Xây và chống trong rèn luyện đạo đức cách mạng

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm - 04/11/2021 16:35
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về đạo đức. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức. Người đã để lại rất nhiều tác phẩm, bài viết về đạo đức.

Xuất phát từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta và do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên. Người cho rằng đạo đức là nền tảng của ngườicách mạng cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối.

Đạo đức phải gắn với tài năng, đức và tài phải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đạo đức phải có trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, không kể cá nhân nào, lĩnh vực nào. Đạo đức cách mạng chỉ có được qua rèn luyện, đấu trạnh gian khổ của bản thân người cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung đạo đức cách mạng bao gồm: Trung với nước, với Đảng; hiếu với dân; Thương yêu con người; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.

Bên cạnh đó, Người còn nêu bật tầm quan trọng của đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khǎn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Vǎn Cừ, Hoàng Vǎn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá.
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minhđã nêu ra ba nguyên tắc cơ bản để rèn luyện đạo đức cách mạng là: Nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt; Xây đi đôi với chống; Tu dưỡng bền bỉ suốt đời.

Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo lời dạy của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Ðạo đức cách mạng, để phòng và chống nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) phải nỗ lực rèn luyện, phấn đấu theo những yêu cầu sau:

Một là, thường xuyên học tập, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, mỗi CB, ĐV phải tự mình rèn luyện về phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, phương pháp và tác phong công tác, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người công bộc thật trung thành của nhân dân. Qua đó, tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch của mỗi người trước mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, nhất là sức đề kháng trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập, sự cám dỗ và lối sống thực dụng.

Hai là, trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường, phải tự giác thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Những điều đảng viên không được làm, các quy định của Ban Bí thư khóa XI và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc nêu gương của CB, ĐV Qua đó, mỗi người hằng ngày đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm.

Ba là, nêu cao trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Nội dung rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương đạo đức cách mạng của mỗi người tùy vị trí công tác và trách nhiệm được giao phải thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy thi đua, tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực khác.

Bốn là, khắc phục tình trạng các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã nêu[1].

[1] TS Văn Thị Thanh Mai, Vận dụng giá trị tác phẩm Đạo đức cách mạng vào xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên hiện nay, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 13/12/2018.


Nguyễn Phúc Nghiệp