Tai liệu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt

Tai liệu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt

Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh, thân thiện môi trường tại Công ty CP Vệ sinh môi trường Lam Sơn, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân).

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn toàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 2.013 tấn rác sinh hoạt. Với lượng rác lớn như thế, nhưng chỉ được xử lý bằng 2 phương pháp là chôn lấp và đốt.

Hiện, toàn tỉnh có 26 khu xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tập trung bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, đây chỉ là những lò đốt cỡ nhỏ (công suất 500 kg/h), các thông số về tính năng chưa đầy đủ, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật theo quy định QCVN61-MT:2016/BTNM, có nguy cơ phát sinh các loại khí độc như: dioxin, furan... Việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xử lý tái chế rác thải, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, qua thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, năm 2017, Hội Bảo vệ môi trường với sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và sự cộng tác của Công ty CP Vệ sinh môi trường Lam Sơn đã nghiên cứu thành công công nghệ tái sử dụng rác thải và đưa vào thực nghiệm tại xã Xuân Cẩm, nay là thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân). Với công nghệ gần như hoàn toàn tự động bằng máy móc, băng tải, mỗi ngày dây chuyền này có thể xử lý 50 tấn rác thải sinh hoạt. Trung bình 1 tấn rác sau phân loại thu được 200 – 300 kg mùn hữu cơ; 100 – 150 kg nilon, nhựa; 100 – 150 kg rác hữu cơ không thể tái chế phải đốt; 100 – 150 kg rác thải vô cơ làm vật liệu san lấp hoặc đốt. Do làm tốt việc phân loại nên rác thải được xử lý triệt để, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao, cụ thể như nilon, nhựa thu hồi có thể bán ngay với giá 1 - 1,5 triệu đồng/tấn, mùn hữu cơ với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn.

Sau 3 năm đưa vào sử dụng, công nghệ này mang lại những kết quả rất tích cực như: Trong quá trình xử lý không hề phát sinh mùi hôi, không xuất hiện nước rỉ rác, không ruồi muỗi, khối lượng rác thải phải đốt hoặc chôn lấp giảm đáng kể. Không những vậy, chi phí đầu tư ban đầu thấp, sản phẩm thu hồi có thể tạo giá trị kinh tế cao, đặc biệt hiệu quả với những bãi rác vốn đã quá tải hiện nay như: bãi rác Đông Nam, Sầm Sơn... với công suất từ 30 – 1.000 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty CP Vệ sinh môi trường Lam Sơn, cho biết: Với dây chuyền xử lý rác này, chỉ cần 4 người là vận hành với công suất 50 tấn/ngày. Quy trình công nghệ gồm 3 công đoạn chính. Đầu tiên là xé bao rác trong các túi PP hoặc PE. Công đoạn ủ vi sinh là khâu quan trọng nhất, bởi chế phẩm vi sinh phân hủy xenlulo và xenlulozo, được hòa tan trong nước (1kg chế phẩm hòa trong 100 lít nước), phun đều vào rác theo từng lớp, 1kg chế phẩm sử dụng được cho 5 tấn rác. Rác được đánh đống ủ trong 20 - 25 ngày, sau đó đảo trộn rồi ủ tiếp 20 - 25 ngày nữa. Nhờ chế phẩm vi sinh mà nhiệt độ trong đống rác ủ sẽ lên tới 70 - 80 độ C giúp cho độ ẩm của rác từ 90 - 80% giảm xuống còn 30%. Rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh...); nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế. Nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế được đưa qua hệ thống quạt thổi, hút để tách riêng nilon và nhựa đưa đi tái chế, rác hữu cơ không thể tái chế đưa vào lò đốt. Nhờ đó, lượng rác phải đốt giảm còn khoảng 30%.

Khu vực dây chuyền được xử lý nên không có mùi hôi thối hay ruồi muỗi, không gây ô nhiễm như các lò đốt hay chôn lấp thủ công. Vì đây là phương pháp xử lý vi sinh được làm từ dạ dày bò, nên chế phẩm này thân thiện với môi trường. Nếu quy trình được thực hiện bài bản thì nguồn rác có thể được dùng làm nguyên liệu cho các hoạt động tái chế nhựa, sản xuất phân bón và vật liệu xây dựng. Ông Bình cho biết thêm.

