Vai trò của đạo đức đối với pháp luật

* khái niệm:

- Luật pháp: là 1 hình thái ý thức xã hội, là hệ thống các nguyên tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung.

Thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhằm bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội.

- Đạo đức: là 1 hình thái ý thức xã hội, bao gồm những quan điểm, quan niệm, những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội.

Nhờ đó con người tự nhận thức, tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp trước những lợi ích đặt ra.


* giống nhau:

- Đạo đức và pháp luật đều góp phần điều chỉnh hành vi con người sao cho phù hợp với lợi ích,

yêu cầu chung của xã hội, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội.

- Đều có quan hệ trách nhiệm, bao gồm:

+ Yếu tố chủ quan: là việc tiếp nhận của con người như thế nào.

+ Yếu tố khách quan: là những chuẩn mực , yêu cầu đối với con người.

- Đều là hình thái ý thức xã hội nên chịu sự thay đổi khi tồn tại xã hội thay đổi.

- Đánh giá đạo đức và pháp luật đều liên quan tới hành vi của con người có tính tự giác hay không.


* sự khác nhau:

Đạo ĐứcLuật Pháp
- Nguồn gốc ra đời trước pháp luật.
- Trong xã hội có giai cấp đối kháng: thì đạo đức mang tính giai cấp, tồn tại cả 2 hệ thống đạo đức cả thống trị và bị trị. Giai cấp nào thống trị xã hội thì đạo đức biểu hiện đặc trưng cho xã hội ấy.
- Việc thực thi mang tính tự giác, tự nguyện, tự thân.
- Mang tính chủ quan.
- Phạm vi tác động của đạo đức mang tính rộng rãi hơn.

- Động cơ hành vi ở bên trong chủ thể nó thôi thúc con người hành động.
- Pháp luật ra đời khi có sự phân chia giai cấp.
- Thì chỉ có 1 hệ thống pháp luật chung, giai cấp thống trị thể hiện ý chí của gai cấp thống trị. Vì pháp luật là công cụ để quản lý xã hội trong vòng trật tự.
- Mang tính bắt buộc, cưỡng chế, tất yếu.
- Căn cứ vào khách quan.
- Hẹp hơn, vì có những điều luật pháp cho phép làm nhưng lại vi phạm đạo đức. Vd: việc sử dụng súng ở Mỹ.
- Ở bên ngoài vì bị bắt buộc.

* Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật:

- Đạo đức và pháp luật có mối liên hệ khăng khít với nhau. Pháp luật sẽ bị vi phạm nếu xã hội có môi trường đạo đức tha hóa . Ngược lại, pháp luật không nghiêm chỉnh cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống môi trường đạo đức.

- Trong xã hội có giai cấp: thì pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, do vậy giai cấp cầm quyền tiến bộ thì luật pháp cũng tiến bộ, vì tính nhân văn, nhân đạo thống nhất với đạo đức. Trong xã hội càng phát triển thì những chuẩn mức càng được luật pháp hóa. Vì vậy mà giữa đạo đức càng chặt chẽ hơn.

- Trong xã hội có giai cấp đối kháng: khi giai cấp cầm quyền tiến bộ thì luật pháp đề ra cũng phù hợp với xã hội. Hoặc ngược lại, khi giai cấp cầm quyền mà bảo thủ lạc hậu thì luật pháp nó chỉ bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị.

- Trong xã hội chủ nghĩa:

+ Sự tồn tại của nhà nước XHCN là 1 tất yếu.

+ Còn nhà nước thì còn pháp luật, vì vậy nó vẫn là công cụ để điều tiết quản lý xã hội, cho nên nó vẫn là nhà nước pháp quyền.

+Nhà nước pháp quyền XHCN khác với nhà nước TBCN.

+ Nhà nước XHCN thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, đều hướng đén 1 xã hội văn minh hơn.

+ Liên hệ với nhà nước pháp quyền CHXHCNVN:

1. NNPQVN được đảm bảo bởi 1 hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trong đó Hiến pháp có tính chất tối cao và giữ vai trò quan trọng.

2. Cơ sở kinh tế VN là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

3. Cơ sở chính trị cảu NNPQVN là nhà nước chế độ quân chủ nhất nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng CSNVN.

4. Cơ sở xã hội của NNPQVN là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

5. NNPQVN được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ nhà nước với công dân được giải quyết đúng đắn, các quyền lợi ích chính đáng được tôn trọng và bảo vệ.


* Ý nghĩa phương pháp luận trong thực tiễn và cách mạng:

- Vận dụng nhận thức sâu sắc, vận dụng đúng vào thực tiễn, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật , giáo dục tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân.

- Đẩy mạnh giáo dục nhận thức để nâng cao ý thức đạo đức cho mỗi cá nhân có cách hành xử đúng với các chuẩn mực.

