Nghị định xử phạt về kinh doanh xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí...

     Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

     Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định tại Nghị định này bao gồm:

     - Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí

     - Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu;

     - Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu;

     - Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí;

     - Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh khí.

     Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Cụ thể: Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

     Bên cạnh đó cũng có điểm đáng chú ý đó là: Giảm mức phạt hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm

     Theo Nghị định 99/2020/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thì hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định có thể bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng (Điều 21).

     Hiện nay,  theo Nghị định 67/2017/NĐ-CP thì khi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định có thể bị phạt từ 40 đến 60 triệu đồng (Điều 17).

     Nghị định có hiệu lực từ 11/10/2020,

     Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành./.

     Xem chi tiết Nghị định 99/2020/NĐ-CP tại đây

Nghị định xử phạt về kinh doanh xăng dầu
Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/10/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí bao gồm: hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, thăm dò, khai thác dầu khí; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh khí. Đối với các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phòng cháy và chữa cháy tại các công trình dầu khí, cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí; đăng ký giá, kê khai giá bán xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); công khai thông tin về giá bán xăng dầu và khí, Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Theo quy định tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu như cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động kinh doanh nhưng không bảo đảm duy trì điều kiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng bán lẻ xăng dầu; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định… thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu gồm: Kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định; kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực; sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân khác để kinh doanh xăng dầu; kinh doanh xăng dầu không đúng nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp. Đặc biệt, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt này trong trường hợp đối tượng vi phạm kinh doanh theo hình thức kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm về giá bán lẻ xăng dầu và quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu như niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu; không thực hiện đúng quy định về trình tự điều chỉnh giá hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng. Ngoài ra, tùy vi phạm cụ thể còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về kinh doanh khí của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí, thương nhân sản xuất, chế biến khí như không tổ chức huấn luyện hoặc thuê tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người lao động tại cơ sở kinh doanh khí theo quy định; sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh khí không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định; kinh doanh LPG chai nhưng không lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Theo đó, các hành vi vi phạm này bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Đáng chú ý, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định thương nhân phân phối khí, thương nhân là tổng đại lý, đại lý có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực được cấp trước thời điểm Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí có hiệu lực thực hiện các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động bị xử phạt như đối với hành vi vi phạm của thương nhân kinh doanh mua bán khí.