhà mình rồi, không tìm được đâu!”.

Sau đó chúng tôi về nhà, tôi buồn lắm. Tôi đã khóc rất nhiều và cảm thấy hụt hẫng khi mất đi một người bạn thân như Hạt Dẻ. 

Đến sau này, tôi vẫn nhớ mãi dáng vẻ đáng yêu của Hạt Dẻ. Từ đó trở đi, gia đình tôi không còn nuôi chó nữa, dù cả nhà đã chuyển lên thành phố, đến một khu nhà có an ninh tốt hơn, bởi lẽ chúng tôi sợ rằng sẽ lại mất đi một người bạn rất mực trung thành.

 

2.2. Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng

Trong mắt bạn bè, thầy cô, tôi luôn là con ngoan, trò giỏi, một người bạn tốt. Thế nhưng, tôi có một khuyết điểm đó là chưa chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Tôi vẫn thường hay bị bố mẹ phê bình vì khuyết điểm ấy. Thế nhưng, có một lần tôi đã được bố mẹ khen vì hoàn thành hết các công việc nhà. Tôi vui lắm và từ đó cũng chăm làm việc nhà hơn.

Hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời, ánh nắng mặt trời trải khắp không gian, trông như một tấm thảm tơ khổng lồ. Ánh nắng chiếu lên những giọt sương còn đọng trên lá cỏ làm nó lung linh như những viên pha lê. Một ngày được nghỉ ngơi thư giản sau một tuần học tập và làm việc vất vả của mọi người. Trước thời tiết tuyệt đẹp ấy, tôi thấy lâng lâng trong người. Hôm nay mà đi chơi thì tuyệt vời làm sao! Tôi vừa đi ra phòng khách vừa hát thì thấy ba mẹ lăng xăng làm chuyện gì đó, tôi tò mò hỏi: “Ba mẹ đang làm gì vậy ạ?”. Ba tôi đáp ngay: “À! Ba mẹ chuẩn bị đi thăm bạn cũ, đã lâu rồi không còn gặp con à”. Mẹ tôi nghe thế bèn dặn thêm vào: “Hôm nay con trông nhà và giúp ba mẹ làm việc nhà nhé! Chiều ba mẹ về có quà cho con”. Nghe mẹ nói xong tôi cảm thấy cụt hứng, những dự định được đi chơi tan biến, chưa làm việc gì mà cảm thấy mệt mỏi. Cũng đúng thôi, trước giờ chẳng bao giờ tôi động vào những công việc này, luôn được bố mẹ cưng chiều làm thay, vậy mà nay chuẩn bị đi chơi lại bị bắt làm việc nhà, tôi thấy chán nản lắm.

Ba mẹ tôi vừa ra khỏi nhà thì lũ bạn tôi chạy ùa vào, gọi toáng lên: “Linh ơi! Đi thôi!”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Đi đâu?”. “Mày không nhớ hôm nay là ngày gì à?” Ngân hỏi lại, nó nhìn cái mặt ngơ ngác của tôi và nói tiếp “Hôm nay là ngày sinh nhật Minh Thư lớp mình đấy”. Tôi chợt nhớ ra và nói: “Chút xíu nữa là quên mất, cảm ơn các bạn nha”. Tôi mời các bạn vào nhà và dặn: “Chờ tao một chút, đi thay quần áo”. Bước vào trong nhìn thấy nhà cửa còn bề bộn, dơ bẩn tôi chợt nhớ lời mẹ dặn lúc nãy tôi nghĩ bụng: “Chết rồi nhà cửa như thế này làm sao mà đi được, với lại buổi tiệc cũng sắp bắt đầu rồi”. Tôi đắn đo cân nhắc có nên đi hay không, nếu đi thì tất cả việc nhà mẹ giao mình không làm chắc mẹ buồn lắm và mẹ phải bắt tay vào dọn dẹp thì càng vất vả. Còn nếu tôi không đi sinh nhật thì Minh Thư sẽ giận và không chơi với tôi nữa, sinh nhật nó bốn năm mới tổ chức một lần vì nó sinh vào ngày 29/2. Tôi phải làm sao đây? Một đứa ham chơi như tôi mà bỏ lỡ một cuộc vui như vậy thì thật là đáng tiếc. Suy nghĩ một hồi lâu, tôi quyết định ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Quyết là làm ngay, tôi chạy ra cửa và nói với chúng bạn rằng mình có việc bận không đi dự sinh nhật được, nhờ các bạn gửi lời xin lỗi tới Minh Thư. Có lẽ Minh Thư sẽ giận tôi lắm, nhưng tôi sẽ mua quà bù lại và xin lỗi nó sau.