Trước khi trở thành công chức, người được tuyển dụng, bổ nhiệm là công chức đã tiếp thu được các quan niệm đạo đức công chức trong hoạt động công vụ từ nhiều "kênh" trong đời sống xã hội: từ những người thân trong gia đình, từ trường học và cả từ quá trình tự nhận thức của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Chính vì vậy mà mỗi người có quan niệm, nhận thức về đạo đức công chức ở các mức độ rất khác nhau. Do đó, các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức công chức trong thực thi công vụ cần phải được những người được tuyển dụng, bổ nhiệm là công chức nhận thức và thừa nhận như các quy tắc có tính phổ biến, chính thống để thống nhất trong thực hiện. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua thể chế hoá thành pháp luật về đạo đức công chức. Khi các quy tắc đạo đức công chức được lồng vào các quy phạm pháp luật thì các quy phạm đó sẽ có sức sống lâu bền, được thực hiện một cách tự giác, tự nguyện hơn. Mặt khác, do tác động của những yếu tố tiêu cực của đời sống xã hội nên không tránh khỏi việc luôn có sự xói mòn và xuống cấp đạo đức của một bộ phận công chức trong thực thi công vụ và trong đời sống xã hội. Để bảo đảm và phát huy các giá trị đạo đức công chức, góp phần xây dựng đội ngũ công chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, việc thể chế hoá các quy tắc đạo đức công chức thành pháp luật về đạo đức công chức là sự cần thiết khách quan.

Pháp luật về đạo đức công chức Việt Nam được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, hình thức, thủ tục luật định ghi nhận những chuẩn mực đạo đức công chức để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong hoạt động công vụ và được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp riêng có của nhà nước, nhằm xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Là một bộ phận của pháp luật về công chức, công vụ, pháp luật về đạo đức công chức có vai trò nói chung của pháp luật về công chức, công vụ; bên cạnh đó, vai trò của pháp luật về đạo đức công chức thể hiện:

Pháp luật về đạo đức công chức thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đạo đức công chức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước

Xuất phát từ quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng, "là cái gốc của mọi công việc", Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ công chức nói riêng có đủ đức, tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân gắn với giải quyết nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Quan điểm về xây dựng đạo đức công chức là nhất quán và có những bước phát triển qua từng giai đoạn cách mạng của đất nước.

Đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã có những bước phát triển về quan điểm, chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đạo đức công chức là một nội dung hết sức cơ bản.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã nêu lên những yêu cầu chung đối với cán bộ cho thời kỳ đổi mới. Đó là những cán bộ có phẩm chất chính trị đã được thử thách, luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thông suốt và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, có kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, có tính tổ chức và kỷ luật cao. Đó là những cán bộ có đạo đức cách mạng và phong cách lãnh đạo tốt, trước hết là có ý thức tập thể, dân chủ đi đôi với tính quyết đoán, có ý thức trách nhiệm, có tác phong sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, quan tâm đến con người, gương mẫu trong lối sống, đoàn kết và động viên được nhiệt tình lao động của cán bộ và nhân dân(1).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá VI đã có một số bổ sung quan trọng về đổi mới công tác cán bộ, trong đó có quan điểm về xây dựng đạo đức công chức như: xác định các tiêu chuẩn để lựa chọn, sử dụng cán bộ, đó là: có tinh thần đổi mới, có phẩm chất, có kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ. Quan điểm về phẩm chất và năng lực của cán bộ và về đánh giá cán bộ đã có bước tiến mới khi khẳng định phải "thống nhất tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực cán bộ, về đánh giá cán bộ trong công cuộc đổi mới". Và trên cơ sở quan điểm "không có tiêu chuẩn phẩm chất và năng lực chung chung", đã đề ra chủ trương cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh.

Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa VIII tiếp tục khẳng định: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực là yếu tố quyết định chất lượng của bộ máy nhà nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định những yêu cầu đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về đạo đức công chức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay: "xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác; có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân"(2).

Hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ công chức, xây dựng đạo đức công chức đã được chú trọng đẩy mạnh thực hiện, thể hiện ở việc nhiều văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng các nội dung về tiêu chuẩn, đạo đức công chức đã được ban hành như Hiến pháp; Luật cán bộ, công chức; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... và nhiều văn bản dưới luật khác. Đó chính là những minh chứng cụ thể về vai trò của pháp luật trong mối quan hệ với chính trị, với đường lối lãnh đạo của Đảng. Có thể thấy, pháp luật có vai trò không thể thiếu trong việc chuyển tải những quan điểm, chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật có tính phổ quát cao, phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các đối tượng cần điều chỉnh.

