Đặng văn việt hùm xám đường số 4 năm 2024

Nhiều người do thiếu thông tin cho nên viết Đặng Văn Việt chưa qua một trường lớp quân sự nào. Họ không biết rằng anh thanh niên Đặng Văn Việt khi 25 tuổi là học viên trường Thanh niên Tiền tuyến do Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh chủ trương.

Trường Thanh niên Tiền tuyến (Huế) do Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng, đã đào tạo sĩ quan cho quân đội quốc gia. 42 học viên của trường, sau này trở thành những tướng lĩnh tài danh: trung tướng Cao Văn Khánh - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Cao Pha - Cục trưởng Cục Tình báo, thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm - Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, thiếu tướng Đào Hữu Liêu - Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh…

Đây là vốn quân sự đầu tiên. Năm sau, Đặng Văn Việt trở thành cán bộ huấn luyện tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên. Rồi ông về Phòng Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, trợ lý của Trưởng phòng Tác chiến Đào Văn Trường (sau này là đại tá, Tổng tham mưu phó).

Cuộc tấn công bất ngờ thu đông 1947 của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc, nhằm đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến và Chính phủ Hồ Chí Minh. Đặng Văn Việt được cử làm phái viên tác chiến trên đường số 4.

Từ đây, những báo cáo quân sự của ông về cơ quan “Bộ Tổng” đã được chú ý. Đại tá Trần Trọng Trung (1923 - 2013) ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu lúc đó đã nhớ lại: “Chính nhờ thư và báo cáo của phái viên mà cơ quan hiểu về ta và địch hơn. Có những bức thư thật hoàn chỉnh về một sự kiện, ví như thư báo cáo của Đặng Văn Việt về trận phục kích của Tiểu đoàn 374 Trung đoàn 11 Lạng Sơn trên đường Bông Lau - Lũng Phầy. Thư công tác mang ý nghĩa một tổng kết nhỏ về một trận đánh hiệu suất cao”.

Ông trở thành Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) năm 28 tuổi. Hợp nhất 3 trung đoàn 28 (Lạng Sơn), 72 (Bắc Kạn) và 74 (Cao Bằng) thành trung đoàn 174, Đặng Văn Việt là trung đoàn trưởng đầu tiên. Tên ông vang danh với trung đoàn 174 với đường số 4 từ đó cùng những chiến công tại các trận: Bông Lau - Lũng Phầy, Đông Khê, Bình Liêu…

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới thu đông 1950, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt là nhân chứng cuối cùng. Tổng tham mưu phó Phan Phác (1915 - 2010) người chỉ đạo trận đánh Đông Khê lần thứ nhất (25.5.1950), Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Lê Trọng Tấn (1914 - 1986) là hai vị chỉ huy trưởng và chỉ huy phó trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai (16 - 18.9.1950)… đã ra đi trước ông. Tròn 20 năm trước, khi dự hội thảo Chiến thắng Biên giới, bạn bè đến chạm cốc chúc mừng ông: “Đồng chí Đặng Văn Việt trước đây đã là và ngay nay trở lại vẫn là Đệ tứ Quốc lộ Đại vương”.

Tôi có may mắn được biết ông Đặng Văn Việt cuối năm 2003. Tôi giúp ông một số việc vặt mà ông đang làm lúc đó như xuất bản cuốn sách Con đường tử địa - RC4 - 1950 của Charles - Henry de Pirey. Ông Pirey là Chỉ huy phó Đại đội Marốc 60, Tiểu đoàn Tabor số 1 chiến đấu trên đường số 4… Được làm việc cùng ông trong vài tháng, dù khi đó đã 85 tuổi, ông luôn tỏ ra hóm hỉnh. Có lần, ông đưa cho tôi xem một tấm ảnh đứng dưới kỳ đài Huế, với bàn tay đang đẩy lên: "Bác thấy lá cờ hơi thấp nên đẩy cho nó cao thêm, cháu xem có được không?".

