Thanh tra trình tự thủ tục đánh giá công chúc

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ, đảm bảo đủ điều kiện trình cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quan tâm về Dự án Luật này, một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi quy định về hoạt động thanh tra công vụ và chế định thanh tra nhân dân.

Thanh tra trình tự thủ tục đánh giá công chúc

Một trong những hoạt động nghiệp vụ của Thanh tra

Tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện hoạt động thanh tra công vụ của các chủ thể có thẩm quyền

Theo ThS. Nguyễn Nhật Khanh- Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Thanh tra là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình các chủ thể có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước (QLNN) nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Sự ra đời của Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, một số quy định của Luật Thanh tra năm 2010 đã không còn phù hợp trước những thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Điều này đặt ra nhu cầu sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010. Đứng trước yêu cầu đó, Chính phủ đã tổ chức soạn thảo Dự thảo sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010. Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự thảo Luật còn có một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể:

Về quy định hoạt động thanh tra công vụ, Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật giải thích “Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Điều khoản này cũng quy định “Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành”.

Theo đó, “Thanh tra hành chính” là hoạt động xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý, còn “Thanh tra chuyên ngành” là hoạt động xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi QLNN theo ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động thanh tra được quy định trong Dự thảo Luật nêu trên, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Cán bộ, công chức) còn quy định về một hoạt động thanh tra đặc thù đó là “Thanh tra công vụ”. Quy định về thanh tra công vụ được quy định tại Điều 74 và Điều 75 Luật Cán bộ, công chức.

Điều 74 Luật Cán bộ, công chức quy định phạm vi thanh tra công vụ bao gồm: Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan và Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ. Điều 75 Luật Cán bộ, công chức lại quy định về chủ thể thực hiện hoạt động thanh tra công vụ như sau: Thanh tra bộ, Thanh tra sở, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và Thanh tra Bộ Nội vụ, Thanh tra Sở Nội vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật này. Tuy có quy định về phạm vi và chủ thể thực hiện hoạt động thanh tra công vụ nhưng Luật Cán bộ, công chức lại không đưa ra định nghĩa thế nào là “Thanh tra công vụ”. Trong khi đó, Dự thảo Luật lại không có bất cứ quy định nào để điều chỉnh về hoạt động thanh tra đặc thù này. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra.

Có ý kiến cho rằng, nếu phân tích kỹ phạm vi thanh tra công vụ tại Điều 74 Luật Cán bộ, công chức có thể thấy hoạt động thanh tra công vụ có tính chất giống các hoạt động thanh tra quy định tại Dự thảo Luật. Trong đó, thanh tra hành chính về công vụ bao gồm hoạt động thanh tra liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức còn thành tra chuyên ngành về công vụ bao gồm hoạt động thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ. Tuy nhiên, sự giải thích này chỉ mang ý nghĩa khoa học chứ không có giá trị về mặt pháp lý. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất trong quy định giữa Dự thảo Luật với Luật Cán bộ, công chức, ThS. Nguyễn Nhật Khanh cho rằng, cần bổ sung quy định trong Luật Cán bộ, công chức điều khoản giải thích rõ thuật ngữ “thanh tra công vụ”, đồng thời ghi nhận rõ giới hạn thanh tra hành chính về công vụ và thanh tra chuyên ngành về công vụ để tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện hoạt động thanh tra công vụ của các chủ thể có thẩm quyền.

Thanh tra trình tự thủ tục đánh giá công chúc

TS. Cao Vũ Minh- Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm

Cần định danh lại chế định Thanh tra nhân dân

Quan tâm về chế định Thanh tra nhân dân, TS. Cao Vũ Minh- Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chỉ ra những bất cập trong quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về Thanh tra nhân dân. Theo đó, về tên gọi, “Thanh tra nhân dân” tuy có chữ “thanh tra”, nhưng thực ra về bản chất lại không thực hiện hoạt động thanh tra mà là giám sát và thuộc loại hình “giám sát, kiểm tra xã hội”. Do vậy, hoạt động của Thanh tra nhân dân không có tính quyền lực nhà nước. Vì vậy, phạm vi thẩm quyền của Thanh tra nhân dân chỉ hạn chế ở quyền kiến nghị.

Về chức năng, khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định về quyền giám sát mà không quy định về quyền thanh tra của Nhân dân. Do tính chất tổ chức cũng như nguyên tắc hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra nhà nước nên quy định về Thanh tra nhân dân thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra năm 2010 là không hợp lý. Bên cạnh đó, việc Luật Thanh tra năm 2010 điều chỉnh hoạt động giám sát, kiểm tra của Nhân dân thông qua quy định về nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân là không phù hợp, gây ra sự nhầm lẫn giữa chức năng thanh tra của cơ quan nhà nước và hoạt động giám sát của xã hội.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Thanh tra nhân dân thực hiện hoạt động giám sát. Do đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra nhân dân chủ yếu mang tính kiến nghị. Nghị định số 159 quy định cụ thể một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân như: tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 159 còn quy định: “Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải xử lý ngay thì lập biên bản và kiến nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị đó”.

Như vậy, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giám sát, Ban thanh tra nhân dân được quyền lập biên bản trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật mà cần phải xử lý ngay. Tuy nhiên, ngoài khoản 3 Điều 16 Nghị định số 159, không một văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến giá trị pháp lý cũng như trình tự, cách thức lập biên bản của Ban Thanh tra nhân dân. Trong trường hợp lập biên bản thì nhất thiết phải có chữ ký của chủ thể có hành vi trái pháp luật hay không? Trường hợp chủ thể có hành vi trái pháp luật không ký tên vào biên bản thì sẽ xử lý như thế nào? Hàng loạt vấn đề pháp lý phát sinh mà không có câu trả lời thấu đáo. Chính vì vậy, trong thực tiễn, Ban thanh tra nhân dân chưa bao giờ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng nội dung này./.