Lịch đi học lại của học sinh tiểu học Hà Nội mới nhất

Lịch đi học lại của học sinh tiểu học Hà Nội mới nhất
Học sinh bán trú ăn lớp nào, ngủ riêng lớp đó

Hiện nhiều trường tiểu học và THCS tại Hà Nội cho biết được Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu khẩn trương tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ quay trở lại trường học trực tiếp. Thời gian lấy ý kiến phụ huynh từ ngày 2-3/4.

Kết quả ban đầu cho thấy, có đến 2/3 số phụ huynh đồng ý cho con được đi học trực tiếp tại trường. Có trường, phụ huynh đồng ý lên tới gần 95%.

Lịch đi học lại của học sinh tiểu học Hà Nội mới nhất

Bao giờ trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1-6 ở Hà Nội được trở lại trường học trực tiếp? Câu hỏi này vẫn chờ ngành giáo dục Thủ đô trả lời. Ảnh minh họa

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi mẫu đề nghị Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc cho học sinh tiểu học, lớp 6 học trực tiếp. Phòng đã lập tức gửi các trường để triển khai thăm dò ý kiến phụ huynh. "Đây là việc rất cần thiết để Sở GD&ĐT nắm được ý kiến của cha mẹ học sinh, chuẩn bị cho việc mở cửa trường học khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Tại Trường Marie Curie, Hiệu trưởng nhà trường - ông Nguyễn Xuân Khang cho biết, ngay đêm qua, nhà trường lấy ý kiến phụ huynh khối 6. Kết quả, có tới 94,3% phụ huynh khi được hỏi đã đồng ý cho con tới trường. Hôm nay, trường tiếp tục lấy ý kiến cha mẹ học sinh ở bậc tiểu học.

"Học sinh đã ở nhà quá lâu, việc cho các con đến trường là rất cần thiết. Hy vọng các trường khác cũng có tỉ lệ tương tự để lãnh đạo TP. Hà Nội sớm cho trẻ đến trường", ông Khang chia sẻ.

Con số đồng thuận của phụ huynh là minh chứng cho việc phụ huynh có con trong độ tuổi này rất mong mỏi trong một ngày gần đây nhất, con em họ được đến trường học trực tiếp khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm học. Trên một số diễn đàn của cha mẹ học sinh, hầu hết các phụ huynh đều mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có quyết định cho học sinh đi học trở lại, kể cả đối với khối lớp mầm non.

Vậy, ngành giáo dục Thủ đô còn chần chừ gì nữa khi lễ hội, phố đi bộ, khu vui chơi, hàng quán, hàng không đón khách quốc tế... đã mở mà cổng trường học vẫn "cửa đóng, then cài"?

Từ cuối tháng 4/2021, nhóm học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành Hà Nội cùng trẻ mầm non đã phải ở nhà học trực tuyến hoặc nghỉ học ở nhà. Trong đó, số trẻ mầm non khoảng 600.000 trẻ, trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 khoảng 140.000 trẻ; học sinh lớp 1-6 khoảng 950.000 học sinh.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề giáo dục, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.

"Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời", lãnh đạo UBND TP.Hà Nội nêu rõ.

Bộ GD&ĐT cho biết, ở bậc mầm non, ngoài Hà Nội chưa cho trẻ mầm non quay trở lại trường thì 62 địa phương khác đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục. 4 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố do dịch bệnh tăng nhanh gồm: Cao Bằng (TP.Cao Bằng), Lào Cai (cấp 3, 4 dừng cho trẻ đến trường), Lâm Đồng (TP.Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương), Đăk Lăk (TP.Buôn Mê Thuột).

Ở bậc Tiểu học, đến thời điểm này đã có 61/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp. Chỉ còn 2 địa phương là Hà Nội và Vĩnh Phúc hiện học sinh tiểu học vẫn ở nhà (riêng huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc học sinh đi học từ 4/4). 3 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố gồm: tỉnh Cao Bằng (TP.Cao Bằng), Đăk Lăk (TP.Buôn Mê Thuột), Lâm Đồng (TP.Đà Lạt).

Ở bậc THCS, đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã tổ chức học trực tiếp. Riêng Hà Nội, khối 6, học sinh vẫn chưa đi học trực tiếp hoặc chuyển sang học trực tuyến. 5 tỉnh/thành phố chuyển trạng thái tổ chức dạy trực tuyến một huyện hoặc thành phố gồm: Cao Bằng (TP.Cao Bằng), Đăk Lăk (TP.Buôn Mê Thuột), Hà Nam (khối lớp 6), TP.Hà Nội (khối lớp 6), Lâm Đồng (TP.Đà Lạt, khối lớp 6).

Bậc THPT, tất cả các địa phương đều đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục, nhất là học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 sắp tới.


