Khái niệm quản lý nhà nước về tôn giáo

1. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo

- Toàn bộ những nội dung cơ bản về quản lý các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam là của một nhà nước thế tục - đã được nhân dân lựa chọn và xây dựng từ những năm đầu hòa bình lập lại sau Hiệp định Giơnevơ (1954). Theo đó, quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, nói đúng hơn là các tổ chức tôn giáo (Giáo hội, Hội thánh, Ban trị sự, Hội đồng Giáo xứ...) là theo hướng pháp quyền. Nhà nước là chủ thể quản lý các tôn giáo. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về tôn giáo và công tác tôn giáo, tăng cường đầu tư, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các tôn giáo là những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong quá trình hoàn thiện mô hình nhà nước đã lựa chọn, hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta từng bước được hoàn thiện, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo, phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Điều này được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013. Cụ thể: Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định“Mọi người có quyền bình đẳng theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo” đã mở rộng cho tất cả mọi người là công dân hoặc mất quyền công dân vẫn có quyền tin, theo tôn giáo đồng thời khẳng định trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước về quyền này.

Triển khai thực hiện Hiến pháp 1992, Việt Nam đã có Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo 2004. Đây là văn bản quy phạm thể chế hóa cụ thể nhất các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của quần chúng và các hoạt động của các tôn giáo (tính cho tới thời điểm này). Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành; Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP bổ sung Nghị định số 22 sau 7 năm thực hiện. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có những nội dung liên quan đến hoạt động tôn giáo như về đất đai, về đăng ký hộ khẩu... Hệ thống chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung có tác động tích cực trong việc bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, cũng như quản lý các hoạt động tôn giáo theo pháp luật.

Nhà nước đã thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định tình hình xã hội, an ninh chính trị; đoàn kết dân tộc được củng cố.

Chủ động giải quyết các mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo, đồng thời thúc đẩy việc tự điều chỉnh của tôn giáo để thích ứng với sự quản lý của Nhà nước XHCN.

Mâu thuẫn giữa Nhà nước với tôn giáo là một tất yếu khách quan bởi Nhà nước Việt Nam là nhà nước thế tục, hình thái chủ thể của xã hội Việt Nam là duy vật - vô thần nhưng tôn giáo lại là sự kết hợp giữa duy tâm và thần luận. Đứng trên quan điểm hệ thống, các tôn giáo là tiểu hệ của hệ thống xã hội Việt Nam, các kết cấu thứ bậc trong tiểu hệ thống chỉ quyết định, quy định phương thức hoạt động của riêng nó. Việc các tiểu hệ thống phải thích ứng với chỉnh thể là hợp lý. Quá trình thích ứng có xảy ra mâu thuẫn đặc biệt là ở các vấn đề liên quan đến đất đai thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo, hình thức sinh hoạt tôn giáo, yếu tố thẩm mỹ, đạo đức v.v.. Nhưng đó là những mâu thuẫn giải quyết được. Trong những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước luôn chủ động giải quyết các mâu thuẫn này bằng pháp luật, qua phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị để vận động quần chúng là các tín đồ, chức sắc, tu sĩ tôn giáo thực hiện theo pháp luật; tạo dư luận xã hội, buộc chức năng tự điều chỉnh và điều khiển của các tôn giáo phải phát huy nhằm thích ứng với các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của Việt Nam; hướng các tôn giáo chủ động, tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước.

