Tại sao phải có nguyên tắc

1. Nhận thức chung về nguyên tắc công khai trong hoạt động thanh tra

Thanh tra là một nội dung của hoạt động quản lý nhà nước, được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Đây chính là những tư tưởng chủ đạo rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động giúp cho các chủ thể quản lý nhà nước thực hiện có hiệu quả các công việc của mình trên các lĩnh vực đã được phân công.

Theo nghĩa chung nhất, Từ điển tiếng Việt định nghĩa “nguyên tắc” được hiểu là những điều cơ bản nhất thiết phải tuân theo trong một loạt các việc làm. Mỗi ngành khoa học, mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể đề cập vấn đề nguyên tắc theo các góc độ riêng, đặc thù cho ngành khoa học hay trong lĩnh vực hoạt động đó. Trong khoa học pháp lý, các nguyên tắc của quản lý nhà nước được xác định là các tư tưởng chủ đạo bắt nguồn từ cơ sở khoa học của hoạt động quản lý, từ bản chất của chế độ, được quy định trong pháp luật, làm nền tảng cho tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước. Xem xét một cách cụ thể, ở góc độ của pháp luật thanh tra nguyên tắc hoạt động thanh tra là tổng thể các quy phạm pháp luật có nội dung là những tư tưởng chủ đạo làm cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra. Những nguyên tắc trong hoạt động thanh tra mang tính khách quan và khoa học. Những nguyên tắc này phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo những vấn đề lý luận, tổng kết và rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động thanh tra. Các nguyên tắc của hoạt động thanh tra không phải là các ý chí chủ quan của các chủ thể quản lý nhà nước mà được xác định trên cơ sở khách quan của hoạt động thanh tra trong quản lý nhà nước.  Điều 7 Luật Thanh tra 2010 đã xác định các nguyên tắc của hoạt động thanh tra bao gồm:

“1. Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.

2. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.”

Như vậy, pháp luật về thanh tra đã xác định rõ bảo đảm công khai là một trong những nguyên tắc của hoạt động thanh tra.

Ở góc độ chung nhất, theo Từ điển tiếng Việt, công khai được hiểu là “không giấu giếm, bí mật mà cho mọi người cùng biết”. Theo cách định nghĩa này, công khai được tiếp cận ở góc độ nội dung chỉ rõ hình thức hoạt động nào đó được phơi bày để cho mọi người cùng biết. Theo từ điển Black’s Law Dictionary, công khai là mở hoặc sẵn có cho tất cả mọi người sử dụng, chia sẻ hoặc thưởng thức. Cách định nghĩa này thể hiện rõ nét hơn về công khai theo đó nó chỉ ra hình thức hoạt động nào đó không chỉ được phơi bày cho mọi người biết mà mọi người còn được quyền chia sẻ và khai thác. Ngoài ra, công khai còn được tiếp cận theo hướng khác, theo đó, “tính công khai đề cập đến phạm vi trong thực tế mà những hành vi không phù hợp đã được phát hiện có cơ hội hợp lý để công chúng và các bên liên quan tiếp cận”. Với cách tiếp cận này này, công khai còn được nêu rõ về nội dung phải công khai, phạm vi công khai được công khai.

Với các định nghĩa tiếp cận từ các góc độ khác nhau như vậy, có thể hiểu khái quát công khai bao gồm các dấu hiệu sau: Thứ nhất, công khai yêu cầu hình thức thực hiện của một hoạt động nhất định theo quy định pháp luật phải được phơi bày. Thứ hai, tùy từng nội dung công việc mà xác định phạm vi công khai. Thứ ba, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được quyền biết, khai thác và chia sẻ theo từng nội dung công việc được công khai.