Khi các bạn đã đi rồi, tôi bắt tay vào công việc. Bắt đầu là phòng ngủ, sắp xếp lại mền, gối cho ngay ngắn, quét dọn phòng sạch sẽ, kéo rèm lên cho nắng sớm vào phòng. Tiếp đến phòng khách phải quét bụi trên tủ, bàn, rửa bộ ấm chén uống trà của ba và lau sạch nền gạch. Bước xuống bếp thấy chén đũa ăn sáng còn ngổn ngang trên bàn, một thau đồ mẹ giặt chưa phơi, trên bếp còn bề bộn xoong nồi, tôi hít một hơi dài và bắt tay vào việc. Trước giờ tôi chưa làm việc này nhưng vừa làm vừa nhớ lại lời mẹ dạy, miệng ngân nga câu hát mà công việc đã xong lúc nào không hay. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa nhưng tôi không thấy mệt chút nào, thay vào đó là cảm giác vui sướng và khoan khoái. Từ một cô bé lười biếng, không chịu làm việc nhà, ỷ lại vào cha mẹ, nay lại tự giác làm việc và hoàn thành tốt công việc được giao, tôi thấy mình trưởng thành lên nhiều lắm! Hạnh phúc biết bao! Thật sung sướng khi mình đã chiến thắng bản thân để vượt lên chính mình.

Khỏi phải nói, chiều đó ba mẹ về, vừa bước vào nhà đã vui cười. Ba khen: “Con gái của ba rất ngoan, biết nghe lời ba mẹ, cảm ơn con rất nhiều”. Tôi vui lắm, hỏi lại mẹ rằng: “Dạ con đã lớn rồi phải không mẹ?”. Mẹ nói: “Con mẹ đã lớn rồi, quà của con đây này”. Vừa nói mẹ vừa lấy trong túi ra một con gấu bông xinh xinh tặng cho tôi. “Cảm ơn ba mẹ, con thích lắm”, tôi ôm lấy chú gấu bông và reo lên, rồi chạy ù vào phòng đặt chú gấu vào nơi đẹp nhất. Mẹ làm cơm chiều thật ngon để đãi tôi vì thành quả lao động của một ngày “làm việc”.

Sau ngày hôm đó tôi suy nghĩ nhiều về bản thân. Tôi tự nhủ rằng: “Mình có thể làm được nhiều việc hơn thế nữa, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”. Hoàn thành một việc tốt làm cho ba mẹ vừa lòng và mình cũng cảm thấy hạnh phúc nhân lên gấp bội. Từ đó về sau, tôi luôn cố gắng giúp đỡ ba mẹ làm việc nhà và ngày càng thành thạo. Hy vọng rằng bạn nào còn lười biếng, chưa chăm chỉ làm việc nhà có thể cùng tôi chăm chỉ hơn, giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn nhé!

Trên đây, Luật Minh Khuê đã chia sẻ đến quý bạn đọc bài viết Bài văn tự sự kết hợp với miêu tả biểu cảm lớp 8 chọn lọc hay nhất. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích. Luật Minh Khuê xin cảm ơn!