Có thể nói, mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh không chỉ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết, chôn lấp, xử lý rác thải; mà còn có lợi ích kép khi biến rác thành tài nguyên, đem lại giá trị kinh tế khi được tái chế thành các sản phẩm phục vụ con người.

Trường Giang

  1. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đề xuất một số bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam/ Nguyễn Duy Thái

Tóm tắt: Bài báo tập trung nghiên cứu một số kinh nghiệm quốc tế (tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch) về phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt. Nội dung nghiên cứu được tiếp cận dưới góc độ chuyên ngành kinh doanh thương mại gồm: 1) Quản lý nhà nước phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt; 2) Thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; 3) Phân loại rác thải sinh hoạt. Bài báo đề xuất một số bài học kinh nghiệm phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2021, số 17, tr108-116

  1. Sử dụng chế phẩm vi sinh ưa nhiệt Sagi bio xử lý chất thải rắn chăn nuôi bò sữa thành phân bón hữu cơ tại Sơn La/ Tăng Thị Chính, Phùng Đức Hiếu, Nguyễn Thị Thanh Lan, Đinh Thị Ngọc Thúy, Nguyễn Thị Diệu Thúy 

Tóm tắt: Chế phẩm vi sinh Sagi Bio là sản phẩm nghiên cứu ứng dụng của Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được sản xuất từ các chủng vi khuẩn Bacillus và xạ khuẩn Streptomyces ưa nhiệt. Chế phẩm đã được vào danh mục chế phẩm sinh học được phép lưu hành trong xử lý chất thải tại Việt Nam của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Trong nghiên cứu này là kết quả sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio xử lý chất thải rắn chăn nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình tại Mộc Châu, Sơn La. Kết quả cho thấy: i) Nhiệt độ đống ủ của các mẫu sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio tăng nhanh sau khi ổn định đống ủ và nhiệt độ luôn duy trì trong khoảng 3 tuần ở trên 50o C. Thời gian kết thúc ủ ở đống ủ sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio (8 tuần) nhanh hơn so với đống ủ đối chứng (11 tuần). Sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio có tác dụng giảm sự phát sinh khí NH3 , H2 S trong quá trình xử lý; ii) Khi bổ sung chế phẩm Sagi Bio vào quá trình ủ xử lý chất thải chăn nuôi bò có tác dụng ức chế các loại vi sinh vật gây bệnh như Salmonella và E. coli tốt hơn so với không sử dụng chế phẩm; iii) Phân hữu cơ thu được từ xử lý chất thải chăn nuôi bò sữa có hàm lượng chất hữu cơ cao đạt trên 40%, đạt tiêu chuẩn phân hữu cơ theo quy định tại QCVN01: 89/2019/BNNPTNT. Như vậy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio mang lại hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi bò quy mô gia đình tại địa phương.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học kỹ thuật chăn nuôi/ 2021, số 271, tr.71-75

  1. Đánh giá chất lượng không khí xung quanh khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát, Hải Phòng/ Phạm Thị Thu Hà, Phạm Thị Việt Anh

Tóm tắt: Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn (CTR) Tràng Cát, Hải Phòng tiếp nhận rác thải sinh hoạt của 4 quận nội thành, có nguy cơ gây phát thải bụi và các khí gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT). Nghiên cứu nhằm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) xung quanh thông qua các thông số H2 S, NH3 , TSP tại 6 vị trí quan trắc khác nhau và đánh giá CLKK bằng các chỉ số đơn lẻ và chỉ số ô nhiễm không khí (ÔNKK) tương đối (RAPI). Kết quả cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm giảm dần từ vị trí quan trắc tại biên giới bãi chôn lấp (BCL) (biên 0m) cho đến vị trí quan trắc cách biên BCL 1.500m. Môi trường không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng (ở khoảng cách dưới 1.000m), ô nhiễm rất nặng (1.000m) và ở mức biên giới ô nhiễm (1.500m) với nồng độ khí H2 S vượt mức giá trị giới hạn (từ 1,3-7 lần), NH3 (vượt 7,6 lần) khi đo tại biên và TSP vẫn còn trong giá trị giới hạn theo QCVN 05:2013/BTNMT.

Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2021, số ĐB, tr.32-36

  1. Công nghệ tiếp nhận kín HHECO trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam/ Phùng Văn Huy, Lê Xuân Quế

Tóm tắt: Trung bình mỗi năm Việt Nam cần xử lý lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) lên tới trên 20 triệu tấn. Song khoảng 90% lượng rác thải này chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây ra nhiều hệ lụy như: quỹ đất làm bãi xử lý rác cạn kiệt; nước rỉ rác, mùi hôi nồng nặc khá phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của cư dân ở những địa phương có bãi chôn lấp rác... khiến việc xử lý CTRSH thực sự trở thành một vấn đề “nóng”. Để góp phần giải quyết bài toán nan giải này, một hướng phát triển công nghệ xử lý CTRSH mới, triệt để hơn, tỷ lệ tái chế vượt trội, tối thiểu chôn lấp và hoàn toàn không gây ô nhiễm thứ cấp đã được nghiên cứu triển khai và hoàn thiện. Đó là quy trình công nghệ: tiếp nhận kín và phân loại kín CTRSH thành các nguyên liệu để tái chế - thu hồi.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học & công nghệ Việt Nam/ 2021, số 06A, tr.44-46

  1. Nghiên cứu quá trình xử lý khí thải và xử lý tro rác của lò đốt chất thải rắn sinh hoạt/ Phạm Thị Mai Hương, Nguyễn Quang Tùng, Nguyễn Hùng Ngạn, Đỗ Thị Cẩm Vân, Hoàng Văn Huy, Phạm Thị Thanh Yên

Tóm tắt: Các phương pháp xử lý rác thải chủ yếu ở Việt Nam là chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt, sinh học, nhưng phương pháp thiêu đốt được sử dụng nhiều nhất bởi phương pháp này thì lượng rác thải được xử lý nhiều hơn. Tuy nhiên, phương pháp thiêu đốt tự do (không lò đốt đủ nhiệt độ) chính là nguyên nhân sinh ra các khí thải rất độc hại như dioxin, furan, CO, NOx,… gây ô nhiễm môi trường không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp, thậm chí các bệnh ung thư. Việc thiết kế hệ thống xử lý rác thải theo phương pháp thiêu đốt được nghiên cứu với các hệ thống đốt ở nhiệt độ cao (900 - 1100oC) đảm bảo chất thải rắn cháy hoàn toàn và không sinh ra các khí độc. Lò đốt ở quy mô phòng thí nghiệm có công suất 5kg/h được thử nghiệm và đánh giá chất lượng khí thải. Khí thải sau khi đốt được khảo sát với các dung dịch hấp thụ, với nồng độ NaOH 0,5N thì nồng độ các khí thải NO2, CO, SO2, đạt yêu cầu theo QCVN61-MT:2016/BTNMT. Tro rác, bụi thu được sau khi đốt đem xử lý phối trộn với nguyên liệu cao lanh làm gạch không nung, cường độ chịu nén sản phẩm đóng rắn đạt 5,8MPa tương ứng với gạch bê tông M5 theo tiêu chuẩn TCVN 6477:2016.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Công nghiệp HN)/ 2020, số 3, tr.120-124

  1. Công nghệ xử lý chất thải rắn hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc thực vật/ Cù Huy Đấu

Tóm tắt: Trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị, chúng ta vẫn chưa phân loại chất thải rắn theo mức độ bền vững, khả năng phân hủy đối với các loại chất thải rắn thực vật có nguồn phát sinh khác nhau; cũng như phân chia các dòng vật chất khác nhau của chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Các loại CTRHC có nguồn gốc thực vật được thu gom chung với CTRHC khác để sản xuất phân com post, gây khó khăn và phức tạp cho quá trình xử lý và hiệu quả xử lý. Trong thành phần của tế bào thực vật bao gồm 6 chất sau: xenluloza, inulin, chitin, xylan, pectin, lignin. Sự khó phân hủy của xenluloza trong điều kiện tự nhiên còn liên quan đến 2 thành phần pectin và lignin, 2 thành phần này thường kết hợp với xenluloza thành lignocellulose và pectinocellulose. Tuy nhiên, xenluloza là một trong những thành phần chủ yếu của các tổ chức thực vật, là hợp chất polysaccarit cao phân tử rất bền vững. Trong khuôn khổ giới hạn của bài báo, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về xenluloza - cấu tạo phân tử xenluloza, cơ chế phân giải xenluloza; các giải pháp thu gom, phân loại, phân dòng vật chất chất chất thải rắn theo đặc điểm, tính chất của chất thải, cũng như các kỹ thuật và công nghệ xử lý chất thải rắn hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc thực vật.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng/ 2018, số 32, tr.80-83

