Giáo lý mùa chay giáo phận thanh hóa 2022

24/02/2022

5109

GIÁO PHẬN THANH HÓA
BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

Giáo lý mùa chay giáo phận thanh hóa 2022

GIÁO LÝ MÙA CHAY 2022

LỜI NGỎ
Kính thưa anh chị em,
Mặc dầu dịch bệnh Covid-19 "lúc chìm lúc nổi", gây nên nhiều khó khăn nghiêm trọng cho việc cử hành phụng vụ, công việc loan báo Tin Mừng và hầu hết mọi khía cạnh của việc thực hành Mùa Chay "thông thường".
Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị cha chung của Giáo hội và Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận, vẫn tiếp tục mời gọi anh chị em giữ và phát huy tinh thần Mùa Chay: hãy canh tân triệt để Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến thông qua việc thực hành ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái theo lời dạy của Chúa Giêsu (Mt 6, 1-18).
Ban Giáo Lý Giáo phận cũng hy vọng, những hạn chế ấy sẽ không thể ngăn cản chúng ta "học giáo lý", học hỏi về "Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ", nhất là hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện, đoàn kết trong tình nhân ái, đặc biệt là với những người bị bỏ rơi, bị sự cô lập cô đơn trong xã hội, và những người nghèo, những người dễ bị tổn thương trong cộng đoàn của anh chị em.
Với những việc làm, cử chỉ và lời quan tâm động viên như vậy, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta đồng hành với Ngài để bước vào mầu nhiệm cuộc thương khó và Phục sinh, bước theo Ngài trong cuộc lữ hành của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúc lành cho tất cả chúng ta trong Mùa Chay Thánh này!
 CHÍNH TOÀ 22.02.2022
 T/M BAN GIÁO LÝ

Giáo lý mùa chay giáo phận thanh hóa 2022

Tôma BÙI HUY CƯỜNG

I. GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

"Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4, 23-24).
 

01. H.
T.
Phẩm giá con người bắt nguồn từ đâu?
Phẩm giá bắt nguồn từ việc con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được ban cho linh hồn thiêng liêng bất tử, có lý trí và ý chí tự do, nên con người luôn hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng phúc đời đời.
02. H.

T.

Phẩm giá con người đòi buộc người Kitô hữu phải sống thế nào?
Phẩm giá con người đòi buộc người Kitô hữu phải ăn ở xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô (Pl 1,27) nghĩa là sống đời sống mới.  
03. H.
T.
Nhờ đâu người Kitô hữu có thể sống đời sống mới?
Người Kitô hữu có thể sống đời sống mới nhờ ân sủng của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận từ việc tuyên xưng đức tin và các bí tích.  
04. H.
T.
Con người phải làm gì để đạt tới hạnh phúc đời đời?
Con người phải sống các Mối Phúc trong Tin Mừng và sống theo lương tâm ngay thẳng, nhờ ân sủng của Đức Kitô.
05. H.
T.
Vì sao các Mối Phúc quan trọng đối với người Kitô hữu?
Vì các Mối Phúc phác họa dung mạo của Chúa Giêsu, diễn tả ơn gọi của người Kitô hữu, minh họa những hành động và thái độ của đời sống Kitô hữu và chỉ cho người Kitô hữu con đường đạt tới hạnh phúc đời đời.
06. H.

T.

Các Mối Phúc liên hệ với khát vọng hạnh phúc của con người thế nào?
Các Mối Phúc đáp lại khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng con người, để lôi kéo họ về với Chúa, vì chỉ một mình Ngài mới lấp đầy khát vọng ấy mà thôi.
07. H.
T.
Hạnh phúc đời đời là gì?
Hạnh phúc đời đời là được chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, được thông phần trọn vẹn bản tính của Ngài (x.2 Pr 1,4), được tham dự vinh quang của Đức Kitô và được chung hưởng niềm vui của Ba Ngôi Thiên Chúa.
08. H.

T.

Khi nào con người có được tự do đích thực?
Con người có được tự do đích thực khi biết sử dụng tự do để làm điều thiện. Tự do ấy đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa là Sự Thiện tuyệt đối.
09. H.