Trong quản lý nhà nước, nguyên tắc công khai được hình thành mang tính tất yếu khách quan, xuất phát từ chức năng quản lý nhà nước, chủ thể thực hiện quản lý nhà nước, đối tượng của quản lý nhà nước. Nhà nước có chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó chức năng hành pháp (chức năng chấp hành – điều hành do cơ quan quản lý hành chính nhà nước đảm nhiệm) có nhiệm vụ ban hành các văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn thực hiện pháp luật và tổ chức, điều hành, phối hợp các hoạt động kinh tế – xã hội, đưa luật pháp vào đời sống xã hội. Để đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, không lạm quyền, vượt quyền, tham nhũng tài sản nhà nước, tài sản công dân, Nhà nước quy định việc kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, công dân có thể kiểm soát được thì buộc các cơ quan quản lý hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ phải công khai hoạt động của mình.

Hoạt động thanh tra là một trong những nội dung của quản lý nhà nước nên cũng phải tuân thủ nguyên tắc công khai khi thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thông qua việc công khai các cơ quan quản lý nhà nước khác, các tổ chức và công dân có thể giám sát việc chấp hành pháp luật bảo đảm cho các cơ quan thanh tra thực hiện đúng thẩm quyền, không lạm quyền, vượt quyền, tham nhũng tài sản nhà nước, tài sản công dân, qua đó bảo đảm ổn định cho hoạt động quản lý nhà nước, ổn định trật tự xã hội. 

Nguyên tắc công khai trong hoạt động thanh tra vừa mang đặc điểm của nguyên tắc công khai trong hoạt động quản lý nhà nước vừa mang đặc trưng riêng của hoạt động thanh tra, cụ thể:

Thứ nhất, nguyên tắc công khai được thực hiện xuyên suốt quá trình tiến hành thanh tra

Hoạt động thanh tra được thực hiện thông qua trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, bao gồm chuẩn bị thanh tra, trực tiếp thanh tra, kết thúc thanh tra và xử lý sau thanh tra. Trong khâu chuẩn bị thanh tra, nguyên tắc công khai được thể hiện qua việc: công khai kế hoạch thanh tra với thành viên Đoàn thanh tra, công khai nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên, công khai nội dung yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo. Trong giai đoạn tiến hành thanh tra, nguyên tắc công khai được thể hiện qua việc: công khai Quyết định thanh tra, công khai nội dung, đối tượng, thời hạn, công khai về Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên, công khai nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra, công khai việc thực hiện quyền với đối tượng thanh tra, công khai trong quá trình Đoàn thanh tra trực tiếp làm việc với đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong giai đoạn kết thúc thanh tra, nguyên tắc công khai được thể hiện qua việc: công khai kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị, công khai báo cáo kết quả thanh tra, công khai trong việc dự thảo kết luận thanh tra. Trong giai đoạn xử lý sau thanh tra, nguyên tắc công khai được thể hiện qua việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Tùy theo từng nội dung công việc mà xác định phạm vi công khai. Qua việc công khai, bảo đảm cho các chủ thể thanh tra thực hiện nhiệm vụ chính xác, khách quan, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho đối tượng thanh tra và các bên liên quan. Bảo đảm cho việc giám sát của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và công dân; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của Đoàn thanh tra; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân khi cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể thanh tra.

Thứ hai, tùy theo tính chất, nội dung công việc mà xác định phạm vi, nội dung công khai trong hoạt động thanh tra.

Hoạt động thanh tra có những nét đặc thù riêng nên công khai trong hoạt động thanh tra không phải là công khai đối với mọi nội dung hoạt động, mọi đối tượng, mà tùy vào nội dung công việc để xác định phạm vi công khai trên cơ sở không vi phạm tính mật trong hoạt động quản lý nhà nước. Hoạt động thanh tra có chức năng tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra, đánh giá các chính sách pháp luật nếu không phù hợp thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ. Đối tượng thanh tra là các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công dân tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, khi tiến hành thanh tra, cần đảm bảo cho hoạt động của đối tượng thanh tra không bị ảnh hưởng, như khi tiến hành thanh tra cơ quan nhà nước cần đảm bảo bí mật nội dung thanh tra với công chúng, tránh mất uy tín của cơ quan khi chưa xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật; hoặc đối với các doanh nghiệp, khi tiến hành thanh tra cần đảm bảo bí mật kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia thì phạm vi công khai càng hạn hẹp, theo đó, “trong hoạt động thanh tra, phạm vi một số nội dung thanh tra được thu hẹp do tính thương mại hoặc an ninh của đối tượng thanh tra

Thứ ba, nguyên tắc công khai có tính bắt buộc thực hiện trong hoạt động tra.

