Tại sao ở thành thị thất nghiệp lại cao

Hỏi: So với năm 2004, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể nhưng lại tăng cao ở những vùng kinh tế trọng điểm. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Trả lời: Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2001 tới nay cho thấy, lực lượng lao động đang tiếp tục tăng với tốc độ cao; bình quân mỗi năm tăng 2,4%, tương đương với khoảng hơn một triệu lao động.

Trong đó, khu vực thành thị tăng gấp 2,5 lần so với nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị trong cả nước từ 15 tuổi trở lên là 5,1% và trong độ tuổi lao động là 5,3%, giảm 0,3% so với năm 2004; trong độ tuổi từ 15-24 là 13,4%, giảm 0,5%.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động lại cao ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng [5,6%] tiếp đến là Đông Bắc và duyên hải miền trung [5,1%-5,5%]; các vùng khác tỷ lệ này ở mức dưới 5%. Trong ba vùng kinh tế trọng điểm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 5,7%; hai vùng còn lại ở mức 5,6%.

Các vùng kinh tế trọng điểm giữ vị trí đứng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ tiên tiến cho nên thị trường lao động phát triển sâu rộng và đòi hỏi chất lượng lao động cao. Trong khi đó, không ít ngành nghề đào tạo lại không phù hợp với yêu cầu của thị trường, dẫn đến lao động không có nghề có tỷ trọng lớn ngày càng khó có cơ hội tìm việc làm.

Điều này có thể giải thích vì sao ở các vùng kinh tế trọng điểm tuy quy mô đầu tư lớn, tốc độ tăng trưởng cao nhưng tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động ở độ tuổi 15-24 cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước và cao hơn hẳn so với các vùng kinh tế chậm phát triển.

Hỏi: Như vậy có đáng lo ngại trước tình trạng số lượng lao động tăng không song hành với chất lượng lao động, thưa ông?

Trả lời: So với năm 2004, lực lượng lao động nước ta được bổ sung 1,143 triệu người, hầu hết là lao động trẻ, nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo không cao. Chất lượng lao động và số lượng lao động tăng không song hành đang làm gia tăng áp lực việc làm ở nước ta.

Theo kết quả từ cuộc điều tra, bình quân hằng năm giai đoạn 2001- 2005, số lao động đã qua đào tạo tăng 12,9%, như vậy mỗi năm có 983.000 lao động đã qua đào tạo bổ sung vào lực lượng lao động. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo mới chiếm 24,8% tổng lực lượng lao động, chưa đạt chỉ tiêu 30% được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ IX.

Đó là chưa kể tới chất lượng lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động phát triển, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị tập trung.

Khoảng trống việc làm ở các vị trí có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tay nghề giỏi vẫn chưa được lấp đầy, mặc dù trong lực lượng lao động vẫn đang có một số lượng không nhỏ lao động đã qua đào tạo, kể cả bậc cao đẳng, đại học thiếu việc làm.

Bên cạnh đó, sự cách biệt về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động giữa thành thị và nông thôn còn lớn, điều này sẽ gây bất lợi cho khu vực nông thôn trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới tác động ngày càng mạnh của kinh tế thị trường và xu thế hội nhập, toàn cầu hóa về kinh tế.

Hỏi: Vậy sức ép việc làm không chỉ đối với lao động nông thôn mà với lực lực lao động trẻ ở khu vực thành thị sẽ là rất lớn và đây sẽ là một khó khăn lớn khi chúng ta đang chuẩn bị bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, thưa ông?

Trả lời: Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ [15 -24 tuổi] tại khu vực thành thị là 13,4%, cao hơn 8% so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động khu vực này.

Điều này xảy ra phổ biến tại các khu đô thị tập trung, các vùng kinh tế trọng điểm, vì khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường lao động vẫn đang có độ dãn lớn. Đây là bất cập đáng lo ngại, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu hơn và yêu cầu về đổi mới khoa học - công nghệ không ngừng tăng.

Thí dụ ở một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, chủ doanh nghiệp này nhất quyết đưa lao động sang nhà máy tại Việt Nam làm việc cho dù mức lương phải trả tới 5.000 USD/tháng chỉ vì không tuyển được lao động địa phương có đủ trình độ. Nếu tuyển lao động nước ta tại vị trí đó, doanh nghiệp chỉ phải trả 200- 500 USD/tháng.

Điều này cho thấy sự hạn chế về trình độ đào tạo của người lao động đang làm giảm khả năng tiếp cận với khoa học - công nghệ, đồng thời tiếp tục tăng sức ép việc làm lên chính những lao động đã qua đào tạo.