T.

Con người có thể lạm dụng tự do không?
Con người có thể lạm dụng tự do, khi chọn lựa điều xấu và nô lệ cho tội lỗi.
10. H.

T.

Vì sao con người phải chịu trách nhiệm về các việc mình làm?
Vì con người có tự do, nên phải chịu trách nhiệm về các việc mình làm, tùy theo mức độ hiểu biết và ước muốn của mình.
11. H.

T.

Vì sao con người có quyền sử dụng tự do của mình?
Vì tự do gắn liền với phẩm giá, nên con người có quyền sử dụng tự do của mình.
12. H.

T.

Tự do có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?
Tự do có một vị trí quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vì “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1).  
13. H.

T.

Mục đích chúng ta nhắm tới ảnh hưởng đến việc chúng ta làm như thế nào?
Mục đích xấu mà chúng ta nhắm tới khiến việc tốt chúng ta làm trở thành xấu, còn mục đích dù tốt đến đâu cũng không làm cho việc xấu trở thành tốt được, vì mục đích không thể biện minh cho phương tiện.
14. H.

T.

Các hoàn cảnh ảnh hưởng đến việc chúng ta làm như thế nào?
Các hoàn cảnh có thể giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của chúng ta, nhưng không bao giờ làm cho việc xấu trở thành tốt được.
15. H.

T.

Chúng ta không bao giờ được phép làm những việc nào?
Chúng ta không bao giờ được phép làm những việc tự nó là xấu nghiêm trọng như lộng ngôn, thề gian, giết người, ngoại tình….  
16. H.

T.

Con người có phải lắng nghe tiếng nói của lương tâm không?
Con người phải lắng nghe và làm theo tiếng nói của lương tâm.
17. H.

T.

Phẩm giá con người đòi chúng ta phải có một lương tâm thế nào?
Phẩm giá con người đòi chúng ta phải có một lương tâm ngay thẳng và chân thật.  
18. H.

T.

Thế nào là một lương tâm ngay thẳng và chân thật?
Lương tâm ngay thẳng và chân thật là lương tâm phù hợp với những gì là đúng và tốt theo lý trí và Lề Luật của Thiên Chúa.
19. H.

T.

Làm thế nào để huấn luyện lương tâm ngay thẳng và chân thật?
Phải huấn luyện lương tâm qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh, qua việc cầu nguyện, xét mình và nghe theo lời khuyên của những người đạo đức khôn ngoan.
20. H.

T.

Lương tâm ngay thẳng và chân thật phải theo những nguyên tắc căn bản nào?
Lương tâm ngay thẳng và chân thật phải theo những nguyên tắc căn bản này:
- Một là không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt;
- Hai là làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình (x. Mt 7,12);
- Ba là tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ.
21. H.

T.

Có những nguyên nhân nào khiến lương tâm đưa ra những phán đoán sai lầm không?
Có ba nguyên nhân này:
- Một là do không chịu học hỏi, khiến lương tâm thiếu hiểu biết;
- Hai là do thói quen phạm tội, khiến lương tâm dần dần trở nên mù quáng;
- Ba là do những hoàn cảnh bên ngoài tác động đến lương tâm.
22. H.
T.
Có mấy nhân đức đối thần?
Có ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến.
23. H.
T.
Đức tin là gì?
Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải và Hội Thánh truyền dạy, vì Thiên Chúa chính là Chân lý.
24. H.
T.
Đức cậy là gì?
Đức cậy là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà vững lòng mong đợi hạnh phúc Nước Trời.
25. H.
T.
Đức mến là gì?
Đức mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa, mà yêu thương mọi người.

II. KINH THÁNH

  1. Đức Giê-su chịu phép rửa (Mt 3,13-17)

13Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” 15Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. 16Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
 

  1. Đức Giê-su chịu cám dỗ (Mt 4, 1-11)

1Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3Khi ấy tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
5Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.
7Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
8Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. 10Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
11Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
 

  1. Đức Giê-su giảng dạy và chữa bệnh (Mt 4, 23-25)

23Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. 25Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.
 

  1. Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 13-16)

13“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
14“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
 

  1. Cứ xin thì sẽ được (Mt 7, 7-12)

7“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. 8Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. 9Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? 10Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? 11Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? 12Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.