Nguyên tắc công khai là một trong những nguyên tắc quản lý nhà nước, được nhà nước bảo đảm thực hiện. Các chủ thể thanh tra khi tiến hành thanh tra: thực hiện quy trình thanh tra, thực hiện quyền thanh tra và các nhiệm vụ khác phải thực hiện việc công khai theo quy định pháp luật. Nếu không thực hiện theo quy định pháp luật, các chủ thể thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, như: hình thức xử lý kỷ luật, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chuyển cho cơ quan điều tra xem xét khởi tố.

2. Nội dung của nguyên tắc công khai trong hoạt động thanh tra

Công khai trong hoạt động thanh tra là một trong các nguyên tắc của hoạt động thanh tra, giúp hoạt động thanh tra nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Nhằm đảm bảo cho hoạt động thanh tra đạt kết quả vấn đề công khai cần thực hiện một cách đúng đắn, khoa học, qua đó phát huy được ưu điểm của việc công khai, đồng thời không ảnh hưởng tới kết quả hoạt động thanh tra. Do vậy, việc thống nhất nhận thức những nội dung cơ bản của công khai trong các giai đoạn hoạt động thanh tra bao gồm: nội dung công khai, hình thức công khai, đối tượng được công khai là yêu cầu quan trọng.

2.1. Nội dung công khai

Nội dung công khai là các thông tin quản lý nhà nước được công bố theo quy định pháp luật. Mỗi cơ quan quản lý nhà nước có các nội dung thông tin công bố khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động của đơn vị và ảnh hưởng của nội dung công khai với quyền, lợi ích chính đáng của đối tượng quản lý. Về nguyên tắc hoạt động quản lý nhà nước phải được công khai, trừ các thông tin ảnh hưởng tới bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh hay, Theo sách tham khảo Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh còn gọi là “các thông tin bí mật chính thức”. Mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về nội dung công khai, nội dung bí mật. Ở các nước đang phát triển và những nước có nền kinh tế chuyển đổi, quá trình lập ngân sách không minh bạch, tuy nhiên ở Anh lại khuyến khích thảo luận cởi mở về ngân sách của chính quyền địa phương; hoặc một số thành phố của Braxin, ngân sách địa phương được xây dựng theo phương pháp tổng hợp từ dưới lên dựa theo nhu cầu của người dân; tại Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi, các tổ chức phi chính phủ được khuyến khích phân tích việc phân bố các nguồn quỹ công cộng cho các lĩnh vực được đặc biệt quan tâm dành cho các nhóm người nghèo và thiệt thòi [1]. Theo bài viết về sự minh bạch của chính quyền địa phương của Anh, nội dung công khai bao gồm: “dữ liệu chi tiêu chính phủ; thông tin mua sắm chính phủ; đất của cơ quan chức năng địa phương; chỗ đậu xe; sơ đồ tổ chức; các khoản tài trợ cho các tổ chức doanh nghiệp xã hội, cộng đồng và tự nguyện và gian lận” [2].  Đối với nội dung công khai gian lận bao gồm: “tổng số trường hợp bất thường được điều tra; tổng số lần xác định được a) gian lận và b) trường hợp bất thường; tổng giá trị tiền tệ của a) gian lận và b) trường hợp bất thường phát hiện được và tổng giá trị tiền tệ của a) gian lận và b) trường hợp bất thường đã được khắc phục” [3]. Như vậy, nội dung công khai được giới hạn bởi bí mật nhà nước, luật pháp quy định vai trò của chính phủ trong việc bảo mật thông tin, ví dụ các cuộc thảo luận mang tính cởi mở và thẳng thắn trong diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách cấp cao nhất hoặc những ý kiến tư vấn độc lập về các vấn đề nhạy cảm cần phải được bảo mật. Việc tiết lộ thông tin sẽ làm cho các cuộc thảo luận này trở nên vô nghĩa, gây nhiều rủi ro cho hoạt động điều hành. Do đó, ngay cả khi bản thân những thông tin đó là bí mật, những tiêu chí về giữ bí mật đối với thông tin đó cũng phải được công bố rộng rãi và công khai. [4]