Hỏi: Để cải thiện dần tình trạng trên, theo ông cần phải có những cơ chế và giải pháp gì?

Trả lời: Cần đưa ra một cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển. Song hành là những giải pháp tăng đào tạo cho lực lượng lao động, bao gồm cả đào tạo lực lượng lao động chất xám.

Một trong những chính sách quan trọng nhất là tiền lương, thu nhập của người lao động. Chính sách tiền lương cần được mở theo xu hướng không quy định mức lương khung đồng đều cho từng vị trí ở các thành phần doanh nghiệp khác nhau, mà điều này phải để cho thị trường lao động điều tiết.

Với độ thoáng của tiền lương, ở đâu có chất lượng lao động tốt, ở đó tiền lương, thu nhập của người lao động sẽ cao.

[Nhân dân]

22/07/2020 - 09:04 AM

Cỡ chữ

Thất nghiệp là vấn đề kinh tế - xã hội phổ biến đối với hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 [TĐTDSNO 2019] với những thông tin về tình trạng thất nghiệp đã góp phần giúp Chính phủ đánh giá cung cầu của thị trường lao động, đo lường mức độ sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển để ban hành và điều chỉnh các chính sách liên quan một cách phù hợp nhất.

Ở Việt Nam, khái niệm thất nghiệp được hiểu là những người không có việc làm, có các hoạt động tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc ngay khi có cơ hội việc làm trong giai đoạn tham chiếu.

Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp

Đổi mới kinh tế và chính trị trong 30 năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế và nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Mặc dù vậy, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện để phục vụ tốt người lao động, do đó đa số người dân phải làm mọi công việc để tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thường thấp hơn so với các nước đang phát triển. Theo kết quả TĐTDS&NO 2019, tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam là 2,05%; trong đó theo giới tính thì tỷ lệ thất nghiệp của nam giới từ 15 tuổi trở lên là 2,00%, còn ở nữ giới là 2,11%.


Ảnh minh họa, nguồn Internet


Bên cạnh đó, Kết quả TĐTDS&NO 2019 của Tổng cục Thống kê đã cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của người dân ở khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự khác biệt khá lớn. Việt Nam có tới 65,57% dân số cư trú ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn lại thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị. Tỷ lệ thất nghiệp chung của người dân từ 15 tuổi trở lên ở nông thôn chỉ có 1,64% [trong đó ở nam giới là 1,59%, ở nữ giới là 1,69%]; trong khi đó ở thành thị, tỷ lệ này lên tới 2,93% [trong đó ở nam giới là 2,86%, còn ở nữ giới là 3,01%]. Sự khác biệt về cơ hội tiếp cận thông tin về việc làm, trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng lựa chọn công việc linh hoạt của người lao động có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này.

Tính theo vùng kinh tế, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên thất nghiệp cao nhất cả nước với 2,65% dân số; tại đây tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 2,96%, ở nông thôn là 2,14%; còn theo giới tính thì nữ giới lại có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới trong Vùng với mức tương ứng là 2,71% và 2,60%. Đứng thứ 2 là Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ thất nghiệp chiếm 2,42% số dân trong vùng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với tỷ lệ 2,14%. 2 Vùng kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất cả nước lần lượt là Trung du và miền núi phía Bắc 1,20% và Tây Nguyên 1,50%.


Biểu 1: Tỷ lệ thất nghiệp theo giới tính, thành thị, nông thôn và vùng kinh tế - xã hội


Đơn vị: %

Chung Thành thị, nông thôn Giới tính
Thành thị Nông thôn Nam Nữ
TOÀN QUỐC 2,05 2,93 1,64 2,00 2,11
Trung du và miền núi phía Bắc 1,20 2,15 1,02 1,22 1,18
Đồng bằng sông Hồng 1,87 2,78 1,47 1,99 1,75
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 2,14 3,38 1,70 2,07 2,21
Tây Nguyên 1,50 1,82 1,37 1,40 1,60
Đông Nam Bộ 2,65 2,96 2,14 2,60 2,71
Đồng bằng sông Cửu Long 2,42 3,39 2,12 2,07 2,87


Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về nhóm lao động có trình độ cao đẳng [3,19%], tiếp đến là nhóm có trình độ đại học [2,61%]. Nhóm có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn lại là những lao động trình độ thấp hơn như trung cấp [1,83%], sơ cấp [1,3%] và không có trình độ chuyên môn kỹ thuật [1,99%]. Riêng đối với nhóm có trình độ trên đại học, do nhu cầu cao về trình độ chuyên môn trong thời kỳ đổi mới nên có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất [chỉ 1,06%]. Các số liệu cũng cho thấy, hầu như ở các trình độ chuyên môn kỹ thuật tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới luôn cao hơn so với nam giới, đặc biệt đối với nhóm lao động có trình độ sơ cấp [có tỷ lệ 4,57%].