01. KINH TRUYỀN TIN
X. Đức Chúa Trời sai thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đ. Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng... Thánh Maria...
X. Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đ. Tôi xin vâng như lời thánh Thiên thần truyền.
Kính mừng ...  Thánh Maria ...
X. Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đ. Và ở cùng chúng con.
Kính mừng ... Thánh Maria ...
X. Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đ. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời thánh Thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô, là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá, cho chúng con ngày sau, khi sống lại được đến nơi vinh hiển. Cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

02. KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG (đọc trong Mùa Phục Sinh)
X. Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng. Allêluia.
Đ. Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Allêluia.
X. Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Allêluia.
Đ. Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Allêluia.
X. Lạy Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Allêluia.
Đ. Vì Chúa đã sống lại thật. Allêluia.
Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa, cùng là Chúa chúng con đã sống lại, xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người, nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

03. KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống
- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các thánh Tông đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành; vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

04. KINH SẤP MÌNH
Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con, và nhận lời con nguyện.
Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.

05. KINH THỜ LẠY
Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài; Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen.

06. KINH TIN
Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời, là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.

07. KINH CẬY
Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

08. KINH KÍNH MẾN
Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự; vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.

09. KINH TIN KÍNH
Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

10. KINH ĂN NĂN TỘI
Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

11. KINH PHÙ HỘ
Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa; vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

12. KINH SÁNG SOI
Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

13. KINH LẠY NỮ VƯƠNG
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con con cháu Evà ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đầy, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi! Khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

14. KINH CÁM ƠN
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay {tối thì đọc: ngày hôm nay} được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thể nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen.

15. KINH HÃY NHỚ
Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con, là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.

16. KINH PHÓ DÂNG
Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn và xác con ở tay Chúa, Chúa đã phù hộ con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, kẻo sa phạm tội gì mất lòng Chúa hay là chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Chớ gì sống chết con được giữ một lòng kính mến Chúa luôn. Amen.

17. KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN
ĐẠO ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MƯỜI ĐIỀU RĂN
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật.
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ năm: Chớ giết người.
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: Chớ lấy của người.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: Chớ tham của người.
Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

18. KINH NĂM ĐIỀU RĂN
HỘI THÁNH CÓ NĂM ĐIỀU RĂN
Thứ nhất: Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ hai: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
Thứ ba: Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh.
Thứ bốn: Giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc.
Thứ năm: Góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tuỳ theo khả năng của mình.

19. KINH BẢY PHÉP BÍ TÍCH
ĐẠO ĐỨC CHÚA TRỜICÓ BẢY PHÉP BÍ TÍCH
Thứ nhất:     Là phép Rửa tội.
Thứ hai:       Là phép Thêm Sức.
Thứ ba:        Là phép Mình Thánh Chúa.
Thứ bốn:      Là phép Giải tội.
Thứ năm:     Là phép Xức dầu thánh.
Thứ sáu:       Là phép Truyền chức thánh.
Thứ bảy:      Là phép Hôn phối.

PHÉP LẦN HẠT MÂN CÔI
NĂM SỰ VUI
Thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Ðức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được lòng khiêm nhường.
Thứ hai thì ngắm: Ðức Bà đi viếng bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ ba thì ngắm: Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ tư thì ngắm: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
Thứ năm thì ngắm: Ðức Bà tìm được Ðức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

NĂM SỰ THƯƠNG
Thứ nhất thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Thứ tư thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa. 

NĂM SỰ MỪNG
Thứ nhất thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Thứ hai thì ngắm: Ðức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
Thứ ba thì ngắm: Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Ðức Chúa Thánh Thần.
Thứ tư thì ngắm: Ðức Chúa Trời cho Ðức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Ðức Mẹ.
Thứ năm thì ngắm: Ðức Chúa Trời thưởng Ðức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Ðức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Ðức Mẹ trên nước Thiên Ðàng.
NĂM SỰ SÁNG
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy cho được tin vào lòng xót thương và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi đời sống nhờ Chúa Thánh Thần.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.

