Ứng dụng mô hình nghiên cứu bài học trong phát triển chuyên môn cho giáo viên

Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, chúng ta cần phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây:

1. Trước hết, cần phải làm cho mỗi giáo viên nhận ra một cách đầy đủ, sâu sắc các vấn đề liên quan đến phát triển chuyên môn của mình

Hiện nay, nhiều giáo viên chưa hiểu đúng về năng lực bản thân và chưa chấp nhận bản thân và đồng nghiệp. Mỗi khi có đánh giá, nhận xét hay xếp loại chuyên môn trong các kỳ đánh giá xếp loại theo quy định của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên thường có xu hướng tự nâng mức bản thân bằng hoặc cao hơn người khác. Giáo viên thường tự đánh giá mình đạt mức tốt, khá (hiếm khi tự đánh giá trung bình, yếu). Thực tế, cơ bản họ không muốn đánh giá bản thân thấp hơn người khác kể cả khi họ hiểu rằng trên thực tế mình chưa đạt được mức tự đánh giá. Mặt khác, giáo viên có xu hướng bằng lòng với năng lực bản thân. Đặc biệt, với những giáo viên được coi là giáo viên giỏi luôn bằng lòng với kết quả đánh giá hiện tại và không tiếp tục phấn đấu, học hỏi chuyên môn. Họ không phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn cao hơn của người giáo viên trong thời kỳ mới. Thậm chí, ngay cả khi nhu cầu học tập hiện tại của học sinh chưa được đáp ứng họ cũng chưa nhận ra hoặc chưa quan tâm đến.

2. Giúp giáo viên có khả năng nhận ra, biết chấp nhận mỗi cá nhân học sinh

Khi biết chấp nhận học sinh như một cá thể độc lập, họ sẽ biết chấp nhận bản thân và ngược lại. Chấp nhận học sinh là điều kiện cần để tiến hành giáo dục theo quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Người giáo viên có biết chấp nhận học sinh thì mới có thể tạo ra môi trường học tập thoải mái và tiến hành bài học có ý nghĩa. Họ có thể thể hiện tình yêu thương, trân trọng với tất cả học sinh như con em của chính mình, nếu một lớp học có 30 em học sinh thì cả 30 em đều được yêu quý như nhau.

Hiện nay, các cấp quản lý giáo dục luôn yêu cầu và mong muốn giáo viên quan tâm đến mọi đối tượng học sinh (đặc biệt những học sinh có khó khăn trong học tập) trong quá trình dạy học nhưng nhận ra lúc nào cần phải quan tâm như thế nào, làm thế nào để học có thói quen tự giác, thường xuyên quan tâm đến học sinh thì không dễ dàng.

3. Giáo viên cần được khuyến khích và hỗ trợ tự học nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp dạy học

Chủ trương của ngành Giáo dục - Đào tạo khuyến khích giáo viên tự học nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học, song trên thực tế thì việc khuyến khích và hỗ trợ giáo viên thực hiện việc tự học còn hạn chế. Giáo viên sẽ tự học những gì, như thế nào, lúc nào và ở đâu để đảm bảo hiệu quả thiết thực cho công việc dạy học hàng ngày, đáp ứng tốt việc học của học sinh là những câu hỏi lớn mỗi giáo viên không thể tự mình giải quyết. Mặc dù hầu hết giáo viên đều được khuyến khích học để nâng cao trình độ đào tạo (đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo) nhưng năng lực chuyên môn đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở thực trạng hiện nay, trước định hướng của các cấp quản lý giáo dục cho phép và khuyến khích giáo viên vận dụng, điều chỉnh nội dung các bài học trong SGK cho phù hợp với các đối tượng học sinh nhưng do chưa có hiểu biết sâu rộng về nội dung bài học đó nên nhiều giáo viên chưa dám hoặc không có khả năng thực hiện, họ vẫn chỉ dạy những gì có sẵn trong SGK. Mặc dù tỉ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn (đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng) khá cao nhưng năng lực chuyên môn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay. Điều đó chứng tỏ cơ hội học tập thực sự có ý nghĩa để nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên vẫn chưa đảm bảo.