Biểu 2: Tỷ lệ thất nghiệp theo giới tính, thành thị, nông thôn và trình độ chuyên môn kỹ thuật


Đơn vị: %

Chung Thành thị, nông thôn Giới tính
Thành thị Nông thôn Nam Nữ
TỔNG SỐ 2,05 2,93 1,64 2,00 2,11
Không có trình độ CMKT 1,99 2,94 1,67 2,04 1,93
Sơ cấp 1,30 1,88 0,88 0,83 4,57
Trung cấp 1,83 2,62 1,24 1,61 2,13
Cao đẳng 3,19 4,34 2,19 3,07 3,29
Đại học 2,61 3,11 1,70 2,48 2,75
Trên Đại học 1,06 1,13 0,60 0,99 1,14

Cơ cấu dân số của những người thất nghiệp

Theo Kết quả TĐTDS&NO 2019, những người thất nghiệp thường có độ tuổi khá trẻ; Hầu hết nguồn thất nghiệp có độ tuổi từ 15-54 tuổi [chiếm tới 91,7% tổng số người thất nghiệp của cả nước]; trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam giới từ 15-54 tuổi cao hơn nữ giới trong cùng độ tuổi, tương ứng là 92,6% tổng số nam giới thất nghiệp và 90,9% tổng số nữ giới thất nghiệp. Người trong độ tuổi từ 25-54 tuổi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, chiếm gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp của cả nước [47,3%]; và thực trạng này ở khu vực thành thị lên tới 52,7% và ở khu vực nông thôn là 42,9%.

Điều đáng nói là Kết quả Tổng điều tra cũng chỉ ra rằng, đối với tỷ lệ lao động thất nghiệp theo trình độ tốt nhất đạt được, người thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lao động thất nghiệp [18,9%] trong khi người thất nghiệp chưa được đào tạo hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn [bao gồm: Sơ cấp, trung cấp] chiếm tỷ trọng thấp hơn rất nhiều [6,6%].


Biểu 3: Tỷ lệ lao động thất nghiệp theo giới tính, nhóm tuổi và thành thị, nông thôn

Đơn vị: %


Tổng sốNamNữTỷ trọng nữ
trong tổng số
TỔNG SỐ 100,0 100,0 100,0 48,7
15-24 tuổi 44,4 45,7 43,1 47,2
25-54 tuổi 47,3 46,9 47,8 49,2
55-59 tuổi 3,9 3,2 4,6 57,9
60 tuổi trở lên 4,4 4,2 4,5 50,4
Thành thị 100,0 100,0 100,0 48,5
15-24 tuổi 42,5 40,2 45,0 51,3
25-54 tuổi 52,7 54,7 50,4 46,4
55-59 tuổi 2,8 2,9 2,7 47,4
60 tuổi trở lên 2,0 2,2 1,9 44,8
Nông thôn 100,0 100,0 100,0 48,9
15-24 tuổi 46,1 50,4 41,5 44,1
25-54 tuổi 42,9 40,2 45,7 52,1
55-59 tuổi 4,8 3,6 6,2 62,9
60 tuổi trở lên 6,2 5,8 6,6 52,0

Các chuyên gia lý giải có hiện trạng này là do nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc giản đơn và không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn. Ngoài ra, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng đối với nhóm lao động có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe hơn so với lao động giản đơn và cũng do nhóm lao động đã qua đào tạo thường có yêu cầu về mức thu nhập cao hơn nhóm lao động giản đơn.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội ngày nay, thất nghiệp đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu, không loại trừ một quốc gia nào từ những nước nghèo đói cho đến những nước đang phát triển hay có nền công nghiệp phát triển. Do vậy, các số liệu cụ thể về tình trạng thất nghiệp từ Kết quả TĐTDS&NO 2019 sẽ góp phần làm rõ nét hơn bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam; để từ đó Chính phủ có chiến lược cụ thể giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo đảm việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội./.


Thu Hiền

Về trang trước Gửi email In trang

Video liên quan