Một dịp khác, ông Nguyễn Cao Kỳ về nước (2004). Ông Việt tới gặp. Ông Nguyễn Cao Kỳ hỏi: "Anh Việt, anh xem tôi có phải là tướng râu kẽm không?". Hùm xám Đặng Văn Việt trả lời: "Ông là kẽm cho nên không bị rỉ".

Ra quân năm 1960 với quân hàm trung tá, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận xây dựng 20 năm trong đó 15 năm liên tục chỉ làm Cục phó đến khi nghỉ hưu. Từ năm 80 tuổi, ông Đặng Văn Việt đã viết Đôi điều như một di chúc (được in trong sách Người lính già Đặng Văn Việt chiến sĩ đường số 4 anh hùng - NXB Trẻ, 2003). Ông mong muốn: “Nếu tôi phải ra đi, tôi chỉ muốn mỗi bạn bè, bà con, có phúng viếng chỉ cho tôi một cành hoa, một thẻ hương”.

“Trước sau lần lượt chúng ta sẽ ra đi. Tôi mong rằng những giờ phút ra đi, là những giờ phút thanh thản nhất. Đi và để lại đằng sau những tình cảm thân thương của bao bà con, bao người thân, bạn bè đầu làng cuối xóm. Và để lại trên bàn vài ba cuốn sách nhỏ gọi là kỷ niệm cho đời sau”.

Theo thông tin từ gia đình, tang lễ cụ Đặng Văn Việt được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, từ 7 giờ 30 - 8 giờ 30, ngày 27.9.

Tôi có cơ duyên gặp ông Đặng Văn Việt trong buổi gặp mặt truyền thống Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng tại Hà Nội mùa hè năm 2012. Hôm ấy trời mưa rất to, trong hội trường chật chội của Nhà văn hóa Quận Cầu Giấy, tôi thấy nhiều cựu chiến binh đeo quân hàm đại tá và cả cấp tướng chủ động len qua các hàng ghế để tiến đến chào, bắt tay hỏi han một ông già mặc thường phục… Khi buổi lễ chưa bắt đầu tôi đã đến gần Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu rồi hỏi nhỏ: “Ông ơi, cho cháu hỏi ông cụ mặc áo sơ mi màu xanh trứng sáo kia là ai mà mọi người đều đến chào hỏi, bắt tay vậy ạ?”. Anh hùng La Văn Cầu quay sang nhìn tôi thoáng chút ngạc nhiên rồi bật cười nói: “Cậu không biết à, ông ấy là thủ trưởng của tất cả bọn mình ở đây đấy. Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - Hùm xám đường số 4 Đặng Văn Việt”.

Từ buổi gặp gỡ đó, tôi làm quen rồi thường xuyên “giao lưu” với ông Đặng Văn Việt. Khi thì tôi mời ông đi uống bia hơi, khi thì ông pha ấm trà đặc rủ tôi lên nhà uống nước, hút thuốc… Thời gian đầu, hầu như tháng nào tôi cũng chạy qua thăm, chuyện trò với ông ở căn phòng tập thể cũ trên tầng 4 khu Minh Khai. Thật khó hình dung, một cậu thanh niên trẻ ngưỡng 30 tuổi và ông già 92 tuổi lại trở thành “bạn vong niên” liên tục 10 năm sau, cho tới khi ông mất.