Pháp luật về đạo đức công chức ghi nhận, bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội nói chung, các giá trị đạo đức công chức nói riêng

Trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, pháp luật luôn đóng vai trò bảo vệ các giá trị đạo đức chân chính, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Do đó pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền đạo đức của xã hội, là phương tiện không thể thiếu cho sự tồn tại bình thường của xã hội nói chung và nền đạo đức nói riêng. Bởi lẽ, pháp luật bao giờ cũng là một trong những biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức và biến nó thành thói quen. Chuẩn mực càng khó khẳng định bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy, không thể buông lỏng pháp luật nếu việc này chưa được chuẩn bị bằng sự tiến bộ đạo đức của xã hội. Với ý nghĩa như vậy, pháp luật về đạo đức công chức đóng vai trò ghi nhận và bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội nói chung, các giá trị đạo đức công chức nói riêng.

Ở Việt Nam, cùng với sự ra đời của nhà nước kiểu mới là sự hình thành đội ngũ công chức để thực hiện công vụ do nhà nước giao phó. Vì vậy chuẩn mực đạo đức công chức của chế độ xã hội mới cần thiết phải được xác lập và thực hiện. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 5/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Sắc lệnh số 18/SL và Sắc lệnh số 32/SL bãi bỏ các ngạch quan hành chính tư pháp và học quan của chế độ cũ. Tiếp theo đó, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41/SL bãi bỏ tất cả các công sở, các cơ quan thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương đã thiết lập trong cả nước, chuyển tài sản và nhân viên tòng sự của các cơ quan này sang các bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam. Trong hoạt động công vụ của công chức, để đảm bảo tính thống nhất trong hành vi, thái độ, cách ứng xử của đội ngũ công chức, những giá trị và chuẩn mực đạo đức công chức được pháp luật quy định góp phần xây dựng đội ngũ công chức trong giai đoạn đầu của chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, thực hiện cải cách hành chính đang có những bước chuyển biến lớn thì quan hệ đạo đức công chức trong hoạt động công vụ cần phải được bổ sung những chuẩn mực, những giá trị mới. Ngay cả việc đánh giá đạo đức công chức cũng cần phải dựa trên những các tiêu chí mới trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Pháp luật về đạo đức công chức tạo dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động công vụ của công chức

Pháp luật về đạo đức công chức là bộ phận cấu thành pháp luật công chức, công vụ, tạo thành khung pháp lý điều chỉnh hoạt động công vụ của công chức thể hiện:

Các quy định mang tính nguyên tắc về đạo đức công chức phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; các quy phạm pháp luật quy định cụ thể những chuẩn mực về đạo đức công chức, văn hóa giao tiếp trong công sở và giao tiếp với nhân dân; các quy phạm dưới dạng nghĩa vụ về đạo đức công chức quy định những việc công chức không được làm... Các quy định pháp luật về đạo đức công chức nhằm xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, góp phần vào việc xây dựng văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Các quy định này tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới; phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức và thể hiện được chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới.

Như vậy có thể thấy pháp luật về đạo đức công chức là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần vào thực hiện quá trình đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo nguyên tắc cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Pháp luật về đạo đức công chức là cơ sở pháp lý đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về đạo đức công chức

Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, bên cạnh những mặt tích cực, luôn phát sinh và tiềm ẩn những tiêu cực, trong đó có những vi phạm pháp luật về đạo đức công chức. Vì vậy, bên cạnh việc ghi nhận, bảo vệ các giá trị đạo đức công chức, tạo khung pháp lý điều chỉnh hoạt động công vụ, pháp luật về đạo đức công chức còn đóng vai trò là cơ sở pháp lý đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về đạo đức công chức.

Trong thực tế hoạt động của bộ máy nhà nước, không thể tránh khỏi có sự xuống cấp, xói mòn đạo đức, sự tha hoá của một bộ phận công chức trong thực thi công vụ và trong đời sống xã hội. Những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công vụ của công chức như: quan liêu, lãng phí của công, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi riêng, cơ hội, kém ý thức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tuỳ tiện và đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng... những vi phạm chỉ có trong bộ máy công quyền. Để phòng, chống các vi phạm, tiêu cực của công chức trong thực thi công vụ có thể thấy chỉ sử dụng các quy tắc đạo đức sẽ không đủ, mà phải dựa vào pháp luật, nhờ vào sức mạnh có tính cưỡng chế của quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ nói trên bằng cách cấm việc thực hiện các hành vi, đặt ra các chế tài đủ mạnh để trừng phạt đối với những công chức đã thực hiện những hành vi bị cấm đó và buộc phải thực hiện các hành vi luật định.