  1. Xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay: thực trạng và giải pháp/ Đặng Quốc Anh

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng tình hình xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Việt Nam nói chung trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn công nghiệp, bảo vệ môi trường.

Nguồn trích: Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội/ 2017, số 2, tr. 9-15

  1. Tình hình quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa Và giải pháp thời gian tới/ Lê Văn Bình

Tóm tắt: rong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện, từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo các quy định của pháp luật. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 5 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và 75 khu xử lý tập trung tại các địa phương; đối với chất thải y tế nguy hại tỉnh đã quy hoạch 9 cụm xử lý trên địa bàn tỉnh. Đến nay đang triển khai thực hiện 3 khu xử lý chất thải rắn trọn gđiểm và có 42 khu xử lý chất thải rắn, 9 cụm xử lý chất thải y tế nguy hại đang hoạt động. Hiện, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng hon 2.100 tấn/ngày, trong đó 85% khối lượng được thu gom, xử lý bằng 2 hình thức chủ yếu là chôn lấp và đốt. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng hơn 1,2 triệu tấn, trong đó 92,5% được tái chế, tái sử dụng; khối lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 16.600 tấn/năm, trong đó 80% khối lượng được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn... 

Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2021, số 5, tr.25-26

  1. Giải pháp công nghệ xử lý rác thải quy mô nhỏ thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam/ Lê Hạnh Chi, Ứng Thị Thúy Hà

Tóm tắt: Chôn lấp hợp vệ sinh hoặc không hợp vệ sinh hiện vẫn là giải pháp xử lý chất thải rắn phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay. Kiểm soát ô nhiễm môi trường gây nên bởi nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp vẫn còn là vấn đề nan giải do chi phí đầu tư và vận hành công nghệ quá cao. Các công nghệ xử lý hiện đang được áp dụng hầu như chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý, vận hành hệ thống còn nhiều bất cập do chi phí năng lượng và hóa chất cao không hiệu quả kinh tế.... Bãi chôn lấp sinh học áp dụng cách tiếp cận “không phát thải”chất ô nhiễm ra môi trường đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công ở một số nước như Mỹ, Nhật, Đan Mạch hay Slovevnia. Tại nghiên cứu này, việc kết hợp bãi chôn lấp sinh học với công nghệ xử lý bằng phương pháp hấp thụ và thoát hơi nước hoàn toàn vào không khí sử dụng các loại thực vật trồng phủ trên bề mặt các ô chôn lấp theo mô hình đề xuất “Bãi chôn lấp xanh” đã được thực hiện nghiên cứu trong điều kiện phòng thí nghiệm và triển khai thí điểm thực tế tại Đại Đồng, Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu đã làm rõ  tính ưu việt và khả năng ứng dụng mô hình bãi chôn lấp xanh cho các đô thị nhỏ ở Việt Nam vì chi phí thấp, hiệu quả cao và giảm thiểu hoặc “không phát thải” ô nhiễm ra môi trường.

Nguồn trích: Tạp chí Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi/ 2018, Số 42, tr.1-12

  1. Đề xuất các giải pháp quản lý chất thải rắn tại Trà Vinh/ Lê Việt Thắng, Cao Duy Trường, Phan Hùng Việt, Trần Thị Ngọc Thị

Tóm tắt: Trà Vinh là một trong những địa phương có địa thế quan trọng về kinh tế và quốc phòng đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quá trình đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên của tỉnh. Do đó, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) cần có các giải pháp cấp bách, đặc biệt là công tác quản lý và xử lý chất thải rắn (CTR). Việc xử lý CTR hiện đang đặt ra cho các nhà quản lý những phương án tối ưu nhất..

Nguồn trích: Tạp chí Tài nguyên & Môi trường/ 2020, số 1+2, tr.104-106