IV. HỌC HIỂU VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI
(Phần này chỉ đọc tham khảo cho biết)

01. H.


T.
Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) được thiết lập khi nào và do ai?
THĐGM được thiết lậpNăm 1965 do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.
02. H.

T.
“Thượng Hội Đồng giám mục lần thứ XVI” có nghĩa là gì?
“Thượng Hội Đồng giám mục lần thứ XVI”Có nghĩa là đồng hành, cùng nhau bước đi.
03. H.

T.
Đặc tính chính của THĐGM là gì?
Đặc tính chính của THĐGMlàđể phục vụ sự hiệp thông và tính hiệp đoàn giữa các giám mục trên thế giới với Đức Giáo Hoàng.
04. H.

T.
THĐGM được thiết lập trên nền tảng nào?
THĐGM được thiết lập trên nền tảng của mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội.
05. H.

T.
Những đề tài của THĐGM có những tiêu chuẩn nào?
Những đề tài của THĐGM có những tiêu chuẩn này:
- Một là: mang tầm mức hoàn vũ và liên hệ đến toàn thể Giáo Hội.
- Hai là: Có tính cách thời sự và khẩn cấp, nghĩa là có thể khơi dậy những năng lực mới làm cho Giáo Hội thăng tiến.
- Ba là: Dựa trên một nền tảng giáo lý chắc chắn và nhắm đến một áp dụng mục vụ có tính khả thi.
06. H.


T

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI đã chọn chủ đề là gì?
Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI là“Vì một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”.
07. H.


T.
Chủ đề của THĐGM lần thứ XVI có thể được diễn tả một cách đơn giản là gì?
Chủ đề của THĐGM lần thứ XVI có thể được diễn tả một cách đơn giản là:Tất cả mọi người cùng nắm tay nhau, dìu dắt và nâng đỡ nhau tiến về Nước Trời.
08. H.


T.
THĐGM lần thứ XVI đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô khai mạc khi nào?
THĐGM lần thứ XVI đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô khai mạc tại Vatican tháng 10 năm 2021.
09. H.

T.
THĐGM lần thứ XVI sẽ kết thúc khi nào?
THĐGM lần thứ XVI sẽ kết thúc vào tháng10 năm 2023.
10. H.


T.
Nhìn vào Logo của Thượng Hội đồng Giám mục, ta thấy những điểm chính nào?
Có 3 điểm chính là: Hình cây, Dân Chúa và Chủ đề.
11. H.
T.
Hình cây to lớn diễn tả điều gì?
Giáo lý mùa chay giáo phận thanh hóa 2022
Hình là cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao diễn tả sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô. Hình cây này còn mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời.
12. H.


T.
Các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như đôi tay gợi lên hình ảnh gì?
Các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như đôi tay gợilên hình ảnh Chúa Thánh Thần.
13. H.

T.

Hình 15 bóng người đang tiến bước có nghĩa là gì?
Diễn tả dân Chúa không đứng yên nhưng đang tiến bước. Dân Chúa được liên kết với nhau bởi cùng có động lực chung, từ động lực này mà họ cất bước.
14. H.


T.

Hình ảnh 15 người đang tiến bước có phân chia vai trò phẩm trật không?
Giáo lý mùa chay giáo phận thanh hóa 2022
Không có tính chất phẩm trật. Mọi người cùng bước đi trên một đường phẳng: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ đi giữa họ.
15. H.


T.


Hình ảnh đoàn người tiến bước với nhiều màu sắc khác nhau gợi lên điều gì?
Hình ảnh đoàn người tiến bước với nhiều màu sắc khác nhau gợi lêncác hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc được mô tả bằng sự đa dạng của các màu sắc tươi sáng biểu trưngCho niềm vui.

Giáo lý mùa chay giáo phận thanh hóa 2022

Tài Liệu Tham Khảo
1. « Sách kinh Giáo phận Thanh hóa », xb : TGM. Thanh hóa, 1993.
2. Kinh thánh, ấn bản 2011, bản dịch của CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2011.
3. HĐGMVN, UBGLĐT, Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn Giáo 2009.
4. Sách bài đọc trong Thánh lễ, quyển 3, CGKPV, NXB Tôn Giáo 2019.