Thực tiễn cho thấy, tôn giáo có sự thích ứng về căn bản với Nhà nước trong một giai đoạn nhất định, song cùng với sự phát triển của xã hội có thể phát sinh sự không thích ứng mới đòi hỏi phải có những điều chỉnh. Việc thực hiện mở cửa sâu rộng không chỉ về mặt kinh tế, chính trị mà cả trong lĩnh vực tôn giáo cùng với việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay là cơ hội để các tôn giáo giao lưu với thế giới cũng như tăng cường sự thích ứng với xã hội XHCN, thích ứng với sự quản lý của nhà nước XHCN. Quá trình thích ứng, tái thích ứng sâu rộng với xã hội XHCN là một tất yếu khách quan trong mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Phát huy những điểm tương đồng của tôn giáo và CNXH, những yếu tố tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội để phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể thấy sự khác biệt giữa lý tưởng tôn giáo và CNXH cơ bản nằm trong khuôn khổ của thế giới quan cũng như phương pháp luận và lực lượng thực hiện sứ mệnh giải phóng con người. Tôn giáo hứa hẹn xã hội hoàn thiện ở một thế giới khác, trong khi CNXH chủ trương thay đổi cái nhà nước và xã hội hiện tại bằng một xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn, công bằng hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nhà nước XHCN phủ nhận nhu cầu tâm linh của quần chúng - chừng nào đồng bào có đạo còn có nhu cầu ấy. Sự khác nhau về thế giới quan không hoàn toàn dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Người có, cũng như không có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định. Thực tế là có nhiều điểm tương đồng giữa mục tiêu, khát vọng của các tôn giáo với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa, đạo đức của CNXH. Những giá trị đó được thể hiện ở giáo lý và phương châm hành đạo của các tôn giáo như:

Phật giáo cho rằng đời là khổ, con đường để giải thoát là thực hành điều thiện gây nhân lành. Đạo Cao Đài quy định người tín đồ phải khắc kỷ tu thân, kiềm chế các ham muốn trái đạo đức truyền thốngvới những lời răn dạy rất cụ thể. Phật giáo Hòa Hảodạy tín đồ trau sửa thân tâm trở nên thiện mỹ đồng thời cũng đào tạo nên mẫu người lý tưởng khi sống trong cộng đồng. Trong mười điều răn đạo đức của Kitô giáo(Công giáo và Tin Lành), có răn dạy tín đồ hãy thờ cha kính mẹ như Đức Chúa, Thiên Chúa không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp... Giáo lý của Hồi giáo (Việt Nam)nghiêm cấm các tín đồ thực hành mê tín dị đoan; dùng các chất kích thích làm mê muội, không tự chủ được bản thân như rượu chè, ma túy và mại dâm...

Tiếp tục phát huy yếu tố tích cực của các tôn giáo trong đời sống xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã luôn tạo điều kiện, vận động để các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt vai trò dẫn dắt các tín đồ hành đạo, khơi dậy và phát huy những mặt tích cực trong hoạt động, sinh hoạt của các tôn giáo hợp pháp, từ thiện cứu giúp nhân đạo; biểu dương những nhà tu hành, những tín đồ thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”... Đồng thời, luôn cảnh giác đấu tranh, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đại đoàn kết dân tộc, đội lốt tôn giáo vì các mưu đồ kinh tế, chính trị, chống phá sự nghiệp cách mạng.

Mở rộng đối ngoại trong lĩnh vực tôn giáo, chống kẻ thù lợi dụng tôn giáo

Các tôn giáo lớn của Việt Nam như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành... đều du nhập từ bên ngoài; do đó các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với mức độ khác nhau, trong phạm vi điều kiện hoạt động nhất định đều có mối quan hệ với các tôn giáo đồng đạo trên thế giới. Một số tôn giáo nội sinh cũng tăng cường tìm kiếm, mở rộng liên hệ với các cộng đồng dân cư trên toàn cầu để hành đạo. Các hoạt động này đã phản ánh một bức tranh sinh động đối với hoạt động quốc tế của các tôn giáo, góp phần tháo gỡ các rào cản ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao và nhiều mặt khác trong quá trình hội nhập hiện nay, đồng thời đóng góp tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Với nhiều nỗ lực trong công tác ngoại giao tôn giáo, từ năm 2006 Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “quan tâm về tôn giáo”.

Đối ngoại tôn giáo được tăng cường (bao gồm cả đối ngoại nhân dân và đối ngoại nhà nước) như: trao đổi đoàn; tham dự các diễn đàn, hội thảo đối thoại về nhân quyền, tôn giáo với các nước EU, Mỹ, Ốtxtrâylia, với Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (Mỹ); diễn đàn nhân dân ASEM hàng năm v.v.. giúp cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo nắm bắt được các xu hướng phát triển, đặc điểm mối liên thông đồng đạo của các tôn giáo, qua đó có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

 Các cuộc tiếp xúc thường xuyên, thân tình, khách quan giữa sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, phóng viên, báo chí nước ngoài với các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam, tiếp cận với thực tế ở các vùng, miền nhạy cảm về tôn giáo, các nhân vật tôn giáo để hiểu rõ hơn tình hình và chính sách tôn giáo của Việt Nam đã tạo được niềm tin, sự hiểu biết, chia sẻ của các nước, các tổ chức về chính sách tôn giáo, cũng như những vướng mắc trong xử lý một số vấn đề tôn giáo của Việt Nam. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý có được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vụ việc tôn giáo.

 Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam được các cơ quan quản lý quan tâm theo điều kiện phù hợp với truyền thống mỗi nước, mỗi tôn giáo, đã tạo được sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được Việt Nam tổ chức trọng thể, thành công thời gian qua, điển hình như: Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI (năm 2009 - 2010); Lễ Khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo năm 2009; Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X (năm 2012), Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc (Vesak) năm 2008, 2014... với quy mô tổ chức hoành tráng, giàu bản sắc dân tộc, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế, là minh chứng sinh động về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo.

Giải quyết các vấn đề tôn giáo ngay từ cơ sở

Trong thời gian qua, các cấp chính quyền đã tuân thủ việc thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo bằng pháp luật; đã cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đi sâu vận động quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành xây dựng tốt phong trào sống tốt đời, đẹp đạo để vừa làm tốt việc đạo, vừa góp phần xây dựng đất nước.

Số tín đồ tôn giáo ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông dân (ước tính số tín đồ là nông dân của Phật giáo và Thiên Chúa giáo chiếm đến 80 - 85%, của Cao Đài, Hòa Hảo là 95%, của Tin Lành là 65%) và vẫn tiếp tục gia tăng ở các tôn giáo, ở các khu vực kinh tế kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các nội dung và phương pháp vận động được điều chỉnh để thích hợp với từng đối tượng trong từng tôn giáo cụ thể nhằm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân.

Đối với vấn đề một số người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, thương mại hóa, sự xuất hiện xu hướng đa dạng tôn giáo với sự ra đời của nhiều hệ phái, dòng tu; kéo theo đó là hàng loạt vấn đề bất ổn như tách, lập giáo họ, chuyển nhượng, hiến đất xây nơi thờ tự trái phép, đòi đất đai, nhà thờ v.v.. nguyên tắc quản lý tôn giáo ở cơ sở được quán triệt thực hiện là: có lý, đúng luật, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phương châm thực hiện là sử dụng triệt để các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, vừa tranh thủ, vừa đấu tranh khi giải quyết các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, lấy tranh thủ là chính góp phần giải quyết phần lớn sự việc, vụ việc tôn giáo từ cơ sở.

2. Một số hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục

Bên cạnh những mặt tích cực, chủ động, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay còn những hạn chế:

- Hệ thống các văn bản pháp luật, pháp quy về tín ngưỡng, tôn giáo chưa đồng bộ, thiếu các quy định và điều khoản thi hành trong việc giải quyết về đất đai liên quan đến tôn giáo; về quản lý hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam; chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng...; thiếu các chính sách cụ thể để đưa vào quản lý các tôn giáo chưa được công nhận về tổ chức hay các tổ chức tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Một bộ luật về tôn giáo, tín ngưỡng đến nay vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, xin ý kiến góp ý.

- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp có nhiều điểm chưa phù hợp với nhiệm vụ được giao. Còn tồn tại nhận thức cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chỉ là Ban tôn giáo các cấp, dẫn đến việc thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo bị bó hẹp, hạn chế, yếu kém. Công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về tôn giáo bao gồm quản lý nhà nước đối với lễ hội tín ngưỡng, quản lý nhà nước đối với tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở nhiều địa phương thực hiện chưa tốt. Sự phân công trách nhiệm giữa các cấp, các ngành thiếu cụ thể dẫn đến hiện tượng chồng chéo hoặc đùn đẩy trong tổ chức thực hiện. Chế độ thông tin, báo cáo về tình hình tôn giáo có thời điểm thực hiện chưa đầy đủ.

- Công tác quản lý nhà nước hiện tập trung nhiều vào các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Việc ngăn chặn, đấu tranh với các tôn giáo không hợp pháp và những hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật còn bị động, tại nhiều thời điểm chưa khôn khéo, kịp thời.

- Tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến nhiều cấp, ngành còn chậm. Việc phối hợp các cấp, các ngành xử lý các vấn đề nảy sinh trong tôn giáo, liên quan đến các hoạt động đối nội, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội còn thiếu đồng bộ.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo còn nhiều hạn chế, giảm dần theo từng cấp; xuống đến cấp cơ sở về cơ bản năng lực chuyên môn chưa bảođảm. Công tác đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo cũng chưa được chú trọng đúng mức.

- Thiếu một chiến lược mang tính tổng thể của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo từ công tác tổ chức, con người, nguyên tắc xử lý công việc. Hoạt động hiện tại vẫn nặng về giải quyết sự vụ, sự việc...

Hiện nay, nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vẫn có xu hướng phát triển mạnh; bằng chứng là việc Nhà nước ta tiếp tục công nhận tư cách pháp nhân cho các tôn giáo và tổ chức giáo hội. Tôn giáo trên thế giới không chỉ phục hồi và phát triển, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người mà còn làm nảy sinh không ít cuộc xung đột giữa các dân tộc trong một quốc gia, hay giữa các quốc gia với nhau. Do đó, để bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật, ngăn chặn sự xâm lấn của các trào lưu tôn giáo cực đoan, tôn giáo bị chính trị phản động lợi dụng; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức của dân tộc trong các truyền thống tôn giáo v.v.. đòi hỏi phải khắc phục triệt để các hạn chế nêu trên theo các phương hướng và giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về tôn giáo, tín ngưỡng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các văn bản chỉ đạo về công tác tôn giáo, tín ngưỡng của Trung ương. Theo đó, tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu về tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân, sẽ tiếp tục tồn tại trong quá trình xây dựng CNXH. Chức sắc, tín đồ tôn giáo là đồng bào, là công dân Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc. Tôn giáo, các tổ chức tôn giáo là những thực thể xã hội đã và đang thích ứng với CNXH; có khả năng và quyền tham gia tích cực vào nhiều lĩnh vực xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hai là, nhanh chóng xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Trước hết là ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; rà soát, đồng bộ các quy định có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng trong các văn bản quy phạm pháp luật; tập hợp đầy đủ các nội dung biểu hiện đa dạng của tôn giáo, tín ngưỡng trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế vào các chính sách, chế tài quản lý, xóa các lỗ hổng về pháp lý, tạo tâm lý an lạc trong đồng bào có đạo, đồng thời bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước. Bổ sung các quy định cụ thể về phân công trách nhiệm, phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành trong công tác tôn giáo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.

Ba là, làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp, bắt đầu từ cơ sở. Trước mắt, thực hiện việc bố trí cán bộ, công chức cơ sở có năng lực, có trình độ chuyên môn để tham mưu cho cấp ủy và chính quyền về công tác tôn giáo ở vùng đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiến tới sự đồng bộ về năng lực và trình độ của cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp xã. Bảo đảm việc quản lý nhà nước và giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo từ cơ sở.

Bốn là, xây dựng kế hoạch, tạo nguồn tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức cho ngành quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp từ đội ngũ được đào tạo đúng và gần với ngành tôn giáo học; từ cán bộ, công chức đã công tác lâu năm trong các cơ quan dân vận, mặt trận. Tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo về lý luận Mác - Lênin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Đặc biệt bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức về tôn giáo; kỹ năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động quần chúng, nhất là chức sắc, tín đồ các tôn giáo; phương thức đấu tranh chống lại các hành vi lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện một chiến lược tổng thể phát triển ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trong cơ cấu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực. Đổi mới chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Trước mắt, khẩn trương xây dựng, bổ sung chức danh và tiêu chuẩn công chức ngành quản lý nhà nước về tôn giáo để thực hiện phụ cấp ưu đãi theo ngành. Chú trọng tới giá trị nghề nghiệp, khuyến khích cán bộ, công chức của ngành trở thành chuyên gia trong lĩnh vực công tác. Tăng cường kinh phí, điều kiện làm việc (trụ sở, phương tiện đi lại v.v..) đặc biệt là ở vùng dân tộc, vùng đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa.

TS. Hà Quang Trường - Bộ Nội vụ

Theo: lyluanchinhtri.vn