Trong rất nhiều chuyện về cuộc đời dài 1 thế kỷ đầy thăng trầm ấy, tôi rất xúc động về mối tình đầu của ông cách đây hơn 70 năm… Đặng Văn Việt nói rằng, cuộc đời ông có 5 biến cố quan trọng thì sự kiện đầu tiên là chính Cách mạng Tháng Tám, ông mất người yêu, mất vợ, mất mối tình đầu. Hôm ấy, ở quán bia hơi đầu ngõ Hòa Bình 7 nhà ông, ông đã kể: “Ngày ấy tôi 24-25 tuổi, trẻ trung, sung sức, đẹp trai, con quan (Bố ông là quan Tham tri Bộ Hình Đặng Văn Hướng), lại học giỏi (ông Việt học Trường Quốc học Huế). Nói thật tôi đi tán gái đâu là đổ ở đó. Nhưng tôi thù Tây cướp nước nên quyết tâm đi theo cách mạng. Tôi nghĩ một lòng phải giải phóng dân tộc nên không tính chuyện yêu đương ủy mị, gạt bỏ bao nhiêu thư tình và những lời ong bướm tuổi trẻ... Vậy mà "Le coeur a ses raisons que la raison ignore" (danh ngôn tiếng Pháp - Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được).

Có một người con gái xứ Huế học cùng trường cứ thầm lặng bên tôi, ngày này qua ngày khác... tâm hồn và trái tim in hằn hình bóng nhau. Tôi yêu lúc nào không hay. Mối tình đầu như thế. Cách mạng Tháng Tám bùng lên, tôi đi theo Việt Minh tham gia hoạt động, cô ấy ở nhà xinh đẹp tài năng, nhiều người theo đuổi. Ba tôi sợ không giữ được cô ấy nên gọi tôi về cưới. Khi đó ba cô ấy là Thượng thư, ba tôi là Tham tri triều đình, hai gia đình đồng ý. Chúng tôi làm lễ cưới trang trọng lắm... Tôi còn chưa kịp động phòng thì 3 ngày sau lên đường theo cách mạng, vào chiến khu, bỏ cô ấy ở nhà.

Tôi đi bộ đội, mấy năm sau trở thành trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực, chỉ huy Trung đoàn 174 với hơn 5.000 quân ở biên giới (đường số 4 từ Lạng Sơn đến Bình Liêu, Quảng Ninh). Nhiệm vụ cách mạng nặng nề cuốn đi, tôi không còn nghĩ tới điều gì riêng tư nữa... Tôi mất cô ấy là điều không tránh khỏi. Nhanh chóng và bất ngờ, vô vọng và bặt tin. Khi ấy tôi cũng 28-30 tuổi cầm quân đánh trận khắp nơi không sợ bom rơi đạn nổ, vậy mà mối tình đầu như vết dao cứa vào tim, đau xé lòng xé ruột ra, đến bây giờ hơn 70 năm rồi mà sao tôi không quên được.

Cuộc đời tôi chinh chiến 15 năm, đánh nhiều trận lớn nhỏ, bị thương 5 lần, nhiều lần chết hụt, chứng kiến bao cảnh máu đổ đầu rơi, bản thân gia đình cũng ly tán khắp nơi... nhưng vẫn đau vì mất người yêu. Tình yêu là thứ không lý giải được, nay tôi gần trăm tuổi, nói chuyện tình yêu thì nghe phi lý, nhưng thực sự có những nỗi đau đi theo trọn đời, thậm chí theo sang cả kiếp khác... Chữ tình là như vậy cậu ạ”.

Người “bạn vong niên” và niềm yêu cuộc sống đến tận cùng

Hùm xám Đặng Văn Việt có một niềm yêu thương cuộc sống kỳ lạ. Mặc dù bản thân và gia đình gặp không ít khó khăn vướng mắc trong rất nhiều năm nhưng ông luôn tin tưởng vào những giá trị chân thực của đời người và hầu như không bao giờ trách cứ ai. Tôi quen biết khi ông đã U100 nhưng có lần đến nhà chơi, tôi thấy ông đưa tay lên khoe cái nhẫn vàng rất to đeo trên tay rồi cười nói: “Thấy mình có gì mới không, bạn gái vừa tặng đấy, đẹp nhỉ. Nói thật với cậu, ngay cả lúc này đã 96 tuổi nhưng tuổi tinh thần của mình mới chỉ mới 60 thôi. Vì mình luôn nghĩ như thế mà đến tận hôm nay vẫn chạy xe máy, đi khiêu vũ, hẹn hò bạn bè, viết sách, làm thơ và… có bạn gái”.

Cuối năm 2015, có đợt ông ốm tưởng không qua khỏi. Tôi đến thăm ông ở phòng điều trị nội trú bệnh nhân nặng trên tầng 8 của Bệnh viện Hữu Nghị. Đang nằm ngay góc giường, thấy tôi vào ông liền gượng dậy ngay và cười tươi dù thần sắc lộ rõ sự xuống sức. Khi các bệnh nhân khác cùng phòng đều đang nằm li bì thì “Hùm xám” lật tấm ga giường bệnh lên. Tôi ngỡ ngàng bởi hàng chục trang viết, hàng trăm tấm ảnh, bản thảo ngổn ngang vẫn đang được ông cần mẫn “tác nghiệp” mỗi lúc đỡ cơn ho...

Đặng Văn Việt có một ý chí phi thường, ông học thêm bằng kỹ sư xây dựng khi đã nghỉ hưu, đăng ký học tiếng Anh (đọc thông viết thạo) lúc đã ngoài 70 tuổi và viết hàng chục đầu sách khi đã ở tuổi “cổ lai hy”. Trong đó đặc biệt với hồi ký "Đường số 4 rực lửa", ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu.

Những năm cuối đời, do sức khỏe yếu không thể đi bộ lên tầng 4 khu tập thể nữa nên các con ông Đặng Văn Việt thuê một căn chung cư trên tầng 12 có thang máy ở cạnh khu nhà cũ để ở. Thời gian này ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, vậy mà cứ lại sức một chút là ông lại phóng xe máy đi khắp nơi. Năm ngoái ông ở tuổi 101 và mới hồi phục từ viện về nhưng khi chúng tôi để nhà thăm, chị con dâu bảo phải ngồi đợi ông đi chơi về đã chứ không ai giữ ông ở nhà được. Hôm đó trời mưa, người ướt lướt thướt do vừa chạy xe máy ngoài đường về nhưng ông vẫn hồ hởi kéo tay chúng tôi vào nhà, cho mỗi đứa mấy chiếc kẹo rồi lại hào hứng kể chuyện.

Ông nhiều lần nói với những người trẻ như chúng tôi đến chơi rằng: “Hơn 70 năm trước khi tôi bỏ Trường Đại học Đông Dương, bỏ gia đình, bỏ người yêu, bỏ lại tất cả… để đi theo cách mạng là mình đã chọn. Đi làm cách mạng là có vui, có buồn, có được có mất. Mình mất nhiều, buồn không ít nhưng cũng đã vui, đã được. Mình vui vì được sống tới hôm nay mạnh khỏe, chứng kiến đất nước đổi thay, nhân dân ngày càng cơm no áo ấm... Tôi đến giờ không danh hiệu, không chức tước, không nhà cao cửa rộng, không tài sản giá trị gì cả. Nhưng tôi được sống vui, sống khỏe và hơn cả là như lời Bác Hồ dặn: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Thêm vào đó tôi có cái “tình”. Tình người ở khắp nơi xung quanh mình. Nếu không có cái “tình” đó thì tại sao những người trẻ không quen biết như các cậu vẫn tìm đến thăm, chơi với tôi. Tôi nói lại, làm cách mạng có vui có buồn, có được có mất. Cũng như cuộc đời tôi, mất và buồn có thể nhiều hơn nhưng tôi luôn nghĩ tới cái vui cái được. Tôi không bi quan nhưng cũng không lạc quan tếu. Sống thế nào để “trọn với non sông một chữ tình” mới khó các cậu ạ”.

Hôm nay, "Hùm xám đường số 4" Đặng Văn Việt đã về bên kia thế giới nhưng tôi tin ở trần gian vẫn còn nhiều người thương nhớ, mến phục ông. Trong đó có tôi, một người “bạn vong niên” trẻ tuổi may mắn được gặp ông trong đời.