Việt Nam là một nước đang phát triển. Quá trình vận động, phát triển sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội cần phải giải quyết như đói nghèo, thiên tai.v.v.... Trong điều kiện trình độ dân trí còn thấp, cùng với những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật, tình trạng vi phạm kỷ cương xã hội, coi thường pháp luật, tệ nạn tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật có những diễn biến phức tạp. Những biểu hiện xuống cấp và suy thoái về đạo đức, đặc biệt là ở một bộ phận công chức đang là nỗi bất bình của nhân dân. Trong bối cảnh như vậy, luật pháp cần phải tỏ rõ sức mạnh của mình để lập lại trật tự, kỷ cương. Bởi lẽ, nếu đạo lý không đủ mạnh để thuyết phục thì pháp lý phải ra tay; nếu dư luận xã hội chưa đủ độ để lên án thì luật pháp phải kết án. Những quy định pháp luật về đạo đức công chức với các biện pháp chế tài đủ mạnh xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đạo đức công chức góp phần không nhỏ trong việc tạo lập trật tự, kỷ cương tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Để phát huy vai trò và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đạo đức công chức ở nước ta hiện nay, cần chú ý những vấn đề sau:

Về quan điểm hoàn thiện pháp luật về đạo đức công chức:

Quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng ta về hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về đạo đức công chức nói riêng. Cụ thể, Nghị quyết số 48 - NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020 đã xác định: "Ban hành Luật về công chức, công vụ; xác định rõ cơ quan, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho từng loại cán bộ, công chức và hệ thống đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức"(3).

Nội dung pháp luật về đạo đức công chức:

Bên cạnh việc kế thừa nội dung các quy định của pháp luật về đạo đức công chức qua các thời kỳ phát triển đất nước, những vấn đề đặt ra để tiếp tục hoàn thiện nội dung pháp luật về đạo đức công chức là:

Pháp luật về đạo đức công chức với nội dung là các chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh hành vi công chức khi tham gia vào các quan hệ xã hội trong hoạt động công vụ, phục vụ hoạt động công vụ. Do đó, cần có các quy định cụ thể mang tính nguyên tắc về chuẩn mực đạo đức công chức như: công chức phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; các quy định ngăn cấm không được vi phạm về đạo đức công chức; các quy định nghĩa vụ phải được thực hiện về đạo đức công chức; trách nhiệm pháp lý đối với công chức do vi phạm đạo đức công chức; khen thưởng, tôn vinh đối với công chức. Các quy định pháp luật trên phải tạo thành một hệ thống thống nhất, dễ thực hiện và bao quát được toàn bộ các vấn đề về đạo đức công chức.

Một vấn đề nổi lên trong quá trình hình thành và phát triển pháp luật về đạo đức công chức của nước ta là chưa có quy định cụ thể coi đạo đức công chức là đạo đức nghề nghiệp. Hoạt động công vụ cần được coi là hoạt động nghề nghiệp đặc thù. Các quan niệm về công vụ ở nước ta hiện nay coi công vụ là một dạng lao động xã hội do công chức thực hiện, bao gồm: hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước để quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động của công chức trong các tổ chức sự nghiệp (dịch vụ công) của nhà nước, được nhà nước ủy quyền mà không vì mục đích lợi nhuận. Với ý nghĩa như vậy công vụ là hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội. Bởi vậy, các chuẩn mực đạo đức công chức là một dạng đạo đức nghề nghiệp - đạo đức công vụ. Các chuẩn mực đạo đức công chức bị chi phối bởi các đặc điểm của hoạt động công vụ. Pháp luật về đạo đức công chức cần được xây dựng trên các đặc điểm và yêu cầu của hoạt động công vụ.

Về hình thức:

Cần có văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao là Luật Đạo đức công chức (hoặc Luật Đạo đức công vụ) để quy định các chuẩn mực đạo đức công chức chung. Trên cơ sở đó, xây dựng những quy định pháp lý cụ thể về chuẩn mực đạo đức công chức trong từng lĩnh vực cụ thể như hải quan, kiểm toán nhà nước, thanh tra, tiếp dân và giải quyết các công việc với dân... góp phần xây dựng đội ngũ công chức có đủ năng lực và phẩm chất theo yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay.

Về tổ chức thực hiện:

Pháp luật về đạo đức công chức luôn là vấn đề được quan tâm trong xây dựng và thực hiện pháp luật về công chức, công vụ. Tuy nhiên, nước ta chưa có quy định cụ thể về cơ quan chuyên trách về đạo đức công chức. Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong tổ chức thực hiện pháp luật về đạo đức công chức cho thấy, Việt Nam có thể tham khảo, nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách về đạo đức công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao đạo đức công chức nhà nước trong điều kiện hiện nay ở nước ta.

ThS. Lê  Đinh Mùi - Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

-----------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI,  NXB Sự thật, Hà Nội, tr.133.

(2) Ban Chấp hành Trung ương khóa X (2011), Báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

(3) Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020.

Bài đăng trên Tạp chí Tổ chức nhà nước Số 4/2011