Trong khi cơ hội tự học chỉ có thể được tạo ra và phát huy trên cơ sở tạo ra các "tình huống học tập cộng tác" giữa các giáo viên. "Tình huống học tập cộng tác" đó chỉ có thể xuất hiện khi các nhà trường tổ chức cho giáo viên các buổi để họ "chia sẻ chuyên môn" trong sinh hoạt chuyên môn theo cách tiếp cận mới. Trong đó, họ có cơ hội được học hỏi bằng quá trình tự trải nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp nhờ thiết kế giáo án, tiến hành, dự giờ nhiều bài học ở các lớp học khác nhau. Đó là con đường học tập thiết thực, hiệu quả và phù hợp nhất hiện nay đối với tất cả các giáo viên.

4. Đổi mới cách tiếp cận và phương thức tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường

Người giáo viên luôn luôn cần được trau dồi, bổ sung, và nâng cao khả năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học, sự biến đổi của các yếu tố trong quá trình giáo dục (nội dung chương trình, phương pháp, người học,...).

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, cần có một cách tiếp cận mới, quan trọng và có ý nghĩa để phát triển các năng lực chuyên môn giáo viên đó là tạo cơ hội cho giáo viên được thường xuyên tham gia sinh hoạt chuyên môn. Đây là cách tiếp cận mới giúp giáo viên học tập lẫn nhau trong thực tế và qua thực tế thông qua trải nghiệm thực sự vào quá trình dự giờ-quan sát-suy ngẫm và chia sẻ thực tế việc học của học sinh để phát triển các năng lực mới và cần thiết, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Hơn thế nữa, thực tế đã chứng minh, sinh hoạt chuyên môn không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho mỗi giáo viên mà còn xây dựng được "tính đồng nghiệp" tốt đẹp trong một "cộng đồng học tập"; giúp họ tìm thấy ý nghĩa và những giá trị mới và sự thú vị của nghề nghiệp, qua đó khích lệ sự say mê chuyên môn, tích cực và chủ động xây dựng lại và đổi mới nhà trường.

5. Tổ chức thực hiện SHCM theo NCBH

5.1. Điều kiện để thực hiện nghiên cứu bài học

- Nhóm GV hợp tác xây dựng giáo án.

- Tiết học minh hoạ là tiết học như bình thường hàng ngày.

- Phát giáo án của tiết học cho giáo viên dự giờ.

- Vị trí GV dự giờ có thể quan sát được nét mặt của học sinh.

- Các giáo viên cần học cách quan sát.

- Nêu lại những ấn tượng của mình khi quan sát học sinh học.

- Chỉ ra thực tế và có bằng chứng (quay video, chụp ảnh)

- Không đánh giá giờ dạy của GV.

- Sự ủng hộ từ phía lãnh đạo.

5.2. Tổ chức thực hiện SHCM theo NCBH

*Giai đoạn thứ nhất: Hình thành cách dự giờ, suy ngẫm, xây dựng quan hệ đồng nghiệp mới

Trong giai đoạn này, SHCM cần tập trung thực hiện các mục tiêu sau:

- Luyện tập cách quan sát và suy nghĩ về việc học của HS trong giờ học, có khả năng phán đoán nhanh nhạy, chính xác để điều chỉnh việc dạy phù hợp, việc học của HS.

- Làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cảm nhận của GV về HS trong từng hoàn cảnh khác nhau.

- Hình thành thói quen lắng nghe lẫn nhau; rèn luyện cách chia sẻ ý kiến, từ đó hoàn thành mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện, cộng tác và học tập lẫn nhau.

*Giai đoạn thứ hai: Tập trung phân tích các nguyên nhân, các mối quan hệ trong giờ học và tìm biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng các bài học.

- Đi sâu nghiên cứu, phân tích các phương án dạy học đáp ứng tối thiểu việc học của học sinh, các mối quan hệ trong lớp học, các kĩ năng cần thiết để nâng cao chất lượng việc học của HS.

- Tăng cường, vận dụng, thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo khi dạy minh hoạ, lấy học sinh làm trung tâm đều được vận dụng, trải nghiệm trong SHCM.

- SHCM nên tổ chức càng nhiều lần càng tốt.

4. Các lợi ích có được khi tham gia nghiên cứu bài học

- Học cách quan sát tinh tế, nhạy cảm việc học của HS.

- Hiểu sâu, rộng hơn về HS và đồng nghiệp. Hình thành sự chấp nhẫn lẫn nhau giữa GV với GV và giữa GV và HS.

- Cùng nhau xây dựng và tạo nên văn hoá nhà trường.

- Tạo cơ hội cho CBQL, GV hiểu về quy định, chính sách của ngành và công việc của mỗi GV.

- Tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới PPDH, KTĐG theo hướng dạy học tích cực, lấy việc học của HS làm trung tâm của GV khi tham gia SHCM theo NCBH.