TP - Chiều qua (4/4), trả lời PV Tiền Phong, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết sau khi học sinh khối 1 đến khối 6 tới trường sẽ có kế hoạch cho trẻ mầm non đi học ngay sau đó.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh khối 1 đến 6 tới trường học trực tiếp từ ngày 6/4. Như vậy, sau gần 1 năm dừng đến trường, học trực tuyến tất cả học sinh tiểu học, lớp 6 trên toàn thành phố sẽ được đi học

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp nhưng trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Lần này, các trường học sẽ tổ chức ăn bán trú và dạy 2 buổi/ngày để phụ huynh thuận lợi trong việc đưa đón, tránh tình trạng “chạy sô” đón con vất vả.

Lịch đi học lại của học sinh tiểu học Hà Nội mới nhất

Học sinh lớp 1- 6 của Hà Nội đi học trực tiếp từ ngày mai (6/4) ảnh: Quỳnh Anh

Hà Nội yêu cầu các nhà trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT cũng như Sở Y tế Hà Nội. Các nhà trường cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống giáo viên, học sinh là F0.

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; có các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.

Lý giải về việc, vì sao Hà Nội là địa phương đóng cửa trường học lâu nhất, ông Trần Thế Cương nói: “Nhiều thời điểm, Hà Nội là địa phương bùng dịch dữ dội. Nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán cho học sinh từ khối 7-12 đi học, tỉ lệ mắc COVID-19 trong trường học rất cao, buộc các trường cũng phải đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến. Trước thực tế đó, ngành phải cân nhắc, tính toán nhằm từng bước mở cửa trường học, không thể làm ồ ạt nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh”, ông Cương nói.

Trả lời PV Tiền Phong, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trước khi trình phương án lên UBND TP, Sở GD&ĐT đã lấy ý kiến phụ huynh để làm căn cứ.

Kết quả, khoảng 75% phụ huynh đồng ý phương án cho con đi học. UBND thành phố cũng phê duyệt phương án cho học sinh từ khối 1-6 đến trường từ ngày 6/4.

Trước khi đón học sinh đi học, Sở GD&ĐT sẽ họp với Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về việc chuẩn bị các phương án, xử lý tình huống phát sinh trong quá trình dạy học.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Hà Nội, sau khi học sinh tiểu học, lớp 6 trên toàn thành phố tới trường, ngành yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc cho trẻ tới trường. Do các cơ sở giáo dục mầm non đóng cửa từ gần một năm nay nên các nhà trường cần có thời gian chuẩn bị rà soát lại cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đồ dùng học tập cũng như xây dựng phương án, kịch bản đón trẻ rồi mới mở cửa trường.

Có thể kéo dài năm học

Tin Hà Nội cho học sinh tiểu học, khối 6 đến trường khiến nhiều phụ huynh phấn khởi. Một số phụ huynh mong muốn Hà Nội sớm cho trẻ mầm non đi học vì đây là đối tượng thiệt thòi, dừng hẳn sự tương tác với bạn bè, cô giáo gần trọn 1 năm qua.

Chị Nguyễn Bích Trâm có con học ở Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) nói rằng, hẳn đây sẽ là tin vui nhất đối với cả cha mẹ lẫn con. Gần một năm con ở nhà, cuộc sống gia đình xáo trộn vì bố mẹ phải sắp xếp để vừa trông con vừa làm việc.

Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đa số phụ huynh mong muốn con được đến trường, chỉ một số ít có tâm lý gần kết thúc năm học nên học trực tuyến cho xong. Tuy nhiên, nhiều giáo viên nhận định việc đến trường bất cứ khi nào cũng đều tốt cho trẻ.

“Điều nhà trường lo lắng là học sinh nhỏ tuổi ở nhà quá lâu, quen thuộc với người thân trong gia đình, nay tách và đến lớp sẽ có sự bỡ ngỡ. Hơn nữa, học trực tuyến, trẻ tiểu học mới chỉ học 90 phút/ ngày đối với lớp 1, 2,5 tiếng/ ngày đối với các khối lớp khác nên khi đến trường, nhà trường cũng sẽ cân đối, tính toán đưa chương trình học dần dần, không gây áp lực cho các em.

Giáo viên sẽ dành thời gian đưa trẻ đi thăm quan trường lớp, hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh, thư viện, khu vui chơi. Phụ huynh được đề nghị làm công tác tư tưởng, tâm lý cho con như trò chuyện, nói cho con biết ở trường có gì, học tập khác biệt ra sao để trẻ không bị bất ngờ”, bà Hương nói.

“Các trường dừng học trực tiếp kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục do đó, Hà Nội đang tính toán đến phương án đề xuất với Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian năm học. Các nhà trường được yêu cầu xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT nói.