Hoạt động thanh tra ở Việt Nam là hoạt động quản lý hành chính nhà nước, có đối tượng quản lý là các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh, tổ chức, cá nhân. Do vậy để thực hiện công khai trong hoạt động thanh tra cần xem xét mối quan hệ giữa hoạt động thanh tra với tính mật trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm bí mật kinh doanh cho các đơn vị kinh doanh, bảo đảm bí mật đời tư cá nhân, nên nội dung công khai trong hoạt động thanh tra được giới hạn theo từng nội dung công việc. Trong quá trình tiến hành thanh tra, nội dung được công khai bao gồm:

+ Công khai nội dung thanh tra, phạm vi thanh tra, đối tượng thanh tra, thời hạn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra

+ Công khai buổi công bố quyết định thanh tra

+ Công khai nội dung làm việc với đối tượng thanh tra, các bên liên quan

+ Công khai dự thảo kết luận thanh tra với đối tượng thanh tra

+ Công khai kết luận thanh tra.

 Những nội dung trên mặc dù được công khai, tuy nhiên phạm vi công khai bó hẹp (không công khai cho mọi đối tượng) do hoạt động thanh tra có mối quan hệ với bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh nên được giới hạn (những nội dung thông tin mật theo Thông tư 08/2015/TT-BCA ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015 quy định về danh mục bí mật nhà nước, độ mật trong ngành Thanh tra) và Quyết định 774/2020/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 về danh  mục bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra. Như vậy, có thể thấy rằng việc xác định nội dung công khai dựa trên cơ sở hoạt động quản lý nhà nước phải được công khai, trừ các thông tin không được công khai (bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư…).

2.2. Hình thức công khai

Hình thức công khai là phương tiện làm việc, qua đó Đoàn thanh tra dùng để thực hiện việc công khai theo quy định pháp luật. Việc công khai có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào hình thức công khai. Đây là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện công khai.

Hiện nay, công khai được thực hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Theo quy định của một số nước hình thức công khai bao gồm các phương tiện truyền thông đại chúng: phương tiện truyền thông cũ (báo, tạp chí, và đài phát thanh), phương tiện truyền thông mới (chương trình truyền thanh trực tiếp, các tạp chí truyền hình, các bản tin vắn in ấn và điện tử, mạng internet và các mạng máy tính. Phương tiện truyền thông mới dựa trên công nghệ mới bao gồm các cuộc họp trực tuyến, các tờ báo điện tử, truyền hình cáp, internet [5].

Ngoài ra theo Luật Công khai của Vương Quốc Anh quy định hình thức công khai và đánh giá hình thức công khai theo các cấp độ: “cấp độ một sao: hình thức công khai trên trang web (mọi định dạng) như việc cấp giấy phép mở; cấp độ hai sao: công khai trên trang web kèm theo có sẵn dữ liệu có cấu trúc dưới dạng có thể đọc được bằng máy (ví dụ: Excel thay vì ảnh scan của bảng biểu); cấp độ ba sao: như đối với hai sao kèm theo sử dụng định dạng không độc quyền (ví dụ: CSV và XML); cấp độ bốn sao: tất cả những điều trên kèm theo sử dụng các tiêu chuẩn mở từ world Wide Wed Consortium (như RDF và SPARLQL21); cấp độ năm sao: Tất cả các điều trên kèm theo đường liên kết dữ liệu của tổ chức với dữ liệu của tổ chức khác để tạo ra bối cảnh. Chính phủ đề xuất cơ quan chức năng địa phương nên công bố dữ liệu theo định dạng ba sao khi phù hợp và thích hợp [6], bên cạnh định dạng mở và có thể đọc bằng máy, trong vòng sáu tháng kể từ khi Bộ luật này được ban hành” [7].

Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm các hình thức công khai như sau: công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liêu quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tổ chức họp báo; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân [8]. Theo quy định của Luật Thanh tra có các hình thức công khai sau (các hình thức công khai chỉ áp dụng cho Kết luận thanh tra): Công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra; Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như vậy, có thể thấy hình thức công khai đa dạng ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Khi thực hiện công khai bằng các hình thức công khai trên giúp cho các nhà quản lý, các tổ chức, công dân có thể giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cơ quan thanh tra nói riêng. Hình thức công khai được đánh giá tốt hay không phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin của hình thức công khai. Khả năng tiếp cận thông tin của cơ quan quan quản lý nhà nước, của các cơ quan báo chí, của công dân không bị cản trở thì đó là hình thức công khai tốt. Như vậy hình thức công khai được đánh giá tốt phụ thuộc vào việc người dân, cơ quan, tổ chức được tiếp cận đầy đủ những thông tin mà họ được quyền biết (thông tin mà pháp luật cho phép họ được quyền tiếp cận, trừ những thông tin mật không được quyền tiếp cận).

Trong những hình thức công khai, hình thức đưa lên cổng thông tin điện tử là hình thức phổ biến và có khả năng tiếp cận dễ nhất cho các cơ quan, tổ chức, công dân. Ở Việt Nam, hình thức công khai bằng việc đưa lên trang wed của đơn vị (được thực hiện phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan thanh tra nói riêng) chiếm được ưu thế hơn nhiều các hình thức công khai khác, tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân ở các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn chưa tiếp cận được, họ chưa được trang bị kiến thức để sử dụng máy tính, chưa có đủ cơ sở vật chất như máy tính, đường truyền để có thể tiếp cận thông tin mà các cơ quan nhà nước đăng tải. Do vậy, để mọi người dân có thể tiếp cận (quyền được tiếp cận thông tin của công dân được bảo đảm) thì Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ người dân: trang bị kiến thức để tiếp cận thông tin, trang bị cơ sở vật chất để tiếp cận thông tin.

2.3. Đối tượng công khai

Đối tượng công khai trong hoạt động thanh tra là các đối tượng theo quy định của pháp luật được quyền biết, tiếp cận các thông tin trong quá trình tiến hành thanh tra, cụ thể bao gồm: đối tượng thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, các bên liên quan.

Đối tượng thanh tra trong quá trình thanh tra bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hoạt động kinh doanh (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã…). Tùy theo thẩm quyền của cơ quan thanh tra mà có các đối tượng thanh tra tương ứng theo quy định pháp luật. Các đối tượng thanh tra được quyền biết thông tin khi quyết định thanh tra được ban hành (trước khi công bố quyết định thanh tra năm ngày (đối với thanh tra theo kế hoạch), ba ngày (đối với thanh tra đột xuất), Đoàn thanh tra phải có trách nhiệm gửi thông báo cho đối tượng thanh tra về quyết định thanh tra, đề cương yêu cầu báo cáo), để đối tượng thanh tra biết và chuẩn bị thời gian, cán bộ, nội dung thông tin, tài liệu báo cáo khi Đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra và làm việc với đối tượng thanh tra. Trong quá trình thanh tra, đối tượng thanh tra được quyền biết nội dung thanh tra, phạm vi thanh tra, thời kỳ, thời hạn, các thành viên Đoàn thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra. Qua đó, đối tượng thanh tra xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình để có thể thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định pháp luật, cụ thể: thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình khi Đoàn thanh tra yêu cầu; đồng thời có thể kiến nghị, khiếu nại, phản ánh, tố cáo những việc làm vi phạm pháp luật, như: cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh đối tượng thanh tra, yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin không có trong nội dung thanh tra, giải trình về nội dung không đồng ý với ý kiến của Đoàn thanh tra. Khi đã hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi thì đối tượng thanh tra không chống đối Đoàn thanh tra, không cố tình dây dưa, kéo dài thời gian để gây khó khăn cho Đoàn thanh tra mà hợp tác tốt với Đoàn thanh tra, giúp Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không thực hiện việc công khai với đối tượng thanh tra, đối tượng thanh tra không biết về nội dung, phạm vi, thời kỳ, thời hạn, thành viên Đoàn thanh tra, không xác định được nhiệm vụ, quyền lợi của mình, có thể dẫn tới việc đối tượng thanh tra suy nghĩ tiêu cực, cho rằng Đoàn thanh tra tới để gây khó dễ, phiền hà, tìm kiếm vi phạm để buộc đối tượng thanh tra phải chịu trách nhiệm pháp lý bất lợi, dẫn tới có hành vi chống đối Đoàn thanh tra. Vì vậy, công khai là một trong các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, cũng như phòng, chống tham nhũng, vượt quyền, lạm quyền của Đoàn thanh tra đối với đối tượng thanh tra.

3. Ý nghĩa của nguyên tắc công khai trong hoạt động thanh tra

Một là, nguyên tắc công khai giúp cơ quan, tổ chức, công dân giám sát hoạt động thanh tra.

Các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý nhà nước theo vùng lãnh thổ, theo chuyên ngành, lĩnh vực chuyên sâu nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động quản lý nhà nước được kiểm soát. Hoạt động thanh tra giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, kiến nghị sửa đổi các chính sách, pháp luật còn chưa đúng, chưa phù hợp. Với nhiệm vụ quan trọng như vậy, nếu các cơ quan thanh tra, các Đoàn thanh tra làm việc không hết trách nhiệm, bỏ lọt hành vi vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động quản lý nhà nước, mất ổn định trong xã hội, giảm sút lòng tin trong nhân dân và các nước trên thế giới không muốn đầu tư vào môi trường kinh doanh không lành mạnh. Do vậy, Thủ trưởng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc thực hiện công khai của các cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra mà giám sát hoạt động của cơ quan thanh tra, của Đoàn thanh tra. Nếu có sai phạm trong hoạt động thanh tra: bỏ lọt hành vi vi phạm, bao che cho đối tượng thanh tra, trục lợi cá nhân thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm, bảo đảm cho hoạt động thanh tra luôn thực hiện đúng quy định pháp luật, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hoạt động thanh tra còn được các tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước khác giám sát hoạt động quản lý nhà nước, như: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức Đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, các cơ quan ngôn luận đài, báo chí thông qua việc công khai hoạt động thanh tra mà thực hiện chức năng giám sát bằng cách: tiếp nhận thông tin tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xác minh những thông tin tiếp nhận và kịp thời báo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra. Việc giám sát của các tổ chức và các cơ quan quản lý khác góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh với hành vi vi phạm và cũng là công cụ quan trọng đối trọng lại cơ quan quản lý trực tiếp của các cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra không thể bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra.

Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức thực hiện chức năng giám sát, thì công dân cũng là chủ thể có chức năng giám sát hoạt động của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra, thông qua việc công khai hoạt động của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra mà công dân có thể tiếp cận thông tin (công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin) để thực hiện quyền giám sát, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, kịp thời báo cho cơ quan quản lý nhà nước về hành vi sai phạm của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra, qua đó giúp nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Hai là, nguyên tắc công khai giúp cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, các cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ công khai nội dung, phạm vi, thời hạn, nhiệm vụ quyền hạn của Đoàn thanh tra, nhiệm vụ quyền hạn của đối tượng thanh tra với đối tượng thanh tra; công khai kết luận thanh tra với đối tượng thanh tra và các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, cơ quan ngôn luận, các tổ chức khác. Như vậy việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra luôn được giám sát, nếu có biểu hiện vi phạm pháp luật sẽ lập tức bị các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan ngôn luận, các tổ chức đảng, đoàn thể phát hiện và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy việc công khai hoạt động thanh tra giúp cho các cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra luôn nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, không thể bao che, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng thanh tra nhằm trục lợi cá nhân. Nếu không thực hiện công khai hoạt động thanh tra, thì việc bỏ lọt hành vi vi phạm, thông đồng với đối tượng thanh tra là không tránh khỏi, ý thức của Đoàn thanh tra cũng giảm sút. Vì vậy, hoạt động thanh tra là một trong những hoạt động không thể thiếu nguyên tắc công khai, qua đó “công khai góp phần đảm bảo một “sân chơi” công bằng đối với người dân, doanh nghiệp và kể cả cán bộ, công chức, viên chức. Sẽ không có sự phân biệt đối xử trong quản lý để dẫn đến việc khi cần giải quyết công việc, người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải “chạy vạy”, “quan hệ”, “nhờ vả” từ đó dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng” [9].

Ba là, nguyên tắc công khai giúp đối tượng thanh tra xác định được nhiệm vụ, quyền hạn và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi cần thiết

Việc công khai quyết định thanh tra, thông báo cho đối tượng thanh tra về nội dung, phạm vi, thời kỳ, thời hạn thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra đã giúp đối tượng thanh tra hiểu đúng đắn về trách nhiệm của Đoàn thanh tra, hiểu rõ trách nhiệm của đối tượng thanh tra, không chống đối, gây khó khăn cho Đoàn thanh tra, từ đó phối hợp tốt với Đoàn thanh tra, giúp Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, đối tượng thanh tra có thể kiến nghị, khiếu nại, tố cáo những hành vi không đúng đắn của Đoàn thanh tra. Như vậy, có thể nói việc công khai nội dung, phạm vi, thời kỳ, thời hạn, nhiệm vụ quyền hạn của Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc phải thực hiện trong quá trình thanh tra, giúp nâng cao trách nhiệm của đối tượng thanh tra, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra./.

ThS. Lê Thanh Thủy

Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ Thanh tra

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, NXB Chính trị quốc gia, 2003, tr.541.

[2] Bản dịch của Local government transparency UK code 2015 – Sự minh bạch của chính quyền địa phương ở Anh 2015, mục 3.1 phần 57, trang 23.

[3] Bản dịch của Local government transparency UK code 2015 – Sự minh bạch của chính quyền địa phương ở Anh 2015, mục 3.1 phần 68, trang 26.

[4] Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, NXB chính trị quốc gia, 2003, tr.641.

[5] Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, NXB Chính trị quốc gia, 2013, tr651.

[6] Dữ liệu thống kê, danh sách, v.v … có thể được công bố theo định dạng này nhưng những dữ liệu khác (ví dụ: sơ đồ tổ chức) có thể gặp khó khăn khi công bố theo định dạng này.

[7] Bản dịch của Local government transparency UK code 2015 – Sự minh bạch của chính quyền địa phương ở Anh 2015, mục 3.2 phần 69, trang 27.

[8] Theo Khoản 1, Điều 11 Luật Phòng, chống tham nhũng.

[9] Đề tài khoa học cấp Bộ: “Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng – Thực trạng và giải pháp, Thanh tra Chính phủ, 2011, Phạm Trọng Đạt, trang 16.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Thanh tra 2010.

2. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

3. Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội – Trung tâm từ điển học, Hà Nội, 1994.

4. Black’s Law Dictionary of Thomson Reuters.

5. Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, NXB Chính trị quốc gia, 2013.

6. Đề tài khoa học cấp Bộ: “Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng – Thực trạng và giải pháp, Thanh tra Chính phủ, 2011, Phạm